Xuân về trên cổng trời Quản Bạ
Trong những chuyến lang bang ngược miền trời tột bắc, tôi đã đôi lần chạm cổng trời Quản Bạ…
Năm nay, khi ông trời vừa châm lửa hoa đào trên đỉnh núi, tôi lại có dịp trở lại nơi đây, để lần nữa du ngoạn qua những con đường cong cua, quyến rũ, để được hòa mình vào không khí chợ phiên ngày cận Tết, để được nâng bát rượu ngô, để được chênh chao theo những điệu khèn…
Dọc theo quốc lộ 4C từ Tp. Hà Giang, tôi đã nhìn thấy hương vị Tết qua cái màu sậm rét mướt trong những bộ trang phục sặc sỡ của đồng bào. Năm nay, dường như xuân đến sớm. Trên những nương đá tai mèo rợn ngợp dựng trước đất trời cao, thỉnh thoảng lại bất chợt hiện lên những thân đào rêu mốc, xù xì, cành dày đặc nụ kiêu hãnh bung nở giữa hoang hoải màu đá thâm trầm và lạnh lẽo. Từ khắp các bản làng , từng đoàn người gùi mang măng, khoai, sắn, gà, lợn, đồ thổ cẩm… dũi lút vào mây tìm đường xuống chợ.
Chỉ một lần lạc vào cái phiên chợ Quản Bạ ngày cận Tết, mới thấy cái hương vị hoang sơ khoáng đạt của người vùng cao nó quyến rũ như thế nào. Người đến từ những đỉnh núi xa, họ uống vài chén rượu, chao nghiêng người leo núi như những cánh đại bàng. Họ xuống chợ, không chỉ bán mua, trao đổi những sản vật, mà còn giao lưu, hò hẹn, để tạm quên đi những lam lũ đời thường. Để ai muốn nhớ ai thoải mái, ai nợ tình ai thì giả, thậm chí ai với ai bị đau đáu món nợ thịt da tính dục thì tìm đến nhau cho thoả nỗi buồn ngăn sông cấm chợ. Hình như, người ta biết rất rõ, ngoài cuộc sống này có quá nhiều âu lo, quá nhiều cái vô thức nó đeo bám, nên thỉnh thoảng đồng bào lại mở ra phiên chợ để giải tỏa những ẩn ức ái tình!
Hoa đào, hoa mận đã bung nở khắp muôn nhà.
Nhưng, vui nhất, háo hức nhất có lẽ là những đứa trẻ chạm tuổi 9-10 được theo bố mẹ đi chợ cuối năm. Bởi, đây là dịp mà chúng không phải chân trần, thịt da ngoang nguếch đeo gùi từng nắm đất bỏ vào hốc đá giúp mẹ trồng trỉa lúa ngô trên những mảnh nương khô khát, hay không phải trông em, không phải gà gật bên nồi nấu rượu. Chúng được tự do vui đùa trong thoáng chốc. Thế nào chúng cũng được mẹ mua cho vài thanh kẹo mút, vài nắm bỏng ngô, hay tấm áo tà pủ mới, tấm khăn áo sặc sỡ với những tua rua đỏ như trái cầu kén rể.
Chợ phiên cuối năm, không khí như ngày hội, khắp nơi đều sặc sỡ sắc màu xanh, đỏ, tím, hồng của váy áo, nhìn xa như một vườn hoa di động. Ba thứ đặc sản không thể thiếu ở đây là “lợn cắp nách”, “gà chạy bộ” và rượu ngô men lá của đồng bào. Nếu như rượu cũng được bà con dân bản mua khá nhộn nhịp thì “lợn cắp nách”, “gà chạy bộ” gần như tuyệt đối do tư thương mua buôn về bán lại tại chợ huyện hay chuyển về miền xuôi.
Trong khi các bà, các mẹ tất bật sắm sửa nhu yếu phẩm cho ngày Tết như mắm, muối, mì chính, bánh kẹo, đôi dép mới… thì các thiếu nữ lại say mê lựa chọn vải thổ cẩm, áo, chỉ màu, gương lược và đôi hộp phấn son nho nhỏ. Đám thanh niên mới lớn thì tập trung quanh hàng băng đĩa và điện thoại di động chọn mua những đĩa nhạc sôi động nhất, tải những bài hát “hot” nhất về điện thoại của mình.
Người ta bảo rằng, Tết của người vùng cao đến sớm hơn Tết miền xuôi. Có lẽ tại ông Trời châm lửa, thắp đỏ cho hoa đào theo cái cách châm từ trên đỉnh núi cao, châm dần xuống chân núi, xuống gò đồi trung du, rồi mới về đồng bằng châu thổ bãi bồi. Lưỡi khí xuân liếm đến đâu, hoa đào bung sắc tới đó. Xuân vùng cao bao giờ cũng đến sớm. Người Hà Nội vừa mới rục rịch lo sắm Tết; thì người vùng cao đã giết dê, giết lợn, giết bò… ăn với nhau rất nhiều bữa tiệc núi rồi.
