Xử phạt sàn TMĐT không cung cấp thông tin người bán cho cơ quan thuế
Chủ sàn thương mại điện tử có thể bị phạt 2-16 triệu đồng nếu không cung cấp thông tin theo quy định của cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế mới có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó hướng dẫn triển khai quy định của Chính phủ tại Nghị định số 91 về việc chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin người bán hàng.
Để tiếp nhận thông tin từ các sàn TMĐT và đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT, Tổng cục Thuế đã xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử và dự kiến chính thức vận hành vào tháng 12.
Tổng cục Thuế giao Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tổ chức tập huấn quy trình tiếp nhận thông tin và hướng dẫn sử dụng chức năng ứng dụng vào tuần cuối tháng 11.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định pháp luật về cung cấp thông tin TMĐT đến người nộp thuế và chủ sở hữu sàn TMĐT.
Chủ sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin người bán cho cơ quan thuế. Ảnh: DealStreetAsia.
Tổng cục Thuế hướng dẫn các đơn vị trong toàn ngành thuế căn cứ dữ liệu quản lý thuế thực tế và dữ liệu được khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để rà soát, lập danh sách người nộp thuế là thương nhân, tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.
Cục thuế phải cập nhật danh sách các sàn TMĐT vào Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử để quản lý việc theo dõi, đôn đốc cung cấp thông tin của sàn TMĐT.
Video đang HOT
Cục Thuế phối hợp với Tổng cục Thuế theo thông báo để đôn đốc chủ hữu sàn TMĐT tham gia tập huấn và hướng dẫn về việc cung cấp thông tin qua theo Nghị định số 91.
Đối tượng phải cung cấp thông tin là các thương nhân, tổ chức thiết lập website TMĐT để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ về TMĐT.
Nội dung cần cung cấp gồm tên người bán hàng, mã số thuế/số định danh cá nhân/CMND/CCCD/hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau bằng phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.
Riêng đối với sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các thông tin chung nêu trên còn phải cung cấp thông tin về doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn TMĐT.
Trường hợp tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT không cung cấp thông tin theo quy định thì cơ quan thuế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Chống thất thu thuế từ 'ông lớn' đến từng cá nhân bán hàng qua sàn thương mại điện tử
Trong 9 tháng, Bộ Tài chính thu đến 3.200 tỷ đồng từ những 'ông lớn' cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cùng với đó, tới đây, chủ sàn thương mại điện tử sẽ phải cung cấp thông tin hàng quý cho cơ quan thuế về doanh thu bán hàng của các thương nhân, tổ chức, cá nhân...
Chủ sở hữu sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin về doanh thu bán hàng của thương nhân, tổ chức, cá nhân cho cơ quan thuế định kỳ hàng quý.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy trong 9 tháng thu thuế được 3.160 tỷ đồng từ 37 tập đoàn công nghệ quốc tế như Google, Microsoft, TikTok...
Trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế lớn như Meta (Facebook) nộp trên 1.700 tỷ đồng, Google nộp gần 1.000 tỷ đồng... Còn trong nước, các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ số đã nộp 531 tỷ đồng.
Số thuế thu được từ những nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt những "ông lớn" cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tăng nhanh từ khi Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 21/3 vừa qua.
Cổng thông tin điện tử là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam.
Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ta.
Như vậy, hiện cả 6 nhà cung cấp nước ngoài Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple vốn đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các người nộp thuế thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam theo đúng cam kết và các quy định của Việt Nam về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với các dịch vụ xuyên biên giới.
Một điểm mới về quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử cũng vừa được ban hành tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó, bổ sung điểm mới về trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử.
Các thông tin chủ sở hữu sàn thương mại điện tử cung cấp cho cơ quan thuế bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
(Nghị định số 91/2022).
Theo đó, Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 91/2022, nêu rõ tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thống kê cho thấy Shopee vẫn là sàn thương mại điện tử phát sinh doanh thu cao nhất, lên tới 243,2 triệu USD vào năm 2021, kế sau là Lazada với 145 triệu USD...
"Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố", Nghị định số 91/2022 quy định.
Ngoài ra, để siết chặt quản lý thuế thương mại điện tử, chống thất thu thuế, tới đây, Tổng cục Thuế đang dự kiến tiếp tục triển khai một cổng thông tin để các sàn thương mại điện tử kê khai, có thể nộp thay các hộ kinh doanh.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử có thể chủ động kê khai, nộp thuế.
x
Meta thêm 6 tính năng mới cho Facebook Reels Meta vừa giới thiệu thêm 6 tính năng mới cho Facebook Reels, từ việc thêm nhãn dán Add Yours đến việc cho phép người dùng tạo Reel tự động. Theo Neowin, với bản cập nhật mới, người dùng giờ đây có thể đặt các nhãn dán Add Yours trên Facebook Reels của họ. Trong thực tế, tính năng này đã xuất hiện trên...