Xu hướng thời trang thuần chay tương lai của thời trang bền vững?
Cùng với thời trang bền vững, xu hướng thời trang thuần chay đang dần khẳng định vị thế của mình trong bức tranh tương lai của làng mốt thế giới
Nếu gõ cụm từ “ thời trang thuần chay” (vegan fashion) trên thanh tìm kiếm Google, bạn sẽ ngạc nhiên vì những con số ấn tượng trên màn hình. Không chỉ đơn thuần là một xu hướng thời trang, thời trang thuần chay đang trở thành một phong cách sống thân thiện với môi trường mà hàng triệu người trẻ đang theo đuổi.
(Ảnh: Gucci)
Thời trang thuần chay (vegan fashion) là xu hướng khai thác các chất liệu thiết kế “nói không với động vật”, thân thiện với môi trường, cân bằng giữa tư duy kinh doanh với các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội. Thay vì ứng dụng các chất liệu có nguồn gốc từ động vật như lông, da, lông vũ… thời trang thuần chay tạo ra các thiết kế từ những nguyên liệu thay thế nhân đạo hơn.
Thời trang thuần chay hướng đến việc truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức cho những người yêu thời trang về sự tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đối với tự nhiên nói chung và các loài động vật nói riêng.
(Ảnh: Net-a-Porter)
(Ảnh: Stella McCartney)
Bắt nguồn từ chiến dịch Veganuary (thử thách người tham gia duy trì chế độ ăn chay trong 1 tháng), xu hướng thuần chay dần len lỏi trong từng nhịp thở của dòng chảy thời trang đương đại và bùng nổ mạnh mẽ kể từ năm 2015.
Ngày càng nhiều thương hiệu tập trung vào phân khúc thị trường đầy triển vọng này, từ các nhà mốt tên tuổi như Stella McCartney, Vivienne Westwood, Gucci cho đến dòng thời trang nhanh và các nhãn hiệu tầm trung như Kuma Design, Labante London, Shrimps.
Vivienne Westwood, Gucci, Stella McCartney… là những thương hiệu lớn tiên phong trong việc khai thác xu hướng thời trang thuần chay. (Ảnh: lovepunkfashion)
(Ảnh: Gucci)
(Ảnh: Shrimps)
Mỗi thương hiệu có cách thức riêng để tiếp cận xu hướng thời trang thuần chay. Là một trong những gương mặt tiên phong trong xu hướng này, Stella McCartney đã gầy dựng “đế chế” thời trang bền vững khi ứng dụng công nghệ trong việc tạo ra các chất liệu lông thú nhân tạo, da giả, tơ sợi, len, cashmere…Bên cạnh đó, Stella McCartney cũng sử dụng rác thải để tái tạo nên các thiết kế cao cấp.
(Ảnh: Irishtimes)
Sợi cashmere được nhà mốt Stella McCartney tái tạo từ cashmere đã qua sử dụng tại Ý. (Ảnh: Stella McCartney)
Trong khi nhiều “ông lớn” như Gucci, Michael Kors, Ralph Lauren, Burberry… chọn sử dụng lông thú nhân tạo trong các bộ sưu tập thì các thương hiệu nhỏ hơn như Labante London, Kuma Design thiết kế dòng túi xách, phụ kiện dành cho tóc từ rác thải nhựa tái chế. Gần đây nhất, nữ ca sĩ Miley Cyrus “bắt tay” thương hiệu Converse cho ra mắt BST gồm 25 thiết kế quần áo và giày thể thao từ chất liệu thuộc da giả.
(Ảnh: Independent)
(Ảnh: Converse)
Video đang HOT
Với sự lan tỏa mạnh mẽ của các giá trị đạo đức và bền vững trong ngành thời trang, nhiều ngôi sao nổi tiếng đã chọn thời trang thuần chay như một hình thức khuyến khích thay đổi tư duy của làng mốt. Emma Watson, Miley Cyrus, Rooney Mara và Serena Williams là những tên tuổi đi đầu trong việc đưa thời trang thuần chay cũng như thời trang bền vững đến gần hơn với công chúng.
Paris Jackson và Miley Cyrus diện thiết kế đầm “thuần chay” từ thương hiệu Stella McCartney tại Met Gala 2018. (Ảnh: Yahoo)
Sự ra đời của Tuần lễ thời trang thuần chay đầu tiên trên thế giới được ví như sự đáp đền xứng đáng cho những nỗ lực của nhiều thương hiệu thời trang, loạt ngôi sao cũng như các nhà hoạt động vì động vật. Được tổ chức vào tháng 2 tại Los Angeles, tuần lễ thời trang thuần chay được kì vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên của làng mốt quốc tế trong tương lai.
Với những tín hiệu đáng mừng trong thời gian vừa qua, thời trang thuần chay đang dần chinh phục các tín đồ sành mốt trên khắp thế giới. Không chỉ là một xu hướng thời trang, thời trang thuần chay đang trở thành phong cách sống mới, hướng về thiên nhiên và lối sống bền vững trong tương lai.
Theo elle.vn
"Bách khoa toàn thư" dành cho tín đồ thời trang bền vững
Tất tần tật những kiến thức cần biết cho các tín đồ thời trang để xây dựng một tủ đồ "xanh" theo xu hướng thời trang bền vững trong thời đại mới.
Các doanh nghiệp trong ngành thời trang đang có những động thái tích cực để xây dựng nên một cộng đồng thời trang bền vững trong thời đại mới. Bên cạnh những cố gắng từ các thương hiệu, sự hỗ trợ từ các cá nhân, cụ thể là các tín đồ thời trang là một nhân tố không thể thiếu. Hãy cùng tìm hiểu cách để có thể xây dựng một tủ đồ "xanh" và phong cách thời trang bền vững cho bản thân.
Thời trang bền vững, phong cách "xanh" đang trở thành một xu hướng được quan tâm nhất. (Ảnh: allofeco)
CÁC CHẤT LIỆU THỜI TRANG THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Bước đầu tiên trong việc xây dựng một tủ đồ theo xu hướng thời trang bền vững chính là nhận biết được những vật liệu thân thiện với môi trường. Danh sách sau đây sẽ giúp phái đẹp lựa chọn những bộ trang phục có vật liệu may mặc phù hợp.
Ngày càng nhiều những chất liệu "xanh" được nghiên cứu hướng đến mục tiêu xây dựng ngành thời trang bền vững, thân thiện với môi trường hơn. (Ảnh: libre2fashion)
Eco-Drape
Đây là loại vải viscose đạt tiêu chuẩn OeKO-Tex 100, tức loại vải được chứng nhận chứa ít chất độc hại gây ảnh hưởng đến cơ thể người, sử dụng ít nước hơn trong sản xuất và được làm từ bột gỗ có nguồn gốc từ cây rừng tái sinh.
ECONYL
Vải ECONYL được tái chế 100% từ lưới đánh cá và nylon phế thải khác. Đây là loại vải được phát triển bởi công ty Ý Aquafil, dựa trên thành tựu mới nhất trong công nghệ cải tiến sợi bền vững.
Chất liệu tái chế ECONYL đã làm nên BST thời trang bền vững tuyệt mỹ cho thương hiệu H&M trong năm nay. (Ảnh: H&M)
Nike Flyleather
Đây là loại sợi da tự nhiên tái chế, sử dụng lượng nước ít hơn 90% và có carbon thấp hơn 80% so với da được sản xuất theo kiểu truyền thống.
Ông Hannah Jones, giám đốc phát triển bền vững của Nike, chia sẻ: "Thay đổi thực sự xảy ra khi chúng tôi có thể bán cho khách hàng của mình các sản phẩm sản xuất dựa trên "quan điểm" của hành tinh. 75% quần áo của chúng tôi hiện nay có chứa vật liệu tái chế".
Nike cho ra đời dòng sản phẩm mới được sản xuất từ chất liệu mới thân thiện với môi trường với cam kết xây dựng thương hiệu thời trang bền vững. (Ảnh: Nike)
Microsilk
Một loại tơ được trồng trong phòng thí nghiệm từ Bolt Threads, chúng được làm từ protein ủ với nấm men biến đổi gen.
CEO của Bolt Threads, ông Dan Widmaier cho biết: "Chúng tôi chủ yếu làm tơ nhện, nhưng không có những con nhện thật". Được biết, hãng này vẫn tiếp tục phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường và đột phá mới nhất của Bolt là Mylo, một loại da thuần chay làm từ nấm.
Orange Fiber
Một loại vải giống tơ tằm được làm bằng cách tái sử dụng vỏ cam và hạt giống, lượng rác thải chiếm khoảng 700.000 tấn mỗi năm ở Ý. Vào mùa Xuân năm 2017, thương hiệu Salvatore Ferragamo đã ra mắt BST capsule về khăn và phụ kiện đầu tiên được làm từ chất liệu này.
Bộ sưu tập thời trang đầu tiên được làm từ loại sợi chiết xuất từ quả cam thân thiện với môi trường. (Ảnh: Salvatore Ferragamo)
Recycled Plastic (Nhựa tái chế)
Chất liệu này có nguồn gốc từ các chất thải nhựa và được tái chế thành vật liệu sử dụng được trong thời trang. Tổ chức phi lợi nhuận Parley for the Oceans đã hợp tác với các nhãn hàng như G-StarRaw để chống ô nhiễm bằng cách biến đổi nhựa được tìm thấy trên đường thủy thành đồ thể thao chất lương cao.
