“Xong nhiệm vụ, bố về”
Tiếng nói cười, thúc giục nhau xếp khay cơm cho chỉn chu, kiểm tra nắp hộp canh cho kỹ khiến bếp ăn của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng – một trong nơi cách ly tập trung dành cho các công dân về nước trong thời điểm dịch COVID-19 – luôn rộn ràng.
“Gần 1 tháng nay, 28 anh em chiến sĩ tại đây chưa được về thăm gia đình, mọi người nhớ nhà lắm chứ nhưng không ai nói ra. Con gái gọi thì chỉ nói, xong nhiệm vụ bố về” – các chiến sĩ chia sẻ.
Phút chia tay với đoàn công dân về nước hoàn thành cách ly đợt đầu tiên, các chiến sĩ chuẩn bị về thăm nàh thì nhận được lệnh tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ
Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng hiện đang là nơi cách ly tập trung của 195 công dân, trở về từ 23 quốc gia trên thế giới.
“Khác với đoàn công dân đợt 1 khi đa phần là du học sinh từ Hàn Quốc thì tại Trung tâm đang có cả người lao động, các du học sinh, nghiên cứu sinh… Nhiệm vụ của chúng tôi cũng có nhiều thay đổi, sao cho việc phục vụ các công dân được tốt nhất” – đại tá Lê Bá Vương – Trợ lý Phòng Chính trị, Phó chỉ huy Khung tiếp nhận tại Trung tâm chia sẻ.
Bếp ăn của Trung tâm luôn tất bật chuẩn bị những bữa cơm cho công dân.
Nếu mỗi ngày của các công dân cách ly tại Trung tâm bắt đầu bằng việc tập yoga, đi bộ thong thả trong khu vực quy định thì các anh nuôi đã phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng cho hơn 200 người.
“Bà con ăn sáng xong thì chúng tôi lại chuẩn bị nấu bữa trưa. Rồi dọn dẹp, rồi lại chuẩn bị nấu bữa tối, rồi lên danh sách nhu yếu phẩm, thực phẩm cần cho ngày hôm sau” – anh Vương cho hay.
Là những người trực diện tiếp xúc gần với công dân Việt Nam từ các nước về, anh em tại Trung tâm thường xuyên được nhắc nhở phải ứng xử đúng mực, vừa tuân thủ các quy định khi tiếp xúc cần đứng cách xa bao nhiêu là an toàn nhưng cũng không được có hành động kỳ thị hay quá mức để người dân khó chịu.
Video đang HOT
Thượng úy Hà Tiến Dũng – Trợ lý hậu cần Khung tiếp nhận thuộc Trung tâm cho hay, khác với nhiều nơi, tại Đà Nẵng, tình trạng người thân tiếp tế đồ ăn vào không nhiều vì các chiến sĩ giải thích rõ, với những đồ ăn bà con muốn đưa vào khu cách ly phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vì “ở trong khu cách ly mọi người đã ít vận động thì việc ăn uống phải cẩn thận mới bảo vệ được sức khoẻ”.
Thực hiện nhiệm vụ từ đợt đầu tiên đón công dân về nước, anh Dũng cho biết, trong ngày 17.3, anh em nhận tin có thể tranh thủ về thăm nhà.
Gần một tháng nay, anh Dũng cùng đồng đội đón hàng trăm lượt công dân về nước ở khu cách ly tập trung.
“Sáng hôm đó tiễn các công dân xong thì anh em dọn dẹp để tổng vệ sinh. Đến 5 giờ chiều, tôi về gần tới cổng nhà thì nhận lệnh phải quay lại để chuẩn bị đón đoàn công dân tiếp theo. Nhiều anh em thậm chí chưa kịp rời khỏi đơn vị nên gần như tất cả 28 người đang công tác tại đây đều chưa được về nhà gần 1 tháng nay.
Con gái 3 tuổi mỗi lần gọi là lại khóc hỏi sao ba chưa về. Có lần vợ chở con đến tận cổng trung tâm, gọi bố ra cho con nhìn mặt chút nhưng tôi cương quyết, nói hai mẹ con về đi. Xong nhiệm vụ bố về” – anh Dũng nói.
Đang trò chuyện, anh Dũng quay qua chỉ đạo anh em trong nhóm sắp xếp thức ăn, chuẩn bị vận chuyển vào khu vực cách ly.
Gạt nỗi nhớ gia đình, các chiến sĩ luôn vui vẻ làm việc, phục vụ từng bữa cơm, canh từng giấc ngủ cho bà con.
“Động lực lớn nhất với anh em tại Trung tâm là từ khi tiếp đón công dân về nước đến nay, chỉ có người “than” cơm và thức ăn các anh chuẩn bị hơi nhiều. Chúng tôi cũng thường xuyên hỏi thăm vì sợ có bà con ở Châu Âu, Mỹ về sẽ không hợp khẩu vị thức ăn mình, nhưng may sao mọi người đều hài lòng với cách phục vụ của các chiến sĩ, người dân vui thì anh em cũng vui. Nhiệm vụ này còn dài lắm, mọi người cùng cố gắng” – anh Dũng tâm sự.
Còn với đại tá Lê Bá Vương, vốn công tác ở quê hương Bình Định, nhưng hơn một năm nay anh chuyển công tác về Đà Nẵng để tiện về với vợ con (đang sống ở Huế). Bình thường cứ hai, ba tuần anh lại tranh thủ về thăm vợ con, nhưng nay đã là tuần thứ 4, anh chỉ nói chuyện hai mẹ con qua chiếc điện thoại.
Nhớ gia đình nhưng hàng trăm công dân đang cần mình nên những người lính vẫn phải hẹn “xong nhiệm vụ, bố về”
Con trai năm nay chuẩn bị lên lớp 1, mỗi lần gọi cho bố lại nói nhớ, khiến lòng người lính lại cồn cào. “Bình thường tôi cũng hay đi công tác, nhận nhiệm vụ xa nhà thời gian dài, gia đình cũng quen với việc này. Thế nhưng, nỗi nhớ và nỗi lo lần này lại có chút khác hơn khi dịch bệnh đang bùng phát” – anh Vương chia sẻ.
Khi hỏi về tâm tư của các chiến sĩ, cán bộ tại Trung tâm, anh Vương cười nói: “Ai mà chẳng nhớ nhà nhưng anh em không bao giờ nói ra, để giữ tinh thần làm việc. Nhiệm vụ này còn dài lắm. Hẹn con, xong nhiệm vụ, bố về”.
THUỲ TRANG
Đề xuất thu phí ăn, ở của người cách ly dịch Covid-19: Người dân nói gì?
Phụ huynh có con ở khu cách ly tập trung đều mong muốn được đóng góp chi phí sinh hoạt cho người thân, để chia sẻ, đồng hành cùng Nhà nước chống dịch lâu dài.
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đề xuất cụ thể việc thu phí (ăn, ở...) của những người cách ly.
Đề xuất trên thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhiều người đồng ý với chủ trương của Chính phủ. Người dân cho rằng công tác phòng chống dịch còn cả chặng đường dài, tốn kém nhiều chi phí, nên những người ở khu cách ly tập trung cần chung sức đồng hành cùng Nhà nước.
Trả lời VTC News, chị Nguyễn Thị Hương (trú tại Ba Đình, Hà Nội) - phụ huynh có con gái là du học sinh tại New York, Mỹ đang được cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị hoàn toàn đồng ý việc thu chi phí ăn, ở tại khu cách ly.
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có thể phục vụ khoảng 2.000 người tập trung cách ly.
"Tôi hoàn toàn đồng ý về việc đóng phí ăn, ở cho cô con gái đang ở khu cách ly tập trung. Bởi vì, cuộc chiến chống dịch ở nước ta còn rất dài và tốn kém nhiều chi phí. Nếu nhà tôi có điều kiện cho con gái đi ăn học ở nước ngoài, thì việc đóng phí là điều hoàn toàn có thể", chị Hương nói.
Theo vị phụ huynh này, Việt Nam là nước đang triển khai rất tốt trong việc dập dịch Covid-19 và điều trị tốt hơn ở các nước khác, dân và Đảng đang rất đồng lòng. Bởi vậy, khi cô con gái về nước chị rất yên tâm.
Chị Hương kể lại, khi con gái chị từ Mỹ về sân bay Nội Bài và đến nơi cách ly đều được các lực lượng chức năng chuẩn bị, phục vụ chu đáo.
"Tôi thấy các khâu tiếp đón, phục vụ của lực lượng chức năng là khá chuẩn chỉnh, nhất là thái độ phục vụ rất tốt", chị Hương chia sẻ.
Đồng quan điểm với chị Hương, chị Nguyễn Thanh Hà (42 tuổi, trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) - phụ huynh có con ở khu cách ly tập trung nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, cho rằng, việc đóng phí ở khu cách ly là điều nên làm, bởi những người cho con đi du học đều là những người có điều kiện.
Chị Hà tiếp tế đồ ăn cho cô con gái ở khu cách ly tập trung
"Những người có con đi học ở nước ngoài đều tốn kém rất nhiều, họ chả có lý gì để xin miễn phí tiền ăn, ở cả. Bản thân tôi cũng muốn đóng góp bởi các lực lượng chức năng, Nhà nước đều vất vả, vì vậy, tôi vui vẻ sẵn sàng muốn đỡ gánh nặng cho Chính phủ", chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, đối với những trường hợp lao động Việt Nam ở nước ngoài về nước thì việc đóng chi phí ăn ở tại khu cách ly tập trung là điều không quá khó.
Nhìn nhận về việc dư luận phản ánh việc những người ở nước ngoài về Việt Nam tránh dịch, làm gánh nặng cho nhiều người, bản thân chị Hà cho rằng, bản thân những người như chị là cha, là mẹ thì đều lo lắng cho con cái nên ai cũng muốn cho con về nước để an toàn.
Trong khi đó, chị Lan (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc thu phí ăn, ở tại khu cách ly là biện pháp nhằm giảm tải gánh nặng kinh tế lên Chính phủ, Nhà nước. Để từ đây, chúng ta có nguồn lực chi viện cho những hoạt động phòng chống dịch Covid-19.
"Theo tôi, chúng ta có thể thu phí theo phân loại nhóm. Đối với nhóm F1 (người Việt từ nước ngoài trở về nước) là nhóm có số lượng đông nhất nên áp dụng mức thu phí, bởi số lượng người về mỗi ngày lên đến hàng nghìn người. Còn với nhóm F2 là những người tiếp xúc trực tiếp với F1, nhưng họ không biết mình nói chuyện với người nhiễm bệnh nên nhóm này có thể được hỗ trợ phần nào chi phí. Nhóm F3 là những người tiếp xúc với F2 thì được cách ly tại nhà thì nên hỗ trợ", chị Lan chia sẻ.
Hiện tại, chị Hà, chị Hương hay những người khác cũng thể hiện bằng những hành động thiết thực như nhắn tin ủng hộ qua điện thoại, tham gia các hoạt động tặng nước rửa tay, xà phòng để ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19.
TP.HCM sử dụng thêm một số ký túc xá để cách ly tập trung Hai ký túc xá ở quận 9 và huyện Hóc Môn (TP.HCM) với quy mô 2.000 giường sẽ bắt đầu tiếp nhận người được cách ly tập trung trong chiều tối nay và ngày mai (25-3). Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin như trên tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM chiều...