Xử lý tiêu cực thi cử ở Hà Giang thế là xong?
Đến nay những cán bộ lãnh đạo hàng đầu tỉnh Hà Giang và tất cả cán bộ của tỉnh này có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 vẫn “bình an vô sự”.
Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là 3 tỉnh gây chấn động cả nước về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018.
Sơn La, Hòa Bình đã nghiêm
Đối với hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình, ngoài việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những cá nhân trực tiếp tham gia sửa điểm cho thí sinh, đã thi hành kỷ luật Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và cán bộ các cấp, các ngành có iên đới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018.
Ông Phạm Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi của tỉnh Sơn La và ông Bùi Văn Cửu – Phó chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi ở tỉnh Hòa Bình đều bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Ông Hoàng Đức Tiến – Giám đốc Sở GD &ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thi tỉnh Sơn La bị cách tất cả các chức vụ về Đảng. Ông Đức còn bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các hình thức kỷ luật cao hơn.
Cách thức xử lý cán bộ ở Sơn La và Hòa Bình trong vụ việc này cũng phần nào làm cho người dân và công luận bớt phần bức xúc
Ông Bùi Trọng Đắc – Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình bị kỷ luật về Đảng bằng hình thức cảnh cáo. Ông Đắc còn bị Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Ông Cầm Ngọc Minh – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Ông Nguyễn Đức Lương – Phó giám đốc Sở GD&ĐT; bà Đinh Thị Hường – Phó giám đốc Sở GD&ĐT và ông Nguyễn Thành – Phó giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Video đang HOT
Đối với phụ huynh là cán bộ, viên chức có con được nâng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La – Hoàng Quốc Khánh đã có công văn yêu thực hiện nghiêm quy định “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” trong việc xem xét, kiểm điểm cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.
Đồng thời Chủ tịch tỉnh Sơn La cũng chỉ đạo: “chưa xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền”. [1]
Còn ở tỉnh Hòa Bình, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã chỉ ra 5 cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, gồm: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình; nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Trên cơ sở đó Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình cho rằng, dù các cán bộ nêu trên và người thân khẳng định không tác động, can thiệp nâng điểm cho con nhưng thực tế là con họ đã được sửa nâng điểm và đã sử dụng điểm bất hợp pháp này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, học viện năm 2018.
Vì vậy, là phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm, các cán bộ lãnh đạo trên đây đã vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình đã yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, các đảng ủy liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy trình, xem xét, thi hành kỷ luật Đảng các cá nhân trên theo thẩm quyền, báo cáo kết quả trước ngày 10/8/2019. [2]
Các hình thức xử lý kỷ luật và xử lý theo pháp luật đối với những cán bộ sai phạm ở Sơn La và Hòa Bình dù chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân và công luận, do chưa làm rõ tội danh những phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm.
Nhưng dù sao thì cách thức xử lý cán bộ ở Sơn La và Hòa Bình trong vụ việc này cũng phần nào làm cho người dân và công luận bớt phần bức xúc, bất bình khi những quan chức đứng đầu tỉnh và đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh – những người có trách nhiệm lớn nhất để xảy ra tiêu cực đã bị xử lý kỷ luật. Những cán bộ có con được nâng điểm cũng bị điểm tên và có những hình thức nhắc nhở, xử lý nhất định.
Hà Giang vẫn chần chừ
Trong khi đó, ở Hà Giang, ngoài việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những cá nhân nằm trong đường dây sửa điểm, chỉ mới thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý Phó Chủ tịch tỉnh và ông Vũ Văn Sử Giám đốc Sở GD&ĐT.
Trong khi đó xét về quy mô sai phạm, vụ tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang nghiêm trọng hơn hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình rất nhiều. Số thí sinh được nâng điểm ở tỉnh này nhiều hơn gấp đôi số thí sinh được nâng điểm của 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình cộng lại (thí sinh được nâng điểm của Hà Giang: 114; Sơn La: 44; Hoà Bình: 64).
Bởi vậy, so với hình thức kỷ luật giành cho Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La và Hòa Bình, liệu ông Vũ Văn Sử – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang có được ưu ái quá không?
Không chỉ có vậy, vấn đề công luận đang rất quan tâm là tại sao đến nay chưa hề đụng đến trách nhiệm liên đới của Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang thời điểm năm 2018.
Theo chức trách nhiệm vụ, bí thư tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh là những người chịu trách nhiệm về mọi mặt công tác của địa phương, nên không thể không làm rõ sự yếu kém trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của họ, dẫn đến những sai phạm rất nghiêm trọng ở địa phương này.
Không những vậy, ông Triệu Tài Vinh khi còn là Bí thư Tỉnh ủy có con gái được nâng 5,4 điểm [4], đến nay kết luận về vấn đề này hoàn toàn chưa thỏa đáng, không được người dân và công luận chấp nhận.
Cũng như hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình, trong số 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang, có rất nhiều trường hợp là con của cán bộ, công chức trong ngành giáo dục, công an và một số chủ doanh nghiệp. Riêng sở Giáo dục có đến 4 cán bộ có con được nâng điểm. [5]
Đáng chú ý nhất, là con của Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội [6] và con ông Triệu Tài Vinh Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng nằm trong danh sách các thí sinh được nâng điểm của tỉnh này.
Điều bất thường là đến nay những cán bộ lãnh đạo hàng đầu tỉnh Hà Giang và tất cả cán bộ của tỉnh này có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 vẫn “bình an vô sự”.
Phải chăng, trong số các cán bộ có con được nâng điểm có con của Bí thư Tỉnh ủy và Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nên chưa ai dám động đến? Nên phải chăng xử lý tiêu cực thi cử ở Hà Giang thế là xong?
Như vậy, cách xử lý tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 ở Hà Giang là thiếu tôn trọng và thách thức công luận.
Trước việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang thiếu nghiêm túc trong việc xử lý kỷ luật những cán bộ liên đới trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; những cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 ở tỉnh này, nên chăng các cơ quan chức năng của Đảng và Trung ương cần vào cuộc kiểm tra, điều tra, kết luận và xử lý kỷ luật những cán bộ sai phạm.
Chỉ có như vậy, mới đảm bảo công bằng với những cán bộ đã và đang bị xử lý kỷ luật ở Sơn La, Hòa Bình, quan trọng hơn là để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, kỷ cương phép nước. Qua đó cũng để cho nhân dân thấy rằng không có vùng cấm trong chống tham nhũng, trong xử lý cán bộ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Nguyễn Huy Viện
Theo vietnamnet
Vụ nâng điểm thi ở Hà Giang: Thách thức dư luận đến bao giờ?
Nếu không đủ chứng cứ để xử lý hình sự như ông Khuông về hành vi can thiệp để nâng điểm cho con, thì với dư luận, những vị phụ huynh khác cũng không còn đủ tư cách để tại vị.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã có kết quả, các trường ĐH, CĐ đã lần lượt công bố điểm trúng tuyển. Vậy mà "dư chấn" của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 là vụ nâng điểm khủng cho một loạt thí sinh gây bão dư luận suốt năm qua, với những sai phạm rõ như 1 1= 2, thì việc xử lý vẫn "lúng túng như gà mắc tóc", đặc biệt là với các vị phụ huynh có con được nâng điểm. Điều đó không chỉ khiến dư luận thêm bức xúc, mà còn hoài nghi việc thực thi pháp luật.
Hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La mới đây có những đề xuất và kỷ luật với một số cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái. Nhưng cho đến nay, Hà Giang - nơi xảy ra vụ án có mức nghiêm trọng nhất, vẫn chưa thấy một hình thức nào được đưa ra với các vị phụ huynh có con được nâng điểm. Nhiều người thắc mắc, phải chăng vì vướng Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cũng có con được nâng điểm khiến tập thể lãnh đạo ở đây lúng túng? Dù bất kể lý do gì, động thái này của lãnh đạo Hà Giang khiến dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Họ thách thức dư luận và pháp luật đến bao giờ?
Công bố quyết định khởi tố đối với Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang Phạm Văn Khuông (đứng, mặc áo sáng màu). Ảnh: Công an Hà Giang
Các vụ án này có rất nhiều điểm chung: Các thí sinh được nâng điểm phần lớn là con các vị quan chức; các đối tượng tham gia sửa bài được phân công nhiệm vụ rõ ràng, tổ chức bài bản; các bậc phụ huynh đồng loạt chối tội... Nhưng cũng có điểm khác biệt rất lớn. Nếu như hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình, quan chức có con được nâng điểm, chức danh cao nhất cũng chỉ là người đứng đầu một ngành, thì ở Hà Giang có con của vị đứng đầu tỉnh - Bí thư Triệu Tài Vinh. Điều này khiến dư luận cho rằng, đó là nguyên nhân vì sao Hà Giang vẫn chưa thể xử lý được các vị phụ huynh có con được nâng điểm.
Hiện ông Triệu Tài Vinh đã chuyển công tác, liệu lãnh đạo mới ở Hà Giang có thể sớm giải được bài toán được cho là tế nhị này? Câu hỏi này phải đợi thời gian trả lời. Nhưng chắc chắn một điều, dù muốn hay không, lãnh đạo địa phương không thể không xử lý trách nhiệm các vị phụ huynh có con được nâng điểm, đặc biệt với các vị có chức có quyền. Vấn đề là xử lý thế nào mà thôi, nếu không minh bạch, còn dấu hiệu bao che, không chỉ Bí thư Tỉnh ủy mới ở Hà Giang sẽ mất uy tín với dư luận, mà còn ảnh hưởng chung đến niềm tin của công chúng với công cuộc chống tham nhũng hiện nay.
Mặt khác, việc xử lý với phụ huynh, không chỉ là lúng túng, quá chậm, mà cả cách thức tiến hành, mức xử khiến dư luận không thể hình dung nổi. Việc hàng trăm bài thi được sửa, được nâng điểm tới mức thí sinh đủ ngưỡng điểm vào tốp đầu của các trường đại học cho thấy hành vi gian lận được phân công rất bài bản, nên dễ hình dung phải có sự bảo kê. Phải chăng vì vậy, trừ ông Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) "dại dột" thừa nhận có nhờ cấp dưới sửa bài, nâng điểm cho con mình và đã bị khởi tố, còn lại tất cả đều thoát tội, bởi đơn giản, họ cho rằng "không can thiệp nâng điểm thi cho con", bất chấp cả những đối tượng "bán điểm" thừa nhận đã nhận tiền của một số người và đã nộp cho cơ quan điều tra (!?). Thậm chí, ông Triệu Tài Vinh còn đưa ra giả thiết, có kẻ "gắp điểm bỏ tay người" để hại lãnh đạo.
Và như vậy, về bản chất, cùng hành vi can thiệp để nâng điểm cho con, nhưng người thì bị khởi tố, người bị đề nghị kỷ luật khá nhẹ nhàng và thậm chí nhiều người vẫn chưa bị xem xét kỷ luật gì. Vậy, xử lý như thế liệu có công bằng và dư luận còn tin vào công lý?
Tất nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng phải rất thận trọng nhằm tránh oan sai. Nhưng một loạt vị trí chủ chốt trong Hội đồng thi không thể cùng nhau "dại dột" vi phạm nghiêm trọng luật pháp để... đi tù. Do đó, nếu không đủ chứng cứ để xử lý hình sự như ông Khuông về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự, thì các vị phụ huynh cần phải bị xử lý nghiêm khắc hơn, chứ không thể chỉ dừng ở mức hạ bậc lương, không xét thi đua hoặc nặng nhất là cảnh cáo như đã xử lý. Do đó, với dư luận, những vị phụ huynh này nếu chưa đủ chứng cứ để xử lý hình sự thì cũng không còn đủ tư cách để tại vị.
Theo Danviet
Con trai Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang được nâng 13,3 điểm Cáo trạng Viện KSND tỉnh Hà Giang xác định trong số 107 thí sinh Hà Giang gian lận điểm tại kỳ thi THPT 2018, người được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn. Trao đổi với Thanh Niên sáng nay, 5.6, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Hà Giang cho biết,...