Xử vụ VN Pharma: Bị cáo tự hào vì được làm việc cho ‘công ty ma’!
Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Hùng bật khóc nức nở xin được tại ngoại để chăm lo cho gia đình. Trong khi đó, bị cáo Võ Mạnh Cường cho rằng mình tự hào vì được ủy quyền từ ông Raymundo và làm việc cho “ công ty ma” Helix Canada.
Chiều 24.10, phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma kết thúc phần xét hỏi, phần tranh luận bổ sung. Trước khi bước vào nghị án, HĐXX cho bị cáo được nói lời sau cùng tại tòa. Trong phần phát biểu của mình, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) bật khóc nức nở tại tòa.
Bị cáo Hùng cho biết đã bị bắt giam 2,5 năm và mất hết tất cả, ngày hôm qua (23.10) khi nghe lệnh bị bắt tạm giam trở lại, bị cáo đã ngất xỉu. Bị cáo đề nghị HĐXX cho bị cáo được tại ngoại để chăm lo cha mẹ già và vợ đang mang thai. Qua đó, tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người công dân có ích. Tại tòa, bị cáo nức nở khóc và xin giảm nhẹ tội cho các nhân viên của mình.
Bị cáo Hùng khóc nức nở tại tòa.
Trước yêu cầu của bị cáo Hùng, Chủ tọa phiên tòa nói: “Bị cáo mua thuốc kém chất lượng về bán, nâng giá thuốc lên nhiều lần, đưa các bệnh nhân bị ung thư vào đường cùng khánh kiệt. Bị cáo nghĩ như thế nào? Hành vi của bị cáo ngoài chịu bản án từ pháp luật, còn có bản án lương tri theo bị cáo suốt đời”.
Trong khi đó trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH thương mại và hàng hải H&C) cũng cho biết bị sốc khi bị bắt giam ngay tại tòa. Bị cáo này một lần nữa khẳng định là người trung gian và đại diện hợp pháp của Công ty Helix Canada tại Việt Nam. Bị cáo không biết lô thuốc là hàng giả vì không có chuyên môn. Một lần nữa bị cáo này cho rằng Công ty Helix là có thật, mong HĐXX xem xét tìm ra ông Raymundo minh oan cho bị cáo.
“Bị cáo không hề có ý thức nhập thưốc kém chất lượng về bán cho người dân, nếu có bị cáo rất xấu hổ. Bị cáo làm xúc tiến thương mại, bị cáo hãnh diện vì làm đại diện cho ông Raymundo, làm việc cho Helix vì nghĩ rằng mình làm công ty nước ngoài được ông Raymundo tin tưởng”.
Trong khi đó, các bị cáo khác đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ.
Luật sư đề nghị làm rõ việc bắt giam các bị cáo tại tòa.
Trước đó trong phần tranh luận bổ sung, luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng đã đề nghị VKS làm rõ việc bắt tạm giam ngay tại tòa đối với thân chủ mình và bị cáo Võ Mạnh Cường, chiều 23.10.
Theo luật sư, nếu bắt giữ bị cáo nhằm mục đích xét xử thì bắt bị cáo trước khi mở phiên tòa, còn nếu bị cáo có hành vi nguy hiểm thì bắt giam bị cáo sau khi phiên tòa kết thúc. Việc bắt các bị cáo ngay giữa phiên tòa chưa có tiền lệ, điều này cũng khiến bị cáo Hùng ngất xỉu làm ảnh hưởng tới diễn biến xét xử. Luật sư cho biết thêm, trong khi vụ án đang xét xử, thẩm quyền quyết định thuộc về HĐXX, do đó việc bắt giam hai bị cáo ngay tại phiên tòa là điều bất thường.
Đại diện VKS giải đáp lệnh bắt giam bị cáo Hùng và Cường của Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM, đại diện VKS cho rằng căn cứ vào quy định của pháp luật, việc bắt giam 2 bị cáo là đúng pháp luật. Cụ thể, đại diện VKS cho rằng việc bắt giam này theo Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và Nghị quyết 05/2015. Hiện chưa có quy định cụ thể về việc HĐXX được bắt trong trường hợp nào, chánh án, phó chánh án được bắt trong trường hợp nào nên theo dựa theo các quy định nêu trên, việc bắt tạm giam các bị cáo ngay tại tòa là đúng theo quy định pháp luật.
Đại diện VKS tiếp tục đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Trong phần nêu quan điểm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục bảo vệ phần kháng nghị đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Đại diện VKS nêu việc giám định của Bộ Y tế, kháng nghị cho rằng tại Quyết định số 5197/QĐ-BYT ngày 17.12.2014 của Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 5.000mg với thành phần Hội đồng giám định gồm 10 người. Cục Quản lý dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm; đối tượng cần xem xét trong vụ án này nhưng lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do chính mình cấp phép.
Cục Quản lý dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm – tham gia tố tụng theo Điều 25, 26 Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau đó, Cục này lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu là chưa đảm bảo tính khách quan.
Kết luận giám định lô thuốc nêu trên không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng là thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả.
Vì vậy, cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng làm cơ sở cho việc xác định tội danh đối với các bị cáo được chính xác, đúng pháp luật.
Theo thông báo từ HĐXX, 8h sáng 30.10, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ tuyên án đối với các bị cáo.
Theo Danviet
Vì sao nguyên Tổng giám đốc VN Pharma bị bắt ngay tại tòa?
"Nếu có hủy án để điều tra lại thì việc tại ngoại của các bị cáo có thể dẫn đến sự thông cung, ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án nên tòa đã ra lệnh bắt", luật sư nhận định.
Sau khi bị tống đạt lệnh bắt tạm giam 90 ngày, bị cáo Hùng suy sụp. Ảnh: Tùng Tin
Vào đầu giờ phiên phúc thẩm chiều 23.10, công an bất ngờ còng tay bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường, đưa ra khỏi phòng xử án, trước khi tống đạt lệnh bắt tạm giam 2 bị cáo 90 ngày. Sự việc trên khiến chính bị cáo, luật sư và cả những người đến dự phiên xử không khỏi bất ngờ. Thậm chí bị cáo Hùng đã choáng váng đến ngất, phải nhờ y tá hỗ trợ, kiểm tra sức khỏe.
Trong khi vị chủ tọa phiên tòa chỉ thông báo lý do thay đổi biện pháp ngăn chặn với 2 bị cáo một cách ngắn gọn là để phục vụ việc xét xử, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu vì sao ông Hùng và Cường bị bắt tạm giam đột ngột như vậy.
Đảm bảo việc điều tra, xét xử
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: "Đây là điều hết sức bình thường, thuộc phạm vi quyền hạn của Tòa án cấp phúc thẩm. Thậm chí, Tòa còn có thể ra lệnh khởi tố bị cáo tại phiên tòa nếu cảm thấy cần thiết. Điều này để đảm bảo cho việc điều tra, xét xử và thi hành án. Việc ra lệnh bắt tạm giam có khi là cần thiết vì nếu có hủy án để điều tra lại thì việc tại ngoại của các bị cáo có thể dẫn đến sự thông cung hoặc tác động đến nhân chứng, ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án".
Việc bắt người tại tòa là hết sức bình thường. Luật sư Trần Thu Nam
Khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn quy định:
"Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó chánh toà Toà phúc thẩm, Toà án nhân dân Tối cao (hiện nay theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 là Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao) quyết định. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 242 của BLTTHS".
Theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, thời hạn xét xử phúc thẩm là trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
Đồng quan điểm với vị luật sư đồng nghiệp, nhưng luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc này thường xảy ra sau khi tuyên án HĐXX tuyên án.
Phải có người chứng kiến
Xét về quy trình, căn cứ theo quy định tại các Điều 79, 80 và 88 và các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm giam, khi xét thấy để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, thì Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định (lệnh) tạm giam hoặc ra quyết định (lệnh) bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Khi tiến hành bắt người, phải có người chứng kiến. Luật sư Nguyễn Đình Hưng
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, về bắt bị can, bị cáo để tạm giam quy định:
"Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến.
"Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người".
Tuy nhiên, luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) phân tích: "Pháp luật quy định bị cáo tại ngoại bị tòa án bắt trong hai trường hợp tương ứng với hai lý do. Thứ nhất là tạm giam để đảm bảo bị cáo có mặt khi xét xử. Thứ hai là bắt để đảm bảo thi hành án".
Luật sư Dũng nhận xét trong trường hợp thứ nhất, Tòa án xét thấy bị cáo sẽ không đảm bảo có mặt trong thời gian xét xử với các lý do không chính đáng hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, khi đó tòa sẽ ra quyết định tạm giam để buộc bị cáo có mặt tại phiên tòa. Quyết định tạm giam tòa án sẽ thực hiện trước ngày đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp này diễn ra rất nhiều trong thực tế, bởi bị cáo tại ngoại không có mặt khi tòa triệu tập.
Trường hợp thứ hai, bắt bị cáo để đảm bảo thi hành án diễn ra tại phiên tòa hoặc sau phiên tòa. Nếu bắt tại phiên tòa thì bắt ở thời điểm vừa tuyên án phúc thẩm (án có hiệu lực ngay) xong, Tòa sẽ đọc luôn quyết định bắt bị cáo lúc đó đã có án trở thành phạm nhân.
"Như vậy, ngoài hai trường hợp trên, tôi cho rằng Tòa án không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với hai bị cáo này trong thời gian diễn ra phiên tòa, nếu hai bị cáo nói trên vẫn đảm bảo sự có mặt trong những ngày xét xử. Đồng thời, hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường vẫn đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi được tại ngoại cách đây vài tháng", vị luật sư kết luận.
Phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma dự kiến diễn ra trong 2 ngày (19 và 20.10) nay đã kéo dài đến ngày thứ 4 và chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngày 23.10, sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và truy ra đường đi của 7,5 tỷ đồng là tiền "hoa hồng" chi cho bác sĩ, HĐXX đã quyết định triệu tập đại diện Bộ Công Thương, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và Bộ Ngoại giao đến tòa để làm rõ nhiều vấn đề.
Vì sao tiền của VN Pharma đi vòng ra nước ngoài rồi về lại Việt Nam?
HĐXX yêu cầu làm rõ vì sao dòng tiền của VN Pharma di chuyển vòng vèo ra nước ngoài trước khi quay lại Việt Nam.
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
Cựu Chủ tịch VN Pharma xin giảm án vì "không có lỗi" Trong khi Nguyễn Minh Hùng xin giảm nhẹ hình phạt, VKS kháng nghị tội danh của bị cáo nguy hiểm hơn hành vi toà sơ thẩm đã tuyên. Ngày 19.10, TAND Cấp cao mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan của Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) cùng đồng phạm về các tội...