Xu hướng chọn áo lót của phụ nữ thay đổi thế nào?
Sau mùa giãn cách xã hội, nhiều cô gái ưu tiên sự thoải mái, giải phóng cơ thể thông qua những chiếc áo lót mềm mại, không ren hay gọng.
Không chỉ quần áo, xu hướng chọn áo lót của phụ nữ cũng đang thay đổi sau thời gian giãn cách xã hội. Nếu yếu tố quyến rũ từng được đặt lên hàng đầu, các cô gái hiện tập trung vào sự thoải mái hơn.
Theo SCMP , nhiều nghiên cứu cho thấy 60% phụ nữ đã chuyển từ những bộ đồ lót thông thường sang lựa chọn không gọng. Trong khi đó, 46% đã bỏ áo lót hoàn toàn ít nhất một ngày/tuần để thấy nhẹ nhõm.
“Phụ nữ đang mua sắm đồ lót theo cách mới, trước hết là vì niềm vui của chính họ”, Tanya Robertson – giám đốc điều hành của thương hiệu Womanhood – cho biết.
Yếu tố gợi cảm bị “thất sủng”
Trong năm qua, Ann Summers – thương hiệu vốn có truyền thống sản xuất áo lót gợi cảm – đã bị thua lỗ. Ngược lại, các thương hiệu nhỏ, độc lập bán kiểu dáng đẹp nhưng ưu tiên sự thoải mái lại tăng doanh thu.
Nhiều hãng đồ lót hiện ưu tiên bán sản phẩm tạo sự thoải mái. Ảnh: SCMP.
Nhiều người cho biết họ hiện mặc định những chiếc áo lót gợi cảm chỉ dành để thỏa mãn cái nhìn của nam giới. Qua thời gian dài ở nhà, họ nhận ra bản thân cần được ưu ái hơn với những chiếc áo lót tạo cảm giác “mặc như không mặc”.
Nắm bắt được xu hướng, Zara tung ra dòng sản phẩm đồ lót ưu tiên sự thoải mái vào cuối năm ngoái, được gọi một cách khéo léo là “Female Gaze”. Nó được đón nhận vì ưu tiên sự mềm mại. Ngoài ra, hãng còn lấy hình ảnh phụ nữ ở mọi kích cỡ và sắc tộc.
Theo nền tảng nghiên cứu thời trang Lyst , phụ nữ cũng đang đầu tư áo lót và quần đắt tiền cho mình.
Robertson nói thêm: “Đã có sự thay đổi thực sự đối với việc phụ nữ mua sắm nội y cho riêng mình. Không còn là việc lựa chọn giữa những bộ thiết thực hay sexy. Thay vào đó, họ đang đầu tư vào các món đồ phản ánh phong cách và gu thẩm mỹ cá nhân”.
Video đang HOT
Lụa, cashmere được ưu ái
Phụ nữ có vòng một lớn vẫn cần có sự nâng đỡ từ những chiếc áo lót có gọng. Tuy nhiên, họ giờ đây sẵn sàng chi trả cho loại đắt tiền hơn và có công dụng tương tự.
Áo lót lụa và cashmere xuất hiện trong bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế. Ảnh: Khaite, Jacquemus.
Với doanh số giảm 45% so với năm ngoái, điều này có nghĩa là những chiếc áo lót có gọng tạo sự kém thoải mái hơn và yếu tố khe ngực không còn thời trang như trước. Kiểu nội y được trang trí bằng hoa và nơ cũng không còn thịnh hành.
Khaite – hãng áo ngực cashmere – đã được chú ý sau khi Katie Holmes mặc một thiết kế vào năm 2019 với chiếc cardigan cùng màu. Hình ảnh thoải mái và phong cách này tạo cảm hứng cho các thương hiệu tạo ra nhiều sản phẩm có giá cả phải chăng, tối giản sau đó.
Lụa cũng là chất liệu được ưu tiên trong thời gian giãn cách. Từ LilySilk đến Cos, các thương hiệu này đang quay lưng lại với chất liệu tổng hợp gốc dầu có hại cho môi trường và làn da. Họ hiện chuyển sang kiểu áo thoáng khí được thiết kế bền lâu.
“Mềm mại, xinh xắn và thoải mái là 3 yếu tố để phụ nữ ngày nay chọn đồ lót. Việc quên đi những gì đàn ông muốn đã khiến phụ nữ được ưu ái”, SCMP nhận định.
Bãi rác của ngành thời trang
Ngành thời trang toàn cầu đang có cuộc chuyển mình âm thầm trong đại dịch.
Thời trang - ngành công nghiệp trị giá 2.400 tỷ USD - đang dịch chuyển từng ngày để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ người dùng. Trong một xã hội mà vấn đề môi trường được đặt lên hàng đầu, thời trang cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Theo phóng viên Sian Powell của SCMP , mặt tối của ngành công nghiệp nghìn tỷ này chính là cảnh rác thải và môi trường bị tàn phá. Thời trang nhanh ồ ạt. Những bộ đồ mặc một, hai lần rồi bỏ tạo nên "núi rác" khổng lồ. Tuy nhiên, với cuộc cách mạng đang âm thầm diễn ra, cảnh tượng này có lẽ ít nhiều sẽ giảm thiểu trong tương lai gần.
Cách mạng trong đại dịch
Thay vì sản xuất ồ ạt dẫn đến tình trạng tồn hàng, thừa mứa, giải pháp đang được nhiều bên ủng hộ là làm theo yêu cầu. Đây không phải câu chuyện quá xa lạ với những người làm thời trang.
Misha Nonoo - nhà thiết kế từng hợp tác cùng Meghan Markle trong bộ sưu tập thời trang bền vững - đã thiết lập hệ thống để người mua trực tiếp yêu cầu đồ cho nhãn hàng. Sau khi khách chọn được món đồ, phía Misha sẽ bắt tay làm và vận chuyển đến cho khách.
Các sản phẩm thời trang đặt theo yêu cầu đem đến cuộc chuyển mình trong đại dịch. Ảnh: SCMP.
Một công ty khác ở Mỹ là Gooten cũng đang đi theo xu hướng này. Họ là công ty chuyên in ấn lên các mặt hàng như túi, quần áo, phụ kiện... Brian Rainey - giám đốc điều hành công ty - nhận xét đại dịch Covid-19 đã tạo ra động lực lớn cho cuộc cách mạng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ. Điều này dẫn đến xu hướng sản xuất theo yêu cầu.
"Người tiêu dùng khắp thế giới mua sắm nhiều hơn. Cách lựa chọn, mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ sẽ thay đổi", ông nói.
Theo đại diện từ Gooten, vì đại dịch Covid-19, việc mặc quần tây công sở hay đồ chạy bộ đi làm đều trở nên giống nhau. Tâm lý người mua đã thay đổi chóng mặt khiến lượng cung dư thừa quá lớn. Rainey nhận định có khoảng 200 tỷ USD hàng tồn đang nằm trong kho vì đại dịch.
Về cơ bản, cách làm của Gooten không khác Misha Nonoo. Họ chuyển đơn hàng đến nhà sản xuất có vị trí gần khách hàng nhất. Sau đó, nhà sản xuất in thiết kế đã chọn lên hàng rồi gửi đi.
Một chiếc áo phông được Gooten sản xuất sau khi nhận yêu cầu của khách. Ảnh: SCMP.
"Hầu như không có khái niệm hàng trong kho. Nó đi trực tiếp từ nơi sản xuất đến tay người dùng", Rainey giải thích.
Nhờ cách làm này, việc sản phẩm dư thừa gần như bằng không, đem lại lợi ích về kinh tế cho nhà bán lẻ, nhà sản xuất. Quan trọng hơn, nó giảm thiểu được vấn đề sản xuất quá nhiều, giải phóng lượng lớn carbon vào khí quyển, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Việc sản xuất tại địa phương và vận chuyển tại địa phương giúp giảm chi phí vận chuyển. Mặt khác, nó cũng hỗ trợ cho nền kinh tế địa phương có nhà máy sản xuất.
Christina Dean - người sáng lập tổ chức Redress với mục đích nâng cao ý thức môi trường trong thời trang - nhận xét: "Hàng dư, tồn kho là trở ngại lớn với mọi doanh nghiệp. Mỗi năm, 100 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất. 20 tỷ trong số này sẽ không được bán ra".
Có thể thay đổi truyền thống?
Về cơ bản, phương thức sản xuất này sẽ không thay thế hoàn toàn kiểu truyền thống.
Theo kiểu này, hàng may mặc sẽ được sản xuất ở một nhà máy đặt tại các nước châu Á (với chi phí lao động thấp) như Campuchia, Bangladesh. Sau đó, hàng được gửi đến kho của nhà bán lẻ trước khi tới cửa hàng bán lẻ để khách chọn mua.
Phương thức sản xuất mới không thể thay đổi hoàn toàn kiểu truyền thống. Ảnh: SCMP.
"Ngành sản xuất truyền thống không thể bị thay thế hoàn toàn bằng thời trang sản xuất theo yêu cầu. Nó đơn giản là một phần bổ sung cho ngành sản xuất truyền thống", ông chia sẻ.
Mặt khác, thời trang theo yêu cầu gặp bất lợi trong việc đem đến sự hài lòng ngay lập tức cho khách hàng.
Dean nhấn mạnh: "Sự chậm trễ gây khó chịu cho người dùng hiện đại. Họ muốn món đồ của mình tới nơi trong vòng vài ngày, thay vì vài tuần".
Với cô, sự thiếu kiên nhẫn ấy thực sự thiển cận và là tác nhân hủy hoại môi trường. Theo Dean, việc thiếu kiên nhẫn chỉ nên dừng lại ở "thế kỷ trước". Hiện tại, khi mọi người đã phải ngồi nhà cả năm vì dịch, việc đợi chờ món đồ mình thích trong 3 tuần không phải điều gì khó khăn.
Tơ Vàng hiện thực hóa giấc mơ đưa lụa Việt ra thế giới Sử dụng chất liệu lụa tơ tằm Việt Nam, các sản phẩm của Tơ Vàng không chỉ tinh tế, sang trọng, tiện dụng mà còn đặc biệt ấm áp vào mùa đông, dịu mát vào mùa hè. Tơ Vàng cũng là thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng trong nước và du khách nước ngoài tin tưởng lựa chọn trong vài năm...