Xử lý trách nhiệm người ban hành văn bản trái pháp luật
Văn bản trái pháp luật không những cản trở người dân, doanh nghiệp mà còn gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực lớn đến xã hội, đặc biệt là những thiệt hại về kinh tế, nhưng lại khó xử lý trách nhiệm đối với người tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trao đổi với Đại Đoàn kết về vấn đề này.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà.
PV: Thưa ông, thời gian qua Bộ Tư pháp đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Theo ông nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Theo tôi, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức chưa đầy đủ của nhiều cơ quan về công tác xây dựng, kiểm tra văn bản. Việc xử lý trách nhiệm của người ban hành và người tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật chưa nghiêm. Chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp văn bản trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn còn một số vướng mắc bất cập; nhất là khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm của cơ quan cũng như người ban hành văn bản vẫn còn hạn chế. Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên thực tế chúng ta có thể xác định được thiệt hại do văn bản trái pháp luật gây ra để từ đó có thể xác định việc bồi thường?
- Thứ nhất, việc ban hành và thi hành văn bản trái luật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; trật tự, kỷ cương trong ban hành, thi hành văn bản quy phạm pháp luật; giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Video đang HOT
Thứ hai, việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây tốn kém thời gian, công sức, nguồn kinh phí, ngân sách của Nhà nước.
Thứ ba, tác động tiêu cực của các văn bản trái pháp luật sẽ còn nặng nề hơn trong bối cảnh pháp luật hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp văn bản trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, từ đó làm gia tăng bức xúc trong dư luận.
Một số văn bản của địa phương có nội dung hạn chế quyền và cơ hội được làm việc của người lao động như: quy định điều kiện về hộ khẩu, phân biệt bằng cấp, giới hạn tuổi tác không đúng quy định.
Bên cạnh đó, một số văn bản của địa phương thậm chí còn đặt thêm nghĩa vụ hoặc cấm đoán người dân thực hiện các hành vi, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp bảo hộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý một số văn bản trái pháp luật, nhất là việc khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn hạn chế, chưa nghiêm. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi đồng tình với ý kiến này. Theo tôi cần phải xem xét cụ thể đối với từng văn bản được ban hành trái pháp luật để xác định trách nhiệm thuộc về tập thể cơ quan có thẩm quyền hay của cá nhân có thẩm quyền ban hành.
Đối với 26 văn bản được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ký, ban hành trái pháp luật cũng phải xem xét trách nhiệm với những văn bản này thuộc cá nhân bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hay trách nhiệm tập thể.
Văn bản do UBND tỉnh,thành phố ban hành thì quy trách nhiệm cho UBND tỉnh, thành phố. Nếu văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành thì quy trách nhiệm cá nhân đối với vị chủ tịch.
Theo ông cần giải pháp nào để khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật?
- Để khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, thời gian tới cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, kịp thời xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, tập trung xử lý triệt để các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật.
Trong đó, ưu tiên kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh, tiến tới hoàn thành việc kiểm tra ngay sau khi ban hành và trước thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản. Tăng cường xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là những văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội.
Về lâu dài, chúng ta phải xem xét toàn bộ quá trình từ giai đoạn trình dự án, dự thảo văn bản, cho đến quá trình tham gia góp ý kiến và quá trình thẩm định dự thảo văn bản, ban hành văn bản. Trong tất cả các giai đoạn của toàn bộ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, người có thẩm quyền tham gia đều có quyền lợi và trách nhiệm của mình. Không thể có chuyện khi có quyền lợi thì được hưởng, khi có sai phạm thì không bị quy trách nhiệm. Việc xem xét trách nhiệm của những cơ quan cá nhân ban hành văn bản trái pháp luật, chúng ta có chế tài.
Do đó, ngoài việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chúng ta cần củng cố, phát huy vai trò của tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan tư pháp địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!
H.Vũ (thực hiện)
Theo daidoanket
Vi phạm trong công tác cán bộ: Khó xử lý vì thiếu chế tài?
Pháp luật, chế tài do con người tạo ra. Sai thì sửa, thiếu thì bổ sung. Vậy nên, căn cốt là phải công tâm, khách quan khi vận dụng nó vào thực tiễn
Việc xử lý cán bộ sai phạm có nhiều hình thức khác nhau, được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nhưng một điều "lạ" được Bộ trưởng Bộ Nội vụ mới đây khẳng định là, những vi phạm trong công tác cán bộ cho đến nay chưa có chế tài nào để xử lý, dẫn đến việc áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật không thống nhất. Vậy những kết luận, những hình thức kỷ luật với các trường hợp bổ nhiệm sai cán bộ thời gian qua căn cứ vào đâu? Phải chăng pháp luật chưa đủ để điều chỉnh những cái sai này? Phải chăng đó là lý do khiến dư luận lo ngại, công tác cán bộ sẽ tiếp tục đưa ra những sản phẩm không trọn vẹn?
Khó xử lý vi phạm trong công tác cán bộ vì thiếu chế tài? Ảnh: KT
5 năm qua, 10% trong tổng số cán bộ được đề bạt, bố trí vào có vị trí trong hệ thống quản lý nhà nước là có sai phạm. Thông tin này được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đưa ra mới đây và ông cho rằng, dù chưa được kiểm chứng nhưng con số này cho thấy, sai phạm trong công tác cán bộ là tương đối nhiều. Sai phạm được biểu hiện bằng các dấu hiệu khác nhau, chủ quan cũng có. Vi phạm quy định, quy trình cũng có, vì hậu duệ, quan hệ, tiền tệ cũng có. Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đây là con số địa phương báo cáo lên. Bộ chưa đi kiểm tra và xác minh. Khi bộ đi kiểm tra, chắc con số này sẽ khác.
Vì thế, năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra 88 bộ, ngành, đã thu hồi 61 quyết định bổ nhiệm sai cùng nhiều trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khác. Nhưng một vấn đề người đứng đầu ngành Nội vụ đưa ra khiến dư luận lo ngại là: Hiện chưa có chế tài xử lý các sai phạm trong công tác cán bộ và họ đặt câu hỏi, không có chế tài có nghĩa, dù vi phạm vẫn được cho tồn tại hay sao? Không có chế tài có nghĩa là người làm sai không phải chịu bất kỳ hình thức xử lý nào trước pháp luật hay sao?
Và rõ ràng là, những sai phạm, đặc biệt là sai phạm trong công tác cán bộ mà không được xử lý thì hậu quả hết sức nghiêm trọng và hết sức nguy hại bởi nó liên quan đến công tác tổ chức, đến con người, bộ máy, đến sự ổn định chính trị, cơ chế vận hành, phát triển của cả hệ thống xã hội, đến sự tồn vong của chế độ bởi cán bộ là gốc của mọi công việc. Cái gốc mà lung lay, hư hỏng thì tất không thể nuôi sống được cây và không thể đảm bảo cho cái ngọn phát triển được. Nhưng dư luận cũng băn khoăn, căn cứ vào đâu để Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hàng loạt trường hợp bổ nhiệm sai cán bộ ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Công thương, bổ nhiệm cán bộ "thiếu trong sáng" ở Thanh Hóa và ở nhiều nơi khác với những cái tên đình đám như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Vũ Minh Hoàng, Lê Phước Hoài Bảo, Trần Vũ Quỳnh Anh... Quy định của pháp luật có thiếu không hay thiếu sự vận dụng pháp luật một cách đúng đắn vào công tác cán bộ? Phải chăng thiếu chế tài mang tên "xử lý sai phạm" nên lâu nay nhiều cán bộ ngồi nhầm chỗ?
Với quyết tâm "không có vùng cấm", với tinh thần thượng tôn pháp luật, yêu cầu quy rõ trách nhiệm nên dù ai, ở bất kỳ cương vị nào, nếu có sai phạm, khuyết điểm, đều bị xử lý. Việc xử lý tùy từng sai phạm mà có thể bằng cương lĩnh, điều lệ đảng, quy định về kỷ luật đảng, có thể bằng pháp luật xử lý vi phạm hành chính, bằng các văn bản quy phạm pháp luật về công chức và viên chức... Nói thẳng thắn, quy định quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật đảng viên sai phạm trong mọi lĩnh vực không thiếu. Nó thiếu là do chưa vận dụng đúng quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào từng trường hợp cụ thể mà thôi. Không loại trừ do nể nang, bè phái, lợi ích nhóm mà không dám xử lý hoặc có thì qua loa, chiếu lệ, thậm chí còn kỷ luật bằng cách đẩy sang chỗ khác tương đương hoặc cao hơn nữa.
Một nguyên tắc cơ bản của luật pháp là, bất cứ một văn bản, quy định hành chính nào nếu có dấu hiệu sai phạm đều bị thu hồi, kèm theo chế tài đối với người có trách nhiệm mà vi phạm pháp luật. Pháp luật, chế tài do con người tạo ra. Sai thì sửa, thiếu thì bổ sung. Vậy nên, căn cốt là phải công tâm, khách quan khi vận dụng nó vào thực tiễn. Lúc đó mới không còn chuyện "chưa thống nhất hình thức xử lý sai phạm" hay các bộ ngành, địa phương chỉ đề nghị "kiểm điểm", rút kinh nghiệm khi có sai phạm trong công tác cán bộ vì chưa có chế tài như đã từng diễn ra./.
Theo Đàm Hoa/VOV1
Phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật: Trăn trở của cơ quan "tuýt còi" Theo ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), việc phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật trong năm 2017 cho thấy công tác kiểm tra, xử lý văn bản ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên cũng cảnh báo tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn...