Xót xa người Việt xếp hàng bán thận ở Trung Quốc
Gần 2 ngày sau khi bán thận, khi tỉnh dậy, bệnh nhân được bác sĩ cho tập ăn cháo, tập đi đứng, mặc dù vết thương còn rất đau và “khi vừa đi được thì phải xuất viện về Việt Nam ngay”.
Thượng tá Nguyễn Phú Thương, Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Cần Thơ, Trưởng ban chuyên án, cho biết đối với những người vượt biên bán thận, trong lúc gây mê để lấy thận, bác sĩ bên Trung Quốc có thể cắt thêm bất cứ bộ phận nào trong nội tạng như gan, tụy… để ghép cho người khác mà nạn nhân không hề hay biết và không biết khiếu kiện với ai.
Bên cạnh đó, bất cứ việc phẫu thuật nào trong ngành y tế cũng đều có thể gặp sự cố liên quan đến tính mạng bệnh nhân. Chưa kể, việc vượt biên sang Trung Quốc để bán thận tại một bệnh viện không được phép của chính phủ nước sở tại lại càng nguy hiểm hơn.
Lúc nào cũng có cả chục người Việt Nam chờ bán thận
Sáng 11/8, PV tiếp xúc với anh Võ Văn Công (18 tuổi) và Trần Văn Đại (21 tuổi, cùng ngụ xã Đông Bình, H.Châu Thành, Hậu Giang), hai trong số 3 nạn nhân ở địa phương này vừa qua Trung Quốc bán thận trở về.
Video đang HOT
Vết mổ sau khi bán thận của anh Đại
Công và Đại cùng sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo, cha mẹ, anh chị em trong gia đình sống bằng nghề làm mướn. Cuối năm ngoái, có một số người từ nơi khác đến rủ sang Trung Quốc bán thận với giá 40 triệu đồng/quả.
“Họ nói mỗi người có đến 2 quả thận, mất 1 quả không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, chi phí ăn uống, đi lại được người ta lo hết; trong khi mình vừa có món tiền lớn giúp đỡ gia đình, vừa được đi máy bay, được biết Sài Gòn, Hà Nội và cả Trung Quốc nữa, nên thích lắm” – Công nói.
Thế là Công và Đại rủ thêm Tô Văn Hải (19 tuổi, anh em bạn dì với Công) trốn nhà đi bán thận. Khi đi, họ chỉ mặc duy nhất bộ đồ trên người và trong túi của cả ba cộng lại chưa đến 200 ngàn đồng.
Họ được một người tên Văn đưa lên TP Cần Thơ nghỉ qua đêm. Sáng sớm hôm sau, ba người được đưa lên TP.HCM, sau đó bay ra Hải Phòng, rồi được một người đưa tiếp ra Móng Cái (Quảng Ninh). “Đến đây, có một phụ nữ tên Thịnh ra đón rồi dẫn xuống bến đò gần cửa khẩu. Sau đó, bà Thịnh mướn đò đưa chúng tôi sang Trung Quốc” – anh Đại nói.
Sang đến đất Trung Quốc, cả ba được một người bản địa dẫn lên xe đò, đi khoảng 1 ngày 1 đêm thì đến TP Quảng Châu. Sau đó, họ dồn cả ba vào ở trong một căn phòng rộng khoảng 20m2, trong đó có sẵn 7-8 người đến từ TP.HCM nằm chờ tới lượt bán thận. “Chúng tôi được cho nghỉ ngơi một ngày, sau đó họ đưa đến một bệnh viện (BV) lớn cách nơi ở chừng 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi được các bác sĩ khám tổng quát, làm các xét nghiệm rồi được chở về nhà trọ chờ đến lượt bán thận. Trong thời gian sống tại đây, chúng tôi không được đi ra ngoài. Họ mua thực phẩm, đồ ăn để sẵn trong tủ lạnh, chúng tôi tự nấu nướng. Khoảng một tuần sau, cả ba được một người Trung Quốc chở đến một bệnh viện lớn rồi được dẫn lên tầng 21 (tầng cao nhất), sau đó được đưa vào phòng mổ gây mê, cắt mỗi người 1 quả thận” – Đại nhớ lại.
Gần 2 ngày sau, khi tỉnh dậy, bệnh nhân được bác sĩ cho tập ăn cháo, tập đi đứng, mặc dù vết thương còn rất đau và “khi vừa đi được thì phải xuất viện về Việt Nam ngay”. Theo lời anh Đại, nhiều người chỉ 3-4 ngày sau khi cắt thận là bác sĩ cho thuốc giảm đau rồi xuất viện, người yếu hơn nằm viện 7-8 ngày, khi vừa mới đi đứng được cũng xuất viện để theo đường dây trở về Việt Nam ngay. Trước khi xuất viện, mỗi người được bác sĩ trao một hộp thuốc, dặn khi nào thấy đau ở vết thương thì uống vào. Do xuất viện quá sớm nên cả ba về Việt Nam mới cắt chỉ vết mổ.
Anh Đại cho biết, tại nhà trọ lúc nào cũng có sẵn gần chục người từ Việt Nam sang nằm chờ bán thận…
Trở thành gánh nặng gia đình
Rời Quảng Châu, sau một ngày đêm ngồi xe đò, cả ba về đến biên giới. Họ lại được bà Thịnh ra đón, đưa trở về Việt Nam bằng đường bộ. Khi đến lãnh thổ Việt Nam, bà Thịnh đưa tiền cho mỗi người rồi chỉ đường đi từ Móng Cái về Hà Nội. “Chúng tôi hỏi lúc đầu nói bán thận giá 40 triệu, sao chỉ đưa cho mỗi người 36 triệu thì bà Thịnh nói phải trừ mỗi người 4 triệu đồng, gồm tiền xe, vé máy bay và ăn uống trong thời gian chờ lấy thận” – anh Công kể.
Cũng theo lời anh Công, sau khi ở Hà Nội một đêm, các anh hỏi thăm đường ra sân bay Nội Bài rồi mua vé vào TP.HCM để về quê. “Khi chúng tôi về nhà nói với cha mẹ vừa sang Trung Quốc bán thận, ai nấy đều bàng hoàng. Riêng mẹ của Công hay tin đã té xỉu”- anh Đại kể.
Số tiền bán thận khi về đến quê còn chưa đầy 30 triệu đồng, Đại và Công bảo đưa hết cho gia đình để giải quyết khó khăn. “Nhưng cũng không giải quyết được gì. Trong khi đó bây giờ sức khỏe chúng tôi yếu lắm, không làm việc nặng được vì vùng thắt lưng đau ê ẩm, vết mổ hay đau buốt. Tôi ước bây giờ có tiền đi ghép thận lại để khỏe mạnh như xưa, không trở thành gánh nặng cho gia đình…” – Đại nói.
Ghép thận hết bao nhiêu tiền? Theo tìm hiểu của PV, trong nước cũng có không ít người qua Trung Quốc ghép thận, với chi phí mỗi ca ghép lên đến 1,5 – 1,8 tỉ đồng. Trong khi đó, trao đổi với PV, PGS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy kiêm Chủ nhiệm bộ môn Tiết niệu học trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết chi phí bình quân cho một ca ghép thận người lớn tại VN chỉ từ 50 – 80 triệu đồng. Chi phí này bao gồm tiền khám, xét nghiệm từ khi bắt đầu vào BV cho đến khi phẫu thuật và tái khám một tháng sau ghép thận cho cả BN được ghép thận và người cho thận (nếu có BHYT sẽ được thanh toán 50% chi phí trên). Bình quân, thời gian từ khi bắt đầu vào viện đến khi tiến hành ghép thận, nếu mọi việc thuận lợi thì kéo dài khoảng 2 tháng. Tiền thuốc BN uống sau khi ghép bình quân khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Còn TS-BS Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM (đơn vị ghép thận cho trẻ duy nhất tại TP.HCM tính đến thời điểm hiện tại) cho biết chi phí bình quân cho một ca ghép thận ở trẻ em tùy trường hợp dao động từ 50-100 triệu đồng. Theo PGS-TS Trần Ngọc Sinh, trong nước bắt đầu ghép thận từ tháng 6/1992, nơi ghép đầu tiên là BV 103 (Học viện Quân y, Hà Nội). Đến nay, cả nước có khoảng 12 trung tâm ghép thận (phần lớn là ghép cho người lớn; 2 đơn vị ghép thận cho trẻ em) và đến nay đã ghép được khoảng 500 ca, trong đó BV Chợ Rẫy ghép nhiều nhất (với 220 ca). Khó khăn lâu nay của người cần ghép thận là nguồn cho thận. Ở Việt Nam, nguồn thận để ghép chủ yếu lấy từ người thân của bệnh nhân. Để nguồn thận có được nhiều hơn từ người cho, hiến, tặng trong nước, PGS-TS Trần Ngọc Sinh cho rằng Bộ Y tế cần sớm ban hành thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” được QH ban hành vào năm 2006; đồng thời cần có nhiều cuộc tuyên truyền vận động người dân hiểu việc cho, hiến thận mang nhiều tính nhân đạo, nhất là những trường hợp người thân bị chết não (do tai nạn…), hướng dẫn người dân khi cần cho, hiến, tặng mô tạng thì đến nơi nào… Bên cạnh đó, cần có trung tâm quản lý điều phối về nguồn mô, tạng…
Theo Thanh Niên