Xóm ve chai lao đao trong bão giá
Nếu mấy năm trước nghề buôn bán phế liệu (ve chai) ở Huế đem lại thu nhập ổn định cho những người dân nghèo thì hiện nay lượng người hành nghề này ngày càng ít bởi lợi nhuận mang lại chẳng tăng được bao nhiêu.
Buồn, vui chuyện nghề
Người đầu tiên chúng tôi may mắn gặp được là chị Thắm (47 tuổi) là người có thâm niên trong nghề buôn bán ve chai ở đây. Đó là một người phụ nữ già trước tuổi, bàn tay chai sạn, dáng điệu khắc khổ bởi sự tàn phai của nắng và gió.
Chị kể: “Ở xóm tui, đa phần là dân tứ xứ vì làm ăn thất bát nên đến đây sống. Có người quê ở mấy tỉnh lẻ, cứ sau mỗi vụ mùa là dành thời gian mấy tháng lên đây để hành nghề ve chai kiếm thêm thu nhập. Còn tui rời quê đến đây theo cái nghề này ngót nghét mười lăm năm trời”.
Cũng theo chị Thắm, ban đầu tại xóm này cũng tập trung đủ thành phần người, làm đủ mọi nghề: Bốc vác, bán vé số, làm thuê… nhưng rồi thu nhập khi có khi không cho đến khi gặp một số người lượm ve chai, chị Thắm theo chân họ đi học nghề, rồi cùng nhau lập xóm tại đây. Với thu nhập khả quan mà nghề này mang lại khi đó nên ai cũng học theo, thế rồi xóm ve chai ra đời từ đó.
Một người hành nghề ve chai tại Huế
Để làm nghề này, điều đâu tiên là phải thuộc hết từng con đường, ngõ hẻm trong thành phố, đặc biệt là làm quen với những “mối” dễ như: Nhà sách, quán sửa xe, nhà hàng… để tận dụng những nguồn phế liệu hàng ngày với giá rẻ. Vốn bỏ ra ban đầu cũng không cần nhiều, chủ yếu là đi bộ hoặc xe đạp, muốn có thu nhập ổn định phải chịu khó thức khuya, mỗi ngày phải đạp xe cả chục cây số để thu gom, lượm nhặt từng loại phế liệu có thể rồi về bán lại cho các đại lý.
Theo quan sát của chúng tôi, xóm ve chai này độ 30 hộ, nhưng lúc này rất vắng bóng người, chỉ lác đác vài ba đứa trẻ chạy nhảy. Hiểu ý khách, chị Thắm nói: “Xóm này ban ngày vắng lắm chú à, mọi người đều phải đi làm hết cả, tui thì vừa ốm dậy nên mai mới đi lại được. Chứ bình thường đến đây, chỉ có con nít thôi. Nếu muốn gặp mọi người, thì độ 10 giờ đêm chú quay lại đây sẽ tấp nập ngay thôi”.
Video đang HOT
Thoáng nghe câu nói nửa đùa, nửa thật của chị nghĩ cũng phải, thường ngày dù nắng hay mưa thì tôi vẫn bắt gặp tiếng rao í ới của đồng nát sắt vụn. Ở đây, có những hộ cả gia đình đều làm đồng nát, trẻ con thì đi lượm ve chai tại các bãi rác, phụ nữ thì xách gánh đi khắp nơi thu mua sắt vụn, đàn ông thì đi thu mua các vật dụng điện tử đã qua sử dụng. Trung bình mỗi ngày nghề này đem lại thu nhập cho những hộ dân ở đây 30 – 70 ngàn đồng.
Khắc khổ thời bão giá
Theo lời chị Thắm, đúng 10h tối là khoảng thời gian mà Cố đô Huế đã dần chìm vào sự tĩnh mịch quen thuộc, một không gian đặc trưng rất Huế. Lúc này, có lẽ xóm ve chai chính là nơi náo nhiệt nhất, từng tốp người đua nhau về nhà trên vai là những gánh phế liệu căng đầy nhựa, giấy, sắt vụn…
Người hành nghề ve chai đang cố thu gom những gì có thế sau một chuyến xe rác
Một phụ nữ thở dài: “Haizz, hôm nay mua được ít quá. Dạo này người thành phố ít bán phế liệu”. Người khác tiếp lời: “Cũng phải thôi, giá cả lên cao thế này, bán sắt vụn được mấy đồng, có ai mà bán”, “Cả ngày nay chỉ được 21 ngàn, mai chỉ đủ đi chợ. Hôm qua, bà chủ lại qua tăng giá phòng rồi đó…”. Nghe đến đây, mọi người chỉ nhìn nhau, lặng lẽ phân loại hàng kiếm được. Có lẽ cơn bão giá đã len lỏi vào con xóm nhỏ, khiến cho từng con người nơi đây ngày càng lo lắng về cuộc sống.
Tôi bắt chuyện với một phụ nữ đang loay hoay sắp vật phẩm, cả người chị toát lên mùi nồng nặc của mồ hôi, rác thải sau một ngày lao động vất vả. Đó là chị Thắng (40 tuổi). Thấy có người lạ đến, chị hỏi: “Chú đến đây làm chi cho cực, xóm tui có vài người bỏ nghề rồi. Thời buổi bây chừ, nghề này khó sống lắm chú à, cái gì tăng còn được chứ phế liệu thì tăng bao nhiêu hả chú”.
Khi nghe tôi hỏi về những khó khăn trong nghề thì chị lại nhìn tôi và cười: “Đã làm cái nghề này thì phải xem khó khăn như một điều hiển nhiên chú à. Tôi thì đi bộ suốt cả ngày, một số người bị bệnh viêm khớp nhưng cũng cố phải đi. Không đi thì lấy gì mà ăn…?”.
Cũng theo lời chị, thu nhập hiện nay từ nghề này mang lại ngày càng không đủ ăn, việc lo cho các con được đi học đã là một kỳ tích rồi, đã 2 tháng nay mấy đứa con của chị chưa biết đến mùi thịt. Cả xóm gần 80 người mà chỉ có 4 cái ti vi, sống nửa đời người mà nhiều người còn chưa biết đi xe máy, mà cũng phải thôi khi mà cơm ăn ba ngày đang dần thiếu thì xe đâu mà đi, mà có ai cho cũng chẳng có tiền mà đổ xăng nữa.
Chị Thắng lại kể: “Như tôi còn đỡ vì con cái cũng giúp được phần nào cho bố mẹ rồi, chứ như đứa em nhà bên, có bầu được 7 tháng mà ăn uống kham khổ quá, chỉ toàn mì tôm, cá khô. Sắp tới, con ra đời mà hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc, tiền làm cả tháng chỉ đủ mua 2 hộp sữa cho con, rồi cũng chẳng biết lấy gì mà ăn, rõ khổ”.
Khi nghe hỏi tại sao không chuyển nghề khác cho đỡ khổ, thì chị Thắng với vẻ mặt bần thần đáp: “Đổi nghề gì đây chú, không học hành, bằng cấp, không có vốn. Mà nghe gần đây sắp có chủ trương cấm ve chai hoạt động trong nội bàn thành phố, bắt ra vùng ven, mà ở đó thì có gì mà nhặt… cả xóm tui cũng đang lo”.
Đã 11h hơn, nhưng xóm ve chai này vẫn chưa hết nhộn nhịp, đó đây vẫn vang lên tiếng cười, nói chuyện. Người thì đang rửa nilon gần bờ sông cho sạch để bán, người thì chuẩn bị cho chuyến buôn hàng ngày mai… Có lẽ họ đã quá quen với việc ngày ngủ chỉ 3 – 4 tiếng, cái nghèo và cái khổ ở đây được những con người này chấp nhận như một điều hiển nhiên, vì với họ cầu mong cuộc sống có cơm ăn đã là quá đủ.
Theo Bưu Điện VN
Nhịn ăn để tiết kiệm trong 'bão giá'
"Bão giá" đang khiến cho đời sống của những người lao động tỉnh lẻ vốn đã bấp bênh, lại càng khó khăn lên gấp bội. Tìm đến nơi ở trọ của họ, chúng tôi không khỏi xót lòng trước những bữa cơm thật đạm bạc và cả những gánh nặng, nhọc nhằn trên con đường mưu sinh...
Ăn trưa bằng... uống nước
Chúng tôi tìm đến một xóm trọ của chị Đào Thị Cúc, quê ở Hưng Yên, và nhiều người lao động tỉnh lẻ khác, ở sâu trong một ngách nhỏ trên đường Cầu Giấy. Một dãy nhà cấp 4 lụp xụp, tường xung quanh đều đã tróc hết vôi, các cánh cửa đều bị gãy nghiêng ngả, xộc xệch, nhếch nhác và đầy bụi bẩn.
Đó cũng là nơi mà chị Cúc đã ở gần bốn năm nay với bốn chị em khác cũng đi làm thuê, làm mướn ở Hà Nội. Gọi là phòng cho "oai", chứ nó bé tí tẹo, tạm bợ, chỉ để đặt lưng lúc đêm về.
Bốn năm cũng đủ dài so với quãng thời gian bảy năm chị rời quê, ra Hà Nội kiếm sống bằng "nghề" chính là bán rau. Thời buổi giá cả đắt đỏ khiến cái nghiệp bán rau của chị cũng càng trở nên khó khăn.
Chị giãi bày: "Trước đây, rau rẻ còn bán chạy, ngày cũng được 100. Giờ rau đắt, lại nhiều người bán mà người mua thì ăn ít hơn, nên buôn bán ế ẩm lắm. Hôm nào nhiều thì được 5 chục, có hôm thì chỉ hòa vốn mà không được xu nào cả.
Mà lên trên này đâu chỉ có tiền ăn không đâu, còn tiền nhà trọ giờ cũng tăng liên tục, mới từ 400 đã lên đến 600 rồi. Mà nào có ra cái nhà tử tế, chỉ đủ để che mưa, che nắng thôi. Tháng nào cũng phải tằn tiện, còn có đồng mà gửi về quê cho các con".
"Bão giá" ngày càng gia tăng, làm "vọt" giá các loại thực phẩm tăng lên đến mức chóng mặt, khiến chị cũng như nhiều người lao động khác trong xóm phải tính chi li từng bữa ăn.
"Trước đây, ngày ăn 15 nghìn là cũng được một bữa tươm tất rồi. Giờ cái gì cũng đắt mà có dám ăn hơn đâu, tiền kiếm ngày càng khó. Mấy chị em cùng phòng cũng rủ nhau góp tiền vào thổi cơm chung cho đỡ tốn" - chị Cúc thở dài cho biết.
Bữa cơm đạm bạc của chị Cúc
Nhìn mâm cơm chị Cúc dọn ra, chỉ có một bát su su luộc với món "thịt gà rang". Nghe tưởng chừng như cũng hơi sang, nhưng chúng tôi chưa kịp mừng thầm chị đã chen lời: "Không phải thịt gà đâu cô ạ, cũng là gà nhưng là chỗ xương thôi, mua cái này có 4 nghìn một lạng, rẻ hơn thịt nhiều. Ninh cho nhừ rồi rang mặn lên cũng ăn được mấy bữa đấy".
Câu nói của chị khiến người đối diện không khỏi phải ái ngại. Chị Cúc cho hay: "Có hôm, buổi sáng trước khi đi chợ ăn vội bát cơm nguội với mắm, thế là no được đến trưa, uống mấy ngụm nước là xong, chẳng bày đặt nấu cơm nước gì, vừa tốn tiền than, vừa tốn tiền thức ăn. Cứ tiết kiệm được bữa nào hay bữa ấy".
Vậy là đã có những buổi chị phải uống nước thay vì ăn bữa cơm trưa.
Chị tâm sự: "Ngày nào cũng phải dậy sớm từ 2 - 3 giờ sáng, đạp xe ra chợ đầu mối mua rau họ bán buôn cho rẻ. Ban ngày thì vừa bán, cũng lại vừa lo chạy công an. Họ có chỗ bán đẹp thì lại phải thuê mất tiền, mình không có cứ chỗ nào quang thì ngồi, phải đành chịu cái cảnh "chạy đồn" thế thôi. Buôn bán cũng nào có đơn giản, nhàn hạ gì đâu".
"Chạy ăn" bằng mười nghề
Quê Bắc Giang, nhưng chị Dương Thị Loan có thể thuộc lòng từng ngõ ngách phố phường Hà Nội. Bởi, chị đã sống và làm ở Hà Nội mười năm nay rồi.
"Những ngày đầu, túng bấn, tôi theo chị em trong làng lên làm thuê trên này. Thời ấy, sáng đi, tối là tôi lại hì hụi đạp xe về, không dám nghĩ sẽ ở lại thành phố đầy nguy hiểm này đâu. Một ngày hai, ba chục ngàn đồng là "to" lắm rồi...".
Bây giờ, sau hơn mười năm, chị Loan vẫn gắn với chiếc xe đạp như một vật bất ly thân.
"Cám cảnh thân gái dặm trường, nhưng biết làm sao, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Cứ chăm chăm vào mấy sào ruộng thì mòn đời cũng không nuôi được con đại học, xây được nhà mái bằng...".
Khu trọ nghèo của những lao động nhập cư
Suy nghĩ ấy đã tiếp sức cho chị trụ lại ở thành phố đô hội. Vậy mà giá cả cứ tăng liên tục, cái suy nghĩ bám trụ của chị cũng đến hồi lung lay.
"Trước kia một ngày đạp xe, thu mua cũng lời lãi đến cả trăm nghìn. Bây giờ đạp xe rã chân cũng chỉ được hơn kém từng ấy. Mà trăm thứ tiền, trăm thứ tiêu pha đều phải tăng, khốn lắm cô ạ!" - chị Loan than thở.
"Nghề gì ở Hà Nội này tôi cũng từng qua cả. Đổi đồng nát, đi phụ hồ, làm ô sin, đi bán hoa tươi... " - xòe bàn tay mười ngón chai sần, nhăn nheo, chị đếm kín cả mười ngón tay số nghề mình đã trải qua.
"Tôi chỉ sợ vài ba năm nữa, xuống sức rồi thì lại lê thân về quê chứ không làm ăn gì được nữa... Bây giờ còn sức khỏe, nghề gì ra tiền tôi cũng làm!" - chị nói.
Không làm không được. Bởi như lời chị tâm sự, chị còn ba đứa con, một đứa lớp 11, một đứa lớp 8 và một đứa lớp 5 ở quê nhà. Chồng chị sớm chiều rượu chè, sau vụ tai nạn đã mất một chân. Gánh nặng gia đình hầu như trút lên vai chị.
"Bây giờ, đến từng bữa ăn, nước tắm hàng ngày cũng phải cân nhắc. Về quê cũng phải ít hơn vì tàu xe tốn kém, lại mất ngày mất buổi. Con ở quê còn ôn thi, còn đóng học, còn muốn mua manh quần, tấm áo... Cái gì cũng tăng, cái gì cũng đắt đỏ" - chị thở dài não nuột.
Bứt khỏi ruộng đồng, những người như chị lẫn vào số đông những người nhập cư đổ về Hà Nội. Họ khát khao một cuộc sống đỡ nghèo khó hơn từ đôi bàn tay lao động. Họ sẵn sàng đánh đổi tất cả: Cái tĩnh tại, an nhiên nơi làng quê đổi lấy cái xô bồ, nghiệt ngã chốn thị thành. Cái hiền lành, chân chất ruộng đồng lấy cái chao chát, chỏng lỏn đường chợ...
"Đỡ ngày nào, hay ngày ấy. Chứ bây giờ về quê, đói rũ cả..." - chị Loan nói khi được hỏi, có nhớ quê, nhớ nhà hay không. Bốn chín, năm mươi tuổi rồi, nhưng nẻo mưu sinh của chị còn gập ghềnh và xa hun hút...
Theo VietNamNet
Người quê lên phố, ốm không dám vào viện Thực tế, cuộc sống của nhiều người ngoại tỉnh ở các thành phố lớn rất khó khăn. Không được rà soát, bình xét hộ nghèo nên họ không thể tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội. Ốm cũng không dám vào viện Chuẩn bị hàng đêm cho một ngày mới. Đã nhiều ngày nay ông Tống Duy Bàng (tạm trú...