Xót xa nghề muối
Vẫn đang mùa mưa bão, nên cánh đồng muối Bạch Long, huyện Giao Thủy, Nam Định thời điểm này vắng bóng người. Nổi tiếng là một trong những vựa muối lớn nhất nhì cả nước, nhưng thu nhập của mỗi người dân trông vào hạt muối chỉ vỏn vẹn hơn 10.000 đồng/ngày.
Cả ngày đày nắng để đổi lấy hơn 10.000 đồng tiền công
Bán mặt cho muối
Video đang HOT
Làm muối được xem là nghề truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm ở vùng đất Bạch Long. Và có lẽ, cũng chỉ có thể lấy lý do này để giải thích cho việc bám nghề của diêm dân nơi đây. Ngày ngày phải đày nắng trên những cánh đồng muối chang chang, mặn chát chỉ để đổi lại công lao động 400.000 đồng/tháng. Chủ tịch UBND xã Bạch Long, ông Nguyễn Hồng Khang cho biết, trước đây, từng nhiều năm làm chủ nhiệm HTX muối Bạch Long nên hơn ai hết, ông hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của người làm muối. “Trời càng nắng thì muối làm ra càng nhiều, muối càng mất giá, diêm dân thua lỗ. Nghịch lý là ở chỗ đó, cứ mưa nhiều, muối mất mùa thì giá lại được đẩy cao lên. Vì thế người nông dân làm muối nghèo quanh quẩn từ đời này sang đời khác”, ông Khang chia sẻ.
Tại những điểm tập kết, thu mua muối hay còn được gọi là kho muối Bạch Long, hầu như không có bóng dáng đàn ông. Việc vác những bao muối nặng 50kg đều do phụ nữ đảm nhiệm. Trong kho, gần chục người gương mặt sạm nắng, khắc khổ xúc muối vào bao, khâu miệng và vác trên vai chuyển ra xe tải. Chị Nguyễn Thị Thủy vừa nhanh tay xúc từng xẻng muối vào bao vừa nói chuyện: “Bây giờ muối còn được giá hơn năm ngoái đấy, 1kg muối thô có giá 1.500 -2.000 đồng. Tháng nhiều bù tháng ít, được 400.000 đồng từ muối đã là may mắn lắm rồi. Đàn ông bỏ lên Hà Nội làm thuê hết cả, còn trơ đám phụ nữ chúng tôi, chẳng biết làm gì đành vẫn phải làm muối thôi”.
Nam Định là vựa muối lớn nhất của miền Bắc với 870ha. Bạch Long là một trong những xã có sản lượng muối cao của tỉnh. Từ 250ha muối, mỗi năm Bạch Long đóng góp khoảng 40.000 tấn muối, nhưng đời sống của diêm dân nơi đây lại bấp bênh, cái nghèo vẫn mãi đeo bám từng số phận con người. Theo tính toán của ông Khang, với giá cả thị trường như hiện nay, bán 10 cân muối cũng chưa đong nổi 1 cân gạo. Một phép tính xót xa cho hàng trăm hộ dân nơi đây.
Ào ạt chuyển đổi rồi lại thất bại
Với mức thu nhập quá bèo bọt, chính quyền xã và ngay cả từng người dân Bạch Long cũng cố gắng tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, thoát nghèo. Những mô hình nuôi trồng thủy sản đầu tiên đã ra đời như nuôi tôm trên bạt. Tuy nhiên, cũng mới chỉ có khoảng 100 hộ dân làm theo mô hình này, còn lại khoảng 900 hộ dân vẫn sống bằng nghề muối.
Theo ông Khang, vẫn biết nghề nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng với số vốn ban đầu bỏ ra hàng trăm triệu đồng, cộng thêm rủi ro cao nên rất ít hộ dân trong xã có điều kiện để chuyển đổi nghề. Hơn nữa, nếu chuyển đổi mô hình sẽ phá vỡ quy hoạch sản xuất và lao động.
