Xử lý và phòng ngừa cholesterol tích tụ quanh mắt
Cholesterol có thể tích tụ quanh mắt để hình thành các u vàng được gọi là xanthelasmata. Mặc dù chúng lành tính, nhưng gây ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ và đôi khi những u vàng quanh mắt còn là cảnh báo cho tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác.
U vàng quanh mắt xuất hiện có thể không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể cho thấy tình trạng cholesterol cao, bệnh tiểu đường, bệnh gan… Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét các triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị tích tụ cholesterol trên mắt.
Nhận diện cholesterol tích tụ quanh mắt
Cholesterol tích tụ có khuynh hướng xuất hiện trên mi mắt trên và dưới, gần góc trong của mắt và thường phát triển cân đối quanh mắt. Đó là những u mềm, phẳng, có màu hơi vàng, lành tính. Những tổn thương này có thể giữ nguyên kích thước hoặc phát triển rất chậm theo thời gian. Đôi khi các mảng u vàng nhỏ kết hợp với nhau để hình thành khối u lớn hơn. Xanthelasmata thường không đau hoặc ngứa. Nó ít khi ảnh hưởng đến thị lực hoặc mí mắt nhưng đôi khi làm mí mắt bị sụp.
Vì sao u vàng xuất hiện?
Cholesterol dư thừa tích tụ quanh mắt có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp và có nhiều khả năng phát triển ở tuổi trung niên. Hiện tượng này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Giới y khoa không chắc chắn về nguyên nhân chính xác của các u vàng quanh mắt này. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy xanthelasma có liên quan đến rối loạn lipid trong máu.
U vàng mí mắt có thể loại bỏ nhưng quan trọng là tìm căn nguyên và điều trị rối loạn lipid.
Một người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lipid máu nếu có các triệu chứng sau: cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) cao – cholesterol “xấu”; mức cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) thấp – cholesterol “tốt”; mức cholesterol toàn phần cao (cả LDL và HDL); mức triglycerid cao.
Rối loạn lipid làm tăng nguy cơ lắng đọng cholesterol trên thành động mạch (xơ vữa động mạch). Sự tích tụ này có thể hạn chế lưu lượng máu đến tim, não và các vùng khác của cơ thể. Nó cũng làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, đau tim, đột quỵ và bệnh mạch vành.
Video đang HOT
Chứng rối loạn lipid máu liên quan đến rối loạn di truyền, bao gồm: tăng cholesterol trong máu, tăng triglycerid máu gia đình, thiếu lipase lipoprotein. Một người có một trong những điều kiện này có thể có mức lipid cao bất thường. Vì thế, các tình trạng này được biết đến như là nguyên nhân chính gây ra rối loạn lipid máu.
Nguyên nhân thứ phát bao gồm các yếu tố về lối sống, như: chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và cholesterol, bị thừa cân béo phì, không tập thể dục hoặc hoạt động thể chất đủ thích hợp, uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ khác cho rối loạn lipid máu bao gồm: bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn tính, suy giáp, tăng huyết áp, xơ gan mật và một số bệnh gan khác, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ hoặc bệnh tim…
Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy cholesterol tích tụ trên mí mắt có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim thiếu máu cục bộ, ngay cả những người có mức lipid bình thường.
Những người có u vàng quanh mắt nên đến bác sĩ để kiểm tra mức lipid. Xanthelasmata thường được chẩn đoán đơn giản bằng khám trực quan. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra đường huyết, chức năng gan và nguy cơ bệnh tim mạch.
Nên điều trị và phòng ngừa thế nào?
Cholesterol tích tụ quanh mắt hình thành u vàng thường không gây đau, nhưng nhiều người muốn loại bỏ vì lý do thẩm mỹ. Phương pháp loại bỏ sẽ phụ thuộc vào kích cỡ, vị trí và đặc điểm của các u. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm: phẫu thuật cắt bỏ, laser CO2, đốt điện, hóa chất, liệu pháp cryotherapy. Sau thủ thuật, có thể có sưng và bầm tím quanh mí mắt trong vài tuần. Rủi ro của phẫu thuật bao gồm sẹo và sự thay đổi màu da. Tuy nhiên, u vàng có thể sẽ tái phát, đặc biệt ở những người có cholesterol cao.
Điều trị rối loạn lipid sẽ không khiến u vàng biến mất. Tuy nhiên, điều trị này là cần thiết, bởi vì có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim. Điều trị rối loạn lipid cũng có thể ngăn không cho u vàng phát triển nhiều hơn. Điều trị chứng rối loạn lipid máu nhiều khi chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn kiêng phù hợp. Các khuyến cáo gồm: giảm cân, ăn uống lành mạnh. Một người mắc bệnh béo phì nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng ít chất béo bão hòa, chất béo trans và cholesterol. Nên ăn nhiều hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này ít chất béo và không chứa cholesterol. Thực phẩm cần tránh bao gồm: sữa nguyên chất, bơ, pho mát và kem, thịt mỡ, bánh nướng, bánh quy, thực phẩm có chứa dừa hoặc dầu cọ.
Ăn các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan có thể giúp giảm cholesterol như: các loại đậu, yến mạch, gạo lức, cam, quýt, bưởi…
Tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất thường xuyê n cũng rất cần thiết trong điều trị chứng rối loạn lipid máu. Nó có thể giúp nâng cao mức cholesterol HDL và mức cholesterol LDL thấp hơn và triglycerid. Các hoạt động như đi bộ nhanh, đi xe đạp, bơi lội và chạy bộ cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp người khác duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng mức cholesterol và triglycerid. Vì thế hãy giảm lượng rượu. Hút thuốc lá có thể làm tăng cholesterol LDL và ức chế những ảnh hưởng tích cực của cholesterol HDL. Một người bị rối loạn lipid nên bỏ thuốc lá.
Tóm lại, u vàng quanh mắt đôi khi là triệu chứng của một bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rối loạn lipid máu, máu nhiễm mỡ, tiểu đường, xơ gan, bệnh tim thiếu máu cục bộ, một số bệnh ung thư…Vì thế, nếu thấy xuất hiện tích tụ cholesterol xung quanh mắt, biểu hiện bằng các u vàng nhạt, nên đi khám bác sĩ để tìm ra căn nguyên bệnh hoặc các tình trạng sức khỏe khác.
BS. Nguyễn Xuân Hướng
Theo SK&ĐS
Lạnh đột ngột, cẩn trọng với những cơn đau thắt ngực
Làm việc gắng sức, xúc động quá mức hoặc lạnh đột ngột đều là yếu tố dẫn tới các cơn đau thắt ngực. Đây cũng là triệu chứng của nhồi máu cơ tim.
Nhiều ca bệnh tim mạch nhập viện trong dịp thời tiết lạnh đột ngột
Gia tăng bệnh nhân nhồi máu cơ tim, động mạch vành
Ở tuổi 40, ông Nguyễn Văn Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm đến Viện Tim mạch Quốc gia thăm khám sau vài lần xuất hiện cơn đau thắt ở ngực. Tại đây, ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành cần điều trị bằng thuốc.
Tương tự, bệnh nhân nam Trần Văn Tùng, 25 tuổi (sinh năm 1994) hoàn toàn chưa có bệnh lý mạn tính, tiền căn gia đình không ghi nhận gì nổi bật. Trong những ngày trời lạnh đột ngột, bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá, xấp xỉ 1 gói (20 điếu)/ngày. Anh Tùng đã phải nhập viện trong tình trạng đau nhức toàn thân, khó thở, sốt nhẹ, ho có đàm màu đục lượng ít và nổi bật là đau vùng ngực trái liên tục, mức độ trung bình đến nặng. Kết quả chụp mạch vành là nhánh mũ tắc hoàn toàn, các nhánh khác cũng có tổn thương nhưng không đáng kể. Chính vì vậy, bệnh nhân được can thiệp thành công một stent mạch vành có phủ thuốc cùng liệu trình điều trị chuẩn của nhồi máu cơ tim.
Theo PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, mô hình bệnh tật ở Việt Nam thay đổi nhiều, cách đây 20 năm tỉ lệ bệnh động mạch vành, đau thắt ngực chỉ dưới 10%, nhưng gần đây gần có đến 40% số bệnh nhân đến khám có liên quan đến nhồi máu cơ tim, động mạch vành.
Bệnh động mạch vành gặp ở các đối tượng nguy cơ như người già, gia đình có người mắc bệnh hoặc người có lối sống không lành mạnh, ít vận động, thừa cân béo phì...
"Bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim xuất hiện ngày càng nhiều va tre hóa, găp ca ở người dưới 50 tuổi, thậm chí có thể gặp cả ở những người dưới 40 tuổi. Điều này có nghĩa là quá trình xơ vữa động mạch vành đã diễn ra trước đó từ rất lâu, thường 10-20 năm. Đây là căn nguyên gây nên các cơn đau thắt ngực, nếu không được phát hiện và được điều trị can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và tử vong", ông Hùng cảnh báo.
Không bỏ qua các cơn đau thắt ngực
Theo các chuyên gia tim mạch, đau thắt ngực có nhiều nguyên nhân nhưng có trên 90% cơn đau thắt ngực là do hẹp động mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Nguyên nhân chính là do quá trình xơ vữa diễn ra kéo dài trong nhiều năm với sự lắng đọng từ từ các mảng bám vào mặt trong các thành mạch làm cho các thành mạch ngày càng dày lên, cứng lại, mất tính đàn hồi, cuối cùng gây hẹp, tắc động mạch vành.
GS. TS. Nguyễn Lân Việt cho biết, các cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức, đau ngực do mất cân bằng về cung cầu, tức là bản thân mạch vành đã hẹp, máu đã ít rồi nên khi gắng sức nhu cầu oxy nhiều lên trong khi lượng máu ít thì xuất hiện cơn đau. Đó là đau thắt ngực ổn định. Có trường hợp cơn đau thắt ngực không ổn định, các mảng xơ vữa nứt ra, tiểu cầu kéo đến có thể gây tắc hoặc hẹp động mạch vành. Cơn đau thắt ngực xuất hiện kể cả khi không cần gắng sức, tự dưng xuất hiện.
"Có một số yếu tố dễ bùng phát cơn đau thắt ngực: Một là gắng sức, hoặc do xúc cảm quá mức (vui mừng, bực tức...) hoặc lạnh đột ngột đều là yếu tố thuận lợi xuất hiện các cơn đau thắt ngực. Nếu bị đau thắt ngực 1-2 lần thì nên chủ động đi khám, không nên để lâu đợi đến lúc nhồi máu cơ tim rồi thì chữa trị khó khăn hơn nhiều. Cần đến khám sớm để bác sĩ có chẩn đoán điều trị kịp thời", ông Lân Việt chia sẻ.
Đau thắt ngực là triệu trứng của nhiều bệnh, hay gặp nhất ở bệnh mạch vành. Có các thể bệnh khác nhau, nhẹ thì cơn đau thắt ngực, nặng là nhồi máu cơ tim nhưng cũng có nhiều cơn đau nằm trong bệnh tim mạch như hở động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu (nhịp không đều). "Có những bệnh nhân bị đau thắt ngực do nguyên nhân từ mạch máu như thắt phình động mạch chủ, những bệnh trước đây gặp rất ít nhưng ngày nay do tuổi thọ càng cao thì tỷ lệ người mắc căn bệnh này càng nhiều", vị chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, một số bệnh lý không phải tim mạch nhưng cũng gây đau ngực. Cụ thể, bệnh lý của hệ tiêu hóa, điển hình nhất là viêm loét dạ dày dẫn tới hội chứng trào ngược dạ dày thực quản khiến bệnh nhân cũng có triệu chứng đau ngực rất khó chịu, vã mồ hôi. Bên cạnh đó, các bệnh lý về phổi như nhồi máu phổi, tràn dịch màng phổi... cũng gây ra đau ngực. "Có thể nói đau ngực là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Còn đau thắt ngực thì điển hình là mạch vành vì vậy khi có triệu chứng đau ngực và đau thắt ngực cần đi khám các bác sĩ để có hướng điều trị", ông Lân Việt khuyến cáo.
Theo baogiaothong
Hơn 200 người được khám, tư vấn miễn phí về bệnh lý động mạch vành Bệnh mạch vành là căn bệnh nguy hiểm, gây ra các cơn đau thắt ngực triền miên hoặc những biến chứng mãn tính như suy tim, rối loạn nhịp tim. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch-Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), khám và tư vấn phát hiện sớm và điều trị bệnh động...