Xót lòng khi cơm bụi tăng giá
Sau đợt tăng giá xăng, cộng với giá gas tăng mấy tuần trước, nhiều mặt hàng thực phẩm cũng đang thấp thỏm tăng theo. Vì thế, các quán cơm bình dân, cơm sinh viên trên địa bàn Hà Nội đã “đi trước đón đầu” tăng giá các suất cơm.
Tăng gần 20%
Trước đây, những người lao động có thu nhập thấp, sinh viên thường đến các quan cơm bình dân với chất lượng cơm vừa phải nhưng giá khá rẻ. Trung bình một suất cơm giá chỉ khoảng từ 15 – 17 nghìn đồng, với 3 món và một bát canh.
Thế nhưng, hiện nay nếu gọi suất cơm như vậy thì rất khó để có được một suất cơm “ăn được”. Bạn Đinh Thu Ngàn, sinh viên trường ĐH Thủy Lợi thường ăn ở một quán cơm bình dân bên cạnh trường chia sẻ: “Trước tết, mình gọi suất cơm 17 nghìn vẫn có mấy miếng thịt kho, 2 miếng đậu, 1 quả trứng và một ít rau. Nhưng kể từ một tuần nay, mình vào gọi suất như vậy thì chủ quán bảo không bán được. Mình hỏi tại sao thì chủ quán bảo là giá tăng”.
Anh Ngô Tràng Hậu, chủ một quán cơm trên đường Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân nói: “Bình thường trước quán tôi bán một suất là 17 nghìn, khách cũng thường ăn với mức giá như vậy. Nhưng nay phải tăng lên 20 nghìn rồi. Như vậy, giá các suất cơm tăng gần 20% so với trước nên cũng khó bán hơn”.
Anh cho biết thêm, quán của anh cũng có thể bán được với mức giá 17 nghìn/ suất nhưng “Bán suất 17 nghìn tôi không có công, lãi không được tí nào hoặc không thì người ăn cũng sẽ không no bụng”, anh thật thà chia sẻ.
Cơm bụi tăng giá, sinh viên chịu cảnh đói bụng. (Ảnh: Đức Tình)
Trước tết, chi phí một ngày để anh lấy thực phẩm là 1,2 triệu đồng, nhưng nay phải tăng lên 1 triệu rưỡi đến 2 triệu. “Giá mọi thứ đều tăng nên mình cũng bắt buộc phải tăng thôi. Nay với một suất cơm, nếu lấy khéo lãi chỉ được 3 đến 4 nghìn, mạnh nhất là 6 nghìn”, anh Hậu nói.
Video đang HOT
Theo chủ quán cơm của chị Nguyễn Thị Yến trên đường Khương Trung, giá nhiều mặt hàng thiết yếu chị hay lấy đều tăng: giá một viên than tổ ong tăng từ 2.000 lên 2.400 – 2.500 đồng, gạo giá 16.000 đồng/kg nay tăng lên 18.000 đồng/kg, rau củ tăng một vài giá, dầu Trường An tăng từ 650.000 đồng/20 lít lên 690.000 đồng, rồi giá xăng, giá gas tăng theo giá thị trường nữa…
Nhiều mặt hàng tăng như vậy khiến suất cơm thông thường của quán cũng tăng từ 20.000 lên 22.000-25.000 đồng. Trung bình tăng 10-15% một suất. Một suất 20.000 đồng nay chỉ có thể là 1 khúc cá, 1 quả trứng, một ít rau. Chị chia sẻ: “suất cơm giá thấp chị cũng có thể bán nhưng hạn chế thôi, chúng lãi rất ít do cùng một số bát đĩa, một bát canh, 1 bát nước chấm giống như suất lớn hơn”.
Chị Yến ví dụ cụ thể: “một cân sườn có giá khoảng 110.000 đồng, có thể chặt trung bình được 24 miếng. Như vậy, mỗi miếng sườn khi mua giá hơn 4.500 đồng. Cộng với chi phí cho dầu, đường, muối, ớt, giấm… nó đã lên đến 6.500 đồng rồi, chưa kể các chi phí khác, mà bán ra chỉ là 7.000 đồng/miếng. Lãi được ít quá, chị đành phải tăng thôi”.
Theo khảo sát, các quán cơm bình dân quanh khu vực kí túc xá Mễ Trì, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi đi Hà Đông tăng giá trong khoảng từ 3.000 đến 5.000 đồng/suất. Các quán cơm sinh viên quanh khu vực các trường ĐH Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Mở… giá tăng hơn một chút, khoảng từ 5.000 đến 7.000 đồng/suất. Trong khi đó, quanh khu vực Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, với các trường ĐH như ĐH Quốc Gia HN, ĐH Thương Mại, HV Báo chí & Tuyên truyền, Sư Phạm… thì mức giá tăng vừa phải, tầm từ 4.000 đến 5.000 đồng/suất.
Tăng giá các quán cơm bình dân, cơm sinh viên có lẽ là một “cực hình” với các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên không có điều kiện nấu nướng ở nhà. Bạn Nguyễn Văn Sáng, sinh viên trường ĐH KHXH&NV nói: ” Trước đây mình thường ăn suất cơm 20.000 đồng, trung bình một tháng khoảng 1,2 triệu đồng. Nhưng nay phải tăng một suất cơm lên 5.000 đồng rồi, đành phải dành hơn 1 triệu ruỡi tiền ăn mà cũng không nhằm nhò gì. Tiền ăn tăng bố mẹ phải cực lòng gửi thêm cho mình “.
Với Sáng thì phải tăng tiền ăn, nhưng với nhiều bạn sinh viên khác không có điều kiện tăng, thì họ tìm đủ mọi cách đối phó để cắt giảm chi tiêu. Từ việc nhịn ăn sáng, cắt giảm chi phí xăng xe đi lại, bớt mua sắm các vật dụng, quần áo, quà cáp, đến việc thay thế các suất cơm bình dân bằng các món ăn nhanh như mì tôm, bánh mỳ. Cận thận, chu đáo hơn, có bạn còn tự nấu nướng khi rảnh để giảm chi phí ăn ngoài.
Đói bụng vì tăng giá
Bạn Bùi Thị Liên, sinh viên trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thương mại chia sẻ: ” Từ khi các suất cơm bình dân tăng giá, mình với mấy bạn cùng phòng góp tiền mua bếp gas về tự nấu. Đôi khi mất công một chút, cực hơn một chút vì 11h30 mới đi học về mà vẫn phải lật đật đi chợ, rồi mò mẫm nấu cơm. Nhưng được cái rẻ hơn ăn ngoài nhiều”.
Còn Anh Tri, một công nhân xây dựng hay ăn trên một quán cơm bình dân ở Tôn Thất Tùng bộc bạch: ” mỗi ngày làm công tôi chỉ được khoảng 150.000 đồng, nên trước đây tôi ăn suất cơm 20.000 cũng thấy ngon, đủ các món thịt, trứng, rau, canh. Nay tăng giá rồi nên đành phải ăn ít hơn, không dám tăng tiền suất ăn. Đôi khi đang làm mà lả đi vì đói”.
Với những công nhân bốc vác, phụ hồ, làm thuê thì thu nhập của họ thường nằm trong khoảng 120.000-170.000 đồng/ngày mà tiền ăn đã mất hơn 50.000 đồng/ngày, rồi tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, thực khó để họ có thể dành dụm một ít tiền gửi về quê. Anh Nguyễn Văn Thuyên, một công nhân ở Hà Đông nói: “Khu tôi ở toàn công nhân làm thuê. Từ khi giá cơm tăng, hàng ngày khu trọ cắt cử nhau thay phiên nấu cơm cho cả tập thể. Chịu khó một tí cho đỡ tốn. Chúng tôi còn hay tìm đến các chợ đầu mối để tìm hàng rẻ nữa”.
Bắt buộc phải tăng giá, nhưng xu thế chung của các quán cơm bình dân là tăng vừa phải, chỉ ở mức 4.000 đến 5.000 đồng. Nhiều quán cơm vẫn bán các suất cơm với giá trước cho một số khách quen để giữ khách, có thể cơm không ngon như trước nhưng đủ các món. Hay sử dụng các nguyên liệu rẻ, chỉ mất công chế biến hay bớt một chút khẩu phần ăn của khách.
Chị Yến chia sẻ: “Khách trong quán chị đều là những người lao động, sinh viên không mấy dư dả, chị bán hàng còn phải nhìn người để cho suất cơm phù hợp nữa. Bớt một thứ một tí là cách của chị để không tăng quá cao giá các suất cơm cho khách”.
Theo Bưu Điện VN
TP.HCM: Mánh khóe găm hàng của các chủ cây xăng
Nhiều bạn đọc phản ánh một số cây xăng tại khu vực quận Tân Bình, Tân Phú (TPHCM) có dấu hiệu găm hàng bằng hình thức đóng cửa sớm trong tối ngày 5/3.
Cụ thể là cây xăng Rồng Phụng ở số 560A Hồng Lạc, quận Tân Bình; Cây xăng Lan Anh ở góc đường Âu Cơ - Lũy Bán Bích, quận Tân Phú; Cây xăng Phú Hoàng trên đường Bàu Cát, quận Tân Bình đã đóng cửa, không bán trong khi chưa đến 22h tối.
Tuy nhiên, theo xác minh của Dân trí trong ngày 6/3 thì việc các cây xăng này đóng cửa vào tầm giờ trên là bình thường, không có hiện tượng đột ngột ngừng bán với mục đích găm hàng, chờ giá lên.
Ngày 6/3, tất cả các trụ xăng của cây xăng Rồng Phụng đều hoạt động bình thường
Ông Trần Nguyên Bình, quản lý cây xăng Rồng Phụng cho biết: "Cây xăng chúng tôi nằm trong khu dân cư, không phải ở quốc lộ nên không bán suốt ngày đêm. Thường thì sau 21h tối thì khách đã vắng, cây xăng chúng tôi từ trước đến nay đều đóng cửa, dọn dẹp tầm 21h30; gần 22h thì kéo cổng, nhân viên nghỉ làm".
Chủ 1 trong những cây xăng trên khẳng định mình chưa bao giờ từ chối phục vụ khách, không vi phạm quy định nào của nhà nước. Tuy nhiên, ông này cũng cho biết là hiện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều rất khó khăn, "bán lít (xăng dầu - PV) nào, lỗ lít đó", trong khi nhà nước không cho tăng giá thì nhiều chủ cây xăng tìm đủ mọi cách để giữ hàng là điều dễ hiểu.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM thì trong tháng 2, chi cục đã thực hiện nhiều đợt thanh tra đột xuất tình hình bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo chỉ đạo của TP và phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm với các mánh khóe găm hàng rất tinh vi...
Chẳng hạn như trường hợp cây xăng của DNTN Nam Phú Đạt tại số 141A Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12 có 3 trụ xăng A92 nhưng chỉ mở bán 1 trụ và mỗi lần bán tối đa chỉ 20 ngàn đồng. Trong khi đó, bồn xăng của cây xăng này vẫn gần 10.000 lít xăng và gần 9.000 lít dầu.
Cây xăng ở số Tùng Thiện Vương, phường 5, quận 8 bán cho xe máy thì thoải mái nhưng cơ quan chức năng lại phát hiện cây xăng này chỉ bán cho các xe ô tô tối đa là 200 ngàn đồng/lần.
Nhiều cây xăng khác thì găm hàng bằng hình thức đóng cửa, nghỉ bán sớm hoặc nghỉ bán hẳn. Như các cây xăng ở số 10/4 và ở số 2/20 quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) bị phát hiện đóng cửa vào lúc 19h tối ngày 18/2; trong khi đó, thường ngày hai cây xăng trên đóng cửa vào lúc 22h.
Có cây xăng lấy lý do cúp điện để nghỉ bán như trạm xăng dầu An Phú Cường tại địa chỉ 679 Nguyễn Duy Trinh, quận 2. Trạm xăng này đã bị lực lượng chức năng lập biên bản vì phát hiện khu vực xung quanh vẫn có điện nhưng cây xăng này lại lấy cớ là cúp điện để nghỉ bán. Hai cây xăng tại số 18/9B và số 317 đường Lê Lợi (Hóc Môn) lại lấy lý do sửa trụ bơm để nghỉ bán...
Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM thì thời gian tới Chi cục vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra tình hình bán lẻ xăng dầu, sẽ xử phạt ngay nếu phát hiện tình trạng găm hàng, chờ giá. Đồng thời chi cục cũng đã kiến nghị UBND các quận huyện hỗ trợ giám sát các hành vi trên.
Theo Dân Trí
Nhọc nhằn mưu sinh bằng "quán cơm bụi di động Người Hà Nội vốn khá thân thuộc với những gánh hàng rong ngày ngày vẫn qua lại trên những con phố bán hoa quả, bún miến... Nhưng thời gian gần đây, ở một số điểm công cộng người ta còn bắt gặp những gánh cơm di động. Một "quán cơm di động" ở gần Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: Phương Chi/Vietnam ) Cơ...