Xử “đại án” tham nhũng tại Vifon: Một mình Phó TGĐ không thể tự rút tiền!
Chiều 22.11, phiên xử “đại án” tham nhũng tiếp tục diễn ra với phần đặt các câu hỏi của luật sư.
Bị cáo Huyền: “Một mình tôi làm sao lấy tiền được, tất cả đều do ông Bi chỉ đạo”. Ảnh: Phùng Bắc
Luật sư Phan Trung Hoài bảo chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền, đã làm “ nóng” phiên xử với nhiều câu hỏi xoáy vào bản chất vụ án.
Người đại diện Vifon không những “né” trả lời câu hỏi của luật sư, mà còn tỏ ra… lúng túng trước những câu hỏi liên quan trực tiếp đến Vifon. Chưa hết, luật sư nêu quan điểm khi làm rõ các câu hỏi với bị cáo Bi, bị cáo Huyền, khi một mình bà Huyền làm sao tự tung tự tác, lập thu chi rút tiền, trong khi đó Cty có cả ban lãnh đạo, ban kiểm soát và nhiều tổ chức khác.
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền hỏi giám định viên về xác định vốn Nhà nước tại Vifon lúc xảy ra vụ án là biết bao nhiêu không ? Tuy nhiên giám định viên lại cho rằng chỉ làm giám định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.
Luật sư hỏi: “Bà có biết khoản tiền hơn 43 tỉ đồng không ?”, giám định viên cho rằng không nằm trong giám định. Luật sư cũng yêu cầu giám định viên chứng minh bà là giám định viên ngành đã được đăng ký theo quy định. Giám định viên cho rằng đầu tuần sau sẽ cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh mình là giám định viên ngành theo yêu cầu của luật sư.
Video đang HOT
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi đại diện Cty Vifon: “Trước thời điểm cổ phần hóa, phần vốn Nhà nước đầu tư vào Vifon là bao nhiêu tiền, theo quyết định nào?”, vị đại diện Vifon không trả lời.
Luật sư Phan Trung Hoài: “Khi là doanh nghiệp Nhà nước, vốn Nhà nước là 24 tỉ đồng. Trong đó Vifon liên doanh với 3 đơn vị khác, vậy đại diện Vifon có biết không? Sau đó Nhà nước thu về 127 tỉ đồng. Phần tài sản của Nhà nước tại Cty Vifon có còn và bị thiệt hại không? Có thiệt hại cổ phần Nhà nước không? Cty Vifon đòi các khoản tiền bị thiệt hại là dựa vào căn cứ nào? Trong đơn tố cáo đầu tiên của Vifon là hơn 40 tỉ, sau đó rút lại là 24 tỉ đồng. Vậy khoản tiền hơn 43 tỉ đồng, vì sao Vifon nộp cho Cơ quan điều tra?”. Đại diện Vifon hầu như hầu như không trả lời được hoặc né tránh câu hỏi của luật sư.
Luật sư hỏi ông Nguyễn Văn Bên ( Tổng Giám đốc Vifon), cơ sở nào trong đơn tố cáo của ông (ông Bên) cố tình giữ lại số tiền 43 tỉ đồng và cho rằng là âm mưu của bà Huyền rút số tiền này ra để chiếm đoạt? Vậy 43 tỉ đồng nó có còn không? Ông Bên cho rằng: “Tôi đã trình bày với Cơ quan điều tra, số tiền vẫn còn, do có dấu hiệu chiếm đoạt nên tố cáo và đã nộp cho Cô quan điều tra”.
Luật sư hỏi bị cáo Bi: “Khi cổ phần hóa, phần vốn của Nhà nước là 24 tỉ đồng, vậy số tiền này đã thu hồi chưa? Đã nộp vào ngân sách Nhà nước bao nhiêu?”, bị cáo Bi: “Đã thu hồi và nộp vào Ngân sách Nhà nước hơn 127 tỉ đồng rồi”. Luật sư: “Vậy ông xác định ông có thẩm quyền đối với quyết định tài sản của Cty, vậy những khoản tiền chi do ông quyết định?”, bị cáo Bi: “Đúng là tôi có thẩm quyền quyết định”.
Trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Huyền cho biết, từ ngày làm công nhân, từ một nhà máy bột ngọt hoang tàn, sau đó bị cáo đi học lớp kế toán và được phân công làm kế toán và là người cùng gầy dựng nên thương hiệu Vifon. Khoản tiền bị VKSND quy buộc bị cáo “tham ô tài sản” thì khoản tiền này nó đi đâu? Bộ Công nghiệp có quyết định ông Bi, ông Bên và bà Huyền đứng làm đại diện 51% vốn của Nhà nước khi cổ phần hóa. Với đầy đủ các ban bệ, quản lý, giám sát, nhưng một mình bà Huyền làm sao tự tung tự tác, tự thu chi để rút tiền được không? Bị cáo Huyền: “Một mình tôi không thể làm như vậy được”.
Phiếu chi 80.000USD (tương đương 1,2 tỉ đồng), ngoài bà Huyền ký thì có ông Bi ký… ngoài ra luật sư Phan Trung Hoài cũng luận chứng qua các câu hỏi đối với các bị cáo, đó là việc giả phiếu thu, chi trên chứng từ thể hiện đẩy đủ các bị cáo có chức năng quản lý lúc đó ký, vậy tại sao VKSND truy tố một mình bà Huyền chiếm đoạt tiền ? Bị cáo Huyền: “Tôi có làm sai về thu chi kế toán, nhưng bản chất số tiền chiếm đoạt một mình tôi làm sao lấy được. Số tiền đó đều có sự chỉ đạo của ông Bi mới rút ra được”.
Luật sư hỏi bị cáo Huyền: “Bị cáo đưa tiền cho ông Bi thì tại tòa, ông Bi không thừa nhận đã nhận tiền, sau khi ông Bi nghỉ hưu, thì chuyển tiền qua tài khoản ?”, bị cáo Huyền: “Đó là sự chỉ đạo của ông Bi. Tất cả chứng từ đều có tất cả các bị cáo ký, một mình bị cáo không thể chiếm đoạt được”.
Ngoài ra, luật sư cũng công bố việc Cty Vifon nợ hơn 12 tỉ đồng tiền của gia đình bà Huyền, khi bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tuyên (vụ án kiện dân sự khác).
Theo Laodong
Luật sư yêu cầu triệu tập Bộ Tài chính
Sáng 21.11, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon). Đây là một trong những "đại án" được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xét xử vào cuối năm 2013.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Lê Nga
Dù xác định các bị cáo gây thất thoát hơn 18,2 tỉ đồng tiền nhà nước và của các cổ đông, nhưng tất cả 5 bị cáo của vụ án đều được tại ngoại. Đặc biệt, ngay trong phần thủ tục, đại diện Bộ Công thương (tòa xác định là nguyên đơn dân sự, bị hại của vụ án) từ chối tư cách là nguyên đơn dân sự và cho rằng "chỉ tham gia với tư cách đơn vị quản lý chuyên ngành để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý". Còn nguyên đơn dân sự thứ 2 là Bộ Tài chính thì vắng mặt ở phiên tòa. Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó tổng giám đốc Vifon) cho rằng việc từ chối và vắng mặt nguyên đơn dân sự như trên ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Do Bộ Công thương từ chối làm nguyên đơn dân sự, luật sư Hoài yêu cầu triệu tập Bộ Tài chính để đơn vị này xác định yêu cầu bồi thường thiệt hại. "Nếu không có thiệt hại thì không thể quy kết các bị cáo tham ô, cố ý làm trái...", luật sư Hoài nói.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định sẽ tiếp tục triệu tập Bộ Tài chính và qua phần thẩm vấn sẽ xác định tư cách ai sẽ là nguyên đơn dân sự (cơ quan bị thiệt hại) trong vụ án. Đây là trường hợp khá hy hữu và tòa án phải đợi đến quá trình thẩm vấn mới có thể xác định cơ quan bị thiệt hại trong vụ án này.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố Nguyễn Thanh Huyền về các tội "tham ô" và "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"; Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vifon) về các tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "cố ý làm trái..."; Đàm Tú Liên (nguyên kế toán trưởng), Dương Thị Mẫn (nguyên kế toán thanh toán) và Ca Thị Thu Hồng (nguyên thủ quỹ) cùng bị truy tố về tội "cố ý làm trái...". Theo cáo trạng, từ 2002 - 2006, lợi dụng giai đoạn Vifon trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền chỉ đạo cấp dưới hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn để lấy tiền nhà nước và cổ đông, đưa vào huy động vốn cho cá nhân rồi rút ra chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 18 tỉ đồng của nhà nước và các cổ đông khác.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền cho rằng cáo trạng truy tố không có cơ sở. Theo hai bị cáo, nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong chia thưởng và cũng liên quan đến số tiền chia thưởng; trong khi đó khoản tiền chia thưởng đã có chỉ đạo từ Bộ Công thương...
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 21 đến 26.11. Hôm nay, tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo TNO
"Bộ sậu" tham nhũng tại Vifon "đá" tội cho nhau trước tòa Ngày 21/11, TAND TPHCM đã mở phiên xử sơ thẩm xét xử vụ tham nhũng xảy ra tại công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon Việt Nam). Đây là đại án thứ 2 trong 10 vụ đại án tham nhũng được đưa ra xét xử. Nguyễn Thanh Huyền, nguyên phó Tổng giám đốc Vifon bị truy tố các tội...