Xót xa bé mắc Covid-19 mặc đồ bảo hộ thùng thình một mình lên xe cấp cứu
Hình ảnh bé gái 5 tuổi dương tính với SARS-CoV-2 phải tạm xa gia đình, đến bệnh viện điều trị trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình so với cơ thể, khiến nhiều người xót xa.
Bé gái 5 tuổi nhiễm Covid-19 một mình lên xe cứu thương đến bệnh viện ( Video: Điều dưỡng Thanh Trúc).
Tối 24/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đăng video do điều dưỡng Nguyễn Thanh Trúc, nhân viên phòng chống dịch Trạm Y tế xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, quay lại hình ảnh bé gái 5 tuổi một mình lên xe y tế của Bệnh viện huyện Bình Chánh, đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19.
Xem hình dáng nhỏ bé, trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng thùng thình, một mình leo lên chiếc xe cấp cứu, khiến cộng đồng mạng không khỏi xót xa.
Cả gia đình nhiễm SARS-CoV-2 khiến bé gái phải một mình lên xe đến bệnh viện điều trị (Ảnh: Cắt từ video).
Được biết, trước đó ba của bé có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và đã được đưa đi điều trị. Mẹ bé là F1 được đưa đi cách ly tập trung. Sau đánh giá nguy cơ, bé được cách ly ở nhà với bà ngoại và dì.
Tuy nhiên, sau đó bà ngoại bé cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được chuyển đi điều trị.
Ngày 23/6, bé có triệu chứng nên được làm xét nghiệm cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, cháu được nhân viên y tế đưa đi điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương.
Theo lời kể của các nhân viên y tế, “thiên thần nhỏ” rất nghe lời hướng dẫn, mặc đồ phòng hộ, tự mình lên xe, vô cùng ngoan ngoãn ngồi yên suốt chặng đường. Được biết bé ở cùng với bà ngoại đang điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Hiện tình trạng của bé ổn định.
Hình ảnh cháu bé một mình bước lên xe trong bộ đồ bảo hộ rộng quá cỡ, khiến nhiều người xót xa (Ảnh: Cắt từ video).
Hiện nay, TPHCM ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ mắc COVID-19. Riêng Bệnh viện Trưng Vương hiện đang điều trị Covid-19 cho 38 trẻ trong độ tuổi từ dưới 1 tuổi đến 11 tuổi. Nguyên nhân trong thời gian này các bé được ở nhà, không đi học và có thể bị lây từ người lớn trong gia đình.
Để tránh lây nhiễm cho con trẻ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM khuyến cáo các bậc cha mẹ, người lớn trong gia đình cần có trách nhiệm, tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế), tuân thủ quy định trong khu phong tỏa, khu cách ly.
Đội chuyển hàng cho gần 10.000 cư dân khu phong tỏa
Gần 40 người tự trang bị đồ bảo hộ, lập đội dùng ôtô chở thức ăn, đồ sinh hoạt cho từng hộ dân bị cách ly ở chung cư Ehome 3 - ổ dịch gần 100 ca nhiễm.
8h ngày 24/6, chị Dương Thùy, 33 tuổi, nhân viên văn phòng mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo mũ ngăn giọt bắn, bao tay cẩn thận kiểm tra từng bịch nylon chứa thức ăn, đồ dùng sinh hoạt để giao cho gần 10.000 cư dân Ehome 3 đang bị cách ly trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân. Đây là đồ của các mạnh thường quân hỗ trợ hoặc các cư dân đặt mua đêm đến gửi tại chốt.
Đội chuyển hàng nhận thực phẩm, phun khử trùng trước khi chở vào cho người dân ở chung cư Ehome 3. Ảnh: Đình Văn
Từng túi hàng được chị Thùy cẩn thận dùng viết lông đánh số lô chung cư, căn hộ, số điện thoại để tránh bị thất lạc. Cạnh chị gần chục người khác trong "Đội chuyển hàng tình nguyện" phun khử khuẩn, khiêng đồ đạc chất lên một chiếc ba gác và hai ôtô bán tải đang chờ sẵn để chở vào cổng chung cư cách đó hơn một km. Từ đây, từng túi đồ sẽ được nhóm khác chuyển đến sảnh của 14 block để người dân bị lấy.
Hơn một tuần kể từ lúc chung cư bị phong tỏa, chị Thùy cùng hàng chục người từ bác sĩ, kỹ sư, nhân viên văn phòng đến nội trợ..., đều là cư dân ở chung cư, đã thay phiên nhau hai buổi vận chuyển hàng: từ 8h-11h30 và 14h-17h30.
Chị Thùy cho biết, ý định lập đội hỗ trợ xuất phát từ khi block 3A chị sống bị phong tỏa do ở tầng hai và tầng chín xuất hiện 7 ca nhiễm cách đây hơn một tuần. Nhận thấy 80 hộ dân ở hai tầng này bị thiếu thức ăn, đồ sinh hoạt vì phải cách ly, không được ra khỏi nhà nên chị đã kêu gọi cộng đồng cư dân cùng Ban quản lý chung tay giúp đỡ họ. Ban đầu, chỉ có gần chục người tham gia, về sau khi Ehome 3 trở thành ổ dịch lớn nhất quận Bình Tân, số thành viên đã tăng lên gấp bốn lần.
Với chị Thùy, việc khó nhất của đội là giao thực phẩm cho các hộ ở tầng có ca nhiễm hoặc F1 - nơi cư dân không được ra khỏi nhà, chỉ có thể chờ nhận tiếp tế từ bên ngoài. Hàng ngày, chị phải đi lên xuống các lầu hàng chục lần để mang đồ ăn đến trước cửa từng nhà, bỏ vào giỏ nhựa đựng phía trước rồi gõ cửa báo hiệu cho người ở trong ra nhận. "Khi nghe tiếng người nói cảm ơn từ đằng xa tôi thấy ấm lòng lắm", nữ nhân viên văn phòng nói.
Nhiều cư dân bị cách ly còn nấu bữa trưa, tối bỏ vào túi nolyn treo trên tay cửa trước nhà của các thành viên trong đội để "tiếp sức". "Lúc đầu, ba mẹ nói tôi lo chuyện bao đồng rồi rước bệnh vào người, nhưng những ngày qua khi thấy nhiều người cùng chung tay họ đã hiểu", chị Thùy nói và cho biết, việc phải tiếp xúc thường với những người có nguy cơ lây nhiễm cao khiến các thành viên trong đội luôn ý thức phòng dịch.
Nhiều xe bán tải, ôtô 7 chỗ được huy động để chở hàng tấn hàng mỗi ngày. Ảnh: Đình Văn
Tự tay lái chiếc 7 chỗ đã được tháo rời ghế để làm chỗ để hàng, anh Nguyễn Trí Đạo, 40 tuổi, kinh doanh dịch vụ vận tải nói, đã cùng 4 người khác lấy xe bán tải, ôtô của mình để chở nhiều tấn đồ đạc mỗi ngày. Anh cùng những thành viên nam được phân nhiệm vụ khuân vác đồ từ chốt phong tỏa lên xe chở về các block một cách thật nhanh để kịp giờ cho các gia đình nấu cơm trưa và tối. "Có ngày phải vác mấy chục bao gạo 50 kg, bình gas, tối về tôi bị đau nhức hết người nhưng vẫn cảm thấy vui vì giúp được cho hàng xóm", anh Đạo nói.
Cùng với việc vận chuyển hàng hóa, đội còn luân phiên nhắc nhở người dân ở chung cư chấp hành việc phòng dịch như: bỏ rác y tế đúng quy định, không ra khỏi nhà để tập thể dục, đi bộ hay mới đây giúp bé gái 2 tuổi bị té gãy tay đi cấp cứu...
Theo ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch phường An Lạc, đội tình nguyện vận chuyển thức ăn ở Ehome 3 đã "giảm bớt gánh nặng" cho lực lượng địa phương, giúp hàng nghìn hộ dân cải thiện đời sống trong thời gian bị cách ly. Những người tham gia đều là cư dân nhưng được lựa chọn theo tiêu chí nơi ở phải cách xa F1, F2 và đã được nhân viên y tế hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng dịch.
"Đây là nghĩa cử cao đẹp của những hàng xóm láng giềng hỗ trợ nhau vượt qua thời gian nơi ở bị phong toả do dịch bệnh", ông Giang nói.
Trên mỗi túi hàng được ghi thông tin người nhận để tránh bị thất lạc. Ảnh: Đình Văn
Hai tháng sau đợt bùng dịch lần 4, TP HCM ghi nhận 2.236 ca, xếp thứ hai cả nước, sau Bắc Giang (gần 5.500 ca). Quận Bình Tân là địa phương có số ca nhiễm cao nhất với 351 ca (tính đến ngày 24/6), trong đó chung cư Ehome 3 được xác định là ổ dịch với gần 100 ca. Từ 0h ngày 20/6, TP HCM đã phong tỏa ba khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, với khoảng 60.000 người tại khu vực xung quanh chung cư này để phòng chống Covid-19.
Chuyện về những "đôi bàn tay đẹp nhất" nơi tuyến đầu chống dịch Bỏ ra bộ đồ bảo hộ kín mít là không chỉ là bộ quần áo ướt sũng mồ hôi mà còn là những thương tích hằn rõ lên khuôn mặt, đôi tay, tấm lưng... của những con người đang hàng ngày tiếp xúc nguy cơ lây nhiễm đầu tiên. Trong những ngày vừa qua, cả nước căng mình bước vào cuộc chiến chống...