“Xử nghiêm cán bộ thi hành án nhũng nhiễu người dân”
Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Lương Khôi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ( Bộ Tư pháp) khẳng định quan điểm xử lý nghiêm minh những cán bộ thi hành án có thái độ nhũng nhiễu người dân khi thi hành công vụ.
Ông Mai Lương Khôi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: Bộ Tư pháp).
- Tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2017 cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói rằng nhìn vào kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án lớn thì chưa biết khi nào mới kết thúc. Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ làm gì để đẩy mạnh việc thu hồi tài sản trong các vụ án này?
- Chúng tôi sẽ phải tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án, truy tìm tài sản để thi hành án. Tới giai đoạn thi hành án dân sự thì các chấp hành viên phải đi xác minh tài sản thường xuyên, liên tục. Bất cứ khi nào có manh mối về tài sản của đương sự đều phải đi xác minh. Tuy nhiên, xác minh của chấp hành viên là dân sự nên cần sự phối hợp của nhiều đơn vị và điều đó gây ra chuyện rất mất nhiều thời gian, tiến độ bị chậm, thậm chí gây khó khăn cho chấp hành viên.
Việc thứ hai là tiếp tục xử lý các tài sản đã kê biên và nội dung bản án mà tòa đã tuyên. Từng tài sản có khó khăn, vướng mắc gì đều phải xử lý. Như trong vụ Vinalines có đối tượng thi hành án ở Hải Phòng, khi xác minh mới biết tài sản nằm trong một khu đô thị mới chưa có gì cả nên truy tìm để xử lý mất nhiều thời gian, khó khăn.
Hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như (TPHCM), có nhiều tài sản án sơ thẩm tuyên nhưng bây giờ đang ở vào giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan điều tra vẫn đang làm, hồ sở ở cơ quan tố tụng, chưa bàn giao cho cơ quan thi hành án nên rất khó dù cơ quan thi hành án đã lập tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ, giải quyết từng khó khăn một.
Trước những khó khăn trong việc thu hồi tài sản các vụ án lớn, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của người phạm tội trong quá trình tiến hành tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra nhằm ngăn chặn kịp thời bị can, bị cáo tẩu tán tài sản. Điều này rất quan trọng nhằm đảm bảo khả năng thu hồi nhiều nhất tài sản sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực và được thi hành án về sau.
- Năng lực, hạn chế của cán bộ thi hành án dân sự có ảnh hưởng tới kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án lớn thời gian qua?
- Có thể khẳng định rằng vài năm trước có chuyện đó nhưng tới giờ này không có vì đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tới các Cục Thi hành án dân sự địa phương rồi.
Chúng tôi cập nhật, báo cáo thường xuyên về tiến độ, đeo bám quyết liệt. Khi báo cáo của cơ quan thi hành án địa phương mà không rõ thì Tổng cục Thi hành án dân sự lập tức xuống xác minh tiến độ; thấy không tiến triển lập tức yêu cầu lên họp xem vướng mắc ở đâu, thẩm quyền của ai…
Cũng có những khó khăn khách quan mà mình phải chờ, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như đang phải chờ cơ quan tố tụng giải quyết tiếp giai đoạn 2 của vụ án, hồ sơ chưa chuyển giao cho cơ quan thi hành án được nên cái đó phải chấp nhận.
Video đang HOT
- Nhưng thưa ông, con số 96 cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật trong năm 2016 và 14 trường hợp khác vi phạm nghiêm trọng đã được Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự các địa phương đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc cơ quan điều tra phát hiện, đang xem xét trách nhiệm hình sự cũng nói lên khá nhiều điều về ý thức trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thi hành án?
