“Xóm không chồng” trên đồi C5
Nằm cheo leo trên sườn đồi C5, “xóm không chồng” thuộc xã Ia Krái, huyện Ia Grai ( Gia Lai), là nơi những người phụ nữ nhiều năm qua đã phải vừa làm cha vừa làm mẹ dạy dỗ các con nên người.
Đổi thay ở “xóm không chồng”
Những ngày đầu năm, chúng tôi men theo con ngõ nhỏ đi lên lưng chừng ngọn đồi C5 nơi những phụ nữ không chồng sinh sống. Dường như tiếng cười nói, từng câu hát ru của những người phụ nữ này đã xua tan cái lạnh cuối đông nơi đây.
Trước đó, năm 1980 một số đơn vị quân đội trên địa bàn đã lập nên các nông trường cà phê. Sau đó, họ tuyển hàng nghìn thanh niên từ Hải Dương và miền Trung về làm công nhân, trong đó có nhiều đội sản xuất đều là nữ chưa chồng. Năm 1993, do nông trường làm ăn thua lỗ và thay đổi phương thức quản lý, canh tác cà phê nên các công nhân này dần dần bị cho thôi việc.
Vào những dịp lễ tết, họ nhận được khá nhiều sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền như hỗ trợ gạo, cấp giống cây, cho vay vốn… Ảnh: Trần Hiền
“Với sự quan tâm của Mặt trận Tổ quốc huyện Ia Grai và Hội Phụ nữ đã xây 3 căn nhà tình thương và đại đoàn kết vào năm 2011 và 2012, xóa bỏ những ngôi nhà tranh dột nát trước đây. Với sự hỗ trợ từ các cấp ngành, giờ đây cuộc sống của các cô đã ổn định, không phải lo cơm ăn áo mặc hay cái đói, cái rét…”.
Ông Lý Minh Hoàng -
Phó Chủ tịch xã Ia Krái
Quá lứa lỡ thì, những nữ công nhân chưa chồng chẳng dám ngó mặt về quê nên đành ở lại. Thời gian thấm thoát trôi qua, nông trường cà phê năm nào còn lại 6 người phụ nữ là bà Trần Thị Bổng (SN 1969), bà Nguyễn Thị Dựng (SN 1968), Trần Thị Ngoan (SN 1963), Nguyễn Thị Thảnh (SN 1969), Trần Thị Nụ (SN 1964), Trần Thị Bé (SN 1971). Sáu người phụ nữ này cũng chẳng lấy chồng mà chỉ đi “xin” con rồi nuôi các cháu khôn lớn, nên người.
Video đang HOT
Sâu trong con ngõ nhỏ ấy có 6 ngôi nhà nằm cạnh nhau. Thấy chúng tôi hỏi thăm, cô Trần Thị Bé (47 tuổi, quê Hải Dương) vội vàng mời chúng tôi vào nhà. Nhanh tay rót ly nước chè xanh mời khách, cô Bé bộc bạch: “Không giấu gì các cô chú, hoàn cảnh của tôi cũng giống như các chị em quanh đây đều không có chồng. Thời con gái chúng tôi đã chôn chặt tuổi thanh xuân với nông trường. Đến khi nông trường giải thể, chúng tôi cũng đã có tuổi nên không có mối nào để ý nữa. Chúng tôi đành cắn răng, nhịn nhục đi “xin” vài đứa con về nuôi cho đỡ hiu quạnh lúc về già… Thật ra thì tôi cũng chẳng có đòi hỏi gì chỉ xin họ đứa con thôi, ngược lại lại cũng chẳng phá vỡ gì cuộc sống êm ấm của họ. Một mình nuôi con, cuộc sống cũng vất vả khó khăn lắm nhưng những năm qua được sự quan tâm của chính quyền, các con ngoan ngoãn, mấy chị em khi nào cũng có nhau nên cũng đỡ đi phần nào…”.
Tương tự cô Bé, bà Nguyễn Thị Thảnh (quê Hải Dương) cũng không có chồng. Tâm sự với chúng tôi, bà Thảnh trải lòng: “Chúng tôi vào đây từ khi những cây cà phê còn chưa có quả, giờ đây cũng đã gần 30 năm trời. Cũng như những chị em khác, tôi “xin” được 2 cháu gái, chúng nó ngoan lắm. Bên cạnh tình cảm của các chị em dành cho nhau thì tôi cũng nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền nên cuộc sống bớt kham khổ. Vì không có đàn ông trong nhà nên mọi chuyện từ bé đến lớn, 6 chị em vẫn thường làm cùng nhau. Ngay cả đêm giao thừa cũng vậy, sau khi đã cúng xong xuôi ở nhà, các chị em thường bày bánh chưng, cơm nếp, gà, bánh kẹo ra sân cùng nhau ăn và tâm sự đến sáng…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Minh Hoàng – Phó Chủ tịch xã Ia Krái cho biết, “xóm không chồng” đã thành lập khá lâu, ở đây chủ yếu là những người phụ nữ lớn tuổi là công nhân cà phê. Nhận thấy cuộc sống của họ khá vất vả nên những năm gần đây chính quyền thường xuyên quan tâm động viên, hỗ trợ họ trong việc phát triển kinh tế trên vùng đất mới. Hội Phụ nữ xã cũng xây dựng “Hũ gạo tình thương” và cho các chị em vay vốn nhằm mở rộng sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no.
Những ngôi nhà dột nát trên “xóm không chồng” đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây vững chãi. Ảnh: Trần Hiền
Những cuộc tình không tên…
Sống một mình nơi “rừng thiêng, nước độc”, những người phụ nữ không chồng đều mong muốn sẽ có một chỗ nương tựa lúc tuổi già, nhưng nhân duyên có lẽ vẫn chưa đến với họ. Quá lứa lỡ thì, những người phụ nữ chỉ có nguyện vọng xin một đứa con để ấm lòng, nương tựa khi tuổi xế chiều. Và rồi bỏ qua những lời nói bông đùa, chỉ trích của hàng xóm, những người phụ nữ này cũng nhịn nhục đi tìm cho mình được những đứa con. Nhưng đổi lại là cảnh một mình trải qua “9 tháng thai nghén” rồi vượt cạn. Lủi thủi chăm những đứa con trước lời đàm tiếu của xóm làng. Thời gian thấm thoát trôi đi, những đứa con của họ đều đã lớn khôn, có đứa cũng vào đại học. Chúng chính là động lực, niềm hy vọng để họ tiếp tục với cuộc sống, bỏ qua nhưng lời đàm tiếu, dị nghị của người làng…
Chia sẻ về cuộc tình “không tên” và ao ước được làm mẹ, cô Bé tâm sự: “Phận người phụ nữ ai cũng ao ước được làm mẹ, nhưng tuổi đã lớn nên cũng không có ý định đi thêm bước nữa. Những đứa con cũng từng hỏi cha đâu, cũng chẳng giấu giếm gì tôi lặng lẽ chia sẻ thật lòng để con hiểu và thông cảm. Thấu hiểu được lòng mẹ nên những đứa con của tôi đều chăm ngoan, ngày học, ngày đi làm giúp mẹ. Hiện đứa lớn đã đi làm có thu nhập và đứa nhỏ đang học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Những đứa con chính là mùa xuân của chúng tôi, chúng đã thay đổi cuộc đời của chúng tôi…”.
Niềm hạnh phúc hiện rõ lên khuôn mặt của bà Trần Thị Ngoan (55 tuổi), bà vui sướng vì những đứa con của bà đã trưởng thành và đã có công việc ổn định, một đứa đã lập gia đình. “Tôi vui lắm, giờ đây trong những ngày quan trọng các con thường về quây quần bên tôi, quan tâm và chăm sóc tôi. Cuộc sống tôi chỉ mong vậy…” – bà Ngoan hạnh phúc nói.
“Cả 6 người phụ nữ ở “xóm không chồng” đều có hoàn cảnh khó khăn và có một nửa là hộ nghèo. Hằng năm chính quyền xã có nhiều chính sách hỗ trợ như cấp phát về giống, phân bón và vật nuôi để họ phát triển kinh tế. Các cháu nơi đây, dù sinh ra thiếu vắng sự dạy bảo của cha, nhưng chưa bao giờ vi phạm pháp luật. Trái lại, chúng còn chăm lo học hành và làm ăn, có hiếu với mẹ nên kinh tế gia đình đang ngày một tốt hơn, đã có một số hộ thoát nghèo…” – ông Lý Minh Hoàng – Phó Chủ tịch xã Ia Krái cho biết thêm.
Rời con ngõ nhỏ, để lại cuộc sống thường nhật cho những người phụ nữ tần tảo nuôi các con ở xóm không chồng, chúng tôi càng thấm thía hơn về tình cảm của những người làm mẹ. Sau những vất vả, giờ đây xóm không chồng đã nhộn nhịp tiếng cười. Những đứa con chính là niềm hy vọng vươn lên của những người mẹ đã chịu nhiều tổn thương và vất vả trong cuộc sống.
Theo Danviet
Lâm cảnh nợ nần vì... "vàng đen"
Chỉ sau 3 tháng mùa mưa kéo dài, tại Gia Lai đã có hơn 100ha tiêu đồng loạt chết vì bị úng nước. Cứ ngỡ rằng khi giá tiêu có chiều hướng tăng, người dân nơi đây sẽ vớt vát lại chút ít tiền giống, phân bón..., ai ngờ "vàng đen" một thời lại tiếp tục đẩy người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Tiêu úng nước chết trắng
Hai huyện có diện tích tiêu bị thiệt hại nghiêm trọng nhất là Ia Grai và Chư Sê. Thống kê ban đầu, khoảng trên 100ha tiêu ở 2 huyện này đang bị chết trắng cả vườn vì bị úng nước, và con số này vẫn chưa dừng lại.
Người dân ngao ngán nhìn những đống thân, rễ tiêu nằm chồng chất ở cuối vườn. Ảnh: T.H
Ngược về xã Ia Hrung (Ia Grai), chúng tôi có thể cảm nhận rất rõ sự buồn bã, chán nản trên khuôn mặt của mỗi người dân nơi đây. Sau hơn 3 tháng mùa mưa kéo dài, thay vì màu xanh của lá tiêu trộn lẫn với màu đỏ của từng chùm quả thì nhiều vườn chỉ còn trơ lại dây tiêu, rễ tiêu khô chất đống...
Dù đã đến kỳ trả lãi ngân hàng, thế nhưng ông Đào Văn Duyến (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) cũng chỉ biết thở dài, ngao ngán nhìn vườn tiêu trống trơn của gia đình. Ông Duyến cho hay: "Trước đây, gia đình có vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để đầu tư mua giống, phân bón trồng tiêu. Hơn 1.000 trụ tiêu Vĩnh Linh đến tháng 12 năm nay là có thể cho thu hoạch, cứ ngỡ sẽ có tiền trả nợ. Ai ngờ sau mấy tháng mùa mưa lại lâm cảnh trắng tay, đã thế mỗi ngày hai vợ chồng còn phải tất bật dọn dẹp, thu gom từng thân, rễ tiêu khô để đốt bỏ. Trước mắt, tôi cũng đang làm lại đất, trồng cà phê rồi xen các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp...".
Được biết, diện tích trồng tiêu ở mỗi vườn nhà đều được người dân đào mương thoát nước khá sâu. Tuy nhiên, mưa kéo dài, lượng nước tích tụ nhiều gây ngập úng vẫn khiến hàng chục ha tiêu tơ và tiêu đã cho thu hoạch đồng loạt chết trắng. Thậm chí, hàng nghìn trụ tiêu của một số hộ nhanh chóng héo rũ, chết cả vườn chỉ sau 1 tuần.
Bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng chỉ sau vài trận mưa, gia đình bà Lê Thị Liên (ở xã Ia Hrung) cũng đang rơi vào cảnh nợ nần. "Chỉ một tuần trong tháng 8 vừa qua, vườn tiêu khoảng hơn 1.300 trụ của gia đình tôi chết sạch, trong khi năm ngoái gia đình tôi thu được khoảng 200 triệu đồng. Trong vườn của tôi, tiêu 2, 3, 4 tuổi đều có cả, dù giá bán hiện đang giảm sâu nhưng mấy năm trước tiêu không bị chết nên cũng có lời. Mấy chục trụ tiêu năm 2 thì năm nay mới bước vào vụ thu chính thức, nhưng giờ đã bị úng nước chết hết. Trước khi xuống giống, chúng tôi đã đào mương thoát nước, mùa mưa năm nay cũng đã vét mương rộng và sâu hơn, nhưng nước vẫn ngập trong vườn. Toàn bộ chi phí từ giống cây, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hết mấy chục triệu giờ đổ xuống sông, xuống biển hết rồi. Tiền nợ ngân hàng giờ không biết lấy đâu mà trả".
Bó tay vì... thiên tai
Theo thống kê của 2 Phòng NNPTNT huyện Ia Grai và huyện Chư Sê, tổng diện tích tiêu chết do bị úng nước là hơn 100ha. Cụ thể, tại huyện Ia Grai có khoảng 50ha tiêu chết ở các xã như: Ia Hrung, Ia Sao, Ia Yok...; huyện Chư Sê khoảng hơn 50ha, chủ yếu ở xã Chư Pơng. Tuy nhiên, con số này đang tiếp tục gia tăng sau khi trời nắng, chưa kể nhiều diện tích tiêu hiện đang có dấu hiệu vàng lá, thối rễ.
Ông Đào Lân Hưng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ia Grai cho biết: "Tại huyện này thời gian vừa qua mưa lớn liên tục kéo dài nhiều ngày, gây ngập úng cho nhiều loại cây trồng như tiêu, cà phê, lúa nước... Sau khi nắm bắt được tình hình, chúng tôi đã phối hợp Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV, UBND xã, thị trấn hướng dẫn người dân tập trung nhanh chóng khơi thông dòng chảy, tránh tích tụ nước trong bồn, bằng mọi biện pháp thoát ngay nước trong hố trồng tiêu, cà phê... Bên cạnh đó, phòng cũng đang tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại cũng như triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại".
Theo tìm hiểu của PV, tại thôn Hố Lao (xã Chư Pơng), gia đình ông Phạm Văn Hưng có hơn 3.000 trụ tiêu chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch cũng đã chết gần 2.000 trụ. Số trụ tiêu còn lại, đang có hiện tượng vàng lá, héo úa... Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện đã có hơn 150ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có hơn 50ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn sau thời kỳ mưa kéo dài và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Sê cho hay: "Hiện tại, phòng đã nắm sơ bộ số diện tích tiêu chết trên địa bàn. Chúng tôi đang đôn đốc các xã nhanh chóng gửi số liệu cụ thể về phòng để có những biện pháp cụ thể. Qua khảo sát, kiểm tra, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến việc cây tiêu bị chết hàng loạt là do mưa kéo dài, nước không thoát kịp làm rễ cây bị ngập úng, dẫn đến thối và chết. Trước mắt, chúng tôi đã tuyên truyền vận động người dân tích cực khơi thông dòng chảy, tránh nước tích tụ lại dưới gốc cây. Những cây đã chết nên dọn dẹp sạch sẽ để không lây lan những mầm bệnh cho những cây khác...".
Theo Danviet
Thủ phủ điều bi đát vì mất mùa mất giá, nông dân cạn nước mắt Nhưng ngay nay, nhiêu vươn điêu đa chin ru cây, rung kin gôc nhưng vi điệp khúc "mât mua mât gia" nên hang trăm hô dân tai huyên Ia Grai (Gia Lai) chăng buôn xuông vươn thu hoach. Cám cảnh vừa mất mùa, vừa mât gia Nhưng năm gần đây, hai loai cây chu lưc cua Tây Nguyên la hô tiêu, ca phê...