Xua tan những triệu chứng tiêu hóa khó chịu trước kỳ đèn đỏ
Hoóc-môn thay đổi trước kỳ nguyệt san là ‘thủ phạm’ chính gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như táo bón, buồn nôn, tiêu chảy…
1. Chứng táo bón
Khi kỳ đèn đỏ gõ cửa, bạn nhận thấy mình có triệu chứng khó chịu này. Lý do không phải là chế độ ăn mà thực chất là do hoóc-môn thay đổi trong quá trình rụng trứng. Hàm lượng hoóc-môn bị sụt giảm cũng như các cơ ở đường tiêu hóa có chức năng hỗ trợ quá trình bài tiết cũng bị ảnh hưởng.
Để cải thiện tình hình, bạn ăn nhiều chất xơ hòa tan như khoai lang, bí đỏ, yến mạch, nho khô hay sốt táo. Các thực phẩm này sẽ giúp việc bài tiết đều đặn và thuận lợi hơn trong khi các loại hạt, rau họ cải và các thức ăn chế biến sẵn sẽ làm cho tình trạng này tệ hơn. Đồng thời, nước canh hoặc súp nóng cũng rất hữu ích để cải thiện chứng táo bón.
2. Tiêu chảy
Sự thay đổi hoóc-môn estrogen và serotonin là nguyên nhân dẫn đến chứng tiêu chảy.
Cách đơn giản để cải thiện tình hình là hãy tránh đồ uống chứa caffeine, đồ uống có cồn, nhiều đường, thức ăn cay, béo, ăn quá nhiều hoa quả và thực phẩm chế biến từ sữa. Bạn hãy bổ sung chất xơ từ thực phẩm tốt cho sức khỏe sẽ giúp đẩy lùi chứng tiêu chảy.
Ảnh minh họa: AWT.
3. Xì hơi
Hẳn là sự cố này sẽ làm bạn ngượng chín mặt. Nguyên nhân của vấn đề này không chỉ là do ăn uống mà cũng do sự thay đổi hoóc-môn trong cơ thể khi kỳ đèn đỏ đến.
Bạn hãy tránh các loại rau củ thô mà bổ sung khoai lang, bí đỏ, yến mạch… vào chế độ ăn. Bạn cũng có thể ăn thì là hay quả hồi sau bữa ăn để “tống khứ” hơi trong dạ dày của bạn một cách nhanh chóng. Đồng thời, hãy tránh ăn các loại đậu, thực phẩm nhiều tinh bột và ăn protein tách biệt với tinh bột trong bữa ăn. Với cách này, cơ thể bạn sẽ tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Trứng, hành tây, tỏi, súp lơ cũng là những thực phẩm bạn nên tránh.
Video đang HOT
4. Sôi bụng
Bạn thường cảm thấy khó chịu vì bụng sôi réo khi ngày đèn đỏ đang đến gần. Nó còn có thể gây ra chứng chuột rút đau đớn cho bạn trong những ngày này.
Tốt nhất bạn hãy tránh ăn những thực phẩm khó tiêu hóa như thịt đỏ, thức ăn nhiều béo và đường, ăn quá nhiều hoa quả chứa lượng đường cao, rau thuộc họ cải, ăn nhiều ngũ cốc, các loại hạt và sản phẩm từ sữa. Sữa chua chứa probiotic sẽ rất tốt cho bạn nhưng chỉ ăn một lượng nhỏ thôi và bạn hãy chọn loại không đường.
5. Đói bụng liên tục
Trước khi kỳ đèn đỏ gõ cửa, bạn thường cảm thấy đói bụng liên tục. Bạn hãy chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe thay vì thực phẩm nhiều chất béo, ngũ cốc đóng hộp và bánh ngọt. Một chút chocolate đen sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn với hàm lượng magie và chất sắt cao.
6. Buồn nôn
Một trong những triệu chứng khác gây ra bởi sự thay đổi hoóc-môn vào thời kỳ này là buồn nôn.
Đừng quá lo lắng, bạn chỉ cần ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa như súp với nước dùng từ rau củ, bí ngô, bí, đậu xanh, khoai lang, sốt cà chua, cần tây và cà rốt. Bạn cũng có thể thưởng thức yến mạch với sữa hạnh nhan với bột quế, bạch đậu khấu và gừng tươi. Hoặc một cốc sinh tố được bổ sung tinh dầu bạc hà cũng có tác dụng làm dịu dạ dày, giảm chứng buồn nôn, táo bón và tiêu chảy.
Theo VNE
Những triệu chứng tình dục bạn không nên làm ngơ
Khu vực "dưới đó" không phải luôn hành xử theo cách mà bạn mong đợi. Đôi khi, một vài sự cố có thể nảy sinh trong lúc đang thân mật gây cảm giác khó chịu hoặc xấu hổ. Thật ra, những khó chịu ấy là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp trục trặc cần phải điều chỉnh ngay.
Phụ nữ cần thăm khám thường xuyên để phòng tránh các bệnh phụ khoa - Ảnh: Shutterstock
Michele Curtis, bác sĩ, giáo sư sản phụ khoa tại Đại học Texas (Mỹ) cho biết mặc dù khó có thể thảo luận về các triệu chứng, nhưng rất cần thiết để gặp bác sĩ ngay lập tức và mô tả nơi có chuyện xảy ra. Một số triệu chứng phổ biến sau bạn không nên bỏ qua để đời sống chăn gối viên mãn.
Dịch âm đạo
Rụng trứng xảy ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, lúc này cơ thể trông căng tràn nhựa sống, âm đạo tiết ra nhiều chất lỏng hơn bình thường và có màu trắng đục. Bác sĩ Sandra Reed, phát ngôn viên của Hội sản phụ khoa có trụ sở tại Thomasville, Georgia (Mỹ) cho biết dịch tiết âm đạo là hoàn toàn bình thường, nó chỉ bất thường khi vón cục, có màu trắng đục và mang theo mùi hôi, rất có thể bạn đã bị nhiễm một loại nấm có tên Candida, luôn hiện diện trong âm đạo.
Căng thẳng, bệnh tật, dùng thuốc kháng sinh, steroid và đôi khi bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra bệnh này. Nhiễm nấm ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của phụ nữ và có thể lây sang đối tác của họ nếu không được điều trị kịp thời. Dịch tiết âm đạo cũng có thể báo hiệu một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, bao gồm cả bệnh lậu (với đặc trưng chất lỏng màu xanh hoặc vàng), nhiễm Trichomonas hoặc Chlamydia.
Ngứa phát ban
Nếu bộ phận sinh dục bị viêm và ngứa, có thể bạn đang bị viêm da vulval, một phản ứng dị ứng với chất kích thích nào đó, chẳng hạn sữa tắm, đồ lót, lông khăn tắm...; đôi khi phát ban xảy ra sau khi quan hệ tình dục do một số phụ nữ có thể dị ứng với bao cao su, chất bôi trơn hoặc kem diệt tinh trùng. Họ thậm chí có thể dị ứng với mồ hôi, nước tiểu hay tinh trùng của đối tác, tiến sĩ Curtis cho biết.
Ngoài ra, phát ban cũng có thể là dấu hiệu của herpes, một bệnh nhiễm trùng khởi phát với cảm giác ngứa ran và sau đó biến thành mụn nhỏ màu đỏ hoặc mụn nước trắng. Herpes ảnh hưởng đến 16% phụ nữ, nhưng 80% trong số đó thường không nhận ra căn bệnh này do nó không không có dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau ở từng người. Vì vậy, nếu bạn hoặc đối tác có các triệu chứng mụn rộp cần tránh giao hợp và đến gặp bác sĩ ngay.
Với phụ nữ mang thai, việc điều trị cần tiến hành nhanh chóng bởi herpes có thể truyền sang em bé trong khi sinh. Một nguyên nhân khác có thể gây phát ban ngứa là lichen sclerosus (xơ hóa lichen), gây loang lổ da chủ yếu ở khu vực bộ phận sinh dục và hậu môn. Bệnh này khiến cho da ở khu vực này mỏng đi và dễ chảy nước, đôi khi gây ra sẹo. Chẩn đoán và điều trị (thường là với các loại kem và thuốc mỡ cortisone) ngay tức khắc là điều cần thiết.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu liên tục đi tiểu với tần suất đáng báo động và có cảm giác đau đớn thì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Thường xuyên giao hợp có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu và càng đau rát khi đi tiểu, tiến sĩ Curtis nói. Bà cho biết thêm sex có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang, và nghiêm trọng hơn là gây viêm bàng quang.
Trong một vài trường hợp hiếm hoi, cảm giác nóng rát là dấu hiệu của vulvodynia - những cơn đau mãn tính trong âm hộ có thể được gây ra bởi nhiễm trùng (do nấm men hoặc Candida lặp đi lặp lại), chấn thương (phẫu thuật vùng chậu gây tổn thương các dây thần kinh khiến chúng ta cảm thấy đau liên tục). Vulvodynia có thể được điều trị bằng thuốc, trong một số trường hợp có thể dùng đến phương pháp phẫu thuật để loại bỏ các dây thần kinh bị viêm.
Co thắt cơ
Nếu bộ phận sinh dục thường xuyên siết chặt và ép xuống khi giao hợp thì đây có thể là dấu hiệu của chứng co đau âm đạo. Tiến sĩ Reed cho biết chứng bệnh này ảnh hưởng tới 6% phụ nữ, khi hiện tượng co thắt không tự chủ của các cơ thành âm đạo diễn ra, sẽ gây đau đớn khi "thâm nhập".
Tuy nguyên nhân gây đau vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng gốc rễ của tình trạng này có thể là do cảm xúc, có thể là bị chấn thương tình dục trong quá khứ hoặc trạng thái quá lo lắng trong lúc giao hợp. Sử dụng que nong âm đạo và áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu có thể ngăn được tình trạng cơ co thắt khi đang giao hợp.
Mùi chua
Nếu mùi "chỗ ấy" đột nhiên bị tanh hay chua thì đây có thể là dấu hiệu của viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc sự phát triển quá mức của vi khuẩn (thường là gardnerella) trong âm đạo. Thường xuyên thụt rửa và hoạt động tình dục với tần số cao có thể gây ra chứng viêm âm đạo, tiến sĩ Curtis chia sẻ.
Phụ nữ nhận ra mùi rõ nhất sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ. Điều trị chứng bệnh này, phải dùng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp hiếm hoi, mùi hôi có thể gây ra do sử dụng băng vệ sinh quá 8 tiếng đồng hồ gây ra nhiễm khuẩn hoặc hội chứng sốc nhiễm độc (một căn bệnh nghiêm trọng gây ra bởi các vi khuẩn tụ cầu khuẩn).
Chảy máu
Nguyên nhân gây ra chảy máu ít hoặc chảy máu nhẹ có thể phụ thuộc vào tuổi tác và sức khỏe. Thời kỳ mãn kinh hoặc mất cân bằng nội tiết tố có thể khiến tử cung chảy máu. Chảy máu nhẹ cũng có thể xảy ra nếu đang sử dụng thuốc tránh thai không phù hợp. Nếu chảy máu xảy ra ngay sau khi quan hệ tình dục mà không phải ở thời điểm khác thì có thể bạn đang có vấn đề ở cổ tử cung, tiến sĩ Curtis cho biết.
Bà cũng nói thêm, các tế bào có thể nhạy cảm hoặc bị viêm vì một số lý do, chẳng hạn như nhiễm trùng HPV hoặc thậm chí là khởi đầu ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân khác gây chảy máu âm đạo cũng có thể bao gồm ung thư nội mạc tử cung, u xơ tử cung (u lành tính), bệnh viêm vùng hoặc mang thai ngoài tử cung. Nếu bạn đang mang thai, chảy máu có thể là một dấu hiệu của sẩy thai, hãy lập tức đến phòng cấp cứu để được chẩn đoán và xử lý kịp thời, bác sĩ Reed khuyến cáo.
Đau khi "yêu"
Gần 22% phụ nữ trải qua cảm giác đau đớn khi giao hợp, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Nguyên nhân thường do vị trí không thích hợp. Theo Msn, nếu cơn đau dai dẳng, có thể là do nhiều nguyên nhân khác như: u nang buồng trứng, nhiễm trùng tử cung hoặc ống dẫn trứng, mô sẹo từ nhiễm trùng hoặc vết phẫu thuật cũ, lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung. Nếu bạn gặp bất kỳ cơn đau nào trong khi quan hệ, hãy nói chuyện với bác sĩ thạt kỹ càng để tìm hướng giải quyết.
Theo TNO
Kỳ đèn đỏ bỗng dưng biến mất Nếu kỳ đèn đỏ của bạn không đến hẹn lại lên như mọi tháng, hãy bình tĩnh kiểm tra các dấu hiệu khác thường và đi kiểm tra nhanh chóng. 1. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường Trung bình kỳ guyệt san sẽ kéo dài từ 3 - 7 ngày mỗi tháng. Sau nhiều năm, chu kỳ của bạn sẽ dần ổn định....