Xuân sớm cho học trò nghèo
Giúp học trò vui xuân, đón Tết, trường học ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.
Trong đó, phong trào nuôi heo đất giúp bạn nghèo luôn được thầy, trò ủng hộ. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những con heo đất được đập ra để tặng bạn học phần quà ý nghĩa…
Trường TH Hàm Giang B, huyện Trà Cú ( Trà Vinh) có gần 100% HS dân tộc Khmer.
Nuôi heo đất giúp bạn nghèo!
Đây là phong trào được thầy, trò Trường TH Hàm Giang B (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) duy trì hơn 10 năm qua. Với gần 100% học sinh là con em đồng bào Khmer, dù được quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ địa phương nhưng nhiều hộ gia đình còn khó khăn, đặc biệt là lo cho con việc học.
Thấu hiểu khó khăn đó, từ năm học 2007 – 2008, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo” và “Hũ gạo tình bạn”. Theo đó, nhà trường trang bị cho mỗi lớp một con heo đất và một hũ gạo, các lớp tự quản lý, đóng góp để nuôi heo và góp gạo. Đồng hành cùng học sinh, tập thể giáo viên nhà trường cũng sắm một con heo đất để cùng nhau đóng góp; đến khi đập heo đem ra cùng góp với học trò.
Theo chia sẻ của thầy Cao Văn Tần – Hiệu trưởng nhà trường: “Để giúp học sinh nghèo vui xuân, đón Tết, thầy trò các lớp tiến hành bỏ ống heo và góp gạo. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và mạnh thường quân. Những ngày giáp Tết, tập thể nhà trường cùng với các lớp sẽ tổ chức đập heo đất, mua áo mới tặng học sinh nghèo và tặng gạo, quà cho các em vui Tết.
Chỉ tính dịp Tết Nguyên đán, thầy trò Trường TH Hàm Giang B quyên góp được hàng trăm kg gạo tặng cho học sinh; hàng chục chiếc áo và nhiều suất học bổng. Đây là nguồn động viên lớn giúp các em có hoàn cảnh khó khăn vui xuân, đón Tết và thêm gắn bó với trường lớp, bạn bè”.
Cô, trò Trường TH Trần Đại Nghĩa (Vĩnh Long) kiểm số tiền đập heo đất chuẩn bị quà Tết cho HS nghèo.
Nhờ phong trào thiết thực này mà nhiều học sinh của trường được tiếp sức. Những em hoàn cảnh gia đình khó khăn, có ý định bỏ học giữa chừng đã được hỗ trợ, yên tâm đi học. Trường lo nhất là thời điểm nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh dễ bỏ học theo gia đình đi làm ăn xa hoặc khó khăn quá sẽ bỏ học giữa chừng. Từ chương trình Nuôi heo đất và Hũ gạo tình bạn, nhiều em có áo mới, có gạo, được học bổng nên không nỡ xa bạn bè, thầy cô.
“Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng các em luôn nêu cao ý thức chia sẻ cùng bạn. Có em dành tiền ăn quà bánh để bỏ vào heo đất hoặc đem gạo đến góp vào hũ. Bên cạnh đó còn có sự đồng hành của thầy cô, phụ huynh và cộng đồng… Tất cả chung tay để các em có một mùa xuân ấm, thêm gắn bó với mái trường và bạn bè. Nhờ đó mà chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể…”, thầy Đinh Quốc Cường, Tổng phụ trách Đội, Trường TH Hàm Giang B chia sẻ.
Video đang HOT
Hỏi kế hoạch trao quà cho học sinh dịp Tết sắp đến, thầy Cao Văn Tần vui vẻ cho biết: “Hiện nhà trường có 2 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu với 10kg gạo mỗi tháng và tiền học bổng. Tình hình nuôi heo đất của các lớp cũng rất khả quan, 17 lớp nuôi được 17 con và tập thể giáo viên nuôi một con. Dự kiến giáp Tết Nguyên đán sẽ tổ chức đập heo, tổng kết để trao quà, học bổng cho học sinh khó khăn”.
Thầy Tần cho biết thêm: Theo thông lệ, trường tổ chức trao mỗi năm 2 lần. Lần thứ nhất là dịp Tết Nguyên đán và lần thứ hai là trước khi các em nghỉ hè. “Thầy trò nhà trường luôn cố gắng để phong trào ngày càng lớn mạnh, có sức lan tỏa. Với cách làm này, trường mong muốn các em yên tâm học tập, vì luôn có thầy cô, bạn bè đồng hành, giúp đỡ. Không chỉ dừng lại ở việc trao tặng những phần quà, đó còn là bài học sâu sắc giáo dục các em về kỹ năng sống, sự quan tâm, chia sẻ…”.
Các em HS cùng nuôi heo đất đến dịp Tết đến, xuân về tặng bạn những phần quà ý nghĩa.
Cùng bạn vui xuân
“Ngày hội mổ heo đất – giúp bạn nghèo vui xuân đón Tết” là chương trình nhận được sự tham gia nhiệt tình của thầy, trò Trường TH Trần Đại Nghĩa (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Phong trào do Liên đội nhà trường tổ chức hằng năm vừa giúp học sinh nghèo đón Tết, vừa gây quỹ Đội cho các hoạt động phong trào Đội, Sao của nhà trường. Theo đó, mỗi lớp nuôi 1 con heo đất – công trình kế hoạch nhỏ của mỗi lớp cố công xây dựng trong hơn 4 tháng của học kỳ 1.
Heo đất hàng ngày, hàng tuần được các em chăm sóc, “cho ăn” bằng những khoản tiền nho nhỏ dành dụm được sẽ đập ra vào dịp Tết. Không khí mổ heo đất trong sự háo hức, reo hò của các em học sinh. Các giáo viên chủ nhiệm cũng hồi hộp không kém vì không biết học sinh của mình đã thực hiện tốt như thế nào? Sau một tiếng trống trường, tất cả 28 lớp đồng loạt đập heo, tiếng nổ giòn tan của những con heo đất thể hiện được niềm vui mừng của em học sinh gặt hái thành quả tích cóp của mình.
Phong trào Kế hoạch nhỏ và “Nuôi heo đất – giúp bạn nghèo” của Trường TH Trần Đại Nghĩa là một trong những phong trào có ý nghĩa lớn trong việc tiếp sức cho những Đội viên có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Trong đợt mổ heo đất trước, tổng số tiền thu về được trên 7 triệu đồng. Những lớp đạt chỉ tiêu sẽ được tuyên dương toàn trường và được khen thưởng vì đã xuất sắc hoàn thành phong trào.
HS Trường THCS Nguyễn Trãi (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) quyên góp Hũ gạo tình bạn giúp bạn nghèo dịp Tết Nguyên đán.
Từ số tiền này sẽ có những phần quà tiếp tục được trao cho những em học sinh để tiếp sức đến trường. Còn các em học sinh hiểu được hơn về tình cảm bạn bè, thế nào là “lá lành đùm lá rách”; hình thành được nhân cách cao thượng, hành động biết sẻ chia, kỹ năng sống, là một trang kỷ niệm đẹp với mái trường thân thương…
Theo thầy Trần Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường TH Trần Đại Nghĩa, các em đã biết tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí, biết chia sẻ và sử dụng đồng tiền có ý nghĩa. Từ đó, biết yêu quý, trân trọng hơn công sức lao động của mẹ cha. Đây là phong trào có tính nhân văn sâu sắc, nhất là đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phong trào như một nguồn động viên về vật chất và tinh thần để các em có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Tỉnh Bạc Liêu cũng là một trong những địa phương có phong trào nuôi heo đất phát triển mạnh và rộng khắp. Theo Hội khuyến học tỉnh, trong 9 tháng của năm 2019, phong trào nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học trên địa bàn tiếp tục thu được hiệu quả cao. Toàn tỉnh đã khui hơn 78.600 con heo đất, thu được trên 27,4 tỷ đồng.
Phong trào nuôi heo đất sôi nổi nhất phải kể đến TP Bạc Liêu (nuôi 12.042 con, thu hơn 4 tỷ đồng); huyện Hòa Bình (nuôi 6.997 con, thu hơn 1,9 tỷ đồng); huyện Vĩnh Lợi nuôi 3.804 con (thu hơn 1,8 tỷ đồng); Thị xã Giá Rai (nuôi 16.402 con, thu hơn 6,2 tỷ đồng); huyện Đông Hải (nuôi 10.072 con, thu hơn 5 tỷ đồng); huyện Phước Long (nuôi 21.793 con, thu hơn 5,2 tỷ đồng); huyện Hồng Dân (nuôi 7.534 con, thu hơn 3 tỷ đồng)…
Đặc biệt, các trường học nuôi heo đất đạt hiệu quả cao như Trường TH Tôn Đức Thắng (632 con, thu hơn 700 triệu đồng); Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (609 con, thu hơn 473 triệu đồng); Tiểu học Quang Trung (587 con, thu hơn 897 triệu đồng); THCS Lê Hồng Phong (990 con, thu hơn 612 triệu đồng); THCS Hồ Thị Kỷ (897 con, thu hơn 127 triệu đồng); THCS Tạ Tài Lợi (535 con, thu hơn 213 triệu đồng); THCS Trần Phú (607 con, thu hơn 151 triệu đồng)… Với số heo đất và kết quả thu được, năm nay học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu yên tâm vui xuân, đón Tết.
Từ phong trào nuôi heo đất, học sinh nhiều trường phổ thông ở ĐBSCL chung tay đem yêu thương đến cho các bạn hoàn cảnh khó khăn bằng những tấm áo, túi gạo… Thời điểm giáp Tết Nguyên đán cũng là lúc các trường học kết thúc chương trình học kỳ 1 nên nhiều hoạt động giúp đỡ học sinh nghèo để các em yên tâm đón Tết.
Từ những cách “cho” và “nhận” các phần quà trong dịp tết Nguyên Đán của học sinh, đã tạo thành những nét đẹp văn hóa được duy trì xuyên suốt nhiều năm liền trong mỗi nhà trường. Nghĩa cử đẹp khi biết chia sẻ với bạn bè để tình bạn thắm thiết hơn; quan tâm bạn bằng những điều giản đơn, thiết thực nhất cho cuộc sống để cả người cho và người nhận cảm thấy ấm lòng. Một mùa xuân ý nghĩa là mùa xuân đem yêu thương chan hòa cho tất cả mọi người.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, thầy trò Trường TH Hàm Giang B tất bật chuẩn bị chăm lo để làm sao cho heo đất được đầy tiền, hũ gạo cũng đầy ắp và thêm nhiều áo mới, học bổng cho học sinh. Không ai bảo ai, các thầy cô đều tự giác trích phần lương của mình mua tặng quần áo, gạo, học bổng để buổi lễ trao quà cho học sinh thêm ấm áp. “Của ít, lòng nhiều”, mỗi phần quà nhà trường gửi tới học sinh là niềm vui, niềm tin để các em vượt qua khó khăn, tiếp bước con đường học tập… – Thầy Cao Văn Tần
Bài và ảnh: Quốc Ngữ
Theo giaoducthoidai
Lý do 5 hộ dân ở Kon Tum viết đơn xin thoát nghèo
5 hộ dân ở Kon Tum đã viết đơn xin hết nghèo với mong muốn tự lực vươn lên, không ỷ lại Nhà nước, đồng thời nhường sự ưu đãi cho những hộ còn khó khăn hơn.Đặc biệt, trong số này có đến 4 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhường suất hộ nghèo cho hộ nghèo hơn
Xã Đăk Tơ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) là một xã đặc biệt khó khăn với 1.300 hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 545 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo. Kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu là trồng trọt, trình độ canh tác còn hạn chế. Mặt khác, đa phần các hộ gia đình đều đông con, kinh tế hết sức khó khăn. Nhưng không vì thế mà người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Mới đây, trên địa bàn xã có 5 hộ dân viết đơn xin thoát diện hộ nghèo là hộ chị Y Byenh, anh A Cách, hộ anh A Thang, hộ anh A Lanh và hộ anh Phạm Quyết Chiến. Điều đáng nói là họ xin thoát nghèo không hẳn vì đã khá giả mà vì lòng tự trọng, muốn tự thân vươn lên, đặc biệt là muốn nhường lại suất nghèo đó cho những gia đình còn khó khăn hơn.
Đến với gia đình anh Phạm Quyết Chiến (36 tuổi trú tại thôn 12, xã Đăk Tơ Re), trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 xuống cấp và cũ kỹ, bên trong dường như không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi được anh mua đã hơn 10 năm.
Ngồi bên chiếc giường, anh Chiến kể, năm 2004, anh theo bố mẹ từ Vĩnh Phúc vào đây lập nghiệp. Đến năm 2005, anh cưới vợ. Nay, hai vợ chồng anh đã sinh được 3 cháu, cháu gái lớn nhất học lớp 8, một cháu trai học lớp 7 và một cháu trai mới được 20 tháng tuổi.
Anh Phạm Quyết Chiến tuy còn khó khăn nhưng vẫn tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Ảnh: Văn Hà
Là người sinh ra đã bị tật bẩm sinh ở hai chân, đi lại khó khăn, phải dùng một chân giả mới có thể đi lại được, nhưng anh Chiến không khuất phục số phận. Với niềm tin và quyết tâm thoát nghèo, anh Chiến đã làm rất nhiều việc như phụ hồ, bốc vác, làm rẫy..., ai thuê gì làm đó để kiếm tiền chăm lo các con ăn học. "Trong gia đình, tôi là lao động chính, vợ thì ốm yếu hay đau bệnh suốt nên không làm việc nặng được. Trong năm vừa rồi, tôi phải đưa vợ vào TP.HCM để mổ sỏi thận 2 lần", anh Chiến tâm sự.
"Tuy cuộc sống của gia đình khó khăn, nhưng nhìn những hộ dân trong xóm, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đông con còn khó khăn hơn mình rất nhiều, do vậy trong tháng 10 vừa qua, gia đình tôi đã tự bình xét và tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Nội dung trong đơn là mong muốn Nhà nước dành phần hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, giúp các hộ nghèo hơn phát triển kinh tế hoặc dành nguồn lực xây dựng nông thôn giàu mạnh hơn", anh Chiến nói.
Tự lực vươn lên
Cũng theo anh Chiến, gia đình anh được hưởng chế độ hộ nghèo từ năm 2017, được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giống cây trồng, vật nuôi... Nhờ nỗ lực làm ăn và sự giúp đỡ của Nhà nước, kinh tế gia đình hiện nay cũng đỡ hơn. Hiện, gia đình anh đã có được 1ha mì, 1ha cao su và 5 con bò sinh sản.
Tương tự, gia đình anh A Thang (thôn trưởng thôn 2, xã Đăk Tơ Re) đã biết khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, anh A Thang có vườn cao su rộng 1ha, rẫy mì 3ha đang chờ thu hoạch, mỗi năm còn làm thêm được 70 bao lúa... "Mặc dù vẫn chưa hết khó khăn, nhưng hiện nay, gia đình đã có đủ đất sản xuất, có lao động thì phải tự vươn lên làm ăn, không nên ỷ lại vào Nhà nước. Mặt khác mình là thôn trưởng, phải gương mẫu để các hộ khác noi theo", anh Thang nói.
Anh A Thang nhận thấy mình đã khá hơn nên nhường lại suất hộ nghèo cho những người còn khó khăn.
Còn chị Y Byenh (trưởng thôn 10) chia sẻ, gia đình chị có 4 người con đang ăn học nên còn nhiều khó khăn. Nhận thấy được điều đó, hai vợ chồng đã chú tâm làm ăn nên kinh tế dần ổn định. Đến nay, chị đã có 2ha đất trồng sắn, gần 300 cây cao su và bời lời. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập.
"Sau 3 năm hưởng chế độ hộ nghèo, giờ kinh tế gia đình đã có phần khá hơn nên tôi muốn nhường suất hộ nghèo cho những người khó khăn hơn. Vợ chồng tôi còn sức khỏe, cứ cố gắng làm thật nhiều thì sẽ khá lên thôi, không thể trông chờ vào Nhà nước mãi được", chị Byenh nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Re cho biết, trong đợt rà soát hộ nghèo vào tháng 10 vừa qua, trên địa bàn xã có hơn 545 hộ nghèo, 129 hộ cận nghèo, trong đó có 5 hộ đã viết đơn xin thoát diện hộ nghèo và trong số này có 2 thôn trưởng. Năm 2019, xã được giao chỉ tiêu giảm 108 hộ, nhưng đến nay đã có 120 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.
"Cách làm của xã là tập trung tuyên truyền, tác động vào các hộ nghèo, sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án như Chương trình 135, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên để hỗ trợ giúp dân phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, vận động các hộ nghèo vay vốn Ngân hàng chính sách Xã hội để phát triển kinh tế, khơi dậy ý chí tự thân vươn lên... Nhờ vậy, cuộc sống của người dân đã dần khá hơn", ông Thái chia sẻ.
Cũng theo ông Thái, việc các hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo đã thể hiện ý thức tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và là tấm gương để những hộ khác noi theo.
Theo danviet.vn
"Dập tắt" Hội thánh Đức Chúa trời tại huyện nghèo Ba Chẽ ở Quảng Ninh Thời gian gần đây, một số đối tượng lợi dụng điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ còn khó khăn, hạn chế về nhận thức để lôi kéo, tham gia sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Ảnh minh họa Theo tài liệu, vào cuối tháng 8/2019,...