Xuất hiện bệnh nhi biến chứng viêm não sau mắc cúm
Theo ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số bệnh nhi đang điều trị tại khoa thì trẻ mắc cúm chiếm tỷ lệ cao (trên 30 trẻ). Từ đầu năm 2019 đến nay đã có 3 ca biến chứng viêm não sau cúm, tăng cao so với mọi năm.
Có mặt tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương vào sáng 15-2, chúng tôi chứng kiến nhiều trẻ phải nhập viện do cúm mùa đang bùng phát. Tại phòng bệnh nhi mắc cúm nặng, chị Nguyễn Thị Thúy (Mỹ Đức, Hà Nội) đang dỗ con trai 7 tháng tuổi cho biết: “Cháu sốt 39 độ 3 ngày, uống thuốc hạ sốt không giảm, có cơn co giật, gia đình mới đưa vào đây. Nhưng may quá cháu chưa bị biến chứng”.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe cháu bé đã tiến triển tốt. Trong phòng có 4 bệnh nhi đều là ca nhiễm cúm nặng, nhập viện trong tình trạng sốt cao không giảm, co giật nhưng may mắn đều đến viện kịp thời.
Trước đó, hai ca bệnh vào nhập viện điều trị tại Khoa Truyền nhiễm đã bị biến chứng viêm não. Bệnh nhi 5 tuổi nhập viện với triệu chứng trạng sốt cao, nôn khan và đau đầu. Bệnh nhi 2 tuổi sau 3 ngày sốt cao, đến ngày thứ 4 đỡ sốt nhưng lại li bì, chậm chạm, ngủ cả ngày không tỉnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các cháu đều bị viêm não do biến chứng sau cúm.
Sau một thời gian điều trị tích cực, sức khỏe 2 bệnh nhi đã hồi phục và xuất viện. Hiện tại Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho 1 bệnh nhi biến chứng viêm não sau cúm. Theo Ths.bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhi này đã hồi phục, tỉnh táo hơn, hết tình trạng ngủ li bì.
Ths.bs Đỗ Thiện Hải cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 3-15 trẻ nhiễm cúm vào điều trị. Cúm là bệnh viêm đường hô hấp do virut cúm gây lên, bệnh lây lan rất mạnh qua đường hô hấp. Triệu trứng là các bé sốt rất cao (39-40 độ), nếu xử lý thuốc hạ sốt không tốt sẽ gây tình trạng co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
Video đang HOT
Ngoài sốt còn một số triệu chứng khác như ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản. Biến chứng hay gặp nhất của cúm là sốt quá cao gây co giật (trên 39,5 độ), viêm phổi có thể do virut cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác có trong hầu họng của bệnh nhân.
Tuy nhiên, theo BS Hải, biến chứng năm nay xuất hiện nhiều hơn là viêm não sau cúm. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã ghi nhận có 3 ca biến chứng viêm não sau mắc cúm, tăng hơn so với mọi năm (những năm trước cả năm chỉ có 1-2 ca).
Triệu chứng viêm não là sau khi xuất hiện các biểu hiện cúm từ 2- 3 ngày, trẻ bắt đầu chậm chạm, ngủ nhiều, có trẻ buồn nôn, nôn khan, co giật, có trẻ lại có một số biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng thần kinh trung ương như li bì, hôn mê, co giật.
Mùa đông – xuân là thời điểm thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp phát triển, đặc biệt là dễ lây lan ở các nơi tập trung đông người. Bệnh viêm đường hô hấp hay gặp ở người lớn là cúm, trẻ em là cúm, sởi, ho gà, quai bị. “Nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong vòng 48h đầu, có triệu chứng sốt thì sử dụng thuốc tamiflu mới có tác dụng.
Sau 48h chủ yếu chỉ điều trị hạ sốt và chăm sóc cho bé để phòng biến chứng. Phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt paracetamol 6h/lần để giảm nguy cơ co giật. Cho trẻ sử dụng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi, trẻ lớn dùng nước muối loãng để rửa mũi, xúc họng. Phải chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để giúp nhanh phục hồi cơ thể, đặc biệt trong các bệnh nhiễm trùng” – BS Hải khuyến cáo.
Hầu hết các bệnh nhân mắc cúm nên điều trị tại nhà, tuy nhiên phải theo dõi một số dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục không hạ, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, khó thở, không chịu chơi…phải đưa trẻ đi viện để tránh biến chứng. Biến chứng viêm não sau cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong.
BS Hải cũng cho biết, những trẻ em trên cơ địa viêm tiểu phế quan, co thắt tiểu phế quản, hen phế quản, béo phì thì phải đặc biệt lưu ý vì đây là nhóm sẽ làm cho bệnh cúm rất nặng.
Các chủng cúm thông thường ở Việt Nam như H1N1, H3N2 đều có vaccine phòng ngừa, nhưng tỷ lệ tiêm phòng cúm ở nước ta còn rất ít. BS Hải khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine để phòng tránh cúm, tốt nhất là tiêm vào mùa thu để khi tới mùa đông – xuân, xuân – hè khi dịch xảy ra hạn chế được nguy cơ mắc bệnh.
Trần Hằng
Theo Công an nhân dân
Nguy kịch vì cúm: Hắt hơi, sổ mũi cũng là dấu hiệu bệnh chết người
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai hiện Khoa đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc bệnh cúm A/H1N1 trong tình trạng rất nguy kịch.
Viêm phổi biến chứng ARDS do cúm mùa
Bệnh nhân L.Đ.C (nam, 64 tuổi, ở Sơn Tây Hà Nội) được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai lúc 17h 5' ngày 25/1/2019 trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.
Theo lời kể của người nhà, trước đó 6 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực, đi khám tại tuyến cơ sở được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất song tiên lượng sống của bệnh nhân còn rất dè dặt.
Bệnh nhân nam khác 48 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội xuất hiện các triệu chứng thông thường của cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân. Đáng lưu ý, trước đó gia đình anh cũng có vài người mắc cúm. Nghĩ là chỉ mắc cúm thông thường nên phải đến 4 ngày sau anh mới nhập viện điều trị. Lúc này anh đã có biến chứng suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào nguy kịch. Hiện tại quanh người anh là rất nhiều máy mọc hiện đại nhất như hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, máy lọc máu liên tục, thở máy để mong giữ được tính mạng.
Khoa Hồi sức tích cực đã lấy mẫu xét nghiệm cho cả hai bệnh nhân trên. Theo kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa trả lời, cả hai trường hợp đều dương tính với vi rút cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa). Mặc dù không phải nhiễm cúm gia cầm H5N1 như nghi ngờ trước đó song với những biến chứng nguy kịch như trên, việc chúng ta cảnh giác với cúm là không thừa.
Một số trường hợp bị cúm, bệnh có thể tiến triển nặng: sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt là những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ....Ảnh: Internet
PGS Cơ cho biết, đa số các trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Ở giai đoạn đầu bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn ... Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 - 41 độ C,
Tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng: sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt là những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ....Vì thế, khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Thái Hà
Theo Tiền phong
2 người nguy kịch vì bệnh đơn giản "hắt hơi, sổ mũi" Cứ tưởng cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi thông thường, tuy nhiên, hai bệnh nhân mắc cúm mùa H1N1 đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch, dù đã được hồi sức tích cực bằng các kỹ thuật hiện đại khác nhưng tiên lượng sống vẫn rất dè dặt. Tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua, bệnh viện đang...