Xử vụ Mobifone – AVG: Mệnh lệnh “Không có vùng cấm” lại được thực thi
“Không có vùng cấm” không chỉ là một câu khẩu hiệu để hô hào, mà là một mệnh lệnh của công cuộc phòng chống tham nhũng. Và với vụ án MobiFone – AVG, một lần nữa mệnh lệnh ấy lại được thực thi.
Như vậy là sau bao chờ đợi, “đại án” Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) theo kế hoạch sẽ được xét xử từ hôm nay 16/12.
Để thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa này, Viện KSND Tối cao đã biệt phái 3 kiểm sát viên cao cấp về Viện KSND TP. Hà Nội để tham dự. Và như vậy, đây là lần đầu tiên tại một phiên tòa sơ thẩm mà ngành kiểm sát bố trí tới 3 kiểm sát viên cao cấp giữ quyền công tố tại buổi xét xử.
2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 12 bị cáo trong thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG trái pháp luật bị xét xử sơ thẩm từ ngày 16/12/2019.
Phiên tòa này cũng được điều hành bởi HĐXX có 2 thẩm phán, trong đó có bà Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa. Nhắc tới nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu, hẳn nhiều người không quên bà từng ngồi ghế chủ tọa HĐXX trong các vụ đại án về kinh tế, được dư luận đặc biệt quan tâm. Có thể kể đơn cử như vụ thất thoát 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Agribank cách đây 4 năm, vụ Châu Thị Thu Nga (cựu Đại biểu Quốc hội, bị tuyên án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”), đặc biệt là phiên tòa sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ thất thoát 800 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, rồi phiên tòa xử cựu Thứ trưởng Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng và các bị cáo trong vụ thất thoát gần 1.700 tỉ đồng ở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Cầm cân nảy mực ở những đại án kinh tế lớn và rất nhạy cảm như thế, nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu đã chứng tỏ là một “Bao Công xử án”, có đủ bản lĩnh khi “thượng phương bảo kiếm” được trao vào tay. Nói gì thì nói, dù trực tiếp xét xử là cả một hội đồng, nghĩa là không phải ý chí của một cá nhân, nhưng rõ ràng vai trò chủ tọa HĐXX luôn có sự ảnh hưởng rất quan trọng đến kết quả xét xử.
Lần này, “thượng phương bảo kiếm” lại được giao vào tay bà Nguyễn Thị Xuân Thu, thì với kết quả xét xử hàng loạt đại án kinh tế trước đây mà bà từng làm chủ tọa HĐXX, dư luận có cơ sở để tin HĐXX sẽ đưa ra một kết quả xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội. Không đưa ra được một bản án như thế thì tham nhũng, mà cụ thể ở vụ án này là những kẻ như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà, Phạm Nhật Vũ… sẽ vẫn sinh sôi nảy nở, lợi dụng chức vụ để vơ vét, tàn phá đất nước.
Video đang HOT
Thẩm phán Trương Việt Toàn và thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu – chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Mobifone mua AVG.
Là nói thế, chứ vụ án nào thì cũng cần được xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội. Nhưng sở dĩ vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm bởi có 2 bị cáo từng là Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT), là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Cả 2 vị này thì lúc đương chức đều gây được những dấu ấn với công chúng qua việc rao giảng đạo đức cách mạng, thậm chí còn soạn ra cả những “giáo trình” về chống tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Xét xử một lúc với 14 bị cáo mà trong đó có hàng loạt vị từng có nhân thân đặc biệt, chẳng hạn như 2 vị cựu bộ trưởng đã nêu, thì hẳn sẽ không tránh khỏi nhiều việc phải chịu áp lực, thậm chí là nhiều sự tác động, nhưng hy vọng là chủ tọa HĐXX Nguyễn Thị Xuân Thu có đầy đủ bản lĩnh để thêm một lần nữa công lý được tỏa sáng.
Còn nhớ ngày 10/7/2018, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (C46) ký quyết định Khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone – Bộ TTTT và các đơn vị liên quan, thậm chí đến khi khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Nam Trà – nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viễn thông Mobifone, thì nhiều người vẫn chưa tin là Trung ương Đảng và cơ quan hành pháp sẽ còn mở rộng vụ việc, nhắm đến cả vị bộ trưởng TTTT đương nhiệm và cả vị cựu bộ trưởng bộ này.
Nhưng sự thực, hàng loạt diễn biến sau đó đã cho thấy Đảng đã nghiêm minh xử lý mạnh tay đối với những người đã có vi phạm trong vụ này; cơ quan chức năng cũng đã tung lưới hốt trọn, không dung thứ đối tượng vi phạm nào.
“Không có vùng cấm” không chỉ là một câu khẩu hiệu để hô hào, mà là một mệnh lệnh của công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước khởi xướng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Và với vụ án này, lần nữa mệnh lệnh ấy lại được thực thi.
Theo danviet.vn
Xét xử vụ Mobifone mua AVG: Mất tiền nhà nước, được lợi riêng
Ngày 16/12, TAND TP Hà Nội xét xử vụ "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng Cty Viễn thông Mobifone.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Nhật Vũ - Ảnh: PV
Vụ án có 14 bị cáo, gồm Nguyễn Bắc Son (SN 1953), Trương Minh Tuấn (SN 1960) cùng nguyên là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Phạm Đình Trọng (SN 1970), nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT Lê Nam Trà (SN 1961), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Mobifone; Cao Duy Hải (SN 1961), nguyên Tổng Giám đốc Mobifone; Phan Thị Hoa Mai (SN 1966) và Hồ Tuấn (SN 1965), cùng nguyên Thành viên HĐTV Mobifone; Phạm Thị Phương Anh (SN 1975), Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1969), Nguyễn Bảo Long (SN 1972), Nguyễn Đăng Nguyên (SN 1976), cùng nguyên là Phó Tổng Giám đốc Mobifone; Võ Văn Mạnh (SN 1976), Giám đốc Cty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX; Hoàng Duy Quang (SN 1983), Thẩm định viên của AMAX; Phạm Nhật Vũ (SN 1973), nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Nghe nhìn toàn cầu AVG.
Trong đó, Phạm Nhật Vũ bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo Khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự (BLHS) với khung hình phạt tù 12 - 20 năm tù. Tiếp đến, 13 người còn lại bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 3, Điều 220 BLHS với khung hình phạt 10 - 20 năm tù. Các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải còn bị truy tố tội "Nhận hối lộ" theo Khoản 4, Điều 354 BLHS với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ này đều có ý thức khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, từng có nhiều thành tích trong công tác... Vì vậy, VKSND Tối cao cho rằng, cần áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho họ, nhất là những người đã khắc phục hết tiền chiếm đoạt. Trước đó, cơ quan điều tra còn đề nghị áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt" nhằm giảm nhẹ trách nhiệm với một số bị cáo trong đó có Phạm Nhật Vũ. Được biết, Phạm Nhật Vũ còn được các tổ chức trong và ngoài nước xin cho hưởng khoan hồng và xác nhận bị cáo đã dùng 1.300 tỷ đồng làm từ thiện...
Bị cáo Nguyễn Bắc Son và Bị cáo Trương Minh Tuấn
Làm lợi túi riêng
Cáo trạng thể hiện, năm 2015, ông Nguyễn Bắc Son đã tác động để Lê Nam Trà và các bị cáo khác thực hiện dự án cho Mobifone mua lại AVG. Theo quy định, dự án có giá trị hơn 5.000 tỷ đồng phải được sự đồng ý chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nhưng các bị cáo đã thực hiện khi không xin phép. Cùng với đó, Mobifone thuê Cty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định giá, ra kết quả trị giá AVG là hơn 24.548 tỷ đồng. Tuy nhiên, do VCBS không có chức năng thẩm định giá nên Mobifone thuê tiếp AMAX xác định giá trị AVG.
AMAX đã thẩm định thiếu căn cứ, cho rằng AVG có giá thấp nhất 16.565 tỷ đồng nhưng Mobifone không đồng tình con số này. Tiếp đến, đại diện Mobifone và AVG đã gặp nhau 5 lần để đàm phán giá mua. Thương vụ cũng được ông Trương Minh Tuấn đóng dấu "Mật" trái quy định. Ngoài ra, Phạm Nhật Vũ và ông Nguyễn Bắc Son liên hệ với nhau qua 211 cuộc điện thoại, 345 tin nhắn để trao đổi tiến độ và thúc đẩy thương vụ. Qua đây, các bên thống nhất Mobifone sẽ mua 95% cổ phần của AVG với giá hơn 8.445 tỷ đồng.
Số tiền này được Mobifone trả trong vòng 19 ngày bằng cách rút trước hạn các hợp đồng tiền gửi và vay lãi 1.700 tỷ đồng từ ngân hàng Vietinbank. Điều tra xác định, thương vụ gây thiệt hại 6.590 tỷ đồng, được tính bằng cách lấy 8.445 tỷ đồng trừ đi trị giá thực của AVG là 1.970 tỷ đồng, ra 6.475 tỷ đồng. Mobifone cũng bị thiệt hại thêm hơn 115 tỷ đồng tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi bị rút trước hạn.
Sau đó, Phạm Nhật Vũ đã "cảm ơn" ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, ông Trương Minh Tuấn 200 nghìn USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500 nghìn USD. Trong đó, ông Son khai đã đưa tiền nhận hối lộ cho con gái nhưng người này không thừa nhận. Cơ quan truy tố cho rằng, bị cáo Son có ý thức khắc phục hậu quả nhưng gia đình không thực hiện.
ã hoàn trả lại tiền
Theo điều tra, năm 2014, AVG có vốn điều lệ 2.150 tỷ đồng với người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Nhật Vũ. Đến cuối năm 2015, tình hình tài chính của AVG khá "bết bát", lỗ lũy kế lên tới 1.963 tỷ đồng, chiếm 54% vốn điều lệ. Tuy vậy, trước khi bán cho Mobifone, AVG còn thực hiện tăng vốn lên 3.628 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phần một cách "thần tốc", trong vòng 6 ngày.
Khi mua AVG, Mobifone đã trả tiền cho các cổ đông tương ứng số cổ phần. Trong đó, Phạm Nhật Vũ nhận hơn 5.850 tỷ đồng, bà Hoàng Thanh Hằng nhận hơn 1.037 tỷ đồng; bà Nguyễn Thùy Trang nhận hơn 578 tỷ đồng; bà Phạm Thu Trang nhận hơn 178 tỷ đồng; ông Nguyễn Duy Thái Dương nhận hơn 153 tỷ đồng; ông Nguyễn Công Dự nhận hơn 60 tỷ đồng; Cty CP An Viên nhận hơn 386 tỷ đồng; Cty TNHH Giải pháp tích hợp công nghệ cao nhận hơn 199 tỷ đồng.
Đến ngày 28/3/2018, Mobifone và các cổ đông trên đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần. Tháng 8/2018, Mobifone nhận được hơn 8.774 tỷ đồng từ đại diện cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG. Số này gồm hơn 8.445 tỷ đồng Mobifone đã thanh toán năm 2016 và hơn 329 tỷ đồng là tiền trả cho các chi phí liên quan kèm lãi tính cho số tiền Mobifone từng thanh toán.
Trong quá trình điều tra, Phạm Nhật Vũ khai việc sử dụng số tiền Mobifone thanh toán cho AVG về cơ bản theo yêu cầu của mình để phục vụ cho kinh doanh và trả nợ. Ông Vũ cũng tự bỏ tiền túi và đi vay thêm để trả lại cho Mobifone đồng thời lập biên bản cam kết không kiện tụng các cổ đông khác của AVG.
Ngày 2/1/2016, AVG được chuyển giao cho Mobifone và đã thay đổi tên, biểu tượng truyền hình An Viên thành MobiTV. Từ đó, AVG vẫn luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính do công nợ lớn, không huy động được vốn vay hoặc hợp tác xã hội hóa, không thoái được vốn 2 doanh nghiệp ngoài ngành.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 16 đến 31/12 dưới sự điều hành của thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử là 3 kiểm sát viên. Ngoài ra, ông Đào Thịnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ 3 (án kinh tế) VKSND Tối cao được phân công là kiểm sát viên dự khuyết. Trong vụ án này, ông Nguyễn Bắc Son có 3 luật sư, ông Trương Minh Tuấn có 5 luật sư và ông Phạm Nhật Vũ có 3 luật sư tham gia bảo vệ.
XUÂN ÂN
Theo tienphong.vn
Ngày mai những ai phải hầu tòa cùng "quan tham" Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn? Sáng mai (16/12) TAND TP. Hà Nội sẽ xử sơ thẩm vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Ngoài cái tên Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Nhật Vũ còn những ai phải ra trước tòa trong vụ án này vào ngày mai? Ông Nguyễn Bắc Son khi còn ở đỉnh cao quyền lực. Trong vụ án này ngày mai sẽ có...