Xử lại vụ công an xã đánh chết học sinh
VKS, TAND tỉnh Khánh Hòa đều cho rằng phó công an xã có dấu hiệu phạm tội còn VKSND huyện Vạn Ninh khẳng định không xử lý người này.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), ngày 21/3, tòa này mở phiên tòa sơ thẩm xử lại vụ án bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích xảy ra tại Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh.
Phiên tòa do Thẩm phán Đỗ Công Đa, Chánh án TAND huyện Vạn Ninh, làm chủ tọa. Đại diện VKSND huyện giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Ngô Văn Phước, Viện phó VKSND huyện Vạn Ninh. Có sáu luật sư bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho đại diện hợp pháp của người bị hại.
Lần đầu tiên, tòa triệu tập giám định viên, giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa tham gia tố tụng tại phiên tòa này. Tòa cũng triệu tập 20 người làm chứng, trong đó có ông Huỳnh Trung Thắng, Phó Công an xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh – người bị VKSND, TAND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng có dấu hiệu phạm tội bắt người trái pháp luật. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong ba ngày.
Ba bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm tháng 3-2015
Vô cớ bắt, đánh chết học sinh
Cáo trạng ban hành ngày 18-8-2015 của VKSND huyện Vạn Ninh truy tố hai cựu công an viên xã Vạn Long là Lê Minh Phát (26 tuổi), Lê Ngọc Tâm (33 tuổi) cùng tội bắt người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS, có khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Ngoài ra, cùng với Lê Tấn Khỏe (sinh ngày 10-4-1999, ngụ xã Vạn Long), Lê Minh Phát còn bị truy tố tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS, có mức án từ năm năm đến 15 năm tù.
Video đang HOT
Cáo trạng trên cũng xác định: chiều 29-12-1013, Lê Tấn Khỏe dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng người em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh). Sau đó, hai nhóm thiếu niên đã giải hòa.
Cùng lúc này, Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm báo tin cho ông Lê Văn Dũng (cha Khỏe, cũng là công an viên xã Vạn Long). Khi nhìn thấy em Thạch đang đứng ở quốc lộ 1, Tâm gọi điện thoại cho Phát rồi Phát điện cho Huỳnh Trung Thắng, Phó Công an xã Vạn Phước đến phối hợp truy bắt em Thạch. Em Thạch hoảng sợ bỏ chạy xuống ruộng thì bị Phát đuổi theo, ôm giật ngã xuống ruộng. Em Thạch vùng dậy chạy thì bị Phát cầm mũ bảo hiểm ném theo, trúng vào lưng em Thạch. Sau đó, Thắng chở Phát tiếp tục đi tìm em Thạch.
Phát hiện em Thạch núp trong bụi cây dưới lề đường, Thắng xông vào nắm tay em Thạch dẫn ra, giao cho Phát. Phát dùng còng số 8 còng tay em Thạch ra sau lưng rồi liên tục đánh, đá vào khắp người em Thạch.
Lúc này, Lê Ngọc Tâm đi xe máy đến chở em Thạch và Phát về trụ sở UBND xã Vạn Long. Tại phòng làm việc của công an xã, Phát tiếp tục đánh vào ngực, sườn, đầu em Thạch. Sau khi được gia đình bảo lãnh về nhà, đến sáng 31-12-2013 em Thạch chết khi đang cấp cứu tại bệnh viện. Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa kết luận em Thạch tử vong do chấn thương sọ não.
Chưa đáp ứng yêu cầu của VKS, tòa án phúc thẩm
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11-2014, TAND huyện Vạn Ninh phạt Lê Minh Phát sáu năm tù về tội cố ý gây thương tích, chín tháng tù về tội bắt người trái pháp luật; Lê Ngọc Tâm chín tháng tù cho hưởng án treo về tội bắt người trái pháp luật, Lê Tấn Khỏe ba năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Xét xử phúc thẩm ngày 23-3-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Trong đó, bản án phúc thẩm yêu cầu phải làm rõ Lê Minh Phát có dùng mũ bảo hiểm đánh em Thạch hay không, làm rõ hành vi bắt người trái pháp luật với vai trò đồng phạm của Huỳnh Trung Thắng…
Đại diện VKS cũng cho rằng cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi chưa xem xét tội bắt người trái pháp luật, vai trò đồng phạm đối với Huỳnh Trung Thắng. Tuy nhiên, cả kết luận điều tra lại và cáo trạng mới đều cho rằng Huỳnh Trung Thắng tham gia bắt em Thạch theo quy chế phối hợp giữa công an ba xã, Thắng chỉ giao đối tượng để xử lý theo thẩm quyền nên không xử lý Thắng về hành vi bắt người trái pháp luật.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ VKSND huyện Vạn Ninh, TAND huyện này đã thỉnh thị ý kiến TAND tỉnh trước khi đưa ra xét xử lại sơ thẩm. TAND tỉnh cho rằng kết quả điều tra lại chưa đáp ứng các yêu cầu của tòa phúc thẩm khi hủy án sơ thẩm trước đây. Do đó, tháng 11-2015, TAND huyện trả hồ sơ vụ án cho VKS, yêu cầu điều tra bổ sung, trong đó yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ thêm vụ án để không bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, cả công an huyện, VKSND huyện đều giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã ban hành./.
Theo Tấn Lộc
Theo_VOV
Vụ án công an xã đánh chết nam sinh ở Khánh Hòa: Tòa xử đúng hay sai?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách phân tích về vụ án này trong chương trình "Lăng kính pháp luật" phát sóng trên Hệ VOV2 của Đài TNVN.
Là những người thực thi công vụ nhưng những công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa lại có những hành động trái pháp luật dẫn tới cái chết của em Tu Ngọc Thạch 15 tuổi. Những hành vi này cấu thành tội cố ý gây thương tích hay giết người?
Phóng viên VOV đã trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự trong chương trình "Lăng kính pháp luật" phát sóng trên Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo VOV2 của Đài TNVN.
Trước hết, chúng tôi tóm lược nội dung vụ việc xảy ra tại UBND xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa:
Theo cáo trạng, do có mâu thuẫn từ trước, chiều ngày 29/12/2013, thấy Tu Ngọc Thạch, 15 tuổi được bạn chở bằng xe đạp đi trên đường liên xã trước mặt UBND xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Lê Tấn Khỏe dùng vỏ chai nước khoáng thủy tinh đuổi theo, ném trúng đầu làm Thạch té nhào xuống đường.
Bị cáo Tâm, Phát, Khỏe tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23/3/2015 (Ảnh: Thái Bình)
Vài giờ sau đó, nhóm của Thạch đi tìm nhóm của Khỏe để giảng hòa. Tuy nhiên, nghe tin nhóm Thạch đi tìm Khỏe và biết Khỏe là con của ông Lê Văn Dũng, đồng nghiệp cùng làm chung ở công an xã Vạn Long, công an viên Lê Ngọc Tâm bảo Lê Minh Phát chạy báo cho ông Dũng biết, đồng thời phân công Phát phối hợp với Công an xã Vạn Phước truy bắt Thạch.
Khi phát hiện Thạch đứng bên vệ đường, Lê Minh Phát đã rượt đuổi em, dùng tay chân đánh, đấm, đạp nhiều cái vào người Thạch. Sau đó, Phát dùng còng số tám còng chéo tay Thạch ra sau lưng, vừa lôi từ dưới vệ đường lên mặt đường, Phát vừa đánh Thạch.
Tiếp đó, Tâm dùng xe máy chở Phát "kẹp" Thạch ở giữa đưa về Công an xã Vạn Long. Tại đây, Phát tiếp tục đánh Thạch. Tối cùng ngày, Công an xã Vạn Long gọi điện, yêu cầu người nhà của Thạch đến trụ sở công an, viết giấy bảo lãnh và cho đưa Thạch về.
Người nhà nạn nhân ngất xỉu tại tòa (Ảnh: Thái Bình)
Thạch kể với anh em trong gia đình rằng bị Phát đánh nhiều, dùng cả mũ bảo hiểm để đánh lên đầu, thân. Rạng sáng 30/12/2013, Thạch ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu, ngày hôm sau em Thạch tử vong. Giám định pháp y kết luận Thạch chết do "chấn thương sọ não".
TAND huyện Vạn Ninh mở phiên sơ thẩm tháng 11/2014, tuyên phạt bị cáo Lê Minh Phát 6 năm 9 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích và tội bắt người trái pháp luật, bị cáo Lê Ngọc Tâm 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội bắt người trái pháp luật, bị cáo Lê Tấn Khỏe 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích./.
PV
Theo_VOV
Vụ công an xã đánh chết học sinh: đề nghị hủy án Đại diện VKSND tỉnh đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 12/11/2014 của TAND huyện Vạn Ninh để điều tra, xét xử lại từ đầu. Tin tức trên báo Pháp luật TP.HCM, chiều ngày 23/3, trong phần trình bày quan điểm xét xử vụ án bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích xảy ra tại...