Xóm chạy thận những ngày chạy dịch: Con Covid tới, nó chiếm “nhà” tụi tui. Hai mẹ con dắt nhau đi bụi ngay trong viện!
“Con cô vit tới, nó chiếm “nhà” tụi tui. Hai mẹ con dắt nhau đi bụi ngay trong bệnh viện. Tuần trước, chị hộ lý cho 1 triệu mới có tiền vô đây ở”, chị Alăng Thị Nga rầu rĩ nói.
Hoà nằm thở thều thào trên chiếc chiếu đặt giữa nền đất. Phía dưới chiếu là lớp bìa carton, phía dưới bìa carton là 1 tấm xốp mỏng chừng 3 cm. Đó là chỗ ngủ “sang chảnh” của mẹ con Hoà cùng 2 bệnh nhân chạy thận khác ở dãy nhà trọ nằm khuất trong 1 con hẻm đường Hải Phòng (Đà Nẵng).
“Nó mới chạy thuốc xong sáng nay nên mệt, chưa ngồi dậy được. Mấy hôm nay mẹ con chị được thuê phòng ở đây, con bé mới có chỗ nằm nghỉ sau chạy thuốc. Trước đó, toàn phải ngủ ngồi khắp nơi trong bệnh viện. Chị chịu được hết, chỉ thương con gái”, chị Nga (quê ở xã Ba, huyện Đông Giang) nói.
Cái khoảng trước đó mà chị Nga nhắc đến là hơn 3 tháng trời, hơn 90 ngày đêm hai mẹ con chị đi bụi ngay trong khuôn viên bệnh viện.
“Con bé mấy tuổi rồi, sao không dắt nó về quề”, tôi buột miệng hỏi khi nhìn Hoà nằm trên chiếu.
Chị Nga chẳng trả lời câu hỏi. Ánh mắt người mẹ nhìn ra cửa phòng trọn đủ 1 người bước ra, bước vào. Gia đình chị ở huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), cách Đà Nẵng gần 100 km. Nhà chị không giàu nhưng đủ ăn. Sinh được 3 con, hai vợ chồng chị Nga cố gắng cho cả 3 đi học, Hoà là chị cả.
Hoà mới 9 tuổi, đang học lớp 4 trường làng trở về nhà sau giờ ở trường thì mệt. Cô bé than đau, mệt mỏi, khó thở, chân đi không nổi. Vợ chồng chị đưa con đi khám. Họ dắt díu nhau đến bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Bác sĩ kết luận Hoà bị suy thận, phải nhập viện điều trị.
“Mới đó mà mẹ con chị đã ăn dầm nằm dề từ bệnh viện Phụ sản Nhi rồi lê lết sang bệnh viện Đà Nẵng được 9 năm. 6 năm ở bên Nhi, 3 năm bên đa khoa. Dài đằng đẵng em ơi. Tuần 3 lần phải chạy thận. Có nhà nhưng cũng không về được vì đi lại làm con bé mệt mỏi, lại thêm tốn tiền xe cộ.
Việc nhà, việc nuôi 2 đứa nhỏ 1 mình ông chồng ở quê lo. Chị ở đây lo cho con chứ bỏ sao đành. 9 năm trời, trong nhà chẳng còn thứ gì.
Cô gái 18 tuổi Trần Thị Hoà, 9 năm chạy thận, đồng ý cho chụp ảnh sau khi “ làm đẹp”. Ảnh: Đình Thức
Hoà nó 18 tuổi rồi, nhìn như đứa bé vậy đó”, chị Nga chua chát.
Tôi đưa máy xin chụp hình “con bé” Hoà đang nằm trên tấm nệm. Cô gái xua tay từ chối, từ từ ngồi dậy. 18 tuổi, cơ thể Hoà như đứa học trò lớp 7 thiếu ăn. Chân tay tong teo, da đen sì, cao khoảng 1,5 m, khó ai mà đoán định được Hoà đã 18. Dãy cục u nối dài trên cánh tay lại là điểm nhấn lớn nhất của cô gái.
“Để em làm đẹp cái đã”, Hòa nói, đúng giọng 1 thiếu nữ 18. Cô nhẹ nhàng chải tóc cho gọn gàng, vuốt vuốt lại cái áo bông rồi với tay đeo cái khẩu trang lên miệng. “Em ở bệnh viện quen rồi, 9 năm rồi em mới ra ở trọ. Mới tuần trước mẹ con em còn đi lang thang trong bệnh viện chứ làm chi có trọ mà ở”, Hoà nói nhẹ tênh.
Video đang HOT
Dịch Covid-19 xuất hiện, bệnh viện Đà Nẵng trở thành 1 trong những nơi điều trị bệnh nhân và tiếp nhận người nghi nhiễm. Khu nhà ở trước đây được các lãnh đạo bệnh viện ưu ái cho nhóm bệnh nhân chạy thận đến từ Quảng Nam lưu trú miễn phí nay phải thu hồi để thành nơi cách ly.
“Con cô vit tới, nó chiếm “nhà” tụi tui. Các bác cần thì mẹ con chị và những người khác trả ngay vì biết Covid-19 này nguy hiểm. Khi nào hết bệnh các bác lại cho mọi người vào ở lại thôi, họ thương tụi chị không hết.
Không ở trong khu lưu trú, hai mẹ con dắt nhau đi bụi ngay trong khuôn viện bệnh viện. Có cô y tá cho chiếc mùng chụp, tối đến kiếm được chỗ thì trải chiếu xuống, chụp mùng ngủ. Ngày thì ngồi đâu đó bên hành lang, bảo vệ đuổi chỗ này thì đi chỗ khác. Thương nhất là ngày chạy thuốc, người nó cứ lả đi, mình phải cho nó dựa vào vai mới ngồi nổi. Tuần trước, chị hộ lý cho 1 triệu mới có tiền vô đây ở”, chị Nga rưng rưng.
Con sống ở viện, chạy thận ở viện, chị Nga chẳng có thời giờ ra ngoài để kiếm được đồng tiền trang trải. Hai mẹ con chỉ còn cách đi nhặt vỏ chai nước, lon bò húc, giấy báo trong bệnh viện mang bán để kiếm chút tiền để dành. Mỗi ngày, mẹ con chị cũng kiếm được chừng 10 đến 30 nghìn đồng. Tiền đó mẹ con chị để dành mua thuốc.
“Lúc chưa Cô vít được ở miễn phí, ngày nào cũng có nhà hảo tâm cho thức ăn, cơm hộp. Chạy thận cũng không tốn tiền, chỉ tốn tiền thuốc. Mỗi tháng khoảng 3 đến 5 loại thuốc, tốn chừng 1 triệu.
Ở nhà làm gì có tiền mà gửi nên 2 mẹ con nhặt ve chai. Nhiều thì dư 1 triệu đủ trả thuốc, ít thì thiếu. Nhiều nhà hảo tâm hay đến giúp đỡ, cho thêm tiền nên con bé được uống thuốc đều đặn. Mấy tháng nay có con Cô vít, mệt mỏi hơn nhiều. Bà con trong xóm chạy thận cũng vậy”, chị Nga thật thà tâm sự.
Những thành viên xóm chạy thận trong căn phòng nhỏ rộng chừng 15 m2. Căn phòng này mỗi tháng 4 triệu đồng. Dãy nhà trọ có gần 20 phòng, lọt thỏm trong đó là 5 phòng với 20 khẩu của xóm chạy thận.
Căn phòng trọ của mẹ con chị Nga nằm trong con hẻm đường Hải Phòng, cách bệnh viện đa khoa Đà Nẵng chừng 200 m. Căn phòng chừng 15 m2, có nhà vệ sinh trong, có một chỗ nấu bếp. Đó là nơi ở của 5 người, hai mẹ con chị Nga và 3 bệnh nhân chạy thận khác.
“Mỗi tháng 4 triệu tiền phòng, 5 người nhưng 4 nhà góp lại để trả. Mẹ con con Hoà, tính là 1″, Nguyễn Thị Hà (SN 1988, quê xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), góp chuyện. 32 tuổi, Hà có thâm niên chạy thận 15 năm, chuyện ở khu chạy thận không gì qua được mắt chị.
Dãy cục u vừa dài, vừa to chạy dọc cánh tay Hà minh chứng cho thâm niên chạy thận của Hà. Hà kể, rõ ràng, rành mạch đầy đủ tên, họ về những bệnh nhân khu chạy thận. Con Hoà dân tộc Cơ tu trên Đông Giang, bà Sáu (Nguyễn Thị Sáu, 70 tuổi) dân quê Gò Nổi (Điện Bàn), ông Phúc (Trần Hữu Phúc, 60 tuổi) dân Quế Phú (Quế Sơn), con Ái Vân (Phạm Thị Ái Vân) quê Duy Vinh (Duy Xuyên)…
“Đây toàn người Quảng Nam. Dân chạy thận thâm niên, kinh nghiệm chịu đau đầy mình”, Hà bông đùa. “Có tất cả 19 người. Chạy thận 1 lần hết 700 ngàn nhưng ở đây có bảo hiểm hết nên được miễn phí.
Nhưng tụi em làm gì có tiền thuê riêng phòng 4 triệu/tháng. 19 người, 5 phòng, chia ra mà ở. Phòng chật cũng đành chịu. May là hôm nay em chạy thận thì mai là người khác nên chỉ đến tối mới đủ người trong phòng. Mà giờ đó chỉ nằm ngủ nên cũng chẳng chật chội gì”, Hà kể.
Lúc Covid-19 mới xuất hiện, các bác sĩ thông báo lấy lại khu nhà ở làm nơi cách ly, cả nhóm hỗn loạn. Cả nhóm chia nhau đi tìm nhà trọ nhưng nhiều nơi từ chối. Chủ trọ thấy họ bệnh tật, ốm yếu lại hay bị ho nên sợ liên luỵ. Nhà trọ xa bệnh viện thì có nơi cho ở nhưng họ không thuê được vì đi không nổi.
“Tụi tui ho sù sụ lại hay phải ra vô bệnh viện, chủ trọ họ sợ chúng tôi nhiễm Covid-19 là đúng rồi. 5 phòng trọ ở đây, các bác sĩ phải đứng ra bảo đảm, xin cho chúng tôi họ mới cho thuê. Về nhà thì xa, đi lại như cực hình. Tụi này mà không có các bác sĩ giúp đỡ thì không biết đi về đâu”, ông Phúc kể.
Bàn tay ông Trần Hữu Phúc đầy những u cục của người chạy thận lâu năm và bữa cơm chay cho buổi tối mới nhận về.
Ông Phúc 60 tuổi, có 10 năm chạy thận. Mấy năm trước, vợ ông túc trực ở bệnh viện chăm lo cho chồng. Hai năm trước, cậu con trai đầu Trần Xương Thịnh đột nhiên đổ bệnh tâm thần phải ra bệnh viện tâm thần chạy chữa. Vợ ông đành phải ở nhà chăm 2 đứa con, làm ruộng kiếm đồng ra đồng vào. Ông Phúc chạy thận nhưng lúc rảnh rỗi lại chạy đến bệnh viện tâm thần thăm con trai