Xuân Hinh: ‘Vui thì làm không vui thì thôi’
Xuân Hinh được Tổ đãi cho làm nghề, vừa chạm ngõ nghệ thuật đã nhanh chóng được người đời thuộc mặt, biết tên.
Ở khắp hang cùng ngõ hẻm, từ miền ngược cho tới dưới xuôi, từ con trẻ đến cụ già, ai ai cũng chẳng thể lạ lẫm gì cái anh hài tếu táo duyên dáng và có giọng tưng tửng đặc biệt ấy.
Xuân Hinh lên truyền hình không nhiều như những danh hài đất Bắc khác quá quen mặt trong những chương trình cố định thường kỳ ở VTV. Nào “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp gỡ cuối năm”, ngay cả “Gala cười” của nhà đài cũng thấy vắng bóng Xuân Hinh. Ấy nhưng, danh hài này lại có một chỗ đứng riêng biệt không ai so bì và thay thế được. Cho đến tận giờ người ta vẫn trìu mến gọi anh bằng tên “Vua hài đất Bắc”…
- Vừa rồi, người ta lên báo cãi nhau ỏm tỏi vì vị trí số 1, số 2 trong làng hài. Thật tức cười. Danh xưng “Vua hài đất Bắc” của anh do khán giả tự phong cho không biết có khi nào bị nhòm ngó và gây khó dễ không nhỉ?
- Tôi có nhận tôi là vua hay là quan gì đâu, chỉ gọi là hề chèo Xuân Hinh là được rồi. Có cần phải oai, oách để làm cái gì. Mình là nghệ sĩ diễn hài, nghề làm vui cho khán giả mà không có khán giả xem, giống như làm mâm cơm không có người ăn thì chán lắm.
Nghệ sĩ Xuân Hinh
- Thế anh vui khi nào?
- Tôi diễn ở đâu mà cả nhà, cả họ, cả làng đều rủ nhau đi xem. Cả làng kéo mình xuống uống rượu thì thích lắm. Mình đá tí hơi men thì cứ lê-tê-phê hết. Một lần đi diễn ở làng, có người chạy đến nói với tôi: “Chả cần phải xem anh diễn, chỉ cần nhìn thấy anh là vui rồi”. Nghe thế mình cũng thấy thật là sung sướng…
- Nghe người ta đồn anh đi hát hầu đồng, nơi nào mời được Xuân Hinh thì sang phải biết?
- Nhưng mà lại không mời được… Bây giờ mình tuổi già như lá mùa thu/ Cái răng thì rụng, cái chân thì mềm. Bây giờ không có sức để mà làm nhiều nữa. Ngay cả yêu vợ: Ngày xưa bất kể sớm trưa/ Giờ thì đủng đỉnh lưa thưa gọi là. Vậy thì, lấy sức khỏe đâu mà ngồi hát 7, 8 tiếng đồng hồ. Chỉ trừ những canh vui thì mình mới hát. Cách đây 7, 8 ngày mình về quê, dân làng người ta yêu cầu hát giá Cô Bé trên sân khấu. Mình lên hát. Vui thì hát chứ chẳng phải vì tiền bạc gì cả.
- Sao anh không tăng tốc, cố làm, tuổi thọ của nghề diễn chẳng dài gì.
- Mà để cho người khác làm chứ cái gì mình cũng làm à? Mình đi bộ còn mệt. Lấy sức đâu mà chạy?! Giờ thấy ăn khỏe ra, mà mình hay đóng vai nghèo khổ, đại diện cho tầng lớp thiếu đói của xã hội mà béo tốt thì không ổn. Bây giờ hơi béo lên một chút rồi phải bảo vợ nấu ăn, mình ăn chế độ của hoa hậu. Hoa hậu ăn thế nào thì mình ăn thế nấy.
- Anh cứ một mình một sân cũng khiến lắm người sinh ghét đấy. Người yêu cũng lắm, mà ghét thì cũng có chứ… ngay kể cả trong giới…
- Cuộc sống sinh ra là biết phải sống chung với lũ rồi. Xã hội nào cũng đều có cạnh tranh. Có cạnh tranh thì mới có phát triển. Cạnh tranh mình nghĩ cũng là bình thường. Có người nói xấu mình cũng như các cụ bảo trâu buộc ghét trâu ăn. Một trâu buộc ở sân bê tông, một trâu thì đang ăn cỏ. Trâu buộc ghét trâu ăn là cái chuyện bình thường rồi. Nhiều khi thả cho trâu buộc ăn cỏ nhưng vật mãi không ăn được…
- Diễn hài anh cứ tưng tửng như thế, nhưng có nguyên tắc gì về nghề không?
- Nghệ thuật nếu anh không làm hay thì tự khán giả đào thải. Nghệ sĩ mà đi lừa người ta. Vì khán giả bỏ ra 50 nghìn đồng mua vé mà bị lừa, người ta nhớ lâu lắm. Bạn bị ai lừa chưa, có nhớ lâu không? Người ta in sâu đậm ở trong óc đó. Thế thì bây giờ không thể lừa ai được. Bây giờ như bánh đúc bầy sàng.
- Có điều gì mà khán giả ít biết về người diễn viên diễn hề chèo như anh?
- Nghệ sĩ thì không như các ngành khác. Đào tạo thì anh ít nhất cũng phải có một chất giọng hay. Giọng hay rồi thì anh biết múa đẹp. Múa đẹp rồi thì anh phải diễn giỏi. Nhất là bộ môn dân tộc này có diễn giỏi mà không có sức khỏe thì cũng không diễn được. Môn nghệ thuật khác thì không phải múa, phải nhảy, không cần phải đúng nhịp đúng phách, chứ làm anh hề chèo mà lằng nhằng, sức khỏe yếu, phều phào thì không làm được gì.
- Muốn có sức khỏe tốt thì không thể bị căng thẳng. Thế nhưng cuộc sống này lắm chuyện dễ khiến người ta stress lắm. Anh làm thế nào để cân bằng?
Video đang HOT
- Ở truyền hình nước ngoài có hẳn cả một kênh cười. Còn Việt Nam thì có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Cười còn tăng thêm cả tuổi thọ thì tội gì mà không cười. Cuộc sống bây giờ ở đâu cũng thế, cần đến sự thoải mái. Ăn uống không quan trọng, chỉ cần vừa mức thôi, còn tư tưởng, tinh thần mới quan trọng. Có thể nhịn ăn 5 ngày không chết nhưng mà chỉ nghĩ nửa tiếng là chết. Trong gia đình hết lo cái nọ lại sọ sang cái kia còn tư tưởng gì mà làm ăn nữa.
Cần phải có tư tưởng thoải mái. Đầu mình cũng giống như ngăn kéo, rác rưởi phải tống ra ngoài chứ mình cứ nghĩ hết là mình chết à? Mà ai chê bai, ai nói gì, mình cứ xác định ngay cuộc sống là như thế rồi. Không có gì phải đau đầu buốt óc cả. Chuyện ấy quá bình thường.
- Thì ai chẳng biết vậy. Nhưng đã là con người ai cũng có những lúc buồn, lúc chán chứ tránh làm sao được…
- Mình phải chỉ đạo được cái buồn, cái chán của mình. Như cuộc sống biết là sống chung với lũ. Và được hoặc mất mình cũng nghĩ là bình thường vì cuộc sống của mình còn nhiều điều, còn gia đình, còn niềm an ủi, còn nhiều vấn đề cuộc sống nên không phải vì một cái chuyện gì mà mình chán nản. Không có chuyện đấy được. Có khi không phải mình dở chứng mà do đối tác khác nó dở chứng thì biết làm thế nào.
Không có thì đi chơi, nhảy đầm. Chiều đi thể dục 6 vòng. Thế thôi, bao nhiêu uất ức bệnh tật phải trút ngay thôi. Có những lúc nói ngay, có những lúc khinh không thèm nói gì nữa. Coi như không thèm dây cho nó đỡ mệt.
- Người ta bảo nghệ sĩ tính trên mây, trên gió nhưng nói chuyện với anh mới thấy anh thực tế? Thế thì mơ mộng ở đâu?
- Khi bước chân lên sàn diễn lúc đấy ở bên dưới là khán giả đang trông chờ ở mình, mình phải quên tất cả mọi chuyện khác đi, và phải tỉnh táo chứ vì không tỉnh thì giẫm dính đinh, giẫm vào giây điện mà chết. Diễn phải say, hết mình nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo vì khán giả bỏ tiền ra mua vé để xem, mình không thể diễn lăng nhăng, xí xộ, qua quýt được.
- Có thể làm cho người ta khóc, nhưng khó có thể làm cho người ta cười.
