Xử nghiêm các tổ chức, cá nhân để “mọc” 113 khu dân cư tự phát
Thời gian qua, một vài địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều trường hợp chuyển mục đích đất sai quy định, tách thửa, chia lô bán nền, xây nhà không phép, sai phép…
Ông Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại kì họp thứ 9, HĐND TP Cần Thơ khoá IX, nhiệm kì 2016 – 2021 chiều 11/7
Chiều 11/7, tại kì họp thứ 9, HĐND TP Cần Thơ khoá IX, nhiệm kì 2016 – 2021, ông Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 113 “ khu dân cư tự phát” tập trung chủ yếu ở 3 quận: Ninh Kiều (33 khu), Cái Răng (33 khu) và Bình Thủy (24 khu). Hầu hết các “khu dân cư tự phát” này có hiện trạng hạ tầng chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quy chuẩn, không có chủ trương đầu tư và dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt.
“Trong thời gian qua, một vài địa phương đã buông lỏng quản lý, chưa tròn trách nhiệm dẫn đến xảy ra nhiều trường hợp chuyển mục đích đất sai quy định, tách thửa, chia lô bán nền, xây dụng nhà không phép, sai phép,… gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội thành phố”, ông Thống thông tin.
Để giải quyết các vướng mắc hiện tại ở các khu dân cư tự phát, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các các sở ngành, các địa phương dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư xây dựng, có biện pháp quản lý chặt chẽ địa bàn không để phát sinh các khu dân cư mang tính tự phát vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai, xây dựng.
Người đứng đầu chính quyền TP Cần Thơ cũng yêu cầu các ngành liên quan, tổ chức thanh tra các khu dân cư tự phát đã tổng hợp trong báo cáo, xác định rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý cụ thể đối với tổ chức cá nhân để xảy ra các vụ việc sai phạm. Thực hiện rà soát từng “khu dân cư tự phát” trên các cơ sở thực hiện Quy hoạch phân khu, danh mục dự án kêu gọi đầu tư và đề án khai thác quỹ đất đã được phê duyệt, theo 2 trường hợp cụ thể.
Video đang HOT
Một là các khu dân cư thuộc phạm vi các dự án kêu gọi đầu tư của thành phố và các khu thuộc đề án khai thác quỹ đất của thành phố; thực hiện kêu gọi đầu tư đồng bộ theo Danh mục đầu tư của thành phố và Đề án khai thác quỹ đất đã được Ủy ban nhân dân thành phổ phê duyệt.
Hai là đối với các “khu dân cư tự phát” còn lại, UBND thành phố giao cho Sở Xây dựng rà soát, đánh giá trong quá trình lập Quy hoạch phân khu các quận; Đồng thời giao cho UBND các quận tổ chức rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp, hướng bổ sung, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và hạ tầng xã hội tại các khu này nhằm đảm bảo đủ điều kiện phục vụ đời sống dân sinh.
Huy Nguyên
Theo Dantri
Để dân xây nhà không phép ven sông, chủ tịch xã, phường phải chịu trách nhiệm
"Từ nay, nếu để xảy ra tình trạng dân xây nhà không phép ven sông thì Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm", đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tại cuộc họp sơ kết công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn 5 tháng đầu năm 2018, chiều 31/5 tại UBND TP Cần Thơ.
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông làm 7 căn nhà ở ấp Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ mới đây.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NN & PTNT TP Cần Thơ cho biết, 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Cần Thơ xảy ra 9 đợt lốc xoáy (làm sập 10 căn nhà, tốc mái 32 căn) và 9 điểm sạt lở (làm sạt lở hoàn toàn 10 căn nhà, ảnh hưởng 37 căn, tổng chiều dài sạt lở 368 m). Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng trên 32 tỷ đồng, riêng thiệt hại do sạt lở bờ sông là hơn 31 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an TP Cần Thơ đề nghị các đơn vị liên quan hàng năm phải khảo sát, tính toán cụ thể rồi đề xuất các phương án với lãnh đạo UBND thành phố. "Chúng ta phải có phương án cụ thể khi có vụ việc xảy ra để không bị động. Chúng ta không nên để vụ việc xảy ra nhưng vẫn chưa có phương án ứng cứu thích hợp", ông Hạnh nhấn mạnh.
Ông Hạnh cũng đề nghị: Hàng năm cần có kinh phí sẵn để phân bổ cho các đơn vị, khi có tình huống xảy ra thì có thể triển khai phương án ứng cứu kịp thời, phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa từng cơ quan, đơn vị. Hàng năm, chúng ta cần tổ chức diễn tập cứu hộ, sạt lở, đây là hành động thiết thực để có thể ứng phó kịp thời.
Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an Cần Thơ phát biểu tại cuộc họp
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ lưu ý các việc: Tăng cường công tác rà soát, dự báo trong việc phòng chống thiên tai. Trong đó, đối với sạt lở cần kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ để có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo chính xác, kịp thời, chủ động. "Chúng ta không thể chống lại được thiên tai nhưng nếu làm tốt công tác rà soát, dự báo có phương án ứng cứu kịp thời thì thiệt hại sẽ giảm", ông Thống nói.
Đối với các lực lượng chủ lực xử lý tình huống như quân sự, công an, PCCC, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện phải có ý thức, phương án và thường xuyên sẵn sàng ứng phó với tình huống. Trong kế hoạch công tác lúc nào cũng phải đề cập đến nhiệm vụ này.
Ông Thống cũng lưu ý, nếu không may khi có sự cố xảy ra thì phải đảm bảo sự chỉ huy thống nhất. Công tác phối hợp không thống nhất thì hiệu quả sẽ không cao, do đó cần rà soát lại việc phân công, trong tình huống nào thì ai là chỉ huy để phối hợp đồng bộ.
Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Riêng vấn đề sạt lở, ông Thống đề nghị các quận, huyện rà soát các điểm có nguy cơ trước mắt, lâu dài để có biện pháp. Biện pháp phải bao gồm cả công trình và phi công trình, không phải cứ sạt lở là làm bờ kè kiên cố vì Cần Thơ sông rạch rất nhiều, kinh phí không đảm đương nổi. Thay vào đó, nên phát động cho người dân tổ chức thực hiện các biện pháp phi công trình, trồng cây giữ đất...
Nhấn mạnh đến việc nhà ở ven sông bị sạt lở, ông Thống chỉ đạo: Về lâu dài không thể để nhà sàn trên sông, ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường và hành lang giao thông. "Từ nay trở đi phải chấm dứt việc cấp phép cho dân xây dựng nhà trên sông. UBND các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, nếu để xảy ra ở đâu thì Chủ tịch UBND cấp đó phải chịu. Tôi giao cho lãnh đạo UBND quận, huyện phải quản lý hiệu quả vấn đề này, nếu quản lý không tốt thì lãnh đạo quận, huyện cũng sẽ bị quy trách nhiệm", ông Thống nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ sạt lở ở khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn mới đây làm 7 căn nhà đổ sập xuống sông và nhiều ngôi nhà khác bị ảnh hưởng, ông Thống đề nghị lãnh đạo địa phương rà soát, xem xét, ai không có chỗ ở khác thì xem xét tái định cư cho người dân, nhất quyết không để người dân xây nhà trở lại nơi cũ. Những hộ chưa bị ảnh hưởng cũng phải có phương án di dời, phải có kế hoạch lâu dài như các khu dân cư nông thôn, nhà ở xã hội...
Phạm Tâm
Theo Dantri
Thành phố thông minh - chiến lược cho sự phát triển của Cần Thơ "Việc nghiên cứu, triển khai mô hình quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của TP Cần Thơ. Xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế...