Xử phạt nguội qua camera: Người đi đường đã chấp hành luật tốt hơn
Bắt đầu đưa vào thí điểm từ năm 2014, đến nay sau gần 3 năm thực hiện, công tác xử phạt nguội người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông qua camera đã đạt được những kết quả có thể coi là khả quan.
Theo đánh giá từ Phòng CSGT Hà Nội, thông qua việc ghi nhận hình ảnh vi phạm giảm có thể nhận thấy, người dân khi lưu thông trên đường đã biết tuân thủ đúng luật hơn. Từ ngày 20-4, CSGT Hà Nội tiếp tục tăng cường hình thức xử phạt nguội đối với các vi phạm giao thông.
9h ngày 20-4, tại phòng chỉ huy Trung tâm tín hiệu đèn giao thông (Phòng CSGT Hà Nội), tổ công tác của Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông đang căng mắt nhìn vào hệ thống với 52 màn hình để dõi theo người dân lưu thông trên các tuyến đường nhằm phát hiện vi phạm và các tình huống giao thông bất thường.
Qua hệ thống camera, Trung uý Phạm Văn Trình phát hiện chiếc xe khách BKS 29B-12332 vượt đèn đỏ. Kích chuột lưu lại hình ảnh, khoanh tròn biển số xe, đồng thời lấy bộ đàm điện cho cán bộ của đội 4 đang chốt trực trên đường Phố Huế-Đại Cồ Việt để thông báo về xe vi phạm. Chỉ chưa đầy 10 phút sau, thông tin từ tổ tuần tra thuộc đội CSGT số 4 cho biết, người lái xe đã thừa nhận hành vi vượt đèn đỏ, vi phạm đã được lập xong.
Hà Nội sẽ tăng cường xử phạt vi phạm giao thông qua camera trong dịp 30-4 và 1-5.
“Với vi phạm này ngoài xử phạt hành chính, lái xe sẽ bị tịch thu bằng lái 2 tháng”, Trung uý Phạm Văn Trình cho biết.
Cũng tại thời điểm này, ở bàn bên cạnh, một cán bộ khác đang dõi theo camera trên tuyến đường Thanh Niên-Yên Phụ tiếp tục phát hiện 2 người điều khiển xe máy 29Z4-0506; 21K1-17892 vượt đèn đỏ. Lại nhanh tay thao tác ghi chụp lại hình ảnh, rồi điện đàm cho tổ công tác chốt trực gần đó để xử lý. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, không phải trường hợp vi phạm nào được phát hiện qua màn hình cũng đều kịp thời dừng xe vi phạm.
Video đang HOT
Đơn cử như trường hợp xe ôtô 30A-31897 đang lưu thông trên đường Đại Cồ Việt sau khi vượt đèn đỏ thì bất ngờ rẽ phải sang hướng đường Bạch Mai, nên lực lượng chức năng không kịp dừng xe.
“Với những trường hợp này, CSGT sẽ chụp lại hình ảnh biển số xe, rồi tra tìm chủ sở hữu, sau đó sẽ gửi giấy thông báo phạt nguội về nơi cư trú, mời người vi phạm lên trụ sở nộp phạt”, Trung uý Phạm Văn Trình cho biết.
Gần 11h, theo quan sát, trên các tuyến đường có ghi hình qua camera, chỉ có khoảng 20 trường hợp vi phạm giao thông. Điều đáng nói, trong số này thì phần lớn là xe máy.
Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông – Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay đội đã xử lý được khoảng 8.500 trường hợp vi phạm qua hình ảnh. Tính ra trung bình khoảng hơn 80 trường hợp/ngày, so với năm ngoái (cao điểm gần 100 trường hợp/ngày) thì giảm hơn.
Tình trạng người tham gia giao thông vi phạm đã có chiều hướng giảm.
Điều này cho thấy, người dân đã ý thức hơn khi lưu thông trên đường. Song, năm nay số người điều khiển xe máy lại vi phạm nhiều hơn người điều khiển ôtô và người dân nếu đã nhận được thông báo vi phạm thì thường chủ động đến giải quyết sớm hơn, chứ không chờ lực lượng chức năng gửi thông báo vi phạm lần 2, lần 3. Tuy nhiên, công tác xử phạt nguội qua camera vẫn còn gặp khó khăn, chủ yếu do vấn đề xe không chính chủ.
“Để tìm chính xác địa chỉ chủ phương tiện, tổ công tác thuộc trung tâm điều khiển đèn phải xác minh thông tin liên quan qua dữ liệu trên hệ thống đăng ký, đồng thời phải phối hợp với các trung tâm đăng kiểm và địa phương để làm rõ”, Thiếu tá Minh nói và cho biết thêm, hiện xe không chính chủ còn nhiều, việc gửi giấy báo vi phạm đôi khi không đúng đối tượng, khiến việc xử lý tại một thời điểm nào đó kém hiệu quả. Để giải quyết dứt điểm, cần xử lý được xe không chính chủ.
Liên quan đến trường hợp chây ỳ, hoặc xe không sang tên đổi chủ, không phối hợp xử lý, Thiếu tá Minh cho biết, con số này giờ không còn nhiều, song đội cũng có biện pháp xử lý như: Thông báo cho các đội tuần tra kiểm soát ở trên đường, khi thấy xe vi phạm sẽ chặn lại xử phạt.
Ngoài ra, đội sẽ lập “danh sách đen” chủ xe vi phạm cố tình chây ỳ gửi lên Cục CSGT phối hợp với các đơn vị đăng kiểm để xử lý; Gửi danh sách biển kiểm soát xe đó qua Cục Đăng kiểm Việt Nam, khi những xe đó đến các trung tâm đăng kiểm, họ đưa lên hệ thống phát hiện ra xe vi phạm, sẽ yêu cầu quay trở lại cơ quan Công an để giải quyết.
Thiếu tá Phạm Quang Minh thông tin thêm: Hà Nội hiện có hơn 4.000 nút giao cắt giao thông nhưng hệ thống camera mới chỉ lắp được hơn 400 máy ở 77 nút giao khác nhau. Do đó, không thể bao quát tất cả. Nhưng nếu tính việc bỏ ngân sách ra đầu tư một lần trên tất cả các nút thì cần một nguồn kinh phí rất lớn.
Vì vậy, trước mắt, nhằm tăng cường giám sát giao thông trên các cung đường, từ nay đến cuối năm Hà Nội sẽ lắp hệ thống camera trên một số phố như Lý Thường Kiệt- Hàng Bài; Điện Biên Phủ-Cửa Nam; Núi Trúc-Kim Mã; Nguyễn Thái Học- Chu Văn An…
(Theo Công An Nhân Dân)
Phạt nguội trên cao tốc TP.HCM Long Thành Dầu Giây
Ngày 15-4, tin từ Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam cho biết đơn vị này sẽ công bố thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông trên cao tốc cho cơ quan chức năng xử lý.
Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) gồm hệ thống camera, hệ thống liên lạc không dây, trạm cân tự động, thu phí kín - Ảnh: VEC E
Theo đó, từ ngày 1-5, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E, đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) sẽ cung cấp thông tin, hình ảnh thu được từ hệ thống camera giám sát dọc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh đó, VEC E cũng xem xét công bố thông tin, hình ảnh vi phạm (đã được cơ quan chức năng xác định, kết luận) cho các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, phó giám đốc VEC E cho biết đây là hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực về trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông. Qua đó, tiếp tục nâng cao độ an toàn, tin cậy và chất lượng dịch vụ trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trước đó, như Tuổi Trẻ đã đưa tin, ngày 10-3, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào hoạt động.
Long Thành trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: VEC E
Hệ thống trung Tâm ITS gồm 16 camera giám sát và 52 camera thăm dò phương tiện lắp đặt dọc tuyến. Toàn bộ dữ liệu (hình ảnh, video) trên tuyến được truyền về Trung tâm điều hành ITS (đặt tại Km6 300 thuộc P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM). Nhân viên trực sẽ theo dõi và xử lý 24/24h mỗi ngày.
(Theo Tuổi Trẻ)
Dùng thẻ phóng viên giả để xin cảnh sát giao thông bỏ qua vi phạm Lái xe taxi đã dùng thẻ phóng viên giả mua trên mạng với giá một triệu đồng để xin lực lượng chức năng không lập biên bản vi phạm. Khoảng 10h ngày 2/4, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại quốc lộ 4E, phường Thống Nhất, TP Lào Cai, Đội tuần tra CSGT số 6, Công an tỉnh Lào Cai phát hiện...