Xử tái thẩm vụ án oan sai 10 năm là “lấp liếm” cái sai?
Ông Vũ Đức Khiển – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: “Nếu thực hiện xét xử tái thẩm vụ án “giết người” mà ông Chấn bị kết án chung thân là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó”.
Ông có nhận định gì về việc, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSNDTC) kháng nghị tái thẩm và Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đưa ra xét xử tái thẩm vụ án “giết người” mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân?
Ông Vũ Đức Khiển: Tôi khẳng định việc này là sai. Bộ luật Hình sự quy định, việc điều tra chứng minh bị can có tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không chứng minh được thì phải tuyên bố họ vô tội. Giờ đã điều tra xác định ông Chấn hoàn toàn bị oan sai rồi thì phải minh oan cho người ta theo đúng trình tự thủ tục: kháng nghị giám đốc thẩm để hủy bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm, minh oan và đền bù cho người ta.
Không thể gộp hai vụ làm một để cho rằng đó là tình tiết mới và tiến hành tái thẩm. Còn nếu đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang cố tình “lách” để lấp liếm đi cái sai của mình trước đó.
Lý do gì để nói rằng tình tiết Lý Nguyễn Chung ra đầu thú không phải là tình tiết để cơ quan tiến hành tố tục thực hiện tái thẩm?
Ông Vũ Đức Khiển: Tái thẩm có nghĩa là xuất hiện tình tiết mới, tức là xử tiếp nhằm xem xét hành vi của người phạm tội nặng hơn hay nhẹ đi và không có đền bù. Tuy nhiên, nếu làm vậy là không đúng luật, vì ông Chấn đã được chứng minh là hoàn toàn bị oan, vụ án với ông Chấn đã kết thúc.
Cơ quan tiến hành tố tụng không thể lấy chi tiết Chung ra đầu thú là tình tiết mới của vụ án để tiến hành tái thẩm. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau và phải là hai vụ án hoàn toàn độc lập.
Video đang HOT
Sau khi Chung ra đầu thú, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải có trách nhiệm điều tra, chứng minh hành vi phạm tội của Chung. Sau đó, dựa trên lời khai và các chứng cứ khách quan để truy tố, kết tội đối tượng này. Tuyệt nhiên, không thể nhập hai việc này vào một để cho rằng đó là tình tiết mới để tái thẩm.
Theo đúng trình tự thủ tục, Viện KSNDTC phải kháng nghị giám đốc thẩm và TANDTC phải xử giám đốc thẩm để tuyên ông Chấn không phạm tội, chính thức minh oan và bồi thường cho người ta.
Tôi khẳng định, việc xét xử kẻ ra đầu thú là một vụ án khác, phải mở một cuộc điều tra khác, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời khai của đối tượng mà đưa ra xét xử.
Trong vụ án oan sai này, theo ông cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm cao nhất?
Ông Vũ Đức Khiển: Có một số ý kiến cho rằng tòa án là cơ quan phải chịu trách nhiệm cao nhất. Cái lý của họ là căn cứ vào Điều 72 Hiến pháp 1992 quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, theo tôi, Viện kiểm sát là cơ quan phải chịu trách nhiệm cao nhất. Bởi Viện kiểm sát được Hiến pháp quy định là cơ quan giữ quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đó là cơ quan kiểm sát điều tra ngay từ đầu, từ khi phê chuẩn bắt giam, phê chuẩn khởi tố, truy tố và Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án mà tòa tuyên.
Rất tiếc trong vụ việc này, phía Viện kiểm sát đã không phát hiện ra những dấu hiệu oan sai.
Cơ quan và cá nhân nào sẽ phải bồi thường cho ông Chấn, thưa ông?
Ông Vũ Đức Khiển: Căn cứ theo Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong vụ việc này TAND Tối cao có trách nhiệm bồi thường cho anh Nguyễn Thanh Chấn, cả về vật chất lẫn tinh thần theo Luật bồi thường của Nhà nước. Hội đồng xét xử của TAND Tối cao đã xử anh Chấn cũng phải có trách nhiệm trong việc này.
Quy định nhà nước cũng ghi rõ những cá nhân liên quan trực tiếp, để gây ra oan sai cũng có trách nhiệm phải bồi hoàn lại bằng việc trích lương hàng tháng của mình. Tuy nhiên, ở ta hiện nay, việc quy trách nhiệm cá nhân trong trường hợp này còn rất khó khăn.
Theo Dantri
Chủ tịch nước: Khẩn trương minh oan, đền bù cho người chịu án oan 10 năm
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có ý kiến yêu cầu thủ trưởng các cơ quan tố tụng chỉ đạo giải quyết theo đúng qui định pháp luật; khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp đối với ông Nguyễn Thanh Chấn sau khi báo chí đưa thông tin.
Phó Chủ nhiệm thường trực Văn Phòng Chủ tịch nước Giang Sơn vừa ký văn bản số 1443/VPCTN-PL về việc thông báo ý kiến của Chủ tịch nước đến Bộ trưởng Bộ Công an; Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao nội dung, liên quan đến thông tin báo chí đăng tải về vụ án oan sai liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung - Việt Yên - Bắc Giang). Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu thủ trưởng các cơ quan tố tụng liên quan chỉ đạo các ngành tố tụng Trung ương khẩn trương minh oan, đền bù và khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị oan (ông Nguyễn Thanh Chấn).
Chủ tịch nước cũng chỉ đạo các cơ quan này điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của các tập thể cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn; báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết
Ông Nguyễn Thanh Chấn thắp hương bái tạ người cha liệt sĩ ngay sau khi được trở về nhà
Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận tội giết người, giúp ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án
Như Dân trí đã thông tin, ngày 4/11 VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn với tội "giết người". Ngày 5/11, tại cuộc họp báo diễn ra ở trụ sở Cơ quan VKSND Tối cao, ông Nguyễn Việt Hùng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của VKSND Tối cao cho biết, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 17/QĐ-VKSTC-C6 ngày 29/10/2013 với tội danh "giết người" và "cướp tài sản" đối với bị can Lý Nguyễn Chung (sinh năm 1988) sau khi đối tượng Chung đến đầu thú ngày 25/10.
Ngay sau khi bắt giữ hung thủ vụ án, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng đã ra Quyết định bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (bố của Lý Nguyễn Chung, sinh năm 1950) về hành vi đe doạ giết bà Nguyễn Thị Lành (nhân chứng vụ án); quyết định tạm giữ hình sự đối với Lý Văn Chúc để phục vụ điều tra.
Toàn cảnh buổi họp báo tại trụ sở VKSND Tối cao sáng 5/11
Ông Hùng nói: "Dù cho điều kiện, hoàn cảnh cũng như nhiều yếu tố khác có thể dẫn chúng ta đến cái sai, chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc và khắc phục".
Cũng theo thông báo từ VKSND Tối cao, ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán mở phiên toà sẽ định rõ việc ông Nguyễn Thanh Chấn có tội hay không có tội? Bị can vừa đầu thú nhận tội là Lý Nguyễn Chung sẽ nhận mức án tù như thế nào? Theo các chuyên gia nghiên cứu luật và các luật sư hoạt động trong ngành luật Hình sự, với việc phạm tội ở lứa tuổi 15, Lý Nguyễn Chung chỉ có thể bị tuyên tối đa 18 năm tù giam.
Quốc Đô
Theo DANTRI
Đầu thú sau 10 năm: Mức án nào cho sát thủ nhí Với tội danh giết người, 10 năm trước, ông Chấn đã đối mặt với án tử hình. Vì là con liệt sỹ, ông được giảm nhẹ xuống chung thân. Nhưng cùng tội danh này kèm theo tội cướp tài sản, đối tượng mới ra đầu thú chỉ đối diện 12 năm tù. Sau 10 năm vụ án giết người, cướp tài sản xảy...