Xử lý các dự án yếu kém: Đã có những kết quả tích cực
Chia sẻ tại Tọa đàm “ Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo”, ngày 5/4, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng trong quá trình xử lý các dự án yếu kém, đã có những kết quả tích cực.
Chính phủ và các bộ ngành đã xử lý tích cực và đã có kết quả
Các ý kiến tại Tọa đàm “Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp tổ chức đều cho rằng kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận.
Tiêu biểu là nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau 11 năm “đóng băng” đã vận hành tổ máy số 1 ngày 23/3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30/4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào ngày 16/6 tới đây.
Cùng với đó, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468), ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Đây là kết quả khởi sắc có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đánh giá về kết quả này, ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Bước sang năm 2022, mặc dù khối lượng việc đầu nhiệm kỳ mới là nhiều, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực rất cao trong xử lý các dự án yếu kém trên.
“Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực rất cao. Và rõ ràng là với nỗ lực làm việc như vậy, phải có kết quả. Có những dự án gọi là hồi sinh, tạo ra sản phẩm về mặt kinh tế. Cá nhân tôi đánh giá cao 2 điểm, đó là xử lý tích cực và xử lý có kết quả”, ông Hiếu nói.
Ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Tọa đàm.
Video đang HOT
Với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Hiếu bày tỏ tin tưởng cử tri Thái Bình rất hoan nghênh việc đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Sự hồi sinh của nhà máy này cho thấy logic giữa sự chỉ đạo rất quyết liệt cộng với việc hồi sinh các dự án khác.
Kinh nghiệm đặt ra từ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là không có phương án chung tuyệt đối tốt, chỉ có phương án tối ưu. Có những dự án giải quyết được càng sớm thì thiệt hại của Nhà nước càng giảm. Ngược lại, có những dự án cần đưa vào vận hành, ví dụ nhà máy nhiệt điện và bài toán ở đây chúng ta phải tính về yêu cầu năng lượng hiện nay trong bối cảnh quốc gia, thì dự án lại là cần sớm đưa vào hoạt động.
Phải nói ngược để tính phương án phá sản, thu hồi tài sản
Tuy nhiên, cũng theo ông Hiếu, trong quá trình xử lý các dự án yếu kém, đã có những dự án hồi sinh nhưng có dự án nếu chậm xử lý sẽ dẫn đến mất vốn của Nhà nước.
“Đôi khi phải nói ngược, cũng có những dự án có thể không có thị trường, không có khả năng, chúng ta phải tính đến những phương án như phá sản, thu hồi tài sản… Với tư duy của một nhà đầu tư tôi thấy cách tiếp cận này rất hợp lý. Nghe các trao đổi thì tôi thấy chúng ta đã thống nhất một vài phương án đang đi đúng hướng. Chúng ta đều nói về từng dự án, như vậy chúng ta đang cá thể hoá từng dự án, đánh giá kỹ từng dự án. Từ đó chúng ta phải có phương án tối ưu cho từng dự án. Theo tôi đây cũng là điểm rất tốt”, ông Hiếu nói.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đốt lửa lần đầu tổ máy số 1.
Qua việc nghe các trao đổi của doanh nghiệp hôm nay, ông Hiếu cho rằng cách cách tiếp cận tối ưu hoá lợi ích theo cả chiều xuôi và chiều ngược, tính đến từng lợi ích cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bên có liên quan chủ động khi xử lý các dự án yếu kém theo nguyên tắc “thị trường”, là phù hợp.
Chúng ta không thể phá vỡ được các nguyên tắc chung của pháp luật, như của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Khi xử lý các dự án thì tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả.
Thậm chí tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, phục hồi đúng sản phẩm ban đầu nếu không có thị trường. Tính đến cả dài hạn. Ngay cả sau khi khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì chúng ta có thể tạo điều kiện thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án.
Ông Hiếu khuyến nghị cần có sự quyết liệt đến từng dự án, phải chọn phương án xử lý cho các tranh chấp hợp đồng (EPC) nhanh chóng nếu không có lựa chọn khác.
“Chúng ta buộc phải đưa ra để dứt điểm. Cùng với đó, về tư duy, phải hiểu lợi ích tốt nhất có tính thời điểm. Không thể nói 3 năm sau thì thế nào. Phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan. Giai đoạn trước 1 người làm, giai đoạn này lại người khác phải chịu trách nhiệm cả quá trình. Việc này phải bảo đảm về mặt pháp luật”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên họp khẩn về các vấn đề 'nóng' của ngành Công Thương
Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì các cuộc họp quan trọng về các vấn đề "nóng" của ngành về bảo đảm nguồn cung ứng than cho sản xuất điện và xử lý một số vấn đề liên quan đến điện mặt trời áp mái.
