Xử lý nghiêm nếu trái lệnh Thủ tướng về cấm biếu quà Tết
Trong một tháng có tới 3 lần nhấn mạnh yêu cầu “không chúc tết cấp trên, đị a phương không phải về Trung ương chúc Tết” rõ ràng thể hiện quyết tâm đến tận cùng của Thủ tướng. Nhưng để chống lại cái tệ nạn vốn đã khá trầm kha với nhiều “biến tướng” hết sức tinh vi này, có lẽ còn cần thêm những chế tài cụ thể và hiệu quả hơn nữa.
3 năm trước, trong một bữa tiệc tất niên, không khí đang vui đột nhiên trầm hẳn khi xuất hiện một doanh nhân ánh mắt mỏi mệt, thất thần ngồi phịch xuống trong bữa tiệc với lời than “Tết với nhất”. Thời điểm đó, anh vẫn đang là một trong “đại gia” bất động sản có tiếng của TP.HCM dù rằng doanh nghiệp đang ở thời kỳ “hấp hối”.
Năm hết tết đến, khi ngân hàng đang réo rắt gọi tên, cán bộ, nhân viên đang mòn mỏi chờ lương thưởng, thì anh vật vã lo cho đủ những món quà xứng đáng, thu vén cho đủ những khoản nọ khoản kia để kịp bay ra Thủ đô chúc tết. Bữa đó, anh vừa từ nhà một lãnh đạo Bộ X về – một người mà anh biết sẽ can hệ lớn đến dự án mà công ty anh đang xin tại Hà Nội. Anh chờ chực mãi, cho đến bữa tối của gia đình, vị lãnh đạo này vẫn không về. Quà để lại, đôi ba lời gửi gắm không kịp ngỏ cùng ai. Món nợ của dự án to đùng trong kia đang réo rắt… khiến anh thực sự mỏi mệt.
Mai có nên bay vào không hay ở lại chờ gặp cho đủ những người quan trọng? Anh hỏi thế, ai cũng băn khoăn không biết trả lời sao.
Video đang HOT
Bây giờ thì doanh nghiệp của anh đã không còn hoạt động nổi. Dự án ngoài Thủ đô không thành, trong khi dự án dở dang ở TP.HCM với con số đầu tư nhiều nghìn tỷ đã bị ngân hàng “quản thúc”. Nghe kể, anh giờ như tỉnh như mê, không biết tết này còn ý định ra thủ đô chúc tết để mong cứu vãn tình hình?
Chuyện đi lễ tết lãnh đạo, quan chức vốn không có gì mới mẻ. Cứ đến hẹn lại lên, người ta có mình cũng phải có, không xin xỏ gì thì ít nhất là cho phải đạo. Lâu dần, cái trào lưu “phải đạo” kèm theo những món quà “phải đạo” đã biến cái nét đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt trở thành một thứ tệ nạn, thành một trò biến tướng đến khó tin. Nhiều người lợi dụng dịp tết nhất để có cớ đến nhà “lãnh đạo”, có cớ bày tỏ tình cảm mà tránh những dòm ngó thị phi.
Đã từng có vụ án tham nhũng bị phanh phui, trong đó bên đưa hối lộ là đối tác Nhật – một đất nước vốn trọng danh dự, không có tệ quà cáp, phong bì, biếu xén. Nhưng “nhập gia tùy tục”, đối tác Nhật cũng thức thời, nên chọn dịp lễ tết để biếu quà “lại quả” quan chức Việt cho hợp tình hợp lý. Nhắc chuyện đó để thấy rằng, sự biến tướng của tục biếu tết ở xứ ta đã gần như thành “đặc sản”, báo động đến mức khó tin.
Thực tế không phải lần đầu tiên mệnh lệnh “không chúc Tết” lãnh đạo được đưa ra. Trước đó, liên tiếp nhiều năm các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM… đều có những chỉ thị cụ thể về việc này. Thậm chí có cơ quan chống tham nhũng còn đặt hẳn đường dây nóng để “quần chúng” có thể gọi điện tố giác nếu phát hiện người đi biếu Tết lãnh đạo. Nghe thì thật nghiêm cẩn, nhưng sự thực thống kê năm nào cũng cho thấy “không phát hiện trường hợp biếu tết lãnh đạo”.
Không có gì khó hiểu với kết quả được cho là “ làm đẹp” kiểu báo cáo thành tích này. Đương nhiên chả ai dại gì đi tố giác những chuyện giời ơi, nhất là khi họ hoàn toàn không có bằng chứng về việc sẽ có “hối lộ”, có “mục đích xấu xa” trong những nghĩa cử vốn được coi là nét đẹp văn hóa.
Thế nên, mới đây, khi người đứng đầu Chính phủ liên tiếp 3 lần đưa ra thông điệp “lãnh đạo địa phương không phải về thủ đô chúc Tết”, không ít người đã tỏ ra lo lắng chuyện thực thi nghiêm cẩn chỉ đạo này của Thủ tướng.
Đó là thông điệp cần thiết, là sự quyết liệt đến tận cùng của Thủ tướng. Có lẽ hơn ai hết, người đứng đầu cơ quan hành pháp hiểu rằng, không thể ra một lệnh “cấm” kiểu thủ tục hành chính với một phong tục vốn là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời. Không phải lên chúc tết lãnh đạo – đó vừa là sự nhắc nhở, vừa là sự sẻ chia trước những áp lực lễ tết vốn tồn tại nhiều năm nay trong một cơ chế hành chính kiểu “xin – cho” vốn đã quá nặng nề.
Một số nhà lập pháp khi được hỏi đều cho rằng, “trong một tháng có tới 3 lần nhấn mạnh yêu cầu “không chúc tết” rõ ràng thể hiện quyết tâm đến tận cùng của Thủ tướng”. Nhưng nếu chỉ trông đợi vào lời nói, trông vào thông điệp này của Thủ tướng, sẽ khó đạt hiệu quả cao. Bởi thực tế, trong sự vận hành của kinh tế thị trường, sự biến tướng của quà tết, sự “linh hoạt” của những người đi biếu quà đã đến mức khó tin… thì không thể chỉ dựa vào mỗi sự quyết tâm của mình Thủ tướng.
Cái gốc của mọi sự vẫn ở con người. Trong một nền hành chính công, đạo đức công chức là điều phải được hiện thực hóa bằng những quy tắc, chuẩn mực cụ thể. Ở đó đi kèm với những quy tắc là những chế tài xử lý nghiêm mình những hành vi sai phạm.
Vậy nên, để hiện thực hóa quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, để “Tết về không còn lo ngay ngáy” thì bên cạnh việc thay đổi nhận thức, quan niệm của từng cá nhân, cán bộ, đảng viên, sự hưởng ứng của cả xã hội,… vẫn cần thiết phải có những chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm những người cố tình “chống lệnh” Thủ tướng.
Theo Danviet