Xóm trọ đặc biệt
Đó là nơi ở của những bệnh nhân đang điều trị ngoại trú bệnh thận tại Khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc.
Cuộc sống của họ quẩn quanh với việc điều trị và đối mặt với những khó khăn hàng ngày. Nếu được ước một điều gì đó, chúng tôi chỉ mong sẽ có thêm nhiều cánh tay dang rộng, chia sẻ một phần khó khăn với những con người nơi đây.
Video về xóm trọ của những bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc.
Xóm trọ là 15 phòng cấp bốn nằm bên hông Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Nơi đây đang có 15 bệnh nhân điều trị ngoại trú tại Khoa Thận – Lọc máu ở trọ để tiện cho việc chạy lọc thận hàng tuần.
Họ là những người dân ở các huyện lân cận, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, do bệnh tật, nghèo khó nên việc đi lại đều khó khăn nên phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện cho việc chạy lọc thận mỗi tuần.
Ông Lang Văn Phấn cùng vợ ở xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân thuê trọ tại đây để tiện điều trị bệnh. Ông Phấn bị suy thận độ 5 được hơn 1 năm thì bị tai biến nên vừa điều trị lọc thận, vừa điều trị tai biến. Vợ bác đành bỏ hết công việc để chăm sóc chồng.
Chị Lò Thị Tình ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước vừa đi chạy thận về đã vội vàng nấu cơm trưa. Tất cả việc nấu nướng, sinh hoạt đều trong căn phòng độ 10m2.
Chị Lò Thị Tình cho biết bị bệnh thận đã 3 năm nay, một tuần phải lọc 3 lần, mỗi lần lọc mất 3 tiếng, sức khỏe yếu nên chị không thể đi lại được. Hai vợ chồng là lao động chính trong nhà, nhưng chồng chị cũng vừa xuất viện do mổ dạ dày.
Chị Phạm Thị Hương (bên trái), 32 tuổi, quê xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc bị bệnh thận độ 5 đã gần 8 năm nay. Gia đình chị có 3 chị em đều bị bệnh thận.
Ông Lê Văn Sinh (áo xanh) ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, suy thận độ 5. Trước đây ông thường xuyên ở phòng trọ để tiện cho việc chạy thận, nhưng vợ ông vừa bị tai biến rồi bị tai nạn phải nằm liệt giường, 2 người con trai bị u não sọ nền, thần kinh, nên sau mỗi lần chạy thận bác lại bắt xe về nhà chăm vợ, con.
Dù là thế, nhưng sau những giờ lọc thận mệt mỏi, tiếng đàn làm cho những bệnh nhân ở xóm trọ giảm bớt ưu phiền, mệt mỏi của cuộc sống, bệnh tật.
Gia đình bà Trịnh Thị Nhung ở tổ 6, phố Lê Duẩn (Ngọc Lặc), chủ nhà trọ cho biết, bà từng làm nhân viên trong bệnh viện. Sau khi về hưu thì xây dựng khu nhà trọ cho nhân viên, bệnh nhân thuê trọ. Những năm gần đây, nhiều bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện tìm đến trọ, thấy hoàn cảnh khó khăn nên gia đình đã giảm một phần tiền thuê nhà trọ.
Thấu hiếu hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, hàng tháng Câu lạc bộ Thiện nguyện – Hiến máu do chị Phạm Thanh Huyền làm chủ nhiệm đều có hoạt động hỗ trợ bệnh nhân như mua gạo, thức ăn đến xóm trọ và phát cơm chay, phát cháo tại bệnh viện cho những bệnh nhân nghèo.
Những tình nguyện viên Câu lạc bộ Thiện nguyện – Hiến máu Ngọc Lặc cùng phật tử Thiền viện trúc lâm Bàn Bù hàng tháng đều có chương trình thiện nguyện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Họ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bệnh nhân tại khoa Thận – Lọc máu.
Bác sĩ CK1 Lương Thị Mai, Trưởng khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc cho biết: Hiện nay có 95 bệnh nhân đang chạy thận theo chu kỳ tại khoa. Họ đều là bệnh nhân điều trị ngoại trú, chỉ khi nào bệnh nhân có diễn biến nặng, bệnh viện sẽ làm thủ tục cho ra viện rồi nhập nội trú.
“Những bệnh nhân suy thận độ 4 -5 là thiếu máu mãn tính, tổn thương thận, không sản sinh hồng cầu, hàng tháng khi làm xét nghiệm, bệnh nhân dưới ngưỡng bình thường thì bệnh viện sẽ cho truyền máu. Hiện nay khó khăn nhất là thiếu nguồn máu điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Lương Thị Mai cho biết thêm.
Vết cào cấu trên ngực vạch mặt lang băm
Thời gian gần đây nhiều người dùng mạng xã hội, xem youtube điên đầu với quảng cáo "Nhà tôi ba đời nhận chữa..." và đã có nhiều hệ lụy xảy ra với những ông, bà lang trên mạng này.
Y học cổ truyền đang bị những lang băm lợi dụng để trục lợi cá nhân.
Trước kia khi chưa có mạng xã hội, thì các kiểu tin đồn, rỉ tai nhau cũng khiến nhiều nạn nhân mất mạng vì những lang băm chưa một ngày học y dược.
Từ côn đồ thành thầy lang
Ở M.Đ tỉnh H. đã từng có một ông "thầy lang" tên P.L. "Thầy lang" P.L sinh năm 1960 trong một gia định thuần nông ở vùng quê chuyên làm nông nghiệp, cuộc sống của nhân dân trong vùng còn nhiều vất vả, khó khăn.
Học mới đến lớp 7 nhưng P.L lại muốn có cuộc sống sung sướng nhàn hạ nên đã sớm bỏ học. Trong vùng thanh niên P.L nổi tiếng ngang tàng, hay gay gổ với mọi người. Trong các cuộc xích mích mà phần lớn do P.L khơi mào, không ít lần mã tấu là công cụ để "nói chuyện" phải trái.
Đối với cơ quan pháp luật, P.L từng có tiền án về tội tiêu thụ tài sản riêng công dân. Quậy phá một thời gian, P.L bỗng bỏ đi biệt xứ. Bẵng đi một thời gian vài năm, bỗng dưng P.L xuất hiện tại địa phương và kể với mọi người chuyện mình lên vùng cao học thuốc của một thầy lang giỏi chuyên chữa bệnh về thận và khớp.
Không chỉ kể chuyện, hai vợ chồng P.L còn trưng biển hành nghề thuốc gia truyền trong khi bản thân không hề có bằng cấp, chứng chỉ hay giấy phép của bất kỳ cơ quan chức năng nào.
Mọi người ở địa phương nơi "ông thầy lang" ở biết tường tận về P.L cùng những thành tích bất hảo trước đây nên chẳng ai tin vào khả năng chữa bệnh được quảng cáo. Tuy nhiên người bệnh đến với P.L chủ yếu là người ở các địa phương khác thông qua đội ngũ "thông tin viên" được vợ chồng P.L thuê để đi khắp các hang cùng ngõ hẻm rỉ tai mọi người lời đồn thổi về một ông "thầy lang" có tài chữa bệnh. Trong nhà P.L luôn có vài người bệnh ở lại để chữa trị hoặc thi thoảng vợ chồng P.L lại khăn gói đi đến các nơi bệnh nhân mời.
Cách chọn người bệnh của "thầy lang" P.L cũng rất đặc biệt. P.L chủ yếu chọn những bệnh nhận hiểm nghèo, đã điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi, có điều kiện kinh tế gia đình khá giả. Theo lý luận của P.L thì những bệnh nhân này sẽ vung tiền không tiếc cho thầy lang và vì bệnh viện đã trả về nên thầy lang chữa mà chẳng may người bệnh tử vong cũng không mang tiếng vì đến "y học tiên tiến còn bó tay" kia mà.
Khi tiến hành chữa bệnh "thầy lang" P.L rất tinh quái, chỉ cần thấy người bệnh có biểu hiện nguy kịch trong khi chữa trị là ngay lập tức "thầy lang" mời về ngay với lý do về nhà để hồi sức ít hôm rồi quay lại chữa. Cứ như vậy, rất nhiều người bệnh mắc nan y đã qua tay chữa trị của P.L và tử vong nhưng không một gia đình nào khiếu kiện "thầy lang" rởm.
Những vết sây sát hình vòng cung tố cáo sự thật
Chuyện xảy ra vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hai vợ chồng ông Nguyễn Tiến C. quê xã B huyện, tỉnh H lấy nhau sau nhiều năm mới sinh được hai cô con gái. Tuy cảnh nghèo, cuộc sống có nhiều vất vả, nhưng vì là trưởng họ nên các cụthúc ép vợ chồng ông phải đẻ thêm bằng đươc thằng cu để nối dõi tông đường.
Và ở lần sinh thứ ba, vợ chồng ông đã có được thằng cu. Khỏi phải nói cũng biết niềm vui của ông C và gia tộc. Nhưng ở đời chữ "hiếm" lại hay đi cùng chứ "hoi" nên cu D khi vừa tròn 5 tuổi đã mắc chứng bệnh hiểm nghèo là viêm thận mạn.
Gia đình ông C đã đưa con trai đi điều trị khắp các bệnh viện từ huyện lên tỉnh nhưng bệnh tình không có chiều hướng thuyên giảm. Bao tiền dành dụm đều dồn cả vào bệnh chữa bệnh cho D suốt hành trình dài 17 năm dài. Nhưng rồi niềm hy vọng chưa kịp lóe lên đã lụi tàn vì bệnh tình của chàng trai trẻ 22 tuổi tiến triển ngày một xấu. D đã bị suy thận giai đoạn cuối. Bác sĩ nói phải chạy thận nhân tạo mới mong kéo dài thêm sự sống cho D.
Sau ngần ấy năm vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo, kinh tế gia đình ông C ngày càng cạn kiệt. Đành lòng ông phải xin cho D về nhà vì không thể tiếp tục điều trị cho D bằng chạy thận nhân tạo được nữa. Nhìn con tuổi còn rất trẻ mà phải cầm lòng nằm chờ chết ông C không đành lòng. Ông bắt đầu thăm hỏi khắp nơi để tìm thầy lang
Nghe tin ở huyện M.Đ bên cạnh có ông thầy lang P.L rất giỏi, có bài thuốc gia truyền chuyên chữa trị các bệnh thận, khớp, ông D ngay lập tức đưa con đến nhà thầy mong tìm thấy vận may cuối cùng.
Vào thời điểm đến nhà thầy lang chữa bênh, D đã rất mệt, hầu như không ăn uống được gì, người phù căng. Hằng ngày vợ chồng thầy lang sắc thuốc, nấu cháo cho D ăn, nhưng bệnh tình của D không hề có chiều hướng thuyên giảm.
Để trả công cho thầy lang ông C đã hai lần đưa tiền cho thầy lang, mỗi lần 500 nghìn đồng thời giá những năm 90, lần gần nhất mới được 2 ngày. Hôm ấy D đã quá mệt, bát cháo mang lên D không ăn nổi, hai mắt lờ đờ vô vọng, miệng mím chặt không nói được lời nào. Thấy thế hai vợ chồng thầy lang sợ quá thay nhau làm hô hấp nhân tạo cho D nhưng không có tác dụng. Khoảng 9h tối D qua đời sau 20 ngày đến chữa bệnh ở nhà thầy.
Về phần "thầy lang" P.L, mặc dù rất tinh quái không bao giờ để bệnh nhân chết ở nhà mình tránh khiếu kiện nhưng ở đời mấy ai học hết được chữ ngờ. Với trường hợp của D, mặc dù P.L đã thấy là rất nặng khó qua khỏi nhưng vì đã trót mới nhận của gia đình D thêm 500 nghìn nên P.L định để cho D nán thêm một hôm nữa mới yêu cầu gia đình đón về.
Đến buổi chiều hôm đó, khi bê cháo và thuốc cho D, thấy D lâm vào tình trạng hấp hối thì hai vợ chồng P.L cuống lên không biết xử trí thế nào. Vì là thầy thuốc rởm nên các động tác cấp cứu sơ đẳng nhất cũng không biết, do đó thay vì các động tác nhẹ nhàng, kết hộ xoa bóp, ép lồng ngực và thổi ngạt thì vợ chồng P.L lại thay nhau dùng móng tay cào cấu trên ngực D để... hô hấp nhân tạo (!)
Sau khi vợ chồng ông C tố cáo cái chết của con đến cơ quan công an thì chính những vết móng tay này đã giúp các giám định viên pháp y làm sáng tỏ sự thật về cái chết của D. và bộ mặt thật của "thầy lang". Những móng tay cào cấu của hai vợ chồng "thầy lang" để "hô hấp nhân tạo" cho D buổi chiều hôm đó để lại những vết sây sát hình vòng cung chi chít trên ngực nạn nhân đã không qua nổi đôi mắt tinh tường của các giám định viên pháp y.
Đừng chết vì "lang băm"
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới lịch sự cũng ghi nhận nhiều cái chết tức tưởi vì "thầy lang". Tháng 9/2016, truyền thông đưa tin một nữ diễn viên trẻ người Trung Quốc đã qua đời sau khi lựa chọn chiến đấu với căn bệnh ung thư bằng bằng phương pháp cổ truyền của các lang băm, thay vì hóa trị.
Theo đó, nữ diễn viên Xu Ting, 26 tuổi đã mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết. Tuy nhiên, cô đã từ chối trị liệu bằng hóa trị vì sợ việc hóa trị sẽ gây đau đớn, thậm chí đẩy cô đến chỗ chết sớm hơn. Thay vào đó, Xu đã chọn điều trị bằng các phương pháp cổ xưa như giác hơi, châm cứu của các "lang vườn".
Tuy nhiên cuối cùng, bệnh tình của cô ngày càng nặng, cô đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi qua đời, Xu Ting đã chia sẻ hình ảnh những vết thương khủng khiếp gây ra bởi việc điều trị mà cô lựa chọn, với những vết bầm tím hình tròn và các vết cạo bằng dụng cụ giống thìa nhựa, thìa kim loại. Nhiều chuyên gia đã lấy trường hợp của cô Xu để cảnh báo công chúng, trước những phương pháp "chưa được khoa học chứng minh".
Một trong những dạng tồn tại hiện nay là các "bài thuốc gia truyền" chưa hề được cơ quan chuyên môn về y tế kiểm nghiệm, đánh giá tính hiệu quả. Với cái vỏ ngụy trang "thuốc gia truyền" nhiều "thày lang" hiện nay vẫn ngang nhiên hành nghề và đặc biệt nguy hiểm la các bài thuốc của họ được tuyên truyền quảng bá rất nhiều.
Với chiêu bài quảng cáo và việc làm táng tận lương tâm trộn tân dược vào đông được, các "thầy lang" đã đánh thẳng vào tâm lý người bệnh, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo để trục lợi, đang tâm tước sinh mệnhcủa người bệnh.
Một bác sĩ giỏi là một người hội đủ cả 2 yếu tố: y đức và chuyên môn. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại thì không phải vị thầy thuốc nào cũng có được cả hai thứ đó và đã có những ông "thầy lang" rởm với những phát kiến kinh hoàng.
Trong danh sách 3 thầy thuốc rởm nổi tiếng nhất thì người đầu tiên là một lang băm chính hiệu 100%. Ông là nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Ấn Độ - Dinsah Pestanji Ghadiali (1873 - 1966). Mặc dù không hề có bằng cấp hay chuyên môn nào trong lĩnh vực y học, nhưng trong sự nghiệp của mình, Dinsah Ghadiali đã phát minh ra một phương pháp có tên Spectro Chrome - dải màu trị bệnh.
Người thứ hai là Albert Abrams đã phát minh ra một cỗ máy, gọi tên là Dynamizer. Ông khẳng định, cỗ máy có thể chẩn đoán rất nhiều bệnh tật và chữa được cả chúng. Bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX, ông bắt đầu tiến hành khám bệnh cho bệnh nhân bằng chiếc máy này. Sự việc được bóc trần khi người ta gửi cho Albert một giọt máu gà trống và nhờ ông chẩn bệnh. Kết luận của máy Dynamizer và Albert đó là "người này" mắc phải bệnh sốt rét, giang mai, tiểu đường và ung thư. Câu trả lời này của Albert khiến ông trong suốt phần đời còn lại gắn liền với biệt danh Albert "lang băm".
Người thứ ba, William J.A.Bailey từng là một sinh viên danh giá, theo học ngành Y tại ĐH Havard nhưng khi chưa tốt nghiệp, William J.A. Bailey đã bị đuổi học, không thể có bằng Cử nhân ngành Y. Vậy mà người đàn ông này vẫn tự phong cho mình thành một bác sĩ và hành nghề bình thường.Năm 1918, công ty Radium do William sáng lập ra đã sáng chế và bán cho bệnh nhân của mình một loại thuốc có tên "Radithor" - sản phẩm từ chất phóng xạ radium với lời quảng cáo là có khả năng tăng cường sinh lực, chống mệt mỏi. Rất nhiều người đã bị lừa và tin dùng sản phẩm nói trên.
Bệnh thận gây nhiều hệ lụy Bệnh suy thận mạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh do giảm chức năng thận. Những bệnh nhân bị bệnh ở giai đoạn 4 có tỷ lệ tử vong là 46%. Bên cạnh đó, bệnh thận còn gây thiệt hại về mặt kinh tế cho gia đình và xã hội, bởi vì bản thân người mắc bệnh thận mạn...