Bảo đảm nguồn cung ứng than cho sản xuất điện
Chiều ngày 1/4, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie về kế hoạch nhập khẩu than giúp Việt Nam giữ vững an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ trưởng đã đề nghị phía Australia cân đối sản lượng than trong nước để cung cấp cho phía Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nay nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới đang tăng nhanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Nhu cầu tăng nhanh, đứt gãy chuỗi vận tải xảy ra cục bộ ở nhiều nơi đã gây ra nhiều khó khăn đối với hoạt động cung ứng than cho sản xuất điện ở nhiều nước trên thế giới.
Đánh giá cao năng lực khai thác và xuất khẩu than đá của Australia (lên tới hơn 200 triệu tấn than/năm với giá trị xuất khẩu khoảng gần 40 tỷ USD/năm), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ Úc hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp của Australia với các Tổng Công ty nhà nước của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để cung ứng mỗi năm khoảng 5 triệu tấn than cho sản xuất điện ở Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị Đại sứ hỗ trợ thúc đẩy để tổ chức ngay cuộc họp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên để sớm thống nhất các hợp đồng mua bán than, đưa các chuyến hàng than đá từ Australia về Việt Nam ngay trong tháng 4 này.
Bên cạnh việc cung cấp khối lượng than ổn định, chất lượng tốt, Bộ trưởng cũng lưu ý và đề nghị phía Australia xem xét, cung ứng than cho Việt Nam với giá hợp lý để có giá thành sản xuất điện ở mức phù hợp, đảm bảo mục tiêu đủ điện cho sản xuất và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam.
Đại sứ Robyn Mudie khẳng định phía Autralia có đủ năng lực sản xuất, khai thác, chế biến, công nghệ, cơ sở hạ tầng để cung cấp than cho Việt Nam. Đại sứ cho biết sẽ ngay lập tức chuyển yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về nước và tổ chức ngay cuộc họp giữa cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cung cấp, nhập khẩu than của hai nước như phía Việt Nam đề nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các Tập đoàn lớn về cung ứng than cho sản xuất điện.
Trước đó, trong buổi sáng ngày 1/4, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp khẩn với 3 tập đoàn lớn, gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị chức năng liên quan để thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2022 và cung ứng đủ than cho sản xuất điện.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do tình hình cung cấp than cho sản xuất điện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc chưa đủ theo Hợp đồng mua bán than đã ký, nên dự báo có thể thiếu hụt khoảng 3.000 MW nhiệt điện than trong năm 2022.
Tại buổi làm việc, đại diện các Tập đoàn đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc có thể huy động bổ sung khoảng 3.700 MW để bù đắp vào sản lượng nhiệt điện than thiếu hụt. Trong đó nguồn năng lượng tái tạo khoảng 1.000 MW, nguồn thủy điện khoảng 300 MW, nguồn điện khí khoảng 1.200 MW, nguồn nhiệt điện than khoảng 1.200 MW. Như vậy, có thể khẳng định năm 2022 không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo Kế hoạch huy động và vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các tập đoàn thực hiện ngay các giải pháp nhằm huy động bổ sung sản lượng phát điện từ các nguồn bổ sung. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước; tăng cường ký kết các hợp đồng mua bán than, khí với các đối tác truyền thống và các đối tác mới. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để bảo đảm huy động tối đa các nguồn điện. Đặc biệt, giải quyết ngay những vướng mắc trong hợp đồng mua bán nhiên liệu sơ cấp, mua bán điện giữa các bên.
Về dài hạn, Bộ trưởng yêu cầu các Tập đoàn phối hợp chặt chẽ để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giá điện, giá nhiên liệu sơ cấp, vướng mắc trong thanh quyết toán liên quan đến sản xuất điện.
Thành lập ba đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời
Cũng trong chiều ngày 1/4,Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ pháp chế, Thanh tra Bộ về các vấn đề liên quan đến điện mặt trời áp mái.
Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương dự kiến tổ chức các đoàn kiểm tra chia thành 2 đợt. Đợt một được thực hiện ngay tại thời điểm ngày 5/3/2021 và tiến hành kiểm tra đối với 10 tỉnh, thành phố có tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn. Đợt kiểm tra thứ 2 dự kiến sẽ thực hiện vào thời điểm tháng 5 và tháng 6/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp nên kế hoạch kiểm tra đợt 2 đã tạm dừng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, việc tạm dừng kiểm tra là lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, hiện tại, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, việc đi lại giữa các địa phương được nới lỏng, công tác kiểm tra, giám sát đợt 2 đã có thể thực hiện được. "Đây là vấn đề quan trọng cần được tập trung xử lý, không thể chậm trễ, kéo dài", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Sau cuộc họp chiều 1/4, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra để tiếp tục thực hiện công việc rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, với thành phần đoàn tham gia gồm Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực, Thanh tra Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế, Sở Công Thương địa phương và Điện lực các địa phương. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 10/4/2022.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác của pháp luật khẩn trương rà soát về phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà theo đúng thẩm quyền. Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, báo cáo của các tỉnh, thành, địa phương, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả tích cực và những tồn tại trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Xu hướng phát triển hiện nay mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, ngành, địa phương vì tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực...