Xử trí ca nhiễm Covid-19 thế nào khi thích ứng an toàn?
Phong tỏa hẹp; điều trị F0 theo điều kiện từng nơi và nguyện vọng của bệnh nhân; chỉ cách ly tập trung F1 nếu họ đồng ý, là những điểm mới khi thích ứng an toàn Covid-19.
Ngày 15/10, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho hay chủ trương thích ứng an toàn với Covid-19 là chấp nhận có số lượng F0 nhất định trong cộng đồng. Tuy nhiên, các địa phương cần kiểm soát có hiệu quả Covid-19 để giữ ổn định, phát triển kinh doanh.
Các giải pháp ứng phó khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng trong trạng thái thích ứng an toàn có nhiều điểm kế thừa các giai đoạn chống dịch trước đây, đồng thời bổ sung một số điểm mới.
Với F0 , bà Liên Hương nói nguyên tắc xử trí là phát hiện sớm, đưa đi điều trị kịp thời tại cơ sở y tế hoặc tại nhà. Theo quy định của Chính phủ, việc điều trị F0 tại nhà áp dụng ở cả 4 cấp độ nguy cơ, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương. Nguyên tắc là phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị từng nơi; đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và nguyện vọng của người nhiễm.
Từ giữa tháng 7/2021, một số nơi như TP HCM, Bình Dương đã thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Đến giữa tháng 8, mô hình điều trị F0 tại nhà ở hai địa phương này được mở rộng với bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn, kèm theo túi thuốc điều trị F0 tại nhà. Ngoài TP HCM và Bình Dương, hiện các địa phương khác cơ bản áp dụng điều trị F0 tại cơ sở y tế.
Hướng dẫn chuyên môn về thích ứng an toàn của Bộ Y tế ngày 13/10 đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là đảm bảo giường hồi sức cấp cứu (ICU). Các bệnh viện vừa điều trị ca nhiễm Covid-19, vừa điều trị bệnh nhân khác.
Nhân viên y tế phường Linh Tây (TP Thủ Đức), TP HCM thăm khám và phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà, ngày 3/9. Ảnh: Quỳnh Trần
Khi phát hiện F0, phạm vi phong tỏa các ổ dịch phải hẹp nhất, có thể chỉ là cụm vài nhà hoặc một phần của thôn, xóm, theo bà Nguyễn Thị Liên Hương. Với khu chung cư, có thể phong tỏa một số phòng liền kề nơi có F0 thay vì cả tầng hoặc cả tòa nhà như trước đây. Việc khoanh vùng dịch bệnh phải đảm bảo nguyên tắc “giảm tối đa ảnh hưởng đến người dân”.
Như vậy so với trước đây, điểm mới trong giai đoạn thích ứng an toàn là F0 có thể được điều trị tại nhà (trên toàn quốc) và việc phong tỏa ổ dịch phải trong phạm vi hẹp nhất có thể.
Video đang HOT
Với người tiếp xúc gần (F1) , bà Liên Hương nói nguyên tắc là cần được xét nghiệm sàng lọc sớm. Tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh, mức độ ổ dịch, địa phương sẽ quyết định những người hoặc địa bàn cần xét nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, F1 là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi được cách ly tại nhà, có người chăm sóc cách ly cùng. Với F1 khác, vẫn áp dụng hình thức cách ly theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Theo đó, hướng dẫn của Bộ y tế từ giữa tháng 7/2021, cho phép F1 được cách ly tại nhà nếu có nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, nếu có phòng riêng, khép kín. Hướng dẫn này áp dụng trên toàn quốc.
Quy định hiện hành của Chính phủ nêu rõ, nếu Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà, nhưng địa phương có địa điểm đảm bảo an toàn thì có thể cách ly tập trung. Tuy nhiên, việc cách ly tập trung phải được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý.
“Nếu F1 không đồng ý đi cách ly tập trung thì các địa phương phải cho họ cách ly tại nhà. Điều kiện là F1 phải đảm bảo các yêu cầu về phòng riêng, nhà ở”, bà Hương nói.
Ở góc độ chuyên gia , PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng (Đại học Y Dược TP HCM) cho rằng mục tiêu cuối cùng của việc cách ly, điều trị F0 cũng như xử trí với F1 là nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Ông đề xuất, với địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, khi phát hiện F0, cần sớm phân loại. F0 triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng hoặc đã tiêm vaccine thì được cách ly, điều trị tại nhà. F0 triệu chứng nặng mới cần đưa vào bệnh viện. Bởi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi đã tiêm vaccine, tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong sẽ giảm.
Biện pháp phòng dịch với F1 ở các địa bàn có tỷ lệ phủ vaccine rộng cũng cần được nới lỏng. Ông Dũng phân tích, thời gian qua nhiều nơi phát hiện F0 sẽ coi toàn bộ người làm cùng phân xưởng là F1, bắt buộc cách ly tất cả. Biện pháp này khiến nhiều F1 phải đi cách ly tập trung hoặc tại nhà, không thể tham gia các hoạt động khác dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi sản xuất. “Áp dụng lâu dài cách chống dịch như vậy khiến doanh nghiệp khó khôi phục sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội”, ông Dũng cảnh báo.
Từ cách tiếp cận trên, ông Dũng đề xuất cho F1 đã tiêm vaccine tham gia hoạt động xã hội, lao động, sản xuất, kinh doanh, thay vì phải cách ly tập trung hoặc tại nhà. Chính quyền chỉ giám sát dịch tễ và yêu cầu những người này tuân thủ 5K, xét nghiệm 2-3 ngày một lần.
PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng kiến nghị mỗi khi phát hiện F0 trong cộng đồng, thay vì truy vết F1 như trước đây, các địa phương chỉ cần thông báo, để F1 biết và chủ động áp dụng biện pháp cách ly phù hợp. F1 cũng được khuyến cáo tự mua test về làm xét nghiệm, nếu dương tính thì báo cơ quan y tế.
Căn nhà ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP HCM là nơi cách ly F1 tại nhà, tháng 7/2021. Ảnh: Đình Văn
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, đề nghị trước khi tính toán áp dụng biện pháp phù hợp, từng địa phương phải cân nhắc với tỷ lệ tiêm vaccine, đặc biệt là nhóm dân số nguy cơ tử vong cao.
“Những nơi đã bao phủ vaccine diện rộng, thì không cần truy vết, cách ly F1. F0 chỉ cần ở nhà tự theo dõi sức khỏe”, ông nói.
Quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 , được Chính phủ ban hành ngày 11/10, áp dụng thống nhất toàn quốc.
Chính phủ phân loại 4 cấp độ nguy cơ dịch bệnh gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ. Các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch dựa trên tỷ lệ tiêm vaccine; số F0 cộng đồng/100.000 dân/tuần; năng lực điều trị.
Đồng Nai quyết không để phát sinh F0, phủ kín vùng xanh trong 14 ngày
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các địa phương thực hiện tốt 6 giải pháp trọng tâm, quyết tâm thực hiện 14 ngày không phát sinh F0, phủ kín vùng xanh.
Ngày 30/8, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện 14 ngày không phát sinh F0 (bắt đầu tính từ ngày 5/9) để phủ kín vùng xanh, sớm đưa Đồng Nai trở về trạng thái "bình thường mới".
6 giải pháp trọng tâm
Ông Lĩnh yêu cầu các cấp lãnh đạo Đồng Nai phải thực hiện 6 giải pháp trọng tâm: Tiếp tục xét nghiệm diện rộng (3 vòng) để bóc tách F0; chú trọng điều trị tích cực F0; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19; làm tốt công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự; tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giãn cách xã hội nghiêm và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.
Đồng Nai tiêm vaccine lưu động cho công nhân tại khu công nghiệp. Ảnh: TTXVN.
Theo ông Lĩnh, bí thư, chủ tịch các huyện, thành phố phải "truyền lửa", động viên đội ngũ để anh em đồng tâm chống dịch. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống dịch cam go này, những cán bộ nào sức khỏe không tốt hoặc lý do nào đó không tiếp tục "ra trận" được nữa thì vận động anh em nghỉ ngơi, bố trí người khác làm thay và tạm thời không xem xét trách nhiệm.
"Thay tướng để phụng sự nhân dân là cần thiết. Chúng ta không thể không thay để sao những tướng giỏi phục vụ cho thắng lợi của chiến dịch", ông Lĩnh nói.
Ông Lĩnh yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai trong tuần này phải tiêm hết 500.000 liều vaccine Sinopharm cho người dân vùng đỏ, công nhân trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp "3 tại chỗ".
Ngoài ra, tiếp tục chiến lực xét nghiệm bổ sung một số địa phương ở vùng đỏ, vùng vàng, các vùng đã qua 3 vòng xét nghiệm mà chưa tự tin thì tiếp tục làm lại, nỗ lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời thực hiện các biện pháp "khóa chặt", không để dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Chưa thực hiện điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà
Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết hiện tỉnh được Chính phủ và Bộ Y tế đánh giá đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống Covid-19.
"Hiện các khu điều trị F0 chưa bị quá tải nên Đồng Nai chưa phải áp dụng chữa trị F0 và cách ly F1 tại nhà", ông Vũ thông tin.
Về chiến lược xét nghiệm, toàn tỉnh đã xét nghiệm xong (3 vòng) 10/11 huyện thị, riêng TP Biên Hòa đang tiếp tục xét nghiệm vòng 3. Về chiến lược vaccine, toàn tỉnh đã tiêm hơn 800.000 liều trên tổng số 4,4 triệu liều (2,2 triệu dân trên 18 tuổi) cần tiêm vaccine.
Theo ông Vũ, hiện Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm hồi sức đặt tại Đồng Nai và cử GS.TS Nguyễn Viết Nhung (Giám đốc Bệnh viện phối Trung ương) phụ trách chuyên môn tại đây.
Đồng Nai hiện có 10 bệnh viện dã chiến điều trị tầng 2 (từ Bệnh viện dã chiến số 1 đến số 10) đang còn trống giường, có thể tiếp nhận thêm F0 từ các huyện. Ngoài ra, Đồng Nai có 4 cơ sở xét nghiệm khẳng định gồm: Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai. Sắp tơi tỉnh sẽ có thêm 3 đơn vị xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR.
Tính từ đợt dịch thứ 4, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 22.641 ca nhiễm Covid-19. Trong số này, có gần 10.000 ca khỏi bệnh và xuất viện.
Nếu Đồng Nai chạm mốc 50.000 ca COVID-19, F1 sẽ cách ly tại nhà Sở Y tế Đồng Nai vừa triển khai thực hiện phương án phòng chống COVID-19 đáp ứng tình huống trên địa bàn có 50.000 ca mắc. Trong đó, áp dụng cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú trên phạm vi toàn tỉnh. Nếu chạm mốc 50.000 ca, Đồng Nai sẽ cho cách ly F1 tại nhà, thu hồi các cơ sở cách...