Để giữ vững nghề muối, Bộ NN&PTNT nhiều năm qua đã có chính sách giúp Bạch Long như hỗ trợ mô hình trải bạt và chuyển đổi vị trí chọn lọc để có thể thu được muối sạch hơn, được giá hơn. Tuy nhiên, nghề muối, cũng giống như nhiều nghề nông khác, phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Bà con diêm dân nơi đây vẫn mong muốn có được những hỗ trợ sát sườn hơn về chính sách ổn định giá cả, cân đối cung cầu hợp lý để tránh tình trạng tư thương ép giá. Năm nay, theo ông Khang, thời tiết mưa nhiều nên lượng muối làm ra không đủ cung ứng. Hiện ở địa bàn xã Bạch Long có 4 công ty của Nhà nước và hơn 30 đại lý thu mua muối. Muối khan hiếm nên có những thời điểm, hàng đoàn xe nằm chờ “ăn muối” cả tháng mà vẫn “đói” hàng.
Ông Mai Văn Dư, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết, do nhiều năm liền, giá muối mà diêm dân làm ra quá bèo bọt, không đủ sống nên rất nhiều cánh đồng muối ở Nam Định đã bị bỏ hoang. Trong đó, nhiều cánh đồng đã bị chuyển đổi thành ao, đầm nuôi tôm hoặc cây trồng khác. Bây giờ tôm, ngao liên tục bị dịch bệnh, chết, đầu ra khó khăn, trong khi giá muối lại lên cao, thì những khu đầm tôm đã chuyển đổi không thể dùng để sản xuất muối được nữa.
Cũng theo Sở NN&PTNT Nam Định, hiện diện tích sản xuất muối đã giảm khoảng 40% so với trước đây. Cao điểm, năm 2007, toàn tỉnh có 36ha diện tích ruộng muối bị diêm dân bỏ hoang. Vận động, thuyết phục cùng với chính sách khuyến khích bà con đã sản xuất trở lại. Nhưng, bao đời nay vẫn vậy, người dân bám vào hạt muối không khấm khá lên nổi, nghèo khó cứ đeo bám, chuyện bỏ nghề tha hương vẫn diễn ra ồ ạt.
Theo ANTD
Sông Tích bao giờ sống lại?
Dự án tiếp nước cải tạo sông Tích với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng dù được xem là dự án cấp bách, phục vụ dân sinh nhưng tiến độ thì "rùa bò". Tiến độ đã chậm rõ rệt, nhưng những góc khuất đằng sau siêu dự án nghìn tỷ này cùng với việc sử dụng vốn không tương xứng không khỏi khiến dư luận bức xúc.
Sau khởi công 14 tháng, công trình mới làm được 500m kênh dẫn
Dự án chạy dọc 7 huyện
Ngày 6-10-2010, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú (xã Thuần Mỹ, Ba Vì). Theo đó, dự án chạy dọc qua địa bàn 7 huyện, thị xã của TP như Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ... chạy xuôi sang Chương Mỹ, Mỹ Đức. Diện tích chiếm đất khoảng 72ha với tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách thành phố hàng năm, trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA, BT... và các nguồn huy động khác.
Dự án đặt mục tiêu cấp nước tưới cho 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cải tạo môi trường sinh thái đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống lũ, đồng thời xây dựng đường giao thông kết hợp hai bên bờ...
Dự án chia làm 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công. Giai đoạn 1 từ năm 2010-2013, sẽ tập trung thực hiện đoạn từ Lương Phú về đến cầu Ó, nhằm khôi phục, tiếp nước làm sống lại dòng sông Tích. Giai đoạn này gồm 2 đoạn. Đoạn 1 từ cống lấy nước đầu mối Lương Phú đến cầu Trắng xã Đường Lâm, TX Sơn Tây có chiều dài 27,5km, mức đầu tư của gói thầu này lên tới 2.400 tỷ đồng. Trong đó, đoạn này sẽ đào mới 12km kênh dẫn để lấy nước từ sông Đà vào đoạn 2 đi qua địa bàn TX Sơn Tây có chiều dài 13,5km, từ cầu Trắng đến cầu Ó đoạn 3 từ cầu Ó đến Ba Thá, Mỹ Đức có chiều dài 70km, thực hiện từ năm 2014-2015.
Theo phân công, đoạn 1 và đoạn 3 do Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư đoạn 2 do UBND TX Sơn Tây làm chủ đầu tư như một dự án độc lập. Đoạn 1, Sở NN&PTNT đã giao cho Ban QLDA sông Tích làm đại diện, thực hiện ký Hợp đồng thi công với công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (công ty Bình Minh), là đơn vị được chỉ định thi công hầu hết các gói thầu trọng điểm thuộc dự án. Trong năm 2011, Ban QLDA sông Tích đã ký 2 hợp đồng với công ty Bình Minh. Gói thầu 12a thi công xây lắp phần thủy Cụm công trình đầu mối, trị giá hơn 90 tỷ đồng, ký vào tháng 5-2011 gói thầu 12b toàn bộ phần xây lắp công trình thuộc đoạn I, trị giá hơn 2.100 tỷ đồng, ký vào đầu tháng 12-2011.
14 tháng, hơn 200 tỷ đồng và 500m kênh
Tháng 5-2011, dự án tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích chính thức được khởi công tại xã Thuần Mỹ. Lễ khởi công diễn ra trong sự chứng kiến của hàng nghìn bà con trên địa bàn huyện, cũng như sự quan tâm theo dõi của hàng triệu người dân. Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn giậm chân tại chỗ. Người dân trên địa bàn xã Thuần Mỹ không khỏi thất vọng về một công trình hoành tráng mà lại quá chậm trễ như vậy.
Tại khu vực kênh dẫn đang đào ở trên địa bàn xã Thuần Mỹ, tất cả những gì đơn vị thi công mới làm được là đoạn kênh dẫn dài chừng 500m/12km thi công mái kè sông Đà gần cống lấy nước đầu mối Lương Phú được khoảng 150m và thả được 300m cơ đá hộc dưới nền sông. Ông Nguyễn Đắc Thỏa, Phó Giám đốc Ban QLDA sông Tích cho biết, đến thời điểm hiện tại, hai bên ghi nhận khối lượng thực hiện xây lắp ước đạt chừng 12 tỷ đồng. Đề cập về tiến độ của dự án, ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: "Do ban đầu đã chủ quan về khâu GPMB, tưởng khu vực đất đai cần giải phóng chủ yếu là đất bãi bồi nên thời gian giải phóng sẽ nhanh. Nhưng, khi bắt tay vào làm mới thấy việc xác minh nguồn gốc đất rất phức tạp và mất thời gian". Ban QLDA vừa có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội kéo dài thời gian thi công, bởi, nếu đúng tiến độ như trong quy định phê duyệt thì không thể nào làm kịp.
Theo UBND xã Thuần Mỹ, toàn xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều bị ảnh hưởng bởi dự án sông Tích. Để làm dự án này, xã phải thu hồi gần 50ha đất hoa màu và đất thổ cư của khoảng 1.000 hộ gia đình. Hơn nữa, đại diện xã Thuần Mỹ cũng cho rằng, với dự án này, muốn đấu nối nước từ sông Đà để làm "sống" lại sông Tích thì phải đào sâu ít nhất 14m. Tuy nhiên, việc tiến độ dự án quá chậm so với kế hoạch đã dần làm mất đi niềm tin của người dân. Ông Trần Đình Chúc, xã Thuần Mỹ bày tỏ: "Lúc khởi công làm lớn lắm, bà con khắp làng trên xã dưới kéo đến xem. Nhưng, khởi công rồi thi công, sắp qua 2 năm rồi mà chưa thấy hình hài gì cả. Chẳng hiểu họ làm ăn kiểu gì nữa".
Cũng theo ông Thỏa, đến thời điểm hiện tại, Ban QLDA mới bàn giao được 14,5ha vào tháng 3-2012, trước đó, tháng 5-2011 đã bàn giao 2ha để làm lễ khởi công. Đề cập đến việc có mặt bằng nhưng đơn vị thi công không triển khai, ông Thỏa cho rằng, do mặt bằng bàn giao kiểu xôi đỗ, không có đường vào nên đơn vị thi công không thực hiện được.
Điều đáng nói, ngay sau khi được chỉ định thầu, ký hợp đồng 12a và 12b với Ban QLDA, trong năm 2011, công ty Bình Minh đã được tạm ứng 218 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án. Trong khi, khối lượng thực hiện công việc mới đạt 12 tỷ đồng. Dư luận không khỏi băn khoăn, hơn 200 tỷ đồng còn lại, thời gian qua, đơn vị thi công đã sử dụng làm gì?.
(Còn nữa)
Theo ANTD
Bắt quả tang tài xế vận chuyển hơn 6m3 san hô trái phép Chiều 10-7, nguồn tin từ Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh vừa bắt quả tang xe tải mang biển kiểm soát 79C-00528, do tài xế Lê Đình Du (trú xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) điều khiển đang chở hơn 6m3 san hô vào xã Ninh Xuân, thị xã...