Xót xa vụ cô gái mang bầu đi cướp để có tiền… khám thai
Những ngày cuối năm, trời tuy rét mướt nhưng Diệu lại tỏ ra “ mình đồng da sắt” mà không thấy lạnh. Cô gái có gương mặt ngây thơ đã dọa giết người, cướp tài sản chỉ vì không biết làm sao với cái thai đang lớn dần trong bụng và không có tiền nuôi thân…
Giết người kiếm tiền… khám thai
Gần 2 tháng trôi qua nhưng người dân cư ngụ ở khu phố 1 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết hoảng hồn khi chứng kiến sự việc một bà bầu cầm dao khống chế bà chủ ki ốt cho thuê truyện để cướp. Nếu không may mắn thì bà chủ đó đã bị hung thủ siết cổ bằng tấm ri đô cuộn lại cho đến chết. Manh động hơn, đối tượng cầm cả dao Thái Lan kề cổ bắt cống nạp tài sản. Được người dân ứng cứu nên nạn nhân đã được giải thoát trước cái chết trong gang tấc. Nạn nhân là bà Đỗ Thị Hoa (SN 1946, ngụ cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh), còn hung thủ là Nguyễn Thị Diệu sống lang bạt tại khu vực bến xe Miền Đông và đang mang bầu tháng thứ 5.
Thật không thể tin nổi khi người dân khu phố 1 (phường Hiệp Bình Chánh, quận thủ Đức) bắt được đối tượng ra tay hòng sát hại bà chủ quán cho thuê truyện lại là một thiếu nữ mới 22 tuổi, đang mang bầu tháng thứ năm. Như thường lệ, lúc 16 giờ hằng ngày, khi mọi người tan sở về trên cung đường ở khu vực này tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Nhưng vào ngày 17-10 nó lại đông đúc hơn bởi nhiều người hiếu kỳ muốn tận mục sở thị bà bầu giết người.
Tại ki ốt số 111 ngay trên quốc lộ 13, đoạn gần ngã tư Bình Triệu (thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) có một thiếu phụ đang mang bầu bị người dân xung quanh bắt được đang bị lực lượng công an tra tay vào còng. Thị sát hại nạn nhân để kiếm tiền đi khám thai. Nhìn gương mặt thiếu phụ “sát thủ” Nguyễn Thị Diệu với nét mặt còn non nớt, bụng mang dạ chửa thì không ai lại nghĩ rằng ả dám làm điều động trời như vậy.
Ảnh minh họa.
Khi lý do mà ả đưa ra khiến người chứng kiến cũng không thể nào tin được bởi ả đã dựng lên một màn kịch hoàn hảo đến không ngờ.
Với vẻ mặt còn chưa hết bàng hoàng sau việc bị “ám sát” hụt, bà Đỗ Thị Hoa bức xúc kể lại: “Đây là nơi tôi thuê mấy năm nay phục vụ việc kinh doanh cho thuê truyện. Hằng ngày, khách vào thuê truyện thường là người quen và những người dân trong khu phố. Thi thoảng, cũng có vài khách lạ nhưng công việc vẫn diễn ra đều đều và không có gì phải đáng sợ. Cho đến một ngày, có một cô bé với dáng vẻ thư sinh đến đây đọc truyện từ sáng đến tối. Tôi có hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời của cô bé là nhà cô ấy ở bên kia cầu Bình Triệu nhưng không dám thuê truyện về nhà vì sợ mẹ la. Những ngày sau đó, ngày nào cô bé ấy cũng đến ki ốt của tôi và ngồi đọc truyện từ sáng cho tới 3 – 4 giờ chiều mới về. Thấy cô bé có vẻ hiền lành, thật thà nên tôi chẳng nghi ngờ và không hỏi gì thêm. Sau này tôi có hỏi tên và biết được tên cô bé ấy là Diệu.
Video đang HOT
Hôm xảy ra sự việc, Diệu đến từ rất sớm, mới 8 giờ sáng là nó đã ghé tiệm tôi ngồi xem chuyện. Thời gian bẵng đi, lúc đó khoảng 4 giờ chiều, Diệu đứng dậy đi xung quanh, lựa mấy cuốn chuyện và nói là thuê về nhà đọc, rồi hỏi tôi có bán băng keo không để mua về cho mẹ. Sẵn trong tiệm có cuộn băng keo mới mua chưa dùng đến, tôi đưa cho Diệu đem về cho mẹ. Cầm cuộn băng keo, Diệu bấm điện thoại gọi ai đó rồi vào nhà vệ sinh. Được một lúc thì hốt hoảng chạy ra nói trong nhà vệ sinh có con chuột chết và bảo tôi lấy bao bóng gắp ra khỏi thối. Thời điểm đó ở khu vực này bị cắt điện nên tôi bảo “tối vậy sao thấy mà gắp ra”, nhưng Diệu bảo bà cứ mang hai bao bóng vào cháu chỉ cho mà lấy. Tin lời nó, tôi đi vào trong nhà vệ sinh theo sự chỉ dẫn của Diệu để tìm chuột chết. Đang loay hoay, tôi bị Diệu dùng tấm ri đô che nhà vệ sinh quấn ngang cổ xiết chặt lại. Hoảng quá, tôi đứng bật dậy trúng người Diệu nên nó bị bất ngờ rồi chới với ngã người ra sau. Tôi vùng dậy chạy thì Diệu cũng lao theo chụp được áo tôi lôi ngược vào trong, tay cầm dao Thái lan kề cổ tôi để khống chế” – Bà Đỗ Thị Hoa nhớ lại.
Nghe tiếng người hét lên, chị Khoán ở ki ốt bên cạnh chạy sang và thấy cảnh tượng hãi hùng, bà Hoa đang kêu cứu “bớ… bớ người ta, cướp, cướp….”. Chị Khoán kể về sự chứng kiến của mình: “Đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết nên dù sợ hãi nhưng bà Hoa vẫn luôn miệng kêu cứu mà mình chưa có cách nào ứng cứu. Lúc này thấy có người lạ đến, Diệu buông dao xuống, lấy tay bịt miệng nạn nhân. Bà Hoa liền vớ lấy con dao quăng ra ngoài cửa rồi cố vùng vẫy thoát ra. Hai bên tiếp tục giằng co qua lại, Diệu vừa phải ôm bà vừa phải bịt miệng không cho bà kêu cứu nên bà đã vùng ra. Lúc này, tôi đã vào hẳn trong nhà nên Diệu buông bà Hoa ra, đứng nép về một bên tỏ vẻ như không có chuyện gì. Như vớ được vàng, bà Hoa lao đến bên tôi, miệng ú ớ… rồi chỉ về hướng Diệu rồi nói bắt… bắt nó, “nó định giết tui, giữ lấy báo Công an”. Tôi hô hào mọi người xung quanh đến để phụ giúp bắt giữ Diệu nhưng Diệu tỏ vẻ thơ ngây, ngơ ngác nói “em có làm gì đâu”…
“Trần tình” của thủ phạm
Ngồi đối diện với chúng tôi là một cô bé với khuôn mặt rất hiền có phần ngây thơ, giọng nói dịu dàng nhưng có phần rụt rè. Như chưa từng được khóc, Diệu khóc nức nở như một đứa trẻ rồi bình tĩnh kể lại cho chúng tôi nghe về tuổi thơ không êm đềm cùng quãng thời gian sóng gió vừa đến với em.
Cô gái này sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết (Bình Thuận). Kinh tế gia đình phụ thuộc vào những chuyến đi biển của cha và việc buôn bán cá của mẹ. Năm 2008, mẹ mất, ba đi bước nữa khiến em trở nên lẻ loi. Vốn là thân con gái đang trong tuổi lớn, nhạy cảm nên em thấy mình bị bỏ rơi và ghét người phụ nữ đã giành mất tình thương yêu của cha mình. Và câu nói: “mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” cứ xoáy vào tâm hồn Diệu. Chán chường, Diệu bỏ nhà lên TP. HCM. “Một mình nơi đất khách quê người, không người thân thích, không chỗ ở, lại không có tiền bạc. Em trở thành kẻ “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” ngay từ khi bước chân xuống thành phố và bến xe Miền Đông là mái nhà của em từ thuở ấy.
Để mưu sinh, em phải làm đủ nghề kể cả việc của đàn ông để kiếm tiền lo cho bản thân và tương lai tăm tối phía trước. Hằng ngày, em đảo quanh khu vực bến xe, ai thuê gì làm nấy.
Từ việc phụ bưng bê phở, cà phê đến việc bóc dỡ hàng xuống xe, em đều làm được hết. Tưởng rằng cuộc đời cứ trôi êm ả theo dòng chảy của thời gian và cuộc sống của em cũng như bao đứa trẻ lang thang, phiêu bạt khác. Cho đến một ngày, em gặp một người đàn ông cũng đã luống tuổi đáng cha chú tỏ lòng thương xót. Không rõ danh tính của người ấy, mà em cũng chẳng cần biết tên họ của người ta để làm gì. Sau một thời gian quấn quít, em đã trao thân cho gã họ sở này. Cũng bởi mỗi lần nhận được sự quan tâm của anh ấy lại có thêm tiền tiêu, thế nên lịch trình gặp nhau của em và anh ấy không được ấn định, chỉ khi nào anh ấy rảnh thì đến với em và điểm đáp là những nhà nghỉ ngay cạnh bến xe Miền Đông” – giọng Diệu chầm chậm buồn.
Giọng Diệu chùng hẳn xuống, khóc nấc lên: “Thường thì mỗi tuần vài ba lần anh ấy đến với em và chúng em lại êm ái trong vòng tay quên đi nỗi nhọc nhằn mưu sinh. Mỗi lần như vậy, em lại có thêm vài trăm ngàn để chi tiêu. Với em như vậy là quá đủ cho một cuộc đời bất hạnh, lang thang. Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó và em trở thành nạn nhân của cái giá đó khi không lường hết hậu quả. Cho đến khi biết em có thai (mà không thể phá bỏ được) thì người đàn ông cũng thưa đến dần, trong khi nhu cầu ăn uống, chi tiêu càng ngày càng lớn. Công việc cũng ít đi vì không ai thuê người có bầu làm việc nữa. Túng quẫn, em tìm đến tiệm truyện đọc để giết thời gian và để giải khuây. Sau đó, thấy bà chủ thường hay ở đây một mình nên em đã lên kế hoạch kiếm tiền từ việc làm phi pháp để có tiền khám thai và có tiền ăn uống cho bản thân. Chỉ chờ cơ hội là sẽ ra tay. Thế nhưng, em đã phải trả giá cho hành động liều lĩnh, ngu dốt và sai trái của mình sau những ngày trong nhà tạm giam của Công an này”.
Rời nhà tạm giữ Công an quận Thủ Đức tôi thấy xót thương cho số phận của cô gái “trẻ người, non dạ” này. Tuy hành động của Diệu chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và lại gây án trong tình trạng mang thai nhưng việc làm của Diệu cũng đáng để lên án, nó còn là bài học đắt giá cho những ai đang vướng vào vòng xoáy của lỗi lầm.
Theo ANTD
Sát thủ có chữ "ngu" trên trán
Trong mắt bố mẹ, thằng Hà là đứa "nhìn đã thấy chữ "ngu" trên trán", và đối với người vợ mới cưới, Hà là một người chu đáo, nhẹ nhàng.
Bà O - mẹ của Nguyễn Duy Hà (thủ phạm vừa gây ra vụ giết bà bác ruột Nguyễn Thị Yên để cướp xe máy trên phố Lạc trung) - đã vừa khóc vừa đấm ngực than trời khi trò chuyện với tôi. Bà O bảo, cả đời bà cố gắng làm lụng nuôi chồng nuôi con, không dính dáng đến pháp luật, vậy mà thằng Hà bỗng một chốc một nhát ném hết những cố gắng của bà xuống sông xuống biển. Nhắc đến thằng con trai, bà cay đắng: "Người nó cứ ngồng ngộc, ngồng ngộc ra, chỉ thích chơi với trẻ con, thích đọc truyện Doremon, hôm nó lấy vợ, cả nhà phì cười vì không ai tin thằng "cún" lấy vợ. Ai cũng bảo nó ngu, nó dại, nó nói câu nào trẻ con câu đấy, không có câu nào khôn cả". Không ai biết nó là con nghiện game nặng và đã gây ra một tội ác tày trời: giết bác ruột rồi tiện thể cướp luôn xe máy để bán lấy tiền ăn chơi.
Run rẩy sau khi gây tội ác
Ngôi nhà 8m2 trong con ngõ chật chội, tối tăm trên phố Cao Bá Quát là nơi Nguyễn Duy Hà sinh sống cùng người vợ mới cưới và bố mẹ, anh trai. Đằng sau mỗi vụ án, bao giờ cũng là những góc khuất nặng trĩu tâm tư khiến người làm báo không thể không tìm hiểu. Đến nhà Hà vào lúc này, nhìn bố mẹ anh ta héo rũ như tàu lá, người vợ mới cưới đang mang bầu được một tháng, chợt thấy câu chuyện sao mà khó cất lời. Thật may, bà O - mẹ của Hà là một phụ nữ xởi lởi, thẳng tính, bà đã trải lòng về cuộc đời mình, từ khi về làm vợ ông H (bố của Hà). Bà Nguyễn Thị Yên là chị chồng của bà, nhưng đã 29 năm nay, bà với bà Yên dường như không có quan hệ, vì những trúc trắc khó diễn giải thành lời.
Bà O và ông H được ba người con trai thì một người đã mất, Hà là út, trên Hà có một người anh đau ốm từ hơn một năm nay, một bên mắt đã mù không nhìn thấy gì. Mấy tháng nay, bà O phải bỏ cả việc bán phở buổi sáng để chăm con. Mọi trông chờ, hy vọng, bà dành cả vào thằng con út, nhất là khi nó lấy vợ, một cô gái có hoàn cảnh khá khó khăn, rất chăm chỉ và nhất mực yêu chồng, thương bố mẹ chồng. Tưởng rằng, đoạn đời gập ghềnh nếm đủ mọi cay đắng bầm dập đã qua, giờ là lúc ngồi lại ngắm con cháu vui vẻ cười đùa, thì không ngờ thằng Hà lại gây ra vụ án này, khiến bà O không còn mặt mũi nào nhìn anh em, bạn bè. Lấy chồng đã không được nhờ chồng, giờ con cái lại khiến bà khổ tâm đến thế này, bà O bảo, từ lúc nhận tin xấu, bà chỉ muốn tự tử cho xong.
Đối tượng Nguyễn Duy Hà (trái) và Vũ Ngọc Lương.
Đêm 23, rạng ngày 24-12, bà nhận được điện thoại của thằng Hà, khi ấy nó đang trốn trên Lạng Sơn, nó thú nhận với mẹ: "Mẹ ơi, con vừa gây ra tội lỗi lớn lắm. Tội của con đằng nào cũng chết thì con uống thuốc tự tử luôn ở đây. Bây giờ, con chỉ thấy thương mẹ và xót vợ con con thôi". Bà O nghe điện thoại và ngã luôn cầu thang vì sốc nhưng cũng cố nói với con: "Con ơi, nếu con thương mẹ và xót vợ con con thì con hãy ra đầu thú ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Con về đi vẫn còn cơ hội, để con còn nhìn thấy con con, vợ con, còn mẹ già rồi chẳng thiết gì đâu". Lúc ấy là 1 giờ sáng ngày 24-12, Hà nói với mẹ là không có xe, không có tiền, nên sáng mai nó mới về được. "Nó lại hỏi tôi đang ở đâu, tôi nói dối nó là "mẹ và vợ con kéo nhau ra ngoài đường ngồi, vì sợ anh con đang bệnh tật thế này lại biết chuyện thì bệnh càng nặng thêm, nên con về nhanh lúc nào thì mẹ và vợ con được vào nhà, không cứ ngồi ngoài đường đợi con". Nó bảo: "Vâng". 5 giờ sáng, nó gọi bảo: "Mẹ ơi mẹ, 3 tiếng nữa con về đến nhà, con lên xe đây, mẹ đừng có gọi nữa". Tôi bảo nó: "Con đừng về nhà, mẹ lạy con, mẹ xấu hổ lắm".
Tôi chỉ sợ nó về nhà rồi Công an bắt nó, hàng xóm xung quanh xì xào. Tôi bảo: "Con về luôn quận đi", nó bảo: "Con sợ lắm mẹ ơi". Tôi gắt lên: "Làm thằng đàn ông, dám làm thì phải dám chịu, đấy mới là đàn ông. Nếu con sợ quá thì về chỗ chợ Hôm, mẹ đón con" rồi tôi cùng các anh Công an đi đón nó. Bạn bè tôi thấy tôi loanh quanh ở chợ Hôm, họ hỏi: "Đi đâu mà sớm thế này?", tôi không dám nói thật vì xấu hổ, phải nói dối: "À mấy thằng em nó mời đi ăn". Tôi hỏi thằng Hà sao lại ra nông nỗi này, nó kể: "Con vào nhà bác vay tiền, bác bảo bác không có, con bảo, thế thôi con ngồi đợi chị Hiền, thì bác ấy đang cầm dao cứ huơ trước mặt nói, đời mày cũng như con mẹ mày, đầu đường xó chợ. Nó bảo, chửi nó nhiều lần thì được nhưng đừng chửi đến mẹ nó. Nó nghĩ đến tôi làm gì cơ chứ, nó nghĩ đến tôi nó mới chém người ta chết. Nó giữ danh dự cho mẹ nó làm gì. Cách đây một năm, nó sang nhà bà bác (một người chị gái khác của ông H) thì con lớn nhà bà này chửi nó: "Mày giống cái thằng bố mày, cả đời ăn bám chả làm được việc gì", nó đã tát con đấy 2 cái rồi, sau nó không xuống đó nữa. Nhưng con Hiền (con bà Yên) lại là con quý thằng Hà nhất nhà. Con Hiền rất ngoan, mặc dù nó biết tôi và mẹ nó 29 năm nay không hỏi nhau" - bà O kể.
Lời cầu xin đau đớn của người mẹ
Chị N - vợ Hà, đang mang bầu được khoảng 1 tháng. N ngồi ở góc cầu thang buồn rũ rượi, chia sẻ: "Với riêng bản thân em thì Hà là người tình cảm, nhẹ nhàng, chứ không bao giờ to tiếng, anh ấy rất chu đáo với em. Đến bây giờ em vẫn không tin được là Hà lại gây ra vụ án đó. Anh ấy bỏ nhà đi hơn một tuần cho đến khi xảy ra vụ án. Em nghĩ là do anh ấy bột phát hoặc có nguyên nhân gì khiến Hà bị kích động mới dẫn tới hành động đó, sau khi làm xong việc này, anh ấy rất sợ hãi, rất hối hận nên khi gia đình động viên đầu thú là anh ấy ra ngay". Tối 24-12, bà O và chị N được phép của cơ quan điều tra đã gặp Hà khoảng vài phút. Bà O chỉ biết khóc sau khi đứa cho con mấy bộ quần áo ấm.
Cách hôm xảy ra vụ án khoảng 1 tuần, bà O thấy con trai xách túi quần áo ra khỏi nhà Hỏi thì Hà trả lời: "Cái này con mặc chật rồi, con mang cho bạn con mặc, nó không có". Bà O bảo con: "Đi làm đi ăn gì, hôm nay ngày 17 đấy, thôi ở nhà đi, mai cho chả muộn", thì Hà trả lời: "Không, con đi một tí con về thôi". 1 tuần sau, anh trai của Hà bảo mẹ: "Mẹ ơi con buồn lắm", bà O hỏi: "Sao buồn hả con" thì anh này trả lời: "Vợ chồng thằng Hà nhắn tin cãi nhau, con chả biết nói thế nào, con là anh nó mà bất lực chẳng nói được nó". Người anh này đã hơn một năm nay ốm đau quặt quẹo, người chỉ hơn 30 cân, theo bà O thì con trai bà có chuyện riêng cũng rất buồn, từ khi vợ bỏ đi, anh này sinh chứng trầm cảm và từ đó, bệnh tật cứ dồn dập, không biết chữa chạy, thuốc thang kiểu gì cho hết.
Ông H - chồng bà O là một người đàn ông hiền lành, trước đây ông từng tham gia quân ngũ, sau này ra quân, sức khỏe yếu, ông làm nghề bảo vệ. Lương tháng 1,5 triệu không đủ tiêu cho riêng mình nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều dồn lên vai bà O. Bà O lấy ông H chỉ một thời gian ngắn thì mẹ chồng bà bán nhà, thế là vợ chồng con cái kéo nhau đi lang thang, sống nhờ mỗi nơi một thời gian. Cách đây 3 năm, bà O gom góp bao nhiêu vốn liếng dành dụm mới mua được căn nhà 8m2 ở ngõ Cao Bá Quát này, còn trước đó, vợ chồng con cái bà sống tận trên tầng 5 của khu tập thể Quỳnh Mai (căn nhà ở Quỳnh Mai là vợ chồng bà xin được thời còn phân phối nhà).
Nguyễn Duy Hà cũng có thời gian đi nghĩa vụ quân sự, sau này về nhà, anh ta giúp mẹ bán hàng nước, hàng phở và trong mắt bà O cũng như họ hàng bên ngoại, Hà là "thằng cún nhìn đã thấy chữ "ngu" dán trên trán". Nhưng bà O không biết rằng, thằng con út của mình, ngoài việc thích đọc truyện Doremon (mới đây, ông H đã bán đi một tủ truyện Doremon của Hà, được vài triệu đồng), thích chơi với trẻ con thì nó còn là một con nghiện game khủng khiếp. Việc thỉnh thoảng nó lại tới nhà bà Yên vay tiền và cả xin tiền, bà không hề hay biết. "Hồi nó phụ tôi bán hàng nước bên Gia Lâm, thỉnh thoảng thấy nó đi chơi điện tử một hai tiếng, nhưng cứ gọi là nó về ngay, chứ tôi nào biết nó lại nghiện game đến vậy" - bà O phân trần.
Tại cơ quan điều tra, Hà khai nhận, số tiền bán xe được 3 triệu đồng, nó đã thuê xe taxi đi từ Thái Nguyên sang Lạng Sơn hết 1,5 triệu đồng và mua một điện thoại 300 nghìn cùng một sim 50 nghìn, số tiền còn lại, nó chui vào hàng net cày game để thỏa mãn cơn nghiện. Đêm, nó ngủ ngoài chợ Kỳ Lừa. Khi ngồi cùng xe với các điều tra viên đi lên Thái Nguyên để thu tang vật, Nguyễn Duy Hà lên cơn "vật game", nó ngáp ngắn ngáp dài, nôn ọe như người ốm nghén, tay chân bủn rủn, chính nó thừa nhận với các anh Công an là "cháu lên cơn nghiện game không chịu nổi nữa rồi".
"Hôm qua tôi thắp hương trước bàn thờ bà Yên và khấn: "Chị ơi, người trần không sáng suốt bằng người chết, chị đừng oán con tôi, mà chị hãy cứu con tôi, còn tội lỗi gì chị cứ đổ lên đầu tôi, để cho nó có cơ hội về với vợ con nó, đừng để con nó mồ côi như con chị. Còn con bé này (bà O chỉ sang chị N), tôi bảo con dâu tôi là, nếu thằng Hà có mệnh hệ gì, thì con phải thả lỏng cuộc đời, con đẻ xong mang con đi, hoặc để lại mẹ nuôi mẹ đều ủng hộ, chứ đừng gò cuộc đời con như mẹ khổ lắm. Tôi nói với cả bà thông gia, bà đừng ép buộc gì nó, nhà tôi hết hồng phúc rồi. Đừng bắt thế hệ trẻ này nó phải khổ" - cuối cuộc trò chuyện, người mẹ sát thủ buồn rũ rượi trải lòng mình.
Sau 42 giờ gây án, được sự vận động của cơ quan Công an và gia đình, Nguyễn Duy Hà và Vũ Ngọc Lương đã đến cơ quan Công an đầu thú, khai nhận tội: Do cần tiền ăn chơi, khoảng 14 giờ ngày 22-12, Nguyễn Duy Hà và Vũ Ngọc Lương đã đến nhà bà Nguyễn Thị Yên để vay tiền của chị Đỗ Thị Minh Hiền. Tuy nhiên khi đó không có chị Hiền ở nhà mà chỉ có bà Yên đang chuẩn bị nhóm bếp than. Tại đây, giữa Hà và bà Yên xảy ra mâu thuẫn, Hà đã dùng chày đập tỏi, dao của gia đình để sát hại bà Yên, sau đó hai đối tượng lấy chiếc xe máy Shark, thuê xe ba bánh chở về nhà của Lương để thay ổ khóa rồi mang lên Thái Nguyên bán cho Đặng Hoàng Sơn lấy 3 triệu đồng.
Theo ANTD
"Nữ bán dâm sẽ không biết xấu hổ khi cần tiền" "Mại dâm là nguyên nhân trực tiếp làm suy thoái đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm xấu đi hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, khiến họ lười lao động, thích ăn diện và không cảm thấy xẩu hổ khi cần tiền", TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp phụ nữ...