Xuân Mạnh U23 VN: Căn nhà heo hút giữa đồng và tuổi thơ nghèo đói
“Một lần nhận được 140 nghìn đồng tiền hỗ trợ từ CLB dành cho các cầu thủ, không hiểu vì lý do gì mà Mạnh làm mất. Con không dám nói với chúng tôi, cứ khóc qua điện thoại. Lúc đó tôi thương con lắm…”, ông Linh kể lại.
Đường lên nhà cầu thủ Xuân Mạnh phải đi qua một cánh đồng với bụi phủ đỏ cả chân người. Khi chúng tôi có mặt tại nhà, ông Phạm Xuân Linh (SN 1964), bố của Mạnh, vừa nghỉ tay sau một buổi cày đồng.
Căn nhà cũ, nơi cầu thủ Xuân Mạnh trải qua những năm tháng thời thơ ấu. Ảnh: Ngọc Trang.
Không nhanh nhẹn, tháo vát như vợ nên ông chỉ ở nhà lo các việc nhà cửa, đồng ruộng, phần “đối ngoại” như đưa, đón con ông đành nhờ vợ chạy ngược chạy xuôi.
Câu hỏi của chúng tôi về Xuân Mạnh phải đến lần thứ ba ông mới nghe rõ. “Bố em nặng tai, chị nói to lên”, chị Phạm Thị Mai (SN 1993), con gái của ông, ngồi bên cạnh giải thích.
Theo chị Mai, nhiều năm trước đây ông Linh bị chứng đau nửa đầu. Đau quá ông mua thuốc về trị bệnh tại nhà. Uống hết thuốc, ông đỡ chứng đau đầu thì phát hiện một bên tai không còn nghe rõ. Không có tiền đến bệnh viện điều trị, công việc đồng áng lại liên miên nên ông đành kệ. Lâu dần, ông bị điếc hẳn một bên.
Gia đình của Xuân Mạnh chỉ có mấy sào ruộng để canh tác. Ảnh: Ngọc Trang
Qua lời kể của ông Linh, con đường để đến với nghiệp bóng đá của cầu thủ Xuân Mạnh không hề dễ dàng.
Ông nhớ nhất là những ngày con trai được mời xuống TP Vinh để dự thi tuyển vào CLB Sông Lam Nghệ An. Đó là chuyến đi xa đầu tiên của một người trong gia đình ông Linh.
“Chúng tôi gom góp được 250 nghìn đồng để vợ tôi đưa con xuống thành phố ở trong 3 ngày, chờ đến lượt thi tuyển. Vợ tôi kể lại, xuống thành phố, tiền ăn uống, thuê trọ tốn kém đến buổi cuối cùng số tiền trên hết sạch. Trong túi hành lí của 2 mẹ con chỉ còn gói mì tôm. Mạnh dù nhỏ tuổi nhưng đã biết nhường mẹ. Mẹ thì thương con nên bảo: “Con ăn để có sức chiều mà thi cho tốt”.
Từ năm 2015, gia đình cầu thủ Xuân Mạnh đã xây nhà mới. Theo mẹ anh, số nợ tiền xây nhà đến nay họ vẫn chưa trả hết. Ảnh: Ngọc Trang.
Sau khi thi tuyển, đến lúc trả tiền phòng, hai mẹ con đành mượn của người đi cùng để thanh toán. Tuy nhiên người chủ ở đó nói đã có người thanh toán tiền phòng trọ cho mẹ con bà Hà. Ai đó biết hoàn cảnh khó khăn của nhà Xuân Mạnh đã âm thầm giúp đỡ.
Video đang HOT
Mẹ Xuân Mạnh chia sẻ: ” Vào những lần phải đóng tiền cho con nếu dịp đó bán được con gà, con lợn thì thật may. Nhưng nếu không chúng tôi lại phải chạy vạy mượn họ hàng, làng xóm”. Ảnh: Ngọc Trang
“12 năm trôi qua, gia đình tôi vẫn không biết người ấy là ai. Chúng tôi vẫn nợ họ một lời cảm ơn”, ông Linh xúc động nói.
Trong mắt ông, Xuân Mạnh là đứa trẻ thiệt thòi. Ông kể: “Thời gian con được đào tạo ở CLB Sông Lam Nghệ An có một lần con làm chúng tôi hoảng hốt thật sự”.
Theo ông Linh, thời điểm đó chưa có điện thoại di động nên định kỳ ông ra bưu điện gọi cho con. Tôi gọi xuống CLB gặp Văn Đức, cầu thủ cùng ở CLB Sông Lam Nghệ An. Đức “mách”: “Mạnh vừa làm mất tiền nên đang khóc đỏ cả mắt”.
“Đó là 140 nghìn đồng, tiền hỗ trợ từ CLB dành cho các cầu thủ. Không hiểu vì lý do gì mà Mạnh làm mất. Con không dám nói với chúng tôi mà chỉ lặng khóc. Lúc đó tôi thương con lắm…”, ông Linh kể lại.
Bà Phan Thị Hà, mẹ Xuân Mạnh, cũng chia sẻ: “Ngày trước ở CLB, Mạnh được lo chuyện ăn, ở nhưng việc học văn hóa vẫn phải nộp học phí. Vào những lần phải đóng tiền cho con nếu dịp đó bán được con gà, con lợn thì thật may. Nhưng nếu không chúng tôi lại phải chạy vạy mượn họ hàng, làng xóm”.
Chị Phạm Thị Mai, chị gái Xuân Mạnh. Ảnh: Ngọc Trang
Bà cũng nhớ về một lần phải đi họp phụ huynh cho con mà chiếc xe máy của nhà bị hỏng. Mẹ cầu thủ Văn Đức phải đi ngược đường lên để đón bà để 2 bà mẹ cùng xuống thành phố.
Nhà có 3 chị em, Mạnh là con út nhưng là con trai duy nhất. Vì thế vào mùa vụ, một chị gái được phân công ở nhà nấu cơm và chăm sóc lợn gà, còn lại Mạnh sẽ cùng một chị gái và bố mẹ ra đồng.
“Mạnh nhỏ nhưng cày bừa rất giỏi. Hai chị em cứ thay nhau cày, làm hết ruộng nhà mình lại đi cày thuê cho nhà khác”, chị Phạm Thị Mai nhớ về tuổi thơ của hai chị em Xuân Mạnh.
Chị Mai cho biết: “Lam lũ từ nhỏ, đi làm việc đầy mệt nhọc nhưng ăn uống thì kham khổ vô cùng. Mỗi bữa ăn, chỉ có cơm và nhút (một loại dưa) nấu lẫn với cua cá bắt được ở đồng. Thỉnh thoảng lắm, mẹ mới mua thịt. Đó là loại thịt xấu, nhiều mỡ nhưng vẫn thấy ngon vô cùng”.
Vẫn lời chị gái của Xuân Mạnh, tuổi thơ của Mạnh cũng như 3 chị em chưa từng biết đến hộp sữa, một cốc nước đường.
“Tết đến, mẹ mua đường về làm gia vị, mấy chị em phải lén bố mẹ chấm đầu ngón tay vào bát đường để cảm nhận vị ngọt.
Chuyện quần áo mới để 3 chị em mặc Tết thì càng xa xỉ hơn. Năm nào cũng như năm nào, họ hàng soạn sửa cho ít quần áo cũ của các anh chị rồi gửi về cho 3 chị em. Có những bộ, chị mặc ngắn thì lại chuyển cho em.
Tuy nhiên biết hoàn cảnh gia đình, ba chị em tôi không bao giờ dám đòi hỏi gì hơn”, Mai nói khi những giọt nước mắt đã bắt đầu lăn dài trên má.
Theo Mai, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các con khổ một thì bố mẹ khổ mười: “Bữa ăn nào có thịt, mẹ cũng không chịu gắp mà để cho các con. Mẹ cũng luôn là người truyền sự lạc quan và động viên các con cố gắng.
Bây giờ khi Mạnh được gọi vào đội tuyển bóng đá, em được ăn uống và sinh hoạt trong đội tuyển nên những bữa cơm của em không còn thiếu thịt như trước”.
Mai và chị gái đã đi lấy chồng nhưng kinh tế không hề khá giả nên chưa giúp đỡ được bố mẹ. Mạnh là em út nhưng đang trở thành trụ cột cho cả gia đình.
Có lần Xuân Mạnh gọi điện về dặn mẹ: “Mẹ ơi nhiều thì con chưa lo được nhưng thiếu vài triệu mẹ đừng nói với chị, để con lo. Các chị đi lấy chồng rồi phải lo cho con cái, gia đình mới…”. Nghe bà Hà kể lại cuộc điện thoại của em trai, Mai lại bật khóc.
Được biết, Xuân Mạnh đang là trụ cột của gia đình, mỗi tháng Mạnh đều gửi tiền về nhà để bố mẹ trả nợ và trang trải cuộc sống.
Theo Ngọc Trang – Vũ Lụa (Vietnamnet)
Hậu vệ Phạm Xuân Mạnh: "Có tiền thưởng con gửi về để bố mẹ trả nợ"
"Hôm trước hắn gọi điện về bảo nếu có tiền thưởng, con gửi về cho bố mẹ trả nợ... Nó bảo bố mẹ vất vả nhiều rồi, giờ nó sẽ cố gắng để có thể lo cho vợ chồng tôi, không muốn tôi phải theo cái máy cày nữa", ông Phạm Xuân Linh, bố cầu thủ Phạm Xuân Mạnh chia sẻ.
Với người quê lúa huyện Yên Thành, Xuân Mạnh và Văn Đức là niềm tự hào của quê hương.
Quả bóng bưởi lăn trên luống cày
Mấy hôm nay, ông Phạm Xuân Linh, bố cầu thủ Phạm Xuân Mạnh như đang ngồi trên đống lửa. Tối hôm trước, vợ ông bắt xe ra Hà Nội để đón con trai và các đồng đội tuyển U23 trở về. Do còn vướng một số công việc nên Mạnh chưa thể về quê ngay.
Nhà có 3 chị em. 2 chị gái của Mạnh lấy chồng sớm. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai người con trai độc nhất. 5 tuổi, Mạnh đã theo bố đi cày thuê kiếm tiền.
"Hồi đó cực lắm, vay mượn mãi mới được 20 triệu mua máy cày. Nó còn nhỏ nhưng không có ai phụ, tôi phải đưa Mạnh theo cùng. Bố lái máy cày, nó khệ nệ ôm bao phụ tùng hay can xăng ra đồng. Trưa lại chạy về lấy cơm ra cho bố", ông Linh không giấu được niềm tự hào về cậu con trai.
Bố mẹ Phạm Xuân Mạnh: Quả bóng bưởi lăn trên luống cày.
Tuổi thơ vất vả, phải phụ bố mẹ việc nhà, việc đồng nhưng Mạnh sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê bóng đá. "Trưa hè, nó không ngủ, cứ trốn bố mẹ đi đá bóng. Không có bóng, nó hái quả bưởi, nướng qua cho dẻo, mềm rồi mê mải đá, kệ bụi tung lên, bám vào mặt lem luốc hết cả. Cứ thấy bóng là nó quên cả ăn. Nhìn con mê đá bóng mà bố mẹ nghèo, không mua nổi cho con quả bóng...", ông nghẹn lại.
Năng khiếu của Mạnh sớm được nhìn nhận khi cùng đội thiếu nhi huyện Yên Thành tranh tài ở một cuộc thi cấp tỉnh. "Ngày huyện gọi Mạnh đi thi tuyển, hai mẹ con đùm cơm đưa nhau đi. Hồi đó tiền không có, vào đến Vinh hai mẹ con vỏn vẹn còn hơn 10 ngàn đồng. Mẹ nó phải mua cho con cái bánh mì lót dạ. Con nhường mẹ, mẹ nhường con, nhớ lại cái cảnh ấy tôi không nghĩ Mạnh đi được đến bây giờ", ông Linh nhớ lại.
Mạnh lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển quân Sông Lam Nghệ An. Ở đây, dưới sự chỉ bảo của các thầy, Mạnh tiến bộ rõ rệt theo từng ngày. Thu nhập của Mạnh không cao, chưa thể đỡ đần cho bố mẹ nhưng em đã thỏa chí phát huy năng khiếu và đam mê trong môi trường luyện tập chuyên nghiệp.
Chỉ mong bố mẹ không còn phải theo máy cày
Người dân Yên Thành đang bước vào vụ cấy, nhu cầu thuê máy làm đất rất cao. Bởi vậy, ông đành nén niềm vui ra Hà Nội đón con mà vẫn tiếp tục công việc thường nhật của mình.
Người cha quên cả mệt nhọc, cả giá lạnh bởi niềm vui vô bờ bến mà đứa con trai yêu quý của ông và các đồng đội mang về. Đó không phải là niềm vui, niềm hạnh phúc của riêng ông mà niềm hạnh phúc của nhân dân cả nước. Người làm cha như ông làm sao không tự hào về con mình!
Với những người bạn: Xuân mạnh là đứa trẻ "chân đất" đem vinh quang về cho tổ quốc từ trái bóng bưởi.
"Mạnh còn trẻ nhưng biết nghĩ cho bố mẹ lắm. Hôm trước hắn gọi điện về bảo nếu có tiền thưởng, con gửi về cho bố mẹ trả nợ. Năm ngoái, căn nhà dột nát quá, tôi phải vay mượn để làm. Nó bảo bố mẹ vất vả nhiều rồi, giờ nó sẽ cố gắng để có thể lo cho vợ chồng tôi, không muốn tôi phải theo cái máy cày nữa. Càng nghĩ, càng thấy thương con", ông Linh kể tiếp.
Giọt nước mắt của người mẹ khi đón con trai tại sân bay
Ngày mai, Phạm Xuân Mạnh và các đồng đội sẽ về đến Nghệ An. UBND tỉnh sẽ tổ chức đón tiếp, vinh danh các cầu thủ quê hương Nghệ An trong đội hình dự Vòng chung kết U23 Châu Á. Nhất định ông Linh sẽ xuống thành phố, chung niềm vui lớn lao này cùng con.
Đứa trẻ lầm lũi ngày nào lớn lên sau những luống cày cùng quả bóng bưởi. Chỉ ngày mai thôi vòng tay quê hương dang rộng để đón chào em về.
Xuân Mạnh - đứa trẻ "chân đất", quê hương luôn tự hào về em.
Nguyễn Tú
Theo Dantri
Nhộn nhịp mùa "quay" châu chấu ở Thủ đô Châu chấu là món ăn bổ dưỡng, loài côn trùng này gần đây trở thành thực phẩm có giá trị. Vào mùa gặt, ban đêm, những người dân các xã ven đô Hà Nội chẳng mấy ai ở nhà, tất cả ra đồng "quay" châu chấu. Đồ nghề gồm một bộ đèn chiếu sáng gắn lên đầu, một sợi dây thừng vài chục...