- Đúng! Đúng! Tất cả các nước trên thế giới đều giống nhau ở tiếng khóc nhưng tiếng cười thì mỗi một dân tộc, một quốc gia lại khác. Miền Bắc cười kiểu này, miền Nam cười kiểu khác và miền Trung cười kiểu khác nữa. Mỗi vùng miền phải có tiếng cười khác nhau. Nhưng mà tiếng khóc thì lại có thủ thuật. Đã là hài anh phải làm cho người ta cười, nếu không cười anh chuyển sang sân khấu bi rồi.
- Anh yêu hài như thế là vì lẽ gì?
- Tiếng cười giáo dục con người mạnh hơn tiếng khóc. Bạn có thấy có đất nước nào mà như ở Việt Nam có nhiều chuyện tiếu lâm như thế không? Cuộc sống của chúng ta còn khó khăn, cho nên Việt Nam mới nhiều chuyện tiếu lâm như thế. Tiếng cười rất quan trọng. Tiếng cười nâng đỡ, an ủi tâm hồn con người qua những thăng trầm cay đắng.
Không có chuyện vui, không có tiếu lâm, không có đố tục giảng thanh, cuộc sống tinh thần sẽ ra sao? Tiếng cười đi theo cả dân tộc Việt Nam qua chiều dài lịch sử dân tộc. Tiếng cười là thứ vũ khí công kích đả phá tệ nạn xã hội. Tiếng cười của các cụ ngày xưa trong hề chèo rất thâm thúy. Hề chèo đả phá những lệch chuẩn của cả một xã hội phong kiến khi xưa.
Gia đình nghệ sĩ Xuân Hinh
- Hai con anh, anh có hướng cho con theo nghiệp diễn như cha chúng không?
- Không, tôi muốn các con tôi phát triển tự nhiên. Mình chẳng ép buộc gì cả. Cô con gái đầu lòng đang học lớp 11, còn cậu út đang học lớp 7. Con trai tôi rất tự giác học, không bao giờ phải để nhắc. Từ bé đến lớn đều là học sinh giỏi.
- Thế cũng là điều may mắn, vì chí ít con anh còn tự giác học. Nhưng có nhiều gia đình khác, họ ép con em mình học khủng khiếp và kỳ vọng…
- Tôi chúa ghét cái cảnh ép buộc trẻ con. Cứ bắt là con phải học giỏi. Học giỏi hay không còn do tố chất nữa. Biết tìm cách cho con, thấy con học văn hóa kém này, không mắng nhưng sẽ tìm cách để hướng xem con có năng khiếu gì.
Lắm lúc tôi nói vui với mấy cậu bạn đang có con đi học là con nó học giỏi thì cho sang Mỹ, sang Tây, sang Tàu làm ăn. Hai là đi bán thịt lợn chợ Hôm. Làm phản thịt ngày cũng được triệu bạc. Đúng không? Tháng có 30 triệu. Người thực, việc thực có phải dễ hơn không. Chứ cãi nhau ỏm tỏi, quát nạt học hành làm gì?! Mệt người. Con nó bán thịt, bố mẹ ngày cũng được một, hai lạng thịt. Còn có thời gian đi ra, đi vào trông nom được bố mẹ. Hay làm việc gì đấy, nếu khéo tay, lại có tí hội họa thì may áo dài chẳng hạn. Cắt may xoèn xoẹt này. Về quê tuyển mấy chục nhân viên ra mỗi ngày làm mấy chục cái áo dài. Thế không được khối tiền à? Chứ cứ trên mây trên gió, hái cà bắt bướm, vặt lúa bắt chim ở đâu. Đúng không?
Đấy! Mình phải nhìn thấy ngay con có năng khiếu gì thì hướng cho chứ không phải là con không học được cứ bắt nó học. Thế chỉ có nhiều tiền ra nước ngoài mà đi thay não. Con nó đã cố rồi nhưng chỉ đến thế thôi. Cũng không nên cố. Cố không cố được thì cố làm gì. Ngay kể cả đi học ở Tây, ở Tàu, lắm anh đi thì nhiều anh chưa chắc đã ra cái gì. Chưa phải đã khoe là tôi đi Tây cho oách, cho sang, quan trọng là mình phải biết con mình như thế nào?
Mà có cố thì cũng phải có lúc học, lúc chơi chứ không phải cố rồi đến lúc ốm đau suốt ngày vào bệnh viện. Thế là con đi viện, mình cũng đi viện. Con nằm bên trong, mình nằm bên ngoài…
- Anh hát chèo, hát xẩm, hát văn, hát quan họ, diễn tấu hài, còn điều gì mà tôi và khán giả chưa được biết không?
- (Hát) Họ hàng nhà tôi, mỗi năm một vài lần mọi người về gặp nhau. Thường những khi có chuyện buồn, một vài lần là chuyện vui. Mọi người về ngồi bên nhau cùng sẻ chia những chuyện buồn. Đấy là tôi hát trong dịp gặp mặt gia tộc, họ hàng.
- Ôi! trời! Một nghề lạ nhỉ?
- Còn cả hát mừng thọ thì nhiều. Mừng thọ bố khác, mừng thọ mẹ khác. (Hát) Mừng xuân đến tiết xuân rạo rực. Mừng mẹ nay thọ được trăm xuân. Cháu con nội ngoại xa gần, dâng câu chúc mẹ mười phân vẹn mười. Mừng thọ cụ ông khác, mừng thọ cụ bà lại phải khác. Có nơi bảo tới đây mừng thọ cho các cụ, mời bác Hinh về làm cho một chương trình. Bảo: “Thế cụ năm nay cửu thập, bát thập hay lục thập?”. Người ta bảo: “Không phải riêng một cụ nào. Mừng thọ cả làng 65 cụ từ 70 đến 90 tuổi. Mừng thọ thập cẩm. Mừng thọ đông…”. Nơi nào người ta quý mến, mình đi. Tuổi này vui thì làm, không vui thì thôi, chứ chả còn ham hố gì nữa. Túc tắc thôi, cuộc sống khó khăn, mệt mỏi làm vui cho đời thôi
Theo Vietnamnet
'Xuân Bắc từng phải đi diễn lót cho tôi'
"Bắc còn diễn lót cho tôi chán rồi mới được thành danh như bây giờ. Chuyện đó là bình thường", nghệ sỹ Tự Long chia sẻ.
Dẫu biết đã là nghệ sĩ hài thì phải luôn có trách nhiệm mang đến tiếng cười cho khán giả. Tuy nhiên, đằng sau những tiếng cười đó, mấy ai không mang trong mình những nỗi buồn, tâm tư riêng. Cùng phóng viên trò chuyện trong một buổi trưa hè, Tự Long đã chia sẻ những điều rất thật về con đường trở thành diễn viên đầy chông gai cuả mình.
"Vừa xấu, vừa đen lại nói nhiều"
- Nhiều người vẫn cho rằng vai diễn bác Photo (trong "Thư giãn cuối tuần" trên VTV3) của anh là một hình ảnh lạ của Tự Long. Thực sự, anh có thấy mình vừa vặn với vai diễn này không?
- Chính xác là không vừa. Đó không phải là chất của tôi. Vai diễn này hợp với Xuân Bắc hoặc Quang Thắng thì đúng hơn. Tôi "trùng màu" với Công Lý. Lúc diễn vai này tôi phải tiết chế mình nhiều lắm. Đôi lúc muốn bung ra nhưng lại phải kìm nén để trở về đúng với nhân vật và bảo toàn vai diễn. Thực ra đôi lúc cần có một sự thay đổi hay làm mới cũng rất tốt. Nó đem lại cho mình những trải nghiệm nhất định.
Tranh vẽ khuôn mặt hài của Tự Long
- Tôi thấy anh có ngoại hình, giọng hát, khả năng tấu hài nổi bật hơn so với các nam nghệ sĩ hài khác khi đứng chung sân khấu. Thế nhưng con đường đến với thành công của anh lại khá muộn màng, lận đận?
- Tôi không dám nhận mình hơn ai. Đẹp trai lại càng không vì ngày xưa toàn bị bạn gái chê vừa xấu, vừa đen lại nói nhiều. Và nói thật là tôi chưa bao giờ tự tin vào vóc dáng thân thể của mình. Chỉ có một điều, tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Mẹ tôi là gái làng Lim ( Bắc Ninh), cái nôi của quan họ, bà hát rất hay. Bố tôi cũng là một diễn viên chèo. Nhưng ông không thành công với sự nghiệp của mình. Sau cùng, ông đâm ra chán nản và bất mãn với nghề này. ông không thích và cấm tôi đi theo con đường nghệ thuật. Do không có sự định hướng của bố mẹ, tôi mất gần 5 năm chìm nổi với đủ thứ công việc trên đời.
Và để có được vị trí như ngày hôm nay, là cả một sự nỗ lực, cố gắng. 5 năm chìm nổi với đủ nghề, bắt đầu đi học lại, rồi diễn lót chán chê cho các đàn anh, tôi mới được nhận một vai chính. Kể cả Xuân Bắc cũng thế. Thành danh như Xuân Bắc bây giờ đã từng phải đi diễn lót cho tôi. Bắc còn diễn lót cho tôi chán rồi mới được thành danh như bây giờ. Chuyện đó là chuyện bình thường. Diễn viên nào ngày xưa mới vào nghề mà được giao ngay vai chính đâu. Không phải như bây giờ, chỉ cần một hai vai diễn hay bài hát là đã có thể nổi tiếng ngay.
Số một số hai, "nhân dân, ưu tú" sẽ vô nghĩa nếu...
- Theo anh danh hài số một Việt Nam hiện nay là ai?
- Thực ra chẳng ai dại gì đi cho mình là số một và cũng chẳng có số gì cả. Nghệ sĩ chứ có phải là cái gì đâu mà phân cấp số thứ tự. Nghe ai đó xưng mình số mấy, số mấy là tôi chối lắm. Điều đó chỉ xảy ra với những người lúc nào cũng thích ăn thua hoặc sợ người khác hơn mình. Nghệ sĩ có bình minh thì cũng sẽ có hoàng hôn.
Số một để làm gì nếu suốt ngày chỉ ở nhà nhìn người khác đi kiếm tiền. Tôi số mười hoặc là không số nhưng trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh thì cái nào hơn. Đến cả một cuộc thi cũng không thể khẳng định được 100% ai hơn ai thua nữa là ngồi đánh giá mồm với nhau.
Bạn để ý mà xem, để bán được vé ở các sân khấu Hà Nội không phải là dễ. Khán giả Hà Nội rất khó tính và họ là người đánh giá rõ nhất ai hay, ai dở. Có những người không bao giờ có mặt trong những băng rôn quảng cáo. Chúng tôi biết nhau hết chứ có phải là không đâu. Thế cho nên anh đừng cho anh là số một, số hai.
- Nhớ lại một chút, cơ duyên nào đã đưa anh đến với sân khấu hài?
- Chuyên ngành chính của tôi là chèo. Tuy nhiên đến cái thời của tôi, chèo đã trở thành một món khó ăn. Nó giống như mù tạt, không phải ai cũng ăn được. Tôi không bàn đến hay hay dở. Chèo có cái hay, cái hấp dẫn riêng. Nhưng nghệ sĩ muốn sống được thì phải làm cái khán giả thích. Phải đưa đến cái họ cần. Cơ duyên với sân khấu hài, nói ra thì hơi to tát. Đó là một sự mưu sinh thì đúng hơn. Tôi may mắn ở chỗ được khán giả đón nhận, yêu mến. Tôi còn nhớ, chương trình đánh dấu sự bén duyên của tôi với sân khấu hài chính là seri Gặp nhau cuối tuần với nhân vật Bác sĩ hoa súng.
Tuy nhiên, sau vai diễn thành công nhờ sự yêu mến của khán giả tôi lại bị định kiến ở cơ quan. Khi xem tôi diễn chèo, mọi người cho rằng: "Thằng này diễn theo kiểu Gặp nhau cuối tuần, ba lăng nhăng. Diễn ở nhà hát có gì đâu mà lên truyền hình" (?!).
Đành rằng giữa chèo và hài kịch là hai phạm trù khác nhau. Một bên là nghệ thuật, một bên là đời thường. Nhưng tôi nghĩ, người nghệ sĩ thành công là người được số đông khán giả yêu mến. ưu tú, nhân dân rồi danh hiệu này, danh hiệu nọ nhưng nói đến tên chẳng ai biết thì ưu tú, nhân dân chỗ nào? Nhiều nghệ sĩ bây giờ thiếu tài. Họ không chịu hiểu nghệ thuật muốn tồn tại phải đến gần với công chúng. Mà giá trị của nghệ thuật là hướng đến đâu nếu không phải là để phục vụ cuộc sống, công chúng?
Nghệ sỹ Tự Long
Thích ô tô, mê thể thao
Hồi ức về những ngày đầu lập nghiệp, nhớ lại sự không thành công của người cha, cũng là một diễn viên chèo, nghệ sỹ Tự Long trầm ngâm: "Tôi từng xót xa vô cùng khi chứng kiến sự thất bại của bố. Và tự nghĩ, tại sao một tài năng như thế lại bị nghệ thuật lãng quên và bạc đãi? Tôi quyết tâm trở thành nghệ sĩ không chỉ cho mình mà còn để vực dậy niềm tin, lòng tự hào của gia đình. Và để mọi người hiểu rằng nghệ thuật không phải là điều không thể như họ vẫn nghĩ. Tôi không có được sự sớm sủa, đúng lúc nhưng lòng nhiệt huyết với nghề thì có thừa".
- Bây giờ đã thành danh rồi, anh có muốn bước sang một công việc khác hấp dẫn hơn không?
- Nhiều người hỏi tôi câu này lắm. Thú thực không ít lần tôi suy nghĩ đến việc rời bỏ Nhà hát chèo quân đội để ra solo, thành lập công ty, làm những gì mình thích và chủ động về thời gian. Hiện tại công việc quản lí ở đây chiếm của tôi rất nhiều thời gian. Mà bạn biết đấy môi trường quân đội rất nghiêm túc, đúng giờ lại có "ưu điểm" là hay họp hành.
Mỗi sáng tôi phải dậy từ lúc cả nhà còn đang ngủ, tất tưởi đến cơ quan cách đó 9,1 cây số. Trước nhà có hàng phở ngon nổi tiếng nhưng chẳng bao giờ nhớ ra cả. Mình trót làm lãnh đạo, dù là lãnh đạo nhỏ thôi nên nếu đến muộn thì anh em nói chết. Tôi làm việc gấp 3, 4 lần người khác. Lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Thế nhưng điều đó không thể một sớm một chiều mà có thể dứt bỏ được.
- Nếu không làm diễn viên, anh nghĩ là anh sẽ làm gì?
- Là lái xe. Tôi mê ô tô và thích lái xe từ nhỏ. Mỗi lần thấy có cái ô tô nào về quê là đầu óc cứ mụ mị đi vì sướng. Tôi còn nghe được tiếng xe từ rất xa. Một nghề nữa tôi cũng rất thích đó là vận động viên thể thao. Ngày xưa nhà tôi cách trung tâm thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh có một bức tường. Ngày nào cũng thấy các anh chị vận động viên luyện tập. Có lẽ vì vậy mà say mê thể thao lúc nào không hay.
- Nhiều nghệ sĩ hài miền Bắc thiếu đất diễn vì Hà Nội quá ít các tụ điểm sân khấu? Anh có định Nam tiến để làm được nhiều điều hơn không?
- Thực ra TP. Hồ Chí Minh không phải là miền đất hứa như mọi người vẫn nghĩ đâu. Vào đó để thành ngôi sao là không thể. Đây là bài học cho nhiều nghệ sĩ miền Bắc khi họ dứt áo khăn gói ra đi rồi một ngày lại đột ngột quay về. Tôi không bao giờ có ý định Nam tiến. ở đâu cũng có cơ hội nếu ta biết tìm kiếm. TP. Hồ Chí Minh có các tụ điểm thì Hà Nội có các công ty lớn thường xuyên vẫn mời nghệ sĩ hài đến diễn kịch trong các dịp lễ của họ. Tôi cho rằng khán giả miền Bắc là những người coi trọng nghệ thuật. Họ sẵn sàng chi trả cát xê cao để mời được nghệ sĩ yêu thích.
"Nghệ thuật không phải là điều không thể" Hồi ức về những ngày đầu lập nghiệp, nhớ lại sự không thành công của người cha, cũng là một diễn viên chèo, nghệ sỹ Tự Long trầm ngâm: "Tôi từng xót xa vô cùng khi chứng kiến sự thất bại của bố. Và tự nghĩ, tại sao một tài năng như thế lại bị nghệ thuật lãng quên và bạc đãi? Tôi quyết tâm trở thành nghệ sĩ không chỉ cho mình mà còn để vực dậy niềm tin, lòng tự hào của gia đình. Và để mọi người hiểu rằng nghệ thuật không phải là điều không thể như họ vẫn nghĩ. Tôi không có được sự sớm sủa, đúng lúc nhưng lòng nhiệt huyết với nghề thì có thừa".
Theo Nguoiduatin
Vân Dung: 'Vượng Râu nói đúng đấy' "Có thể vì bên cạnh bạn đó không có ai cả, không có tôi, không có anh Hinh, không có anh Bắc, anh Thắng... khi đó bạn ấy là số 1 hoặc số 2 cũng đúng thôi...". - Chị nghĩ sao khi Vượng "Râu" tuyên bố, trong số những diễn viên hài miền Bắc, anh ta nếu không là số 1 thì cũng...