Xử lý 5.000 vụ vi phạm hàng giả, gian lận thương mại
Ngày 25.5 báo cáo tại Hội thảo chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của doanh nghiệp, Cục Quản lý thị trường cho biết, hàng năm có khoảng 5.000 vụ vi phạm, xử lý hành chính hàng trăm tỉ đồng.
Riêng Quý I/2016, 1.269 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bị phát hiện và xử lý.
Ông Trịnh Văn Ngọc-Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan.
Ông Nguyễn Hữu Quý – Tổng Biên tập Báo Công thương cũng cho biết, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội. Vấn nạn này tác động tiêu cực đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư. Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, mang cả yếu tố nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện lực lượng chức năng mới tiếp cận được các đối tượng đi làm thuê, chưa có nhiều vụ điều tra, phát hiện những đối tượng cầm đầu. Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo 389 quốc gia luôn yêu cầu tập trung “đánh” vào tận ổ, nhóm của các đầu nậu để giải quyết triệt để vấn đề. Chính vì vậy, rất cần sự phối hợp từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự giúp sức của các cơ quan thông tấn, báo chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, chống lại vấn nạn nhức nhối này.
Video đang HOT
Năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 68 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 536 tỷ đồng. Riêng Quý I/2016, 1.269 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bị phát hiện và xử lý.
Theo Danviet
Thâm nhập điểm nóng hàng giả, hàng nhái Thổ Tang
Khi phóng viên Báo tiếp cận một số đại lý bán buôn tại thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), các chủ đại lý chẳng mảy may mời chào, ánh mắt lạnh lùng trước khách lạ.
Nhìn mắt thường khó phân biệt được nhãn mác của các sản phẩm giả (phía trên) với các thương hiệu nổi tiếng (phía dưới). Ảnh: Quang Tấn.
Bởi ở đây, các chủ đại lý chủ yếu bán hàng cho các mối thân quen. Nhưng điều quan trọng, đây chính là một "cứ điểm" sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Khách lạ khó mua hàng
Thị trấn Thổ Tang từ lâu được các tiểu thương, người dân và cả cơ quan chức năng xem là "điểm nóng" của hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý một số vụ việc sai phạm nhưng tình trạng kinh doanh vẫn công khai diễn ra công khai.
Tìm đến "điểm nóng" này những ngày đầu tháng 4-2016, ngay từ đầu đường dẫn từ tỉnh lộ 304 dẫn vào thị trấn, cảnh ùn tắc giao thông đã diễn ra do các xe tải liên tục ra vào "ăn hàng". Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây xe tải vận chuyển hàng hóa mang biển số Vĩnh Phúc thì ít, mà xe mang biển số các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang thì nhiều. Là người thường xuyên nhập bánh kẹo, nước uống và một số đồ gia dùng tại Thổ Tang, chị Phương cho biết: "Thổ Tang là địa điểm quen thuộc từ lâu giới kinh doanh thực phẩm, đồ gia dụng. Không chỉ do khâu lưu thông, đi lại thuận lợi mà còn vì hàng hóa ở đây rẻ, nguồn hàng dồi dào, được nhiều người dân ở vùng nông thôn, có thu nhập thấp ưa chuộng".
Quả thực, hàng hóa ở Thổ Tang rất phong phú, hơn hẳn so với La Phù (chuyên bánh kẹo, nước uống), Ninh Hiệp (vải vóc, quần áo), mỗi mặt hàng được phân chia thành từng khu riêng biệt. Cụ thể, khu vực chợ Giang chủ yếu bán hàng nông sản, trung tâm thị trấn Thổ Tang bán bánh kẹo, nước uống, thiết bị máy móc; xa hơn một chút tại khu vực ngã tư phố Tân Thịnh thì bán các loại bao bì, vật liệu xây dựng. Hàng hóa được bày bán cũng theo một cách riêng. Ở thị trấn Thổ Tang tập trung nhiều đại lý nên chủ yếu bán buôn, ít khi bán lẻ, nhiều nhất là các đại lý về bánh kẹo, đồ uống.