Bên cạnh việc tăng cường nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, Cục trưởng và Chi cục trưởng thi hành án phải chịu trách nhiệm về đơn vị mình, phải đeo bám quyết liệt, xem xét kỹ lưỡng từng hồ sơ, giai đoạn, vụ vướng mắc khó khăn phải lập tổ công tác, lên tiến độ công việc, vướng tới đâu giải quyết tới đó. Nếu vướng mắc ngoài thẩm quyền phải báo cáo lên Tổng cục Thi hành án, lãnh đạo Bộ Tư pháp để họp liên ngành giải quyết, tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả công việc.
Thứ hai, chắc chắn là tăng cường công tác kiểm tra. Kết quả xử lý kỷ luật năm 2016 có nhiều tín hiệu đáng mừng, ở chỗ các đơn vị đã tự kiểm tra, xử lý nghiêm để răn đe và càng ngày càng siết chặt hơn.
Chúng tôi đã chấn chỉnh rất nhiều, đổi mới rất nhiều trong việc này. Đoàn kiểm tra đã về kiểm tra một Chi cục thi hành án rồi thì phải có bản đánh giá thực trạng, án đúng, án sai, cái gì phải chấn chỉnh, khắc phục ngay… Đoàn kiểm tra đã đưa ra kết luận rồi mà sau đó phát sinh “vấn đề” thì đoàn kiểm tra cũng phải chịu trách nhiệm về đánh giá của mình vì không hoàn thành trách nhiệm. Nhiều ràng buộc trách nhiệm như vậy để việc kiểm tra đi vào thực chất.
- Như vậy có thể hiểu quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự là xử nghiêm đối với những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân bị báo chí, dư luận phản ánh hoặc bị người dân khiếu nại, tố cáo?
- Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm cán bộ thi hành án nhũng nhiễu người dân. Trách nhiệm chính thuộc về Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ở địa phương. Cục trưởng không xử lý dứt điểm, không nghiêm thì chúng tôi sẽ truy trách nhiệm luôn.
Rất nhiều vụ việc có thông tin từ lãnh đạo Bộ Tư pháp, từ các ngành, ý kiến của đại biểu Quốc hội hay thông tin từ báo chí đều phải xử lý rốt ráo.
Hiện nay xử lý thông tin từ báo chí được Bộ Tư pháp chỉ đạo xử lý rất nghiêm. Mỗi ngày chúng tôi đều có điểm tin, tập hợp xem có bao nhiêu vấn đề liên quan đến thi hành án dân sự được báo chí phản ánh để yêu cầu cơ quan thi hành án địa phương báo cáo sự việc, xem đúng sai ra sao nhằm có hướng xử lý đến nơi đến trốn. Giao ban hàng tháng cũng đều có kết quả thống kê xử lý như thế nào, tới đâu, rất chặt chẽ, minh bạch.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)
Theo Dantri
Những đại án nghìn tỷ khó thu lại được tiền thiệt hại
Hơn 1.100 tỷ đồng phải thu hồi trong vụ Vinashin, 360 tỷ với vụ án Dương Chí Dũng hay 14.000 tỷ đồng tại vụ Huỳnh Thị Huyền Như đang khiến cơ quan thi hành án "đau đầu" vì tài sản kê biên có giá trị rất nhỏ.
Đại án tiêu cực xảy ra tại Vinashin
Theo bản án ngày 30/8/2012 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, cựu Chủ tịch tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng 8đồng phạm bị xác định cố tình mua tàu, bán vỏ tàu và nhập các thiết bị công nghệ lạc hậu khi không được phê duyệt, gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.
Với việc bị tuyên phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Bình phải chịu án 20 năm tù; những người còn lại nhận án từ 3 đến 19 năm.
Các bị cáo phải bồi thường hơn 1.100 tỷ đồng, riêng ông Bình phải thi hành án hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thi hành án dân sự tính đến đầu năm 2016, số tiền phải thu mới 2,4 tỷ đồng.
Các bị cáo trong vụ án Vinashin tại tòa. Ảnh: TTXVN.
Ngoài tài sản cơ quan thi hành án đã kê biên, hiện nhà chức trách chưa tìm thấy tài sản nào khác của đương sự. Tổng cục cho rằng nguyên nhân của sự "bất lực" là do trong quá trình điều tra, xét xử vụ án các cơ quan chức năng đã không phong tỏa và kê biên hết tài sản theo đúng quy định. Vì thế đến giai đoạn thi hành án, việc xác minh, xác định tài sản gặp rất nhiều khó khăn.
Vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Vinalines
Ông Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) bị Tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan, tuyên án tử hình với cáo buộc phạm tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị xác định là đồng phạm giúp sức, ông Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) cũng phải nhận án tử. 8 người liên quan vụ án bị tuyên các mức án từ 4 đến 22 năm tù.
Ông Dũng, Phúc và các đồng phạm bị cáo buộc đã chi cả chục triệu USD mua ụ nổi cũ sản xuất từ năm 1965, để nhận "lại quả" từ bên bán. Hiện "đống sắt vụn" này chưa một lần đưa vào sử dụng, hậu quả vụ án được xác định rất nghiêm trọng.
Bị án Dương Chí Dũng.
Theo bản án, ông Dũng và Phúc mỗi người phải bồi thường thiệt hại 110 tỷ đồng. Các bị cáo khác liên đới bồi thường tổng cộng gần 150 tỷ đồng.
Tổng số tiền phải thu hồi của vụ án là hơn 360 tỷ đồng, song đến tháng 2/2016 cơ quan thi hành án mới thu được hơn 19 tỷ. Theo Tổng cục thi hành án dân sự, việc xử lý tài sản kê biên để đấu giá đang được xúc tiến. Tuy nhiên khó có thể thu hồi được số tiền tòa tuyên bởi những tài sản kê biên có giá trị nhỏ hơn nhiều, chưa kể nhiều tài sản lại chung với người khác.
Vụ Huỳnh Thị Huyền Như
Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương Việt Nam, Vietinbank chi nhánh TP HCM) bị cáo buộc vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư bất động vào năm 2007. Từ năm 2010, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Huyền Như dùng nhiều mánh để có được hơn 4.000 tỷ đồng của nhiều cá nhân, tổ chức.
"Siêu lừa" Huyền Như phải nhận mức án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. 22 đồng phạm khác nhận án từ 1 đến 20 năm tù.
Theo bản án phúc thẩm ngày 7/1/2015 của TAND Tối cao tại TP HCM, Huyền Như (án tù chung thân) và 22 bị cáo phải bồi thường tổng cộng trên 14.000 tỷ đồng. Trong số này, tiền phải thu hồi cho ngân sách nhà nước tới hơn 11.000 tỷ đồng; tiền thi hành cho các tổ chức, cá nhân gần 3.000 tỷ đồng.
Huỳnh Thị Huyền Như khi bị đưa ra xét xử.
Hơn một năm qua, các đương sự mới nộp hơn 3,4 tỷ đồng án phí, nộp công quỹ hơn 163 tỷ đồng và bồi thường 15 tỷ đồng cho một chi nhánh ngân hàng. Vụ án còn tới gần 14.000 tỷ đồng chưa thể thi hành.
Như hai vụ đại án trên, nguyên nhân chủ yếu là các tài sản kê biên không đủ bù đắp số tiền phải thu. Cơ quan thi hành án đang tiếp tục đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển giao bản chính giấy tờ nhà, đất liên quan các tài sản mà tòa án đã tuyên kê biên, tạm giữ để đảm bảo thi hành án... Cục Thi hành án dân sự TP HCM sẽ tiếp tục xác minh truy tìm tài sản của đương sự.
Bảo Hà
Theo VNE
Kết luận điều tra bổ sung đại án Huỳnh Thị Huyền Như CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung đại án Huỳnh Thị Huyền Như, giữ nguyên đề nghị truy tố 12 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank, Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Hôm (17/11), liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết...