Xuân ấm
Xe mới đi tầm vài chục phút thì có khách đón dọc đường nên vội tấp vào lề. Bước lên xe là một cô gái tầm 28, 29 tuổi, tay khệ nệ nào túi xách, nào giỏ quà Tết. Anh lơ xe đi như đạp vào dãy người ngồi ở giữa, dẫn cô gái đến cuối xe và chỉ dãy ghế cuối cùng, cạnh anh, một anh thanh niên mặc quân phục bộ đội.
Cả dãy ghế dường như đã kín chỗ nhưng thấy chị vào nên mỗi người nép một chút thành một khoảng trống vừa đủ chỗ cho dáng người nhỏ thó của chị. Chị được ngồi xếp cạnh anh bộ đội. Như hiểu ý, anh ngồi sang một bên, nhường chỗ ngồi gần cửa sổ để chị dễ thở. Chị lí nhí cảm ơn. Xe tiếp tục lăn bánh. Không biết từ giờ xe có dừng lại đón khách dọc đường nữa không. Dường như, những ngày cuối cùng của năm cũ, ai cũng thông cảm và muốn nhiều người thêm có cơ hội về nhà đón Tết nên việc ngồi chật một chút cũng là chuyện thường tình. Những chuyến xe cuối năm bao giờ cũng đông nghẹt khách.
Anh là một người lính, đã đủ thời hạn xuất ngũ nhưng vẫn tình nguyện ở lại công tác. Cách đây 4 năm, mẹ anh mất trong một cơn bạo bệnh, đúng gần dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, những năm sau dường như năm nào anh cũng nhường cho anh em trong đơn vị “xuất” về nhà đón Tết. Năm nay, tự nhiên anh muốn về nhà. Anh muốn về lau chùi bàn thờ của mẹ vào năm mới, muốn đón Giao thừa trong cái se lạnh của quê anh. Anh xin phép trưởng đơn vị cho anh về nhà vài ngày Tết.
Còn chị là công nhân ở một khu chế xuất ở Bình Dương. Công nhân làm cho công ty nước ngoài dường như chẳng có ngày nghỉ Tết. Chị là con cả trong nhà nên cáng đáng hết những phần nhọc nhằn. Bởi vậy, ở cái tuổi đã phải “yên bề gia thất” thì chị vẫn ngày ngày đi-về giữa xưởng may và nhà trọ. Đôi khi, chị thấy cuộc đời mình giống như câu chuyện tiểu thuyết buồn về số phận của một người công nhân quanh năm chỉ biết làm và tích góp. Cũng 3 năm rồi chị chưa về quê ăn Tết. Những đơn hàng của công ty vào ngày Tết vẫn đều đặn như ngày thường. Chị không muốn bỏ lỡ một ngày làm nào vì chị biết rằng một ngày công của chị là những tiết học trên giảng đường của đứa em út. Chị cắn răng chịu đựng, hết đi làm rồi về nhà trọ, quanh quẩn với chiếc radio cũ và nghe những chương trình phát thanh Tết dành cho công nhân.
Năm nay thì khác, em út của chị đã ra trường và tìm được công việc. Dù chưa gọi là ổn định nhưng chị vẫn cảm thấy như mình được nhẹ gánh đi rất nhiều. Năm nay chị quyết định về quê ăn Tết bằng một số tiền dành dụm không nhiều. Để được về quê, mấy tháng liền chị đăng ký tăng ca. Gần Tết, đơn hàng công ty nhiều, chị xin “đổi ca” cùng với mấy chị làm chung không có điều kiện về. Chị cũng có tên trong danh sách các công nhân được công ty hỗ trợ chuyến xe yêu thương về quê ăn Tết, nhưng chị thấy mình vẫn còn có khả năng và điều kiện nên nhường suất cho những chị em khác khó khăn hơn. Vì thế, vừa được nghỉ là chị gom đồ, ra đón xe từ trưa đến giờ mới được.
Video đang HOT
Chuyến xe đa số chở những người đồng hương với chị, nhiều người đi làm và cũng rất nhiều sinh viên. Thấy mấy đứa sinh viên hò hét, cười nói rộn ràng, chị thấy vui và sảng khoái lạ thường. Chuyến xe cuối năm bao giờ cũng vậy. Dường như ai cũng muốn gạt bỏ hết những phiền não và sầu tư trong cuộc sống thường nhật để về quê đón Tết. Được về nhà ngày Tết là niềm mơ ước của nhiều người. Vì vậy, dù xe có đông một chút, dù bao ngày thức đêm chị vẫn cảm thấy lâng lâng hòa chung vào không khí vui vẻ của những người con xa quê trong chuyến xe cuối năm.
Xe chạy chừng vài chục phút thì anh bộ đội bắt chuyện. Câu chuyện qua lại khiến 2 người cởi mở hơn, như bạn tâm giao lâu ngày gặp mặt. Anh kể chị nghe chuyện gia đình, chuyện trong đơn vị, chị kể anh công việc và cuộc sống buồn vui của công nhân. Thỉnh thoảng anh và chị cùng cười khi thấy phía trước mấy sinh viên ca hát, hò hét, nhất là những đoạn đường bị kẹt xe. Ngày Tết, những chuyến xe dường như đi chậm hơn không chỉ vì lưu lượng xe tăng đột biến mà còn vì chở nặng những giỏ quà Tết và niềm vui của những người con tha phương. Không khí trên xe trở nên ồn ào và nhộn nhịp, kẻ nói người cười, những câu chuyện không đầu không đuôi tạo nên âm thanh sống động. Qua câu chuyện, anh biết nhà chị ở cách nhà anh một khoảng 8, 9 cây số. Anh cũng hứa đầu năm nay sẽ đến nhà chị chúc Tết. Chị cũng thấy vui vì có lẽ năm nay có khách đến thăm xuân.
Chuyến xe cuối năm cứ lắc lư nối dòng xe cộ tấp nập trên quốc lộ 1A vào ngày cuối cùng của năm. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi là anh được về với mái nhà xưa, nơi có gốc mai tứ quý cổ thụ trước sân nhà. Những năm trước mỗi lần lặt lá chuẩn bị cho ra hoa đón Tết, mẹ anh đều gọi điện báo. Còn chị thì được sum vầy cùng ba mẹ và 2 đứa em sau mấy năm biền biệt. Chị không còn ngồi nước mắt ngắn nước mắt dài buồn tủi trong căn phòng trọ chật hẹp nhưng vô cùng trống trải vào đêm Ba mươi như những năm trước. Chị sẽ được hơ hơ đôi bàn tay bên bếp lửa đang cháy rào rào, phảng phất mùi bánh chưng bánh tét.
Câu chuyện bắt đầu thưa dần, chị lim dim đi vào giấc ngủ. Chị ngả đầu vào vai anh ngủ lúc nào không hay. Có lẽ đây là giấc ngủ ngon nhất của chị sau những đêm thức trắng tăng ca. Anh ngồi yên không nhúc nhích như sợ làm chị thức giấc. Nhìn ra bên ngoài, đường phố đông đúc và nhộn nhịp. Những chiếc xe ba gác chở hoa cúc, hoa mai có vẻ hối hả hơn để kịp giao cho khách. Các shop bánh kẹo, quần áo, tạp hóa đông khách hơn thường ngày. Vệt nắng chiều cuối năm cố len lỏi qua khung cửa sổ soi rọi những gương mặt hân hoan trên chuyến xe cuối năm. Anh quay sang kéo rèm cửa một chút che cho ánh nắng khỏi chiếu vào khuôn mặt chị. Phía trước xe các bạn sinh viên vẫn đang hò hát, reo vui. Bỗng dưng anh nhoẻn miệng cười. Có lẽ, đối với anh và cả chị, xuân này sẽ là một mùa xuân ấm.
Theo PNO
Nơi yêu thương quay về
Chiều nay về giữa phố, trong dòng người hối hả ngược xuôi, trong những âm thanh rộn ràng của những ngày giáp Tết, mình chạnh lòng thương bạn - người bạn gắn liền với những kỷ niệm hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ. Với bạn, có lẽ hình ảnh quê hương vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức mà đường về quá xa xăm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bạn và mình cùng ở một làng quê, uống cùng một nguồn nước, hít cùng một bầu khí trời và cùng có một nơi để yêu thương và để nhớ. Ngã rẽ tuổi mười tám đưa bạn và mình cùng xa quê và có những sự lựa chọn khác nhau cho tương lai của mình. Ngày bạn lên đường sang Nga, hai đứa cứ dùng dằng quyến luyến mãi. Bước chân lên tàu, bạn nói: "Khi nào ổn định tau sẽ về thăm quê, thăm mày". Thời gian cứ mãi trôi nhưng lời hẹn năm nào cũng chưa thành hiện thực.
Bạn thường hay kể, vào những đêm mưa mùa đông dầm dề, ảo não ở đất nước Nga xa xôi, giữa căn phòng trọ chật chội, bạn luôn nhớ về làng quê với biết bao kỷ niệm ấm áp của tuổi thơ. Đó không chỉ là căn nhà ba gian với khoảng sân ngập nắng, có giàn mướp trổ những nụ hoa vàng ươm. Ngôi nhà đó, những buổi xế trưa, khi mặt trời đã qua khỏi ngọn tre già trước ngõ, ba mẹ ra đồng chưa về, nội ngồi trước hiên ru bạn ngủ, tiếng ru ầu ơ của nội xen lẫn tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt đã đưa bạn về miền cổ tích có hình ảnh cô Tấm dịu hiền, có nàng Lọ Lem gặp được hoàng tử,... Những buổi trưa mùa hè trong trẻo ấy theo bạn suốt một thời thơ ấu và có lẽ suốt cả cuộc đời.
Giờ đây, cứ mỗi lần nhìn con nắng hanh hao vàng ở phương xa, bạn lại cồn cào nhớ nhà, nhớ nội. Nhớ cánh đồng trước ngõ hương lúa thơm ngào ngạt, những buổi trưa, bọn trẻ con cùng nhau ra đồng cắt cỏ, đuổi bắt chuồn chuồn rồi tranh nhau hái những chùm hoa cơm nguội trên những con đường làng chi chít những đám hoa cỏ may. Nhớ khi chiều xuống, bọn mình ra đồng bắt cá, lòng chợt nao nao khi nhìn làn khói nhạt bay lên từ chái bếp nhà hàng xóm, nhìn đàn chim líu ríu về tổ, ngọn núi thăm thẳm mờ xa và những tàn me khép lá.
Hơn mười năm rồi nhỉ, bạn đi... chưa một lần về. Những lần trò chuyện qua điện thoại, hay những dòng status trên facebook, mình biết rằng bạn luôn dõi về quê hương. Nhiều lúc mình tự nghĩ, bạn sẽ như thế nào, lòng hân hoan hay hụt hẫng khi trở về và nhìn thấy sự đổi thay của quê hương: những con đường làng đầy vết chân trâu được bê tông thẳng tắp; những cánh rừng đầy những đồi sim chín mọng nay đã trở thành rừng cao su bạt ngàn; con suối nhỏ với dòng nước trong vắt phản chiếu một khoảng trời xanh ngắt chảy qua khe núi Ngang cũng dần trở nên khô cạn,... Và những đứa bạn hồn nhiên nhảy chân sáo một thời cũng mỗi đứa một nơi, tất cả vì cuộc sống mưu sinh, lấm lem vết mực của cuộc đời, còn mấy ai giữ được một tâm hồn trong trẻo, vô ưu.
Sáng nay thức dậy đã thấy sương mờ giăng khắp lối. Luống cải mẹ gieo nơi góc sân cũng đã kịp trổ, những nụ hoa vàng bé li ti đẹp đến nao lòng. Vào những ngày này, tiết trời đang lạnh hơn và mùa đông đang trải qua những ngày cuối cùng để nhường chỗ cho một mùa xuấn ấm áp. Mọi người đang hối hả làm những công việc cuối cùng của năm cũ, ai cũng mang trong mình một tâm trạng - tâm trạng của một người sắp đứng trước khoảnh khắc giao thời và cảm giác hân hoan, sung sướng sắp được đoàn tụ với những người thân yêu của mình.
Còn bạn, Tết này về thăm quê đi nhé. Quê hương vốn dĩ bao dung, như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay đón những người con xa xứ trở về...!
Theo PNO
Bên thềm xuân sắc Bỗng nhiên chị thấy sợ những ngày Tết đến xuân về cũng chỉ bởi đã quá lứa lỡ thì. Tuổi của chị, chúng bạn đều đã lập gia đình, giờ này có lẽ đang vun vén cho cái Tết nhà chồng. Mỗi lần nhìn ai đó mặt tươi vui chọn mua áo mới cho con là lòng chị lại chạnh buồn. Là phụ...