Xuất hiện các ca viêm não Nhật Bản ở người lớn
Hôm qua 6.7, Sở Y tế TP.Hà Nội cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, toàn TP ghi nhận 27 trường hợp viêm não vi rút, trong đó có 20 trường hợp viêm não Nhật Bản, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Bệnh nhân viêm não Nhật Bản người lớn điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư – Ảnh: Thúy Anh
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội, bệnh nhân phân bố rải rác tại 15 xã, phường của 12 quận, huyện, chủ yếu là các huyện ngoại thành. Gần 90% trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng, tiêm chủng không đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Đã xuất hiện các ca viêm não Nhật Bản ở người lớn, là trường hợp rất ít gặp vì bệnh thường ở trẻ dưới 15 tuổi. Hà Nội vừa hoàn thành chiến dịch tiêm miễn phí vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1 – 3 tuổi. Riêng tại 15 xã, phường có các ca viêm não Nhật Bản sẽ mở rộng đối tượng tiêm vắc xin viêm não đến 14 tuổi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết những ngày qua, tại khoa nhiễm của BV này bình quân có khoảng 10 trẻ bị viêm não nói chung điều trị nội trú, trong đó viêm não Nhật Bản chiếm từ 10 – 30%, và thường có trường hợp viêm não Nhật Bản nặng, phải thở máy; bệnh thường gặp ở tuổi từ 5 đến dưới 15, phần lớn bệnh nhi được chuyển từ các tỉnh đến. Tại Khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tuần qua cũng tiếp nhận rải rác một số bệnh nhi viêm não Nhật Bản đến từ các tỉnh, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê, phải thở máy… Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay: “ Bệnh viêm não Nhật Bản xảy ra nhiều từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, mặc dù số lượng không nhiều nhưng bệnh dễ gây tử vong, hoặc để lại di chứng thần kinh sau khi chữa trị – yếu tay, yếu chân, trẻ khi lớn lên kém phát triển trí tuệ”.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đến thời điểm hiện tại, TP.HCM chưa ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản xảy ra trên người lớn.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết thêm hiện nay, bệnh viêm não vi rút có giảm 10% so với cùng kỳ 2013 nhưng dự báo sẽ còn tăng trong các tháng đỉnh dịch là tháng 7 – 8. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mới chỉ có viêm não Nhật Bản là có vắc xin dự phòng. Vắc xin này đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997.
Video đang HOT
Liên Châu – Thanh Tùng
Theo TNO
Những điều cần biết về viêm não vi rút
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã giải đáp một số thắc mắc về bệnh bênh Viêm nao vi rút để giúp người dân hiểu biết và phòng tránh bệnh viêm não vi rút một cách hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Biểu hiện của bệnh và nguyên nhân gây bệnh viêm não vi rút
Về triệu chứng của bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.
Về nguyên nhân tại nước ta, các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút arbo (trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản), vi rút herpes, các vi rút đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các vi rút khác mà ta chưa biết rõ, ... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định vi rút.
Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não vi rút ở nước ta. Từ trước những năm 1997, khi nước ta bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nguyên nhân gây viêm não vi rút chủ yếu là vi rút viêm não Nhật Bản chiếm tới 61,3% trong tổng số các ca viêm não vào năm 1995. Nhờ kết quả phòng bệnh của chương trình triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản tại nước ta, số trường hợp viêm não do vi rút viêm não Nhật Bản đã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút.
Cách phòng các loại bệnh viêm não vi rút
Căn cứ vào nguyên nhân rõ ràng chúng ta phải dựa vào các nguyên nhân để phòng chống một cách thích hợp.
- Đối với các vi rút arbo, bệnh lây qua côn trùng tiết túc như muỗi, ve ... đốt, việc quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muối đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mạc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Để hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh, chúng ta cần phải thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, làm thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như nơi đẻ trứng của muỗi kết hợp với phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao.
- Đối với các chủng vi rút như herpes, sởi, quai bị,... bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, chúng ta cần phải cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Trong số các chủng vi rút này, một số chủng vi rút gây bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, quai bị, chúng ta cần phải chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này.
- Đối với các vi rút đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu do hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, trong đó việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh ăn chín, uống chín là những biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.
- Đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:
- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Vi rút viêm não Nhật Bản có phải là tác nhân duy nhất gây viêm não vi rút?
Đúng. Viêm não vi rút do nhiều loại vi rút gây nên, trong đó vi rút viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những tác nhân gây bệnh này. Hiện nay viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10 đến 15% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút.
Theo Vnmedia
Cảnh giác viêm não Nhật Bản đang vào mùa Theo các chuyên gia y tế, tháng 6 đến tháng 8 là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở các tỉnh phía Bắc. Hiện một số bệnh viện đã ghi nhận các ca viêm não Nhật Bản. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước ghi nhận 280 trường hợp mắc viêm não, trong...