Những em bé “gùi xuân” xuống chợ.
Video đang HOT
Nhấp chén rượu sóng sánh, Sùng A Khay, người ở bản Cán Tỷ, cất giọng ề à, mấy năm gần đây, bà con thường ăn Tết to, tổ chức lễ hội thật vui, không còn kham khổ như ngày trước. Tại vì có con đường. Con đường Hạnh Phúc dài gần 400km chạy hiên ngang qua biển đá tai mèo, mở ra cuộc sống ấm no cho hơn tám vạn đồng bào sống phía sau cổng trời Quản Bạ. Con đường đã đánh thức, giác ngộ cả một miền đất mẹ mênh mông bị chìm khuất trong mây mù tự hồng hoang và không ít lầm lạc trong những khúc quanh của lịch sử, khi mà kẻ xấu đã xây dựng một bức tường đá và một cánh cổng gỗ nghiến dày 150mm án ngữ cổng trời này để lừa mị đồng bào.
Quả thật, kể từ khi có “con đường mơ ước” ấy, đời sống đồng bào đã bớt nhiều lần khốn khó. Hàng hóa dưới xuôi lên với Quản Bạ nhanh hơn, đầy đủ hơn; ngược lại vật phẩm, nông sản từ Quản Bạ cũng không bị tư thương ép giá như ngày trước. Hàng quán, phố xá cũng theo đường mọc lên, bọn trẻ đã biết đến hình dáng chiếc ô tô, xe máy…
Thế mới thấy được biết bao công sức của những lớp người đi trước đã đổ xuống để lập nên kỳ tích lẫm liệt dựng lên con đường Hạnh Phúc. Hai triệu ngày phá đá của tuổi trẻ Việt Nam, đã thực sự là nhân cốt đánh thức vùng cao nguyên mênh mông muôn đời ngủ quên trong mây cao phía sau mấy cái cổng trời kia.
Một góc chợ vùng cao.
Xét ở một góc độ nào đó, Quản Bạ nói riêng và cao nguyên đá Đồng Văn nói chung đúng là một bài thơ biên tái diệu vợi, khoáng đạt cất lên trên những đỉnh núi cao. Núi ủ trong mây mù, mây mù ôm cuốn lấy sông núi du mục bản làng nguyên sơ với vòi vọi thành quách đá. Đá mọc thành nương, thành rẫy, đá chạy vào cả sân nhà, gầm sàn, chạy vào cả trong giấc ngủ chập chờn, mộng mị của đồng bào.
Mùa đông ở đây, dường như giá buốt hơn. Cái lạnh đủ sức len lỏi qua lớp áo khoác, tràn qua cả lớp tường trình đất dày cả mét để xâm vào da thịt. Những thân ngô mọc lên từ vốc đất người dân gom bỏ trong từng hốc đá, gặn chắt bao giọt mồ hôi đắng đót của bà con đã cho một mùa bội thu, hứa hẹn một cái Tết đủ đầy.
Đứng từ cổng trời Quản Bạ, nơi có độ cao hơn 1.500m, nhìn về bốn phía chỉ thấy một màu xám lạnh đá tai mèo. Đá hiện hữu khắp nơi, song hành cùng đời sống con người. Đá vừa là bạn, vừa là “đối thủ” của đồng bào trong cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống ấm no.
Ngay gần cổng chợ, mặc xe máy chạy vèo vèo, mấy em gái Mông má đỏ hây nổi lửa nướng ngô nếp nương. Mùi thơm bay vòng vòng theo làn khói. Cạnh đó, bà cụ bán xôi bảy màu ướp tẩm nhuộm quết toàn bằng lá với rễ cây rừng với hương vị rất ngậy, rất lành và ngồ ngộ. Có ông cụ chỉ ẵm một con mèo con xuống chợ, thế cũng thành một phiên. Mèo bậu trên đầu gối ông mà vẫn còn ngo ngoe kêu như nhớ mẹ. Có cô em má đỏ hây hây, miệng cười lấp lóe răng vàng, tay cầm một bó dây thừng loằng ngoằng, mỗi sợi dây buộc cổ một con lợn con con. Chúng đang lồng lên đòi dũi vào rừng. Em đi bán cả đàn lợn. Bán lấy tiền sắm Tết. Nhìn cái cảnh nhộn nhịp người mua, kẻ bán ấy khiến người ta có cảm giác ấm áp lạ kỳ.
Chợ đông nhất vào lúc gần trưa, khi men rượu đã đủ châng lâng, khi nắng xuân đã len lỏi soi rõ mặt người, cũng là lúc những tiếng khèn Mông đâu đó réo rắt vang lên. Những cô gái, chàng trai má đỏ hây hây đi thành từng nhóm, mặt mày rạng rỡ. Họ tranh thủ trao nhau ánh mắt, nụ cười và không quên lời hẹn hò cho phiên chợ lần sau. Những câu chuyện cứ dài ra, chảy mãi…
Tạm biệt rẻo cao trong đằm thắm sắc màu thổ cẩm, quấn quýt men nồng rượu ngô, chợt lắng lòng khi bắt gặp những vườn mận, vườn đào nhiều nụ hoa đã bung cánh tự bao giờ. Bên hiên nhà đơn sơ, những sắc hoa đung đưa trong khói lam chiều. Mùa xuân đã về trên cổng trời.
Theo 24h
Những cung đường trên mây
Đó là kết quả của chuỗi những hành trình lang thang khám phá, để rồi "nỗi ám ảnh đường cong" hiện lên qua những khung hình.
Với dân đi "bụi", những cung đường đã trở thành một nỗi nhớ có thể "điểm mặt, chỉ tên" mà người không đi có lẽ không bao giờ hiểu được.
Đi bụi bằng xe gắn máy luôn mang lại những cảm xúc khó tả. Đó là một bản hòa ca của nhiều nỗi nhớ.
Nhớ tiếng cười của cô gái ven đường, tiếng xe máy ngược chiều vội vã, nhớ ly cà phê nóng rực nơi đỉnh đèo và câu chuyện buồn của bạn đồng hành, nhớ những đường cong mê mải ở Yên Minh, Sủng Là, Săm Pun, Mèo Vạc... Nhớ núi rừng, bản làng, nhớ cả sự mệt mỏi trong những chuyến di chuyển dài hàng nghìn kilômet...
Dân đi "bụi" gặp nhau cà phê hay trà đá ở vỉa hè Hà Nội, thường khiến người bàn bên ngạc nhiên khi thốt lên một câu cảm thán "Nhớ đường quá!".
Nếu chưa từng chia sẻ cảm xúc được chạy xe trên đỉnh đèo lộng gió, dưới ánh mặt trời màu đỏ, qua những rừng thông mù sương, bồng bềnh trên con đường mây trắng hay rực rỡ trong ánh nắng, căng ngang những bản làng mộc mạc và bình yên, có lẽ bạn sẽ không bao giờ hiểu tình yêu và nỗi nhớ mà dân đi "bụi" dành cho những cung đường.
Hà Giang - những cung đường là một phóng sự bằng hình ảnh mà qua đó tôi muốn gửi tình cảm và nỗi nhớ của mình tới những vùng đất xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc, nơi bước chân tôi đã từng đi qua - cao nguyên đá Hà Giang...
Đường lên Quản Bạ vào một buổi sớm tràn nắng, những đám mây bồng bềnh vắt ngang dãy núi khiến con đường trở nên hư ảo lạ thường.
Bất chợt con đường như một chuỗi ngọc đeo trên cổ cô gái miền sơn cước khi nối Quản Bạ với Yên Minh
Tới rừng thông Yên Minh vào ngày mù sương, sẽ thấy thấp thoáng bóng những người dân tộc trong màn sương mờ phủ mộng mị và hư vô.
Để rồi lữ khách đường xa ngẩn ngơ trước nụ cười của cô bé áo vàng đang đứng chơi bên bờ taluy âm, con đường nối Phố Cáo với Sủng Là loanh quanh và miên man như dải lụa.
Từ ngã ba đường đi Phó Bảng, thung lũng Sủng Là hiện ra đẹp như cổ tích, con đường cong cong mềm mại, những hàng thông, những thửa hoa màu, những ngôi nhà trình tường hiện lên như trong tranh.
Một góc Sủng Là trong bồng bềnh sương và nắng sớm.
Mã Pí Lèng hùng vĩ và tráng lệ trong nắng miền biên ải.
Đường đi Săm Pun vời vợi và quanh co
Theo Bưu Điện Việt Nam
Ta tìm về với chợ tình Khau Vai Chợ "phong lưu" Khau Vai, phiên chợ tình độc đáo miền đá núi Mèo Vạc, Hà Giang. Người ta đến đây để hò hẹn và để trao cho nhau bao tình cảm sau năm dài thương nhớ. Khau Vai nằm trong một thung lũng đẹp, xung quanh là những dãy núi cao chót vót . Từ Hà Giang, đi thêm gần 150 cây...