Xót con liễu yếu đào tơ
Về làm dâu trong một gia đình buôn bán giàu có bậc nhất thành phố, Nhi không khỏi ngỡ ngàng.
Nhà Quân và Nhi chỉ cách nhau một ngõ phố. Nhìn tấm thiệp mời của họ, ai cũng trầm trồ bởi gia đình hai nên đều giàu sang, có địa vị trong xã hội.
Con đường công danh, sự nghiệp, tương lai rạng ngời phía trước cùng với cuộc sống vật chất đầy đủ của đôi vợ chồng trẻ sau ngày cưới, đã làm không ít người thầm ước ao, ghen tỵ.
Những tưởng tình yêu được xây dựng trên một nền tảng vững chắc về vật chất, được đảm bảo che chắn mọi mặt sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, hoàn hảo. Nào ngờ, chỉ sau 3 năm, tình yêu của đôi trẻ lại chông chênh, chao dảo, đứng trên bờ vực tan vỡ. Nguyên nhân không phải vì tình yêu phai nhạt, mà bởi chính sự xung đột của bố mẹ hai bên.
Video đang HOT
Về làm dâu trong một gia đình buôn bán giàu có bậc nhất thành phố, Nhi không khỏi ngỡ ngàng khi mọi phép tắc, cách cư xử đều khác xa so với nhà mình. Thật lòng, Nhi không phải là mẫu con dâu mà mẹ chồng muốn chọn. Bởi vậy, ngay từ đầu, bà đã quyết tâm uốn nắn, dạy bảo con dâu đến nơi, đến chốn.
Vốn là một tiểu thư đài các, được nuông chiều từ nhỏ, ngoài việc học hành, Nhi không phải làm bất cứ việc gì thành ra khi về nhà chồng, cô cứ lóng nga lóng ngóng. Buổi sáng ở nhà mẹ đẻ, phải gọi năm lần, bảy lượt cô mới chịu dậy. Còn ở nhà chồng thì phải dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.
Gia đình chồng có người giúp việc, nhưng mẹ chồng muốn cô phải làm cho quen việc nhà. Dù không thích, nhưng Nhi vẫn phải làm. Có hôm mệt nhoài, thở không ra hơi, Nhi vừa làm vừa khóc. Nhất là khi Nhi ốm nghén, ăn uống không được, suốt ngày nôn ọe, mẹ chồng lại hạn chế ăn để không phải bị nôn. Có thèm ăn cũng cố mà nhịn.
Điều trái khoáy nhất là mẹ chồng cứ bắt con dâu phải son phấn suốt ngày. Lúc nào bà cũng mát mẻ: Khách khứa vào ra, con dâu nước da tái xanh, tái xám như người thiếu ăn, không khéo họ lại bảo tôi keo kiệt, hành hạ con dâu… Đã thế, Quân lại nghe lời mẹ.
Gia đình chồng có người giúp việc, nhưng mẹ chồng muốn cô phải làm cho quen việc nhà. Dù không thích, nhưng Nhi vẫn phải làm. (ảnh minh họa)
Mới về nhà chồng chưa được bao lâu, bao nhiêu ấm ức đã tích tụ. Khi không chịu được nữa, Nhi chạy về nhà kể với mẹ rồi lục lọi đồ ăn, ăn lấy ăn để như bị bỏ đói lâu ngày. Thấy con gầy xọp, lại phải chịu khổ với mẹ chồng, mẹ Nhi xót con, bắt đầu tìm cách giữ con gái ở lại nhà để bồi dưỡng, nghỉ ngơi.
Lúc đầu, mẹ chồng Nhi không nói gì, nhưng thấy cô con dâu suốt ngày ở bên nhà mẹ đẻ, bà đánh tiếng không đồng ý. Mẹ Nhi mát mẻ: “ Con gái tôi liễu yếu đào tơ, từ nhỏ đến lớn không phải đụng chân, đụng tay làm việc nhà, mới sang đó, chân ướt chân ráo đã làm hết việc. Nếu cần thì cứ để con bé ở lại bên này, tôi nuôi cả đời“.
Theo phong tục người Quảng Trị, sinh con đầu lòng con gái về nhà mẹ đẻ. Dù chưa đến ngày con gái sinh nở, bố mẹ Nhi vẫn đưa con về nhà mình nghỉ dưỡng mà không cần để ý đến thái độ của ông bà thông gia.
Khi cháu ngoại đã gần một năm, lấy cớ bà ngoại đã nghỉ hưu, hai mẹ con Nhi vẫn chưa chịu về ở hẳn bên nội. Thỉnh thoảng có người đến chơi, mẹ Nhi lại nựng cháu: “ Cháu bà nội, tội bà ngoại đây“.
Dường như những lời nói dù vô tình hay cố ý ấy cũng đã đụng chạm đến lòng tự ái của bố mẹ Quân. Vậy là từ chỗ không vừa ý đến trách móc, bêu riếu lẫn nhau. Trước đây, mỗi khi có dịp, hai gia đình tổ chức gặp mặt liên hoan vui vẻ, nhưng bây giờ thì nhà ai biết nhà đó.
Gặp nhau mặt nặng mày nhẹ, bóng gió chỉ trích nhau. Ai cũng nghĩ con mình là số một. Chính thái độ, cách cư xử của bố mẹ hai bên đã làm cho con trẻ bối rối, khó xử.
Là cha mẹ, ai cũng muốn con cái mình hạnh phúc, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau. Nhưng khi con cái đã lập gia đình riêng, hãy để con tự lập xây dựng cuộc sống của mình. Bố mẹ hai bên không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của các con.
Trong một chừng mực nào đó, mối quan hệ thông gia nên xư xử một cách đúng mực, tôn trọng, kính nể lẫn nhau.
Theo Eva