Người sáng lập Parley for the Oceans, Cyrill Gutsch chia sẻ: "Ước tính khoảng 8 triệu tấn nhựa đi vào đại dương từ các bờ biển hàng năm, từ các nơi khác chiếm khoảng 4 đến 12 triệu tấn. Chúng ta cần phải hành động để tránh phá hủy môi trường của mình".
Vionnel đã cho ra mắt BST Sustainable Surf gồm 340 mẫu, sử dụng các vật liệu như nhựa tái chế và da sinh thái (nguyên văn: eco-leather). 50% lợi nhuận sẽ được đóng góp cho tổ chức Parley for the Oceans. (Ảnh: Vionnel)
Tencel
Đây là tên của loại sợi bông bán tổng hợp từ công ty Lenzing của Áo. Chúng được làm từ bột giấy của cây bạch đàn trồng tại các trang trại bền vững đã được chứng nhận. Tencel sử dụng nước ít hơn 80% so với cotton và trong quá trình nuôi trồng, các loại chất hóa học như thuốc trừ sâu đều không được sử dụng.
Các thương hiệu như Zara, SDTLD (thương hiệu denim yêu thích của Kendall Jenner và Gigi Hadid) cũng đã sử dụng loại sợi trên cho một số sản phẩm của mình. Thương hiệu Amour Vert không chỉ sử dụng loại vật liệu thân thiện này mà còn cam kết sẽ với mỗi chiếc áo loại này được tiêu thụ, họ sẽ trồng một cây vì môi trường. (Ảnh: Etsy)
Piatex
Đây là loại da giả có nguồn gốc thực vật. Piatex được phát triển bởi công ty Ananas có trụ sở tại Luân Đôn. Chúng được làm từ sợi dứa thu hoạch ở Philippines. Hướng đến xây dựng một ngành thời trang bền vững, các thương hiệu như Modern Meadow, Vegea và MycoWorks cũng đang tạo ra những vật liệu giả da chiết xuất từ nho và sợi nấm.
Những sản phẩm giả da đầy thời trang được làm từ sợi dứa. (Ảnh: Ananas Anam)
Xây dựng thời trang bền vững đơn giản hơn bạn nghĩ
Những điều đơn giản chúng ta có thể làm để góp phần xây dựng một ngành thời trang mới theo xu hướng thời trang bền vững trong thời đại mới.
CÁC CHỨNG NHẬN DỆT MAY LIÊN QUAN ĐẾN THỜI TRANG BỀN VỮNG
Để đảm bảo cho việc sở hữu một món đồ thân thiện với môi trường, các chứng nhận dệt may uy tín là điều không thể thiếu. Hãy đọc kỹ nhãn mác hàng hóa của các sản phẩm thời trang bền vững khi mua hàng để chắc rằng đó là một sản phẩm "xanh".
Bluesign System - Hệ thống quản lý Bluesign
Các sản phẩm nhuộm được chứng nhận bởi Bluesign chỉ sử dụng các hóa chất không độc hại, theo dõi lượng phát thải không khí và nước của họ và đảm bảo rằng mọi mảnh vải nhuộm đều an toàn cho người tiêu dùng, công nhân và môi trường.
Chứng nhận Bluesign đảm bảo các sản phẩm nhuộm không chứa chất độc hại với người tiêu dùng. (Ảnh: rei.com)
Forest Stewardship Council (FSC) - Hội đồng quản lý rừng
Mỗi năm, 150 triệu cây bị đốn hạ để tạo ra các loại vải như viscose, hay còn được gọi là rayon. Chứng nhận biểu thị các sản phẩm có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý nghiêm ngặt, duy trì khả năng tái tạo và đa dạng sinh học của chúng. Thương hiệu 3.1 Phillip Lim đã sử dụng sợi viscose được chứng nhận FSC và sợi phân hủy sinh học (nguyên văn: biodegradable yarn) được chứng nhận bởi OeKO-Tex trong các bộ sưu tập của mình.
Chứng nhận của FSC xuất hiện trên mác các sản phẩm của các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn được hội đồng này đề ra. (Ảnh: FSC UK)
Global Organic Textile Standard (GOTS) - Tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu
Các mặt hàng được dán nhãn "organic" (hữu cơ) của GOTS phải chứa ít nhất 95% sợi hữu cơ được chứng nhận. Các thành phần dệt sau đây cũng bị cấm: kim loại nặng độc hại, formaldehyde, dung môi thơm, GMOs (Genetically Modified Organism - sinh vật biến đổi gen) và enzym của chúng, thuốc nhuộm azo có thể giải phóng các hợp chất gây ung thư.
Chứng nhận của GOTS trên các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. (Ảnh: Cothreads)
Gisele Bndchen đã thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông khi diện một chiếc váy làm từ lụa và bông hữu cơ do GOTS chứng nhận của Versace trên thảm đỏ Met Gala 2018 vừa qua. (Ảnh: People)
OeKO-Tex Standard 100 - Tiêu chuẩn OeKO-Tex 100
Để đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống chứng nhận độc lập OeKO-Tex, các sản phẩm dệt phải trải qua các thử nghiệm về chất độc hại, không chứa chất gây ung thư, thuốc nhuộm azo và các hóa chất khác theo REACH của châu Âu. REACH là viết tắt của Registration (đăng ký), Evaluation (đánh giá), Authorization (cấp phép) và Restriction of Chemicals (hạn chế hóa chất).
Các thương hiệu như Burberry và Christopher Kane đã sử dụng các loại vải đạt chứng nhận OeKO-Tex. (Ảnh: Signal Labels)
THÓI QUEN CỦA MỘT TÍN ĐỒ THỜI TRANG BỀN VỮNG
Sử dụng túi giặt "thông minh"
Những chiếc túi giặt thông minh có thể giúp bảo vệ quần áo có chất liệu sợi tổng hợp trong khi giữ lại các sợi microfibers, nhằm hạn chế việc thải các vi sợi này vào hệ thống thoát nước. Tổ chức phi lợi nhuận STOP! MICRO WASTE của Đức đã phát triển chiếc túi The GuppyFriend Washing Bag với mục đích hạn chế vi sợi phát thải trong quá trình giặt và làm ô nhiễm nguồn nước sông và biển.
Nhiệt độ phù hợp
Chú ý nhiệt độ của máy giặt khi sử dụng vì nhiệt có thể phá vỡ sợi vải của trang phục. Nếu máy giặt có chế độ cài đặt nhiệt độ nước trong quá trình giặt, hãy đặt chúng ở nhiệt độ thấp hoặc sử dụng nước lạnh khi giặt quần áo hàng ngày. Việc sử dụng nước lạnh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và giữ cho trang phục được bền lâu.
Những thói quen trong việc giặt giũ cũng có thể giúp xây dựng thời trang bền vững cho mỗi cá nhân. (Ảnh: Evgeny Atamanenko/Shutterstock)
Hạn chế sử dụng máy móc
Hãy áp dụng phương pháp spot-clean thường xuyên. Spot-clean là phương pháp làm sạch chỉ xử lý vùng quần áo có vết bẩn thay vì giặt cả bộ trang phục. Đồng thời, áp dụng các biện pháp phơi khô quần áo tự nhiên. Việc hong khô quần áo theo cách này thay vì sử dụng các loại máy móc có thể giúp loại bỏ đến hơn 300 ký khí nhà kính mỗi năm.
Áp dụng phương pháp "3R"
Phương pháp "3R" là viết tắt của: Reduce - Reuse - Recycle (Giảm tiêu thụ, tái sử dụng và tái chế). Biện pháp hàng đầu là đầu tư vào những loại sản phẩm có chất lượng và độ bền cao. Đồng thời, có ý thức sửa chữa và sử dụng lại những trang phục có sẵn trong tủ đồ nhằm giảm việc mua thêm các loại mặt hàng mới không cần thiết.
Tái sử dụng và có ý thức trong việc sử dụng quần áo là nền tảng căn bản cho những tín đồ thời trang mong muốn xây dựng một tủ đồ "bền vững". (Ảnh: The CSR Journal)
Một trong những biện pháp đang nổi lên hiện nay chính là tham gia vào các chương trình quyên tặng và trao đổi quần áo do nhiều thương hiệu như The North Face, H&M, Levi's hay Nike tổ chức. Những chương trình này đều hướng đến mục tiêu tái chế những trang phục cũ của người tiêu dùng để giảm tối đa sự lãng phí cũng như chất thải do ngành công nghiệp thời trang đem lại.
Theo elle.vn
Làm sao để những món đồ da ở bên cạnh bạn lâu hơn? Đồ da là một trong những thứ cần được sự quan tâm và chăm chút hơn cả, bởi độ tuổi của nó phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn săn sóc như thế nào. 1. Phân biệt loại da Phân biệt các loại da là điều khá quan trọng giúp bạn có thể áp dụng cách bảo quản đồ da phù hợp với...