Điểm "lạ" mà cũng dễ hiểu ở đây là với các đại lý bán buôn thì khách lạ sẽ ít được chào đón, thường là các chủ cửa hàng lạnh lùng giao tiếp, khác hẳn quan niệm "khách hàng là thượng đế". Bởi, các đại lý ở đây chủ yếu bán cho các mối quen. Tiếp cận một đại lý kinh doanh nước uống gần phố Tân Thịnh (không có biển hiệu), phóng viên choáng ngợp bởi mê cung đủ loại nước uống được chất cao lên tận nóc nhà, xếp thành từng hàng chật kín đường đi. Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý muốn mua 10 thùng hàng về sử dụng, chủ kho hàng nhăn mặt nói: "Mua ít thế ở đây không ai bán". Nhưng sau khi trao đổi là muốn mua để so sánh với hàng tại La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), chủ cơ sở tươi cười nhiệt tình đáp lời: "Mua để bán ở nông thôn à? Ở đây mặt hàng gì cũng có, chất lượng, giá cả chắc chắn không kém ở La Phù". Chỉ về phía dãy hàng nước tăng lực Redbull hỏi mua hàng, phóng viên hỏi mua hàng "loại 2" (cách tiểu thương hay nói để ám chỉ hàng nhái), chủ cửa hàng cho biết: "Hàng loại 2 thì phải đợi, chúng tôi không sẵn hàng, muốn mua thì để lại số điện thoại, tiền đặt cọc và địa chỉ, cửa hàng sẽ cho xe đưa đến tận nơi". Khi hỏi về giá 1 thùng loại 24 chai, chủ cửa hàng cho biết giá phải tùy theo số lượng mua, yên tâm là chỉ bằng 2/3 hàng chính hãng. Người này cho biết, Redbull (nhái) giá 100.000 đồng/thùng (giá hàng chính hãng ngoài thị trường là hơn 200.000 đồng). Khi phóng viên thắc mắc giá vẫn cao hơn ở La Phù, chủ cơ sở này cho biết: "Bình thường người ta đánh cả xe tải về nhập hàng nó khác. Mua 10 thùng về bán thử nó phải khác".
Đến cửa hàng H.T (gần chợ Thổ Tang), giới thiệu có xe tải vận chuyển và muốn mua hàng "loại 2" để bán tại Bắc Quang (Hà Giang), đang đi tìm nguồn hàng để so sánh tại La Phù, chủ cửa hàng tỏ khá cởi mở và cho biết cửa hàng có hàng giá rẻ (thực chất là hàng giả, hàng nhái) nhưng nếu muốn lấy thì phải báo trước số lượng, hàng chỉ khác đôi chút về nhãn mác, chất lượng đảm bảo, nếu bán được lợi nhuận sẽ rất cao. Ví dụ sản phẩm Trà xanh 0 độ có giá 80.000 đồng/thùng 24 chai (giá hàng thật trên thị trường khoảng 180.000 đồng/thùng), Bò húc 90.000 đồng/thùng 24 chai (giá hàng thật trên thị trường khoảng 200.000 đồng/thùng).
Ngoài ra các cơ sở kinh doanh ở đây còn bày bán những sản phẩm có tên gần giống hàng thật, còn hình thức và màu sắc gần như hàng thật, mà chỉ người sành loại hàng đó mới có thể nhận biết. Ví dụ, về tên bánh Custard giống loại bánh Custas của thương hiệu Orion của Hàn Quốc hay ChicoPai giống tên bánh Chocopie... Đây là cách được nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng để đánh lừa người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, thu nhập thấp.
Loay hoay xử lý
Đánh giá về thực trạng tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trên địa bàn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trên lĩnh vực sản xuất, tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép còn khá phổ biến ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chế biến thủ công. Việc chưa thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nước giải khát, đồ uống đóng chai vẫn tiếp diễn. Đồng thời, trên khâu lưu thông, tình trạng buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, quá hạn sử dụng: Mì chính, nước mắm, bánh kẹo, nước uống... vẫn diễn ra tập trung ở vùng nông thôn nơi người dân có thu nhập thấp.
Chia sẻ về việc khó khăn, vướng mắc trong kiểm soát thực phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc cho rằng: "Nhận thức của người dân kinh doanh về an toàn thực phẩm đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế; bên cạnh đó trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao nên vi phạm vẫn diễn ra, khó xử lý. Mặc khác, tổ chức, bộ máy của lực lượng thực thi nhiệm vụ (thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường) còn bất cập, lực lượng thiếu, phân tán; năng lực và trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Việc xử lý vi phạm đôi khi thiếu kiên quyết, tính răn đe không cao. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng thiếu chặt chẽ, đồng bộ, đôi khi còn chồng chéo...".
Theo Báo Hải Quan
Hà Nội xử lý gần 1.300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả. Thống kê của Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 2 này, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã phát hiện, xử lý gần 1.300 vụ buôn lậu,...