Xử vụ VN Pharma : Vì sao doanh nhân Ngô Nhật Phương nói H-Capita là thuốc thật?
Ông Ngô Nhật Phương cho biết kinh doanh dược, có đầy tủ tài liệu xác định thuốc H-Capita là thuốc chữa ung thư thật, sản xuất tại Ấn Độ.
Theo VNE: Tham gia phiên xử Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) với tư người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, ngày 26/9 ông Ngô Nhật Phương hai lần được luật sư của Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C, người cung cấp thuốc cho VN Pharma) mời thẩm vấn.
Ông Ngô Nhật Phương tại toà. Nguồn: VNE
Ông Phương cho biết các tài liệu ông cung cấp cho tòa trước đó thể hiện thuốc H-Capita Nguyễn Minh Hùng ( cựu Chủ tịch VN Pharma) nhập về là thuốc thật, sản xuất tại Ấn Độ đạt tiêu chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế thế giới). Những tài liệu này đã được hợp pháp hóa lãnh sự.
Theo ông Phương, H-Capita là thuốc thật thể hiện ở nhà máy, GMP (thực hành tốt sản xuất), quy trình sản xuất, tài liệu của các cơ quan chức năng Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam. Hồ sơ chất lượng của lô hàng này, theo quy định của WHO, phải ghi rõ được kiểm nghiệm ngay sau khi xuất xưởng. Hồ sơ sản xuất lô hàng bao gồm: Hoạt chất sản xuất, tá dược, mẫu mã bao bì, đặc tính, dược tính…
Năm 2017, khi vụ án VN Pharma đưa ra xét xử lần đầu, ông Phương đang kinh doanh dược tại Campuchia thì được người của Hiệp hội Dược Ấn Độ tìm, nhờ đưa cho cơ quan tố tụng Việt Nam các tài liệu thể hiện lô thuốc H-Capita do nhà sản xuất Ấn Độ sản xuất và là thuốc thật. Ông Phương sau đó đã nộp cho tòa các tài liệu về thuốc H-Capita được nhà chức trách Ấn Độ cung cấp. Quá trình vụ án điều tra bổ sung, ông Phương nhiều lần được mời lên làm việc.
Khi chuyển về Việt Nam thì Viện kiểm nghiệm kết luận đạt tiêu chuẩn. Sau 13 tháng, khi vụ án bị khởi tố thuốc mới trưng cầu giám định của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Do đó, ông Phương cho rằng điều này không khách quan bởi theo dược điển thì hoạt chất có thể giảm dần theo thời gian, tạp chất nó thể tăng lên trong phạm vi giới hạn.
Ông Phương khẳng định lô thuốc H-Capita “thật về chất lượng, giả về xuất xứ”. Các bị cáo đã biến hàng Ấn Độ thành Canada để kiếm lợi từ bảo hiểm vì hàng Canada thuộc nhóm 1 (trong đấu thầu) giá cao hơn gấp 5 lần của Ấn Độ. “Trong quá trình điều tra các bị cáo khai không thành khẩn, dẫn đến cơ quan điều tra mất nhiều công sức, dư luận hiểu lầm dẫn đến hoang mang dư luận”, ông Phương nói.
Cũng tại toà ngày 26/9, một số tài liệu của Bộ Y tế đã được giải mật thể hiện nội dung nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita.
Theo đó, tháng 10/2017, quá trình TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án VN Pharma, Bộ Y tế nhận được thông tin lô thuốc VN Pharma nhập về là do nhà máy ở Ấn Độ sản xuất. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo đoàn công tác đến bang Himachal làm việc trực tiếp với nhà máy sản xuất thuốc H-Capita và cơ quan quản lý dược bang này để xác minh.
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu nhà máy của Ấn Độ cung cấp các tài liệu, hồ sơ thể hiện nhà máy này có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản suất thuốc, phiếu kiểm nghiệm thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng… Các tài liệu cho thấy thuốc H-Capita 500mg do VN Pharma nhập khẩu vào Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng của WHO.
Theo Bộ Y tế, chỉ tiêu tại thời điểm xuất xưởng của lô thuốc đạt yêu cầu nhưng khi kiểm tra tại Hội đồng giám định ngày 17/12/2014 lại không đạt tiêu chuẩn so với yêu cầu. “Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì có thể quá trình vận chuyển từ Ấn Độ đến Singapore về Việt Nam và quá trình niêm phong cho đến khi cơ quan kiểm nghiệm kiểm tra lại đã kéo dài 13 tháng, không tuân thủ đúng điều kiện bảo quản của nhà sản xuất”, công văn trả lời của Bộ Y tế nêu.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng trong phiên tòa sáng 26/9. Nguồn: Infonet
Theo đại diện Cục Quản lý dược, việc xác định thuốc này là thật hay giả thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Khái niệm thuốc kém chất lượng, thuốc giả, hàng giả là 3 khái niệm khác nhau. Kết luận của Hội đồng giám định Bộ Y tế về lô thuốc H-Capita nêu trên là thuốc kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người. Còn việc gọi thuốc H-Capita là thuốc giả, hàng giả hay không thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Chiều 26/9, sau ba ngày xét xử, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng có đủ căn cứ xác định Hùng và các đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm nhập thuốc giả cả về chất lượng và xuất xứ. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Hùng 18-19 năm tù, Cường 20 năm tù, 10 bị cáo khác 3-13 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Cựu Tổng giám đốc VN Pharma thất thần khi hầu tòa. Nguồn: Zing
Như Dân Việt đã thông tin: Theo cáo trạng, năm 2013, Hùng đặt mua thuốc H-Capita 500mg (thuốc trị ung thư) của Cường (đại diện Công ty Helix Canada). Vì thuốc này chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu do Cục quản lý dược cấp. Hồ sơ đề nghị cấp phép phải có: Giấy chứng nhận lưu hành tự do; Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc; Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm tra chất lượng thuốc…
Do đối tác không cung cấp được các giấy tờ theo yêu cầu nên Hùng đã chỉ đạo cấp dưới thuê dược sĩ viết hồ sơ kỹ thuật thuốc với giá 2.000 USD. Đồng thời, lập hợp đồng mua bán khống với nhà cung cấp là công ty Austin Hong Kong, xin Cục Quản lý dược cấp phép nhập 200.000 hộp thuốc H – Capita 500mg do Công ty Helix Canada sản xuất.
Khi VN Pharma nhập trót lọt 9.300 hộp thuốc H – Capita lưu tại kho thì Cục Quản lý dược nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nên đã kiểm tra và niêm phong không cho bán ra thị trường. Nhà chức trách xác định, số thuốc này đều giả về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và “không sử dụng để chữa bệnh cho người”.
Cơ quan điều tra xác định, lô thuốc trị giá 251.000 USD (hơn 5,3 tỷ đồng), song Hùng chỉ đạo cấp dưới nâng khống lên gần 572.000 USD (hơn 12 tỷ đồng). Số tiền chênh lệch (hơn 6,8 tỷ đồng) này đã bị Ngô Anh Quốc (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên dược Nam Anh – công ty do Hùng Thành lập và điều hành) chỉ đạo kế toán để ngoài sổ sách sử dụng vào việc bán hàng…
Hùng và Cường bị bắt giam ngày 19/9/2014. Hai năm rưỡi sau, ngày 17/3/2017 họ được tại ngoại. Khi TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần đầu, Hùng và Cường nhận mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu; 7 bị cáo khác nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) tới 5 năm tù về tội Buôn lậu, hoặc Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Chiều 23/10/2017, trong quá trình xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra lệnh bắt tạm giam Hùng và Cường trở lại. Một tuần sau đó, toà huỷ án sơ thẩm. Quá trình điều tra bổ sung, 3 người nguyên là lãnh đạo, nhân viên của VN Pharma bị khởi tố. Hùng và các đồng phạm bị chuyển sang tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Liên quan đến trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc giả, hôm 18/9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tiếp tục điều tra sai phạm của các cá nhân liên quan.
Theo danviet
Vì sao chồng ca sĩ Trang Nhung xuất hiện ở phiên tòa VN Pharma?
Ông Phương nói quen với Hiệp hội Dược Ấn Độ, thông tin H-Capita là thuốc giả khiến họ lo ngại ảnh hưởng đến thị trường và nhờ ông tìm giúp người dịch tài liệu nộp cơ quan điều tra.
Sáng 26/9, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) cùng 11 đồng phạm trong vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Tại phiên tòa, HĐXX thông báo bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ), người được đưa đi cấp cứu trong phiên tòa sáng 25/9, có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo này bị nhồi máu cơ tim, đang được điều trị tại Bệnh viện 115. Luật sư bào chữa cho ông Thông sẽ thay mặt bị cáo tranh luận tại tòa.
Cũng trong phiên xét xử sáng nay, ông Ngô Nhật Phương (doanh nhân, chồng ca sĩ Trang Nhung) tiếp tục có mặt ở tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trong phiên xử chiều qua, ông Phương nói lô thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ, chỉ giả về nhãn mác chứ không giả về chất lượng.
"Tôi nghĩ việc này rất rõ ràng, là thuốc thật. Các bị cáo làm giả hồ sơ nhãn mác, biến thành hàng Canada để trục lợi vì hàng Canada giá cao gấp 5 lần Ấn Độ. Lần cuối cùng tôi khẳng định là thuốc thật 100%", ông Phương khẳng định trước tòa và cho biết bản thân nghiên cứu về dược quốc tế, sẵn sàng phản biện tài liệu cơ quan điều tra đưa ra.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương. Ảnh: Lê Quân.
Đáng chú ý, ông Phương không hề được nhắc đến trong cáo trạng, nhưng lại là một trong gần 200 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến tòa.
Trao đổi với Zing.vn, ông Phương giải thích lý do có mặt ở tòa là do quen với những người làm trong Hiệp hội Dược Ấn Độ. Khi nghe thông tin dư luận ở Việt Nam lên án về H-Capita là thuốc giả, họ nhờ ông Phương tìm giúp người biết tiếng Việt và tiếng Anh để dịch hồ sơ, giúp họ nộp lên cơ quan chức năng của Việt Nam.
Theo ông, Ấn Độ khẳng định thuốc H-Capita được sản xuất tại nhà máy của nước này, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng. Khi công ty dược ở Ấn bán thuốc cho Việt Nam, họ được đề nghị ghi xuất xứ ở Canada nhưng công ty này không đồng ý, nói bên mua có thể tự dán nhãn khi thuốc xuất ra khỏi Ấn Độ.
Trước phiên tòa VN Pharma, Ấn Độ lo ngại thông tin thuốc giả sẽ ảnh hưởng đến thị trường của họ nên cử người nộp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra.
"Tôi nhờ thư ký của mình giúp họ phiên dịch hồ sơ và đem nộp. Tuy nhiên, khi sang Cơ quan An ninh điều tra thì họ nói hồ sơ vụ án kết thúc rồi, sắp xử nên hướng dẫn sang tòa. Tòa yêu cầu trình CMND và mấy ngày sau cô thư ký được gọi lên làm việc. Cô ấy nói làm theo lệnh của tôi. Sau đó bên công an triệu tập tôi lên tổng cộng 7 lần nhưng tôi chỉ lên 5 lần", ông Phương nói.
Vị doanh nhân chia sẻ thêm, sau này ông mới biết thông tin Bộ Y tế có cử người cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sang Canada để xác minh. Kết luận mới của Thanh tra Chính phủ cũng chứng minh thông tin phía Ấn Độ cung cấp là chính xác.
Trong cáo trạng truy tố của VKS, nguồn gốc lô thuốc cũng được ghi không phải từ Canada. Trên các thùng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore; tuy nhiên, Interpol Ấn Độ trả lời không có thông tin về lô thuốc này.
Tại 3 ngày xét xử, các bị cáo cũng không hề khai nguồn gốc lô thuốc là từ Ấn Độ.
Chủ tọa Phạm Lương Toản xét hỏi Nguyễn Minh Hùng. Ảnh: Lê Quân.
Ngoài ra, tòa cũng thông tin về công văn của Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) nộp cho HĐXX.
Tại phiên tòa ngày 24/9, bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) cho biết trước khi Cục Quản lý Dược đề nghị VN Pharma ngừng lưu hành thuốc ra thị trường, Hùng đã có chỉ đạo Nhật gửi văn bản đề nghị A83 tạo điều kiện cùng chuyên gia đi xác minh tại Công ty Helix Canada.
Theo A83, VN Pharma muốn chứng minh có hay không Công ty Helix Canda. Tuy nhiên, theo cơ quan này, công văn của VN Pharma gửi vào ngày 20/8/2014; trong khi đó, ngày 1/8/2014, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu ngưng nhập khẩu thuốc và tạm ngừng lưu hành, chờ xác minh.
Phòng xử án chật kín khi 200 người bị triệu tập đến tòa vụ VN Pharma
HĐXX triệu tập gần 200 người tham gia tố tụng, trong đó có các thành viên Hội đồng giám định Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế),...
Theo Zing.vn
Thông tin mới nhất vụ VN Pharma: Đã giải mật 3 văn bản của Bộ Y tế Thông tin trên vừa được Chủ tọa Phạm Lương Toản xác nhận trong phiên tòa sáng nay (26/9). Như vậy, hiện những người tham gia tố tụng đã có thể sử dụng công khai các tài liệu này. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng trong phiên tòa sáng 26/9. Nguồn: Infonet Thông tin trên báo Infonet: Theo HĐXX, 3 tài liệu được giải mật...