Xử treo vì bị cáo là người nhà lãnh đạo
Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh thừa nhận trước khi xử án, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo phải xử án treo. Chánh án TAND tỉnh nói có chỉ đạo anh em cấp dưới “giúp đỡ” vì bị cáo là người nhà lãnh đạo.
Theo cáo trạng của VKSND thị xã Hồng Lĩnh, ngày 30/4 tại nhà Phạm Đức Thảo (SN 1973, trú tại tổ 9, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh), Thảo và Nguyễn Tiến Hải (SN 1960), Lê Xuân Trường (SN 1969) cùng trú tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân và Hoàng Văn Thắng (SN 1967, trú tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh) dùng bài tú lơ khơ để đánh bạc. Tổng số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là 3,8 triệu đồng.
Phiên tòa được xét xử lưu động tại nhà văn hóa tổ dân phố 1, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh vào ngày 12/8. Rất đông người dân và kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa bất ngờ với hình phạt án treo mà TAND thị xã Hồng Lĩnh đưa ra.
Theo đó, bị cáo đầu vụ là Phạm Đức Thảo bị tuyên xử 12 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Hải và Trường mỗi người 9 tháng tù cho hưởng án treo. Mặc dù Thảo vừa là đối tượng có tiền sự, vừa giữ vai trò người khởi xướng, dùng nhà mình làm địa điểm đánh bạc.
“Các anh thông cảm cho, cứ coi như vụ án chưa có án. Chắc chắn phiên phúc thẩm chúng tôi sẽ tuyên án giam đối với hai trường hợp. Còn chỗ người nhà của lãnh đạo phải xem xét, lách ra, tìm mọi cách để hóa giải giúp cấp trên, đây là vì cái tình”. Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thắng
Không đồng thuận với mức án do TAND thị xã Hồng Lĩnh đưa ra, ngày 25/8, VKSND thị xã Hồng Lĩnh kháng nghị phúc thẩm về hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vụ việc, Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh, ông Bùi Xuân Cần cho biết, hình phạt dành cho các bị cáo trong vụ án là theo sự chỉ đạo của Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh.
“Các anh phải thông cảm cho tôi, ở đây có cái dích dắc là chỉ đạo từ trên xuống…Lúc chưa xử đã có điện thoại rồi. Nếu ngay từ đầu không cho treo, mà tôi xử giam thì khỏe. Vụ án này quá rõ ràng, phải xử tù giam, nhưng trong tỉnh có điện thoại ra nên tôi trao đổi với thẩm phán tinh thần đó”, ông Bùi Xuân Cần nói. “Các anh đọc bản án thì thấy, bình thường không có sự chỉ đạo, không ai làm việc này cả”, thẩm phán Lương Sỹ Nam, Chủ tọa phiên tòa cho biết.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Thắng thừa nhận có gọi điện chỉ đạo TAND thị xã Hồng Lĩnh về vụ án này. “Trong vụ án này, có một bị cáo là người nhà của một lãnh đạo TAND tối cao. Các anh phải hiểu cho tôi, cuộc đời ai cũng phải có cái tình. Cấp trên nhờ mình phải giúp, phải hóa giải, có lý có tình”, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh nói.
Video đang HOT
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, bị cáo được nói là người nhà của lãnh đạo TAND tối cao trong vụ án này là Phạm Đức Thảo.
Theo Minh Thùy (Tiền Phong)
14 người "rủ nhau" đi tù vì "thần chết": Chuyến đi định mệnh
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lương thực và tiền bạc, 14 người rủ nhau vào rừng tìm "lộc", nhưng không ai ngờ, đây là chuyến đi định mệnh khiến họ rơi vào tù tội.
Giữa bốn bên là núi rừng cộng thêm diện tích đất canh tác ít, từ bao đời nay, người dân xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) hầu như sống nhờ vào "lộc rừng". Con trai lớn lên chừng 15 tuổi là có thể băng rừng, lội suối đi những chuyến rừng dài ngày.
Và 14 người dân bao gồm: Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Văn Thu, Hoàng Văn Thắng, Hoàng Văn Tiến, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Văn Quyền, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Văn Thủy (cùng trú xã Sơn Trạch), Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Văn Cường (cùng trú xã Phúc Trạch) cũng nằm trong trường hợp như vậy. Nhưng không giống với những lần đi rừng trước, lần này, họ đã "dính" phải "thần chết" (một tên gọi khác của thuốc nổ), khiến cuộc đời họ rơi vào cảnh tù tội, gia đình mất đi người trụ cột, vợ con bơ vơ....
14 bị cáo trong vụ án vận chuyển trái phép vật liệu nổ
Trước khi tìm hiểu về vụ vận chuyển thuốc nổ trái phép, PV báo Người Đưa Tin đã tìm hiểu về con đường, cách thức khai thác thuốc nổ ở khu vực rừng núi thuộc biên giới Lào - Việt Nam.
Theo nhiều sơn tràng ở đây cho biết, nguồn thuốc nổ khu vực biên giới được lấy từ chính trong những quả bom còn sót lại trong chiến tranh. Và lẽ dĩ nhiên, người ta phải trực tiếp cưa, đục đẽo các quả bom ấy thì mới lấy được thuốc nổ. Chính vì vậy, với những người đi rừng, việc nhìn thấy hoặc dẫm chân lên các vỏ bom còn sót lại là chuyện thường tình.
"Trước đây, ở vùng rừng núi nội địa cũng có rất nhiều thuốc nổ, nhưng do tình trạng người dân khai thác quá nhiều dẫn đến cạn kiệt nên dần dần, người ta chuyển sang Lào mua về bán lại kiếm lời", anh Nguyễn Văn H., xã Sơn Trạch cho biết.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng giữa tháng 01/2015, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Văn Sỹ cùng 12 người (ở trên) bàn bạc, thống nhất góp tiền sang Lào mua thuốc nổ đưa về Việt Nam bán kiếm lời.
Do có mối quen biết từ trước với một người Lào nên Quyền và Thủy đã sang Lào để "tiền trạm". Sau khi tìm được mối bán thuốc nổ và thống nhất giá cả, Quyền và Thủy đã đặt trước 3 triệu đồng.
Có được nguồn thuốc nổ, Quyền và Thủy đã gọi điện về thông báo cho những người còn lại trong nhóm, và yêu cầu những người này vào xã Thượng Trạch để sang Lào vận chuyển thuốc nổ về.
Nghe chồng thông báo sẽ có chuyến đi rừng dài ngày, chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1978, vợ Hoàng) và chị Nguyễn Thị Hũy (SN 1967, vợ Quyền) đã trực tiếp chuẩn bị đồ ăn, thức uống, bao bì cho 14 người đi vào rừng (cả chị Huệ và chị Hũy đều không biết mục đích mua bán thuốc nổ).
Ngày 22/01/2015, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, tư trang và hành lý, 12 người còn lại thuê một chiếc xe ô tô chở vào Km58 đường 20 Quyết Thắng thuộc địa phận xã Thượng Trạch rồi xuống xe đi bộ đến khu vực biên giới Việt - Lào gặp Quyền và Thủy.
Sau chuyến đi dài mệt mỏi, cả nhóm dừng lại đóng lán nghỉ ngơi. Tại đây, 14 người đã góp được 70,5 triệu đồng để trả tiền thuốc nổ.
Đến tối cùng ngày, tại một rẫy hoang thuộc địa phận bản Pa Ác cũ (Lào), họ được người Lào giao thuốc nổ chứa trong 8,5 quả bom (tương đương 652kg thuốc nổ). Sau đó cả nhóm đã chia thuốc nổ bỏ vào 14 bao lác và mỗi người gùi 01 bao vận chuyển về.
Số thuốc nổ được chia nhỏ để vận chuyển đã bị lực lượng chức năng bắt giữ
Như vậy, tính trung bình, mỗi người sẽ vận chuyển 46,5 kg thuốc nổ. Đến đây, nhiều người đặt ra câu hỏi, việc vác trên vai 10kg hành lý, đi bộ khoảng 10km trên đường bằng phẳng đã khó, huống hồ mỗi người ở đây vác trên vai 46,5 kg vượt cả trăm km đường rừng là một điều khó tin.
PV Người Đưa Tin may mắn được tiếp xúc với Hoàng Văn Thắng (SN 1992), là 1 trong 14 bị cáo trong vụ án đang được tại ngoại. Nói về điều này, Thắng cho biết: "Chị nhìn thấy những dãy núi đã vôi ở VGG Phong Nha - Kẻ bàng trùng điệp như thế nào thì bọn em phải vác bao tải chứa thuốc nổ chèo lên dốc núi, xuống đèo như thế ấy. Lúc đó, ai cũng mệt, nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành chấp nhận chịu khổ".
Sau gần ba ngày vận chuyển thuốc nổ, đến khoảng 10 giờ ngày 25/1/2015, khi cả nhóm vận chuyển đến khu vực bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch thì bị lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện đuổi bắt. Hoan và Sỹ bị bắt quả tang cùng 14 bao chứa thuốc nổ, 12 người còn lại bỏ chạy.
Bị cáo Hoàng Văn Thắng đang được tại ngoại
Thắng nhớ lại: "Thấy anh Hoan và anh Sỹ bị bắt, 12 người đi sau thả thuốc nổ lại rồi tìm cách chạy trốn. Tối cùng ngày chúng em về đến nhà, được sự động viên của gia đình, ngày hôm sau 12 người đã tìm đến công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình".
Sau khi hoàn tất hồ sơ, VKSND tỉnh Quảng Bình đã quyết định truy tố 14 bị can về tội danh Vận chuyển trái phép vật liệu nổ, theo quy định tại điểm a, khoản 4, điều 232 Bộ luật hình sự.
Điểm a, khoản 4, Điều 232 Bộ luật hình sự quy định về tội Vận chuyển trái phép vật liệu nổ: 1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. ....... 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; .......
Ngô Huyền
Theo_Người Đưa Tin
Nhiều cán bộ huyện lĩnh án vì cố ý làm trái trong đền bù Ngày 3.6, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên sơ thẩm xét xử, tuyên án 9 bị cáo sai phạm trong bồi thường giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư (BTGPMT - HTTĐC) cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án cầu Bến Thủy II đi qua địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Các bị cáo tại phiên...