“Xuân Hạ Thu Đông… rồi lại Xuân” và triết lý sống sao cho hết khổ
Có thể ví “Xuân Hạ Thu Đông… rồi lại Xuân” như một quyển sách nhập môn về Phật giáo. Bởi nó giới thiệu được những nguyên lý cơ bản nhất trong hệ thống triết học khổng lồ và vô cùng “hack não” này, bằng một ngôn ngữ điện ảnh nhẹ nhàng và hàm súc.
Xuân Hạ Thu Đông… rồi lại Xuân (2003) có lẽ là bộ phim dễ xem nhất của Kim Ki-duk- gã đạo diễn dị biệt xứ kim chi. Cốt truyện theo dõi cuộc đời một chú tiểu và vị sư phụ của chú theo dòng thời gian tuyến tính, mỗi mùa xuất hiện là tương ứng với vài năm cho đến chục năm đã qua đi. Với bảng màu và ánh sáng tận dụng từ tự nhiên; cùng nhiều cảnh toàn, đại cảnh và cảnh quay tiêu cự sâu, bộ phim mang lại cảm giác rất thoải mái và khoáng đạt cho mắt nhìn. Từng cảnh trong phim đều có thể tách ra thành một bức tranh hoàn chỉnh cả về hình và ý, thậm chí tưởng như có thể đóng khung đem ra treo tường cũng được vậy.
Bối cảnh của phim hoàn toàn là thiên nhiên (một ngôi chùa nhỏ giữa lòng hồ, xung quanh là rừng cây và núi đá), với sự can thiệp rất ít và mang tính vãng lai của đời sống hiện đại (thông qua những người khách viếng thăm). Phim cũng rất kiệm thoại; âm thanh được sử dụng chủ yếu là nhạc nhẹ, tiếng tụng kinh và âm thanh tự nhiên. Tất cả kết hợp lại, khiến 105 phút của bộ phim trở thành 105 phút người xem được tạm tách lìa khỏi thực tế và dạo bước vào một thế giới tĩnh lặng đủ để chiêm nghiệm về cuộc đời.
Ý nghĩa cuộc đời qua lăng kính Phật giáo
Kim Ki-duk, trong một bài phỏng vấn đã chia sẻ: “Tôi bắt đầu bộ phim này với câu hỏi: &’Ý nghĩa cuộc đời là gì?’. Mỗi người đều cần có cơ hội để tự hỏi mình rằng cuộc đời có ý nghĩa gì, đặc biệt là khi vừa trải qua một giai đoạn đau khổ.” Không khó hiểu khi Kim Ki-duk lựa chọn hệ thống giáo lý của đạo Phật để trả lời câu hỏi này, đặc biệt khi ông đã nhắc đến chữ “khổ”. Bởi “khổ” là khái niệm cơ bản nhất trong Phật giáo, được thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Đời là bể khổ”. Cảnh giới cao nhất trong đạo Phật là Nirva – thường được dịch là Niết-bàn hay Khổ Diệt, tức là nơi tận diệt cái khổ.
Để đạt tới Niết-bàn, đạo Phật đề ra một học thuyết về “Tứ Diệu Đế”, tức “4 chân lý màu nhiệm”, gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Đây là những khái niệm quan trọng mà chúng ta bắt buộc phải hiểu để có thể nắm được ý nghĩa của bộ phim.
Khổ đế – Nếm trải cái khổ trong Xuân, Hạ, Thu
Khổ đế là chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu đế, nói về thực trạng cái khổ. Cái khổ của con người – ở đây đại diện bằng chú tiểu – xuất hiện rõ nhất ở ba lần; trong ba mùa Xuân, Hạ và Thu.
Mùa xuân, chú tiểu nghịch ngợm buộc đá vào ba con vật cá – ếch – rắn và khoái trá chứng kiến sự khổ sở của chúng. Sư phụ nhìn thấy, và để dạy cho đồ đệ một bài học, ông buộc đá vào lưng cậu, bắt đeo hòn đá đó đi tìm cho đủ ba con vật để giải thoát cho chúng. Khi đó ông mới giải thoát cho cậu. Ông cũng nói thêm: “Nhưng nếu bất cứ một con vật nào chết, thì con sẽ mang theo hòn đá này trong tim đến hết cuộc đời.” Cậu bé đi tìm và phát hiện con cá và con rắn đã chết. Đau khổ, cậu òa khóc. Đó là cái khổ thứ nhất.
Sang mùa hạ, chú tiểu lúc này đã bước vào tuổi mới lớn. Chùa cũng có một cô gái trạc tuổi cậu đến nương nhờ cửa Phật để chữa bệnh. Chú tiểu và cô gái có tình cảm với nhau, họ đã quan hệ tình dục ngay trong khuôn viên của chùa. Sư phụ phát hiện và yêu cầu cô gái phải rời chùa. Đau khổ, chú tiểu bật khóc. Cuối cùng chú quyết định bỏ chùa ra đi, tìm lại cô gái. Đó là cái khổ thứ hai.
Rồi đến mùa thu, chú tiểu trở về chùa. Lúc này anh đã 30 tuổi. Anh đang chạy trốn khỏi tội giết vợ. “Tội lỗi duy nhất của con là tình yêu. Con chẳng muốn điều gì khác ngoài cô ta. Nhưng cô ta lại chạy theo một người đàn ông khác.” – Anh tức giận gào lên với sư phụ. Vô cùng đau khổ, và lần này cảm thấy không chịu đựng được nữa, anh quyết định tự sát bằng cách bịt ba mảnh giấy viết chữ “BẾ” (đóng) vào mắt, mũi và mồm. May nhờ sư phụ phát hiện kịp thời mà anh ta không chết, chỉ nhận được một trận đòn nhừ tử. Đó là cái khổ thứ ba.
Cả ba cái khổ, chung quy lại đều là sự không thỏa mãn trước tình trạng tạm thời của mọi thứ. Chú tiểu buộc đá vào các con vật, những tưởng chúng sẽ cứ thế mà sống, cuối cùng chúng lại chết. Chàng trai muốn ở bên cô gái, những tưởng sẽ là vĩnh viễn, cuối cùng phải lìa xa. Người đàn ông đã có được người đàn bà, những tưởng sẽ là mãi mãi, cuối cùng cũng đánh mất. Cái khổ này cứ nối theo cái khổ kia, liên tiếp chẳng dứt, khiến con người cứ quằn quại mãi trong luân hồi.
Tập đế – Nguyên nhân cái khổ trong Xuân, Hạ, Thu
Video đang HOT
Để giải thích sự không dứt của nỗi khổ, đạo Phật có chân lý thứ hai: Chân lý về sự phát sinh của khổ – Tập đế. Tập đế giải thích nguồn gốc của khổ đau là do Thập nhị nhân duyên – một vòng 12 yếu tố có liên hệ mật thiết với nhau, đứng đầu là vô minh. Nhân duyên được đề cập qua lời của sư phụ khi nhắc nhở chú tiểu về ham muốn với cô gái: “Ham muốn đánh thức khao khát sở hữu, từ đó đánh thức ý định giết hại.” Lời răn này vận đúng vào cuộc đời của chú tiểu sau khi rời chùa.
Vô minh được cho là nguồn gốc của tất cả. Nói một cách dễ hiểu, người vô minh như đi trong bóng tối, nhìn mọi vật không đúng như bản chất của nó. Chính vì vô minh mà chú tiểu không hiểu được rằng: Tình yêu, cũng như bốn mùa trong đất trời, cũng như tất cả mọi thứ trên đời này, đều là vô thường. Vô thường, tức là không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ luôn luôn biến chuyển qua các giai đoạn sinh – trụ – dị – diệt. Bởi không hiểu vô thường, nên mới đuổi theo một cái vô thường, mà sinh ra đau khổ.
Cũng chính vì vô minh nên chú tiểu không hiểu được vô ngã, tức là không có một “cái tôi” hay “bản ngã”. Không có cái gì là của ta, kể cả cái thân ta. Không có cái gì vĩnh viễn, trường tồn hay thật chất. Tất cả đều do nhân duyên hợp lại mà sinh ra, cũng do nhân duyên tan rã mà mất đi. Chính vì nghĩ rằng mình có “cái tôi” nên mới khao khát sở hữu để thỏa mãn “cái tôi”, kết quả là tạo ra nghiệp ác là giết người.
Cuối cùng, vẫn vô minh mà chú tiểu sau này quyết định tự sát để không phải chịu khổ nữa. Thế nhưng cách duy nhất để khổ đau biến mất không phải là giết mình, mà là phải diệt vô minh. Chừng nào còn vô minh thì còn mắc kẹt trong luân hồi, đắm chìm trong bể khổ. Điều này được thể hiện rất rõ qua lời nói của sư phụ: “Giết người thì có thể dễ, nhưng giết mình thì không dễ đâu”. Bởi chết đi rồi lại tái sinh, chỉ khi nhập vào Niết-bàn thì mới có thể thoát khỏi luân hồi.
Diệt đế – Chấm dứt cái khổ trong Thu và Đông
Diệt đế là chân lý thứ ba, chân lý về diệt khổ. Muốn chấm dứt khổ đau thì ta phải được ánh sáng trí tuệ chiếu vào, xua tan bóng tối của sự vô minh. Kim Ki-duk đã thể hiện điều này rất rõ ràng qua phần hình ảnh. Đó là phân đoạn quay cảnh người đàn ông khắc bài kinh Bát-nhã lên sàn ngôi chùa, theo vết mực sư phụ viết mẫu, bằng chính con dao gây tội của mình. Anh khắc suốt đêm và lăn ra ngủ một giấc ngủ yên lành dưới ánh mặt trời rực rỡ. Bóng tối tự nhiên, hay bóng tối của sự u mê, đã biến mất dưới sự soi rọi của ánh sáng trí tuệ.
Kinh Bát-nhã là một học thuyết về tính Không, nổi tiếng nhất với câu “Sắc Tức Thị Không – Không Tức Thị Sắc.” Theo đó: “Tính Không là bản chất của vạn vật, không có tự ngã, không có tự tính, trống rỗng và tùy thuộc vào nhân duyên.”
Chính vì vậy, khi tỉnh dậy và nhìn xung quanh, người đàn ông thấy ngôi chùa của mình đang lênh đênh trên hồ. Đến lúc này, anh mới hiểu được cái vô ngã của vạn vật mà bớt khổ.
Tuy nhiên, cái khổ của anh vẫn chưa được tận diệt. Khi hai vị thám tử dẫn giải anh lên thuyền để về thụ án, thuyền không đi được. Phải đến khi sư phụ khoát tay cho đi thì mới có thể đi. Đối chiếu với đoạn đầu phim, ta nhận thấy đây là lúc sư phụ tháo bỏ hòn đá trên lưng chú tiểu ngày nhỏ. Nhưng vẫn còn đó hòn đá trong tim mà chú tiểu sẽ phải mang theo suốt đời, kể từ khi làm nghiệp ác đầu tiên và vướng vào luân hồi.
Tiễn người đệ tử ra đi, sư phụ quay vào chùa và chuẩn bị cho cái chết của mình. Ông đẩy thuyền ra giữa hồ, xếp củi lên thuyền; dán chữ “BẾ” vào mắt, mũi, miệng và tai; đặt một ngọn nến dưới đống củi và bắt đầu hành động tự thiêu. Thuyền tượng trưng cho cái thân, đặt trên dòng nước đại diện cho tham ái, hay rộng ra là bể khổ nhân gian. Ngọn lửa là tham – sân – si, khi nó lụi tàn thì mang nghĩa biểu thị trạng thái Niết-bàn.
Tuy nhiên, không phải đến lúc này vị sư phụ mới đạt được trạng thái Niết-bàn. Ông đã đạt được nó từ lâu; hành động tự thiêu chỉ là hình thức thể hiện bên ngoài của nó. Hoàn toàn không phải ông bị lửa tham – sân – si đốt cháy. Bởi đối với bậc cao tăng đã giác ngộ, cái thân, cũng như cái thuyền, tất cả đều không có thật.
Theo dõi kỹ hơn về cái thuyền và sự liên kết giữa nó với các nhân vật trong phim, chúng ta hiểu về mức độ giác ngộ của từng người. Sư phụ không có cảnh nào cần thuyền để đi lại một mình. Ông chỉ dùng thuyền để đưa đón chúng sinh. Người xuất hiện với chiếc thuyền nhiều nhất là người đồ đệ. Tuy nhiên, sau này khi anh ta thụ án tù xong và trở về, anh cũng không cần thuyền nữa. Chiếc thuyền lại trở thành vật gắn với người đồ đệ của anh ta. Cần thuyền để đi trên hồ, tức là vẫn có chấp ngã. Không cần thuyền, ấy là đã hiểu về vô ngã rồi vậy.
Về nguyên nhân sư phụ quyết định tự thiêu, chúng ta cần nhìn lại những lần xuất hiện của bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và liên kết của nó với ông. Rất có thể ông chính là hiện thân của vị Bồ Tát này. Theo giáo lý của Phật giáo Đại thừa, Bồ Tát sẽ nhập Niết-bàn sau khi thực hiện xong hạnh nguyện. Điều này giải thích tại sao sư phụ lại chọn viên tịch ngay sau khi giáo hóa thành công người đệ tử của mình.
Đạo đế – Con đường để chấm dứt cái khổ trong mùa Đông
Đạo đế là chân lý cuối cùng trong Tứ Diệu Đế – chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ – xuất hiện trong duy nhất mùa đông. Lúc này người đồ đệ đã mãn hạn tù và trở về chùa. Không gian xung quanh đã đóng băng hoàn toàn. Ông đến chỗ sư phụ tự thiêu, tìm lại xá-lị của Người, đem gói vào một tấm vải đỏ, tạc một bức tượng Phật bằng băng và nhét tấm vải vào giữa trán để làm con mắt thứ ba – con mắt trí tuệ của Phật. Ông bắt đầu quá trình tu tập dưới sự giám sát của người sư phụ đã khuất. Một ngày, có người phụ nữ đem con đến chùa rồi bỏ trốn trong đêm, không may sảy chân chết đuối. Nơi chị ta chết đuối, trôi nổi tấm vải đỏ gói xá-lị của sư phụ, đồng nghĩa với việc bức tượng băng đã tan ra. Khi vớt chị, người đàn ông nhìn thấy một (ảo ảnh) bức tượng Quán Thế Âm. Đây chính là lúc ông bắt đầu quá trình tự giác ngộ, không còn dựa vào sư phụ nữa.
Ông mở tủ, cầm một bức tượng Di-lặc Bồ Tát, buộc hòn đá vào sau lưng và leo lên núi. Ông gặp lại ba con vật ngày xưa: con cá bị buộc đá, con ếch bị buộc đá, con rắn bị buộc đá. Tất cả đều còn sống. Ông leo lên đỉnh, đặt bức tượng xuống và ngồi thiền bên cạnh; phóng tầm mắt xuống cả vùng núi rừng rộng lớn, trong đó cái hồ và ngôi chùa của ông hiện lên thật nhỏ bé. Đây là đỉnh cao nhất ông từng đạt được. Những lần trước, tầm mắt của ông chỉ cho thấy cái hồ hoặc một góc của khu rừng. Điều này thể hiện ông đã giác ngộ hoàn toàn, tận diệt vô minh:
“Nhờ trừ hết buông lung, kẻ trí không còn lo sợ gì. Bậc thánh hiền bước lên lầu trí tuệ, nhìn thấy kẻ ngu si còn nhiều lo sợ, như được lên núi cao, cúi nhìn muôn vật trên mặt đất.”
(Trích “Kinh Pháp Cú”)
Ta lại bàn về bức tượng, đây là một bức tượng Di-lặc bằng đồng. Có ba bức tượng chính xuất hiện lần lượt trong phim. Đầu tiên là bức tượng Phật to lớn, thô sơ, bằng đá vôi trên núi – nơi chú tiểu vẫn trèo lên ngày nhỏ để ngắm cảnh. Bức tượng đại diện cho giáo lý Phật giáo nguyên thủy – Một thứ gì đó quá cao siêu mà cậu bé chỉ có thể hiểu một cách non nớt trên bề mặt.
Thứ hai là bức tượng Quán Thế Âm trong chùa. Bức tượng này bằng đá, đại diện cho những gì sư phụ giác ngộ được từ giáo lý nguyên thủy và truyền dạy cho đệ tử của mình. Bởi thế, khi bỏ chùa “chạy theo tiếng gọi tình yêu”, cậu trai mới lớn đã lấy trộm bức tượng cõng đi. Tuy cõng theo giáo lý của sư phụ trên lưng, nhưng cậu vẫn chẳng hiểu về nó, nên khi trở về hành trang ngoài bức tượng còn có thêm một con dao vấy máu tham – sân – si.
Cuối cùng là bức tượng Di-lặc bằng đồng, tuy chỉ xuất hiện ở đoạn cuối nhưng lại là bức tượng quan trọng nhất. Nó đồng hành cùng người đàn ông trên con đường đi lên đỉnh núi, thực hành “Bát chính đạo” để đạt tới Niết-bàn. Bức tượng Di-lặc nhỏ nhắn và tinh xảo, thể hiện sự giác ngộ Phật pháp hoàn toàn ở người đàn ông. Nhấn mạnh ở đây là sự giác ngộ đến từ TỰ THÂN, không dựa vào kinh nghiệm của người khác. Khoảnh khắc ông ngồi thiền bên cạnh bức tượng trên đỉnh núi chính là lúc ông trở thành Di-lặc – Vị Phật của tương lai, Bậc giác ngộ Pháp và thuyết lại cho chúng sinh khi Phật Pháp đã bị lãng quên trên Trái Đất.
Rồi lại Khổ đế – Chúng sinh tiếp tục trầm luân với 4 mùa
Mùa xuân trở lại với ngôi chùa, lúc này người đàn ông đã trở thành sư phụ. Cậu bé mẹ bỏ rơi ngày xưa đã lớn lên thành một chú tiểu lanh lợi. Chú tiểu lại tiếp tục làm đúng như những gì sư phụ mình làm khi xưa, thậm chí tăng tiến hơn: Nhét đá vào miệng ba con vật vô tội – cá, ếch và rắn. Chú tiểu là đại diện cho chúng sinh, lại từ vô minh mà gây nghiệp ác, mở ra luân hồi. Và cũng như những gì Quán Thế Âm Bồ Tát đã làm, Di-lặc Bồ Tát lại phải tiếp tục giáo hóa để cứu vớt chúng sinh khỏi bể khổ nhân gian.
Giáo lý về cái khổ là giáo lý đậm tính từ bi của Phật giáo, bởi đúng như lời sư phụ nói khi bắt gặp chú tiểu “phá giới” với cô gái: “Nó tự xảy ra như thế. Điều đó là tự nhiên thôi.” Sinh ra trong vô minh nên mới làm ác, mới chịu khổ – Tất cả đều là tự nhiên thôi. Miễn cố gắng tu tập, thoát khỏi vô minh, buông được cái đao xuống, thì kẻ chúng sinh nào cũng thành Phật được vậy.
Theo Trí Thức Trẻ
Phim mới của đạo diễn Hàn bị cáo buộc hiếp dâm: Nữ chính bị 5 đàn ông cưỡng hiếp trong 30 phút
Một bài bình phim thậm chí đã đặt lại tên cho phim mới của Kim Ki Duk là "Rape: The Movie".
Kim Ki Duk là một trong những đạo diễn tên tuổi nhất của Hàn Quốc, từng nhiều lần làm rạng danh điện ảnh Hàn ở nước ngoài với các tác phẩm như Xuân, Hạ, Thu, Đông... Rồi lại Xuân, Pietà, 3-Iron, Samaria,... Mặc dù là chủ nhân của nhiều giải thưởng tầm cỡ quốc tế, ông cũng gây nhiều tranh cãi với tư tưởng ghét phụ nữ, ưa bạo lực trong các phim của mình. Có thể kể đến Moebius, một bộ phim của Kim Ki Duk vào năm 2013 từng khiến nhiều khán giả nôn mửa giữa rạp vì nội dung "quá kinh khủng", "làm méo mó tâm hồn".
Đạo diễn Kim Ki Duk
Tháng Hai vừa qua, tác phẩm Human, Space, Time and Human (tạm dịch: Con Người, Không Gian, Thời Gian Và Con Người) của Kim Ki Duk đã được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin và giống như Moebius, nhiều người xem phải bỏ về vì nó quá ghê rợn, chứa nhiều yếu tố tình dục, bạo lực. Trang Screenanarchy thậm chí còn để tiêu đề bài bình luận bộ phim này là "Human, Space, Time and Human aka Rape: The Movie" ( Con Người, Không Gian, Thời Gian Và Con Người hay còn có tên là Hiếp Dâm).
"Human, Space, Time and Human" có sự tham gia của Jang Geun Suk, Ryu Seung Bum, Ahn Sung Ki, Mina Fujii,...
Bộ phim xoay quanh một nhóm người cùng bước lên một tàu chiến cũ, mục đích hay điểm đến của họ khi đi trên chuyến tàu này là gì đều không được nhắc đến. Nhóm người chủ yếu là người Hàn, có một số là người Nhật, với đủ hạng người từ chính trị gia, côn đồ, nghệ sĩ đến gái mại dâm,... Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đầu tiên, người xem đã bị ngập ngụa trong những cảnh cưỡng hiếp phụ nữ diễn ra trên con tàu, trong đó, nhân vật nữ chính bị năm bảy gã đàn ông liên tục hãm hiếp còn chồng cô thì chết thảm. Những diễn biến tiếp sau đó của Human, Space, Time and Human tiếp tục khiến người xem cảm thấy kinh khủng với những gì đang diễn ra trên màn ảnh, một tác phẩm ngập tràn máu me và những cảnh xác thịt.
Một số cảnh trong "Human, Space, Time and Human"
Vẫn có nhiều nhà phê bình đánh giá cao phim mới của Kim Ki Duk cũng như phong cách điện ảnh đặc trưng của ông. Trước nay, "quái kiệt" của làng phim Hàn vẫn chủ trương làm phim để thỏa mãn cái tôi cá nhân chứ không phải để phục vụ khán giả đại chúng. Những phản ứng trái chiều về Human, Space, Time and Human lần này cũng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, điều khiến một bộ phận khán giả cảm thấy ghê tởm đó là những gì mà Kim Ki Duk thể hiện trên phim dường như không khác gì với chính ông ở ngoài đời.
Kim Ki Duk hiện đang là một trong những cái tên "nóng" của chiến dịch #MeToo. Vào cuối năm 2017, ông từng bị phạt tiền vì có hành vi bạo lực, ép đóng cảnh nóng một nữ diễn viên tham gia casting cho Moebius, tuy nhiên những cáo buộc gần đây của nhiều diễn viên và nhân viên nữ về phía Kim Ki Duk mới thực sự khiến công chúng rùng mình. Theo những cáo buộc này, vị đạo diễn họ Kim từng có hành vi quấy rối, tấn công tình dục nhiều cô gái, có người còn bị ông bắt thủ dâm trước mặt mình rồi sau đấy quan hệ tình dục. Jo Jae Hyun, nam diễn viên từng góp mặt trong nhiều tác phẩm của Kim Ki Duk, trong đó có Moebius, cũng là một nghệ sĩ bị chiến dịch #MeToo vạch trần và đã lên tiếng xin lỗi về hành vi của mình.
Kim Ki Duk và Jo Jae Hyun - hai cái tên tai tiếng nhất nhì chiến dịch #MeToo. Liệu sự nghiệp của họ sẽ như thế nào sau chiến dịch này?
Theo Trí Thức Trẻ
Dòng phim Hàn bị chỉ trích vì cảnh nóng thô bạo vẫn giành giải cao, gây chú ý thế giới Thậm chí tác phẩm mới nhất của Kim Ki Duk đã khiến khán giả bỏ chạy vì cảnh nóng quá thô bạo. Không xuất thân từ trường đào tạo điện ảnh chính quy nhưng những gì mà đạo diễn Kim Ki Duk làm được cho nền điện ảnh Hàn Quốc đã khiến không ít người phải nể phục. Và vì không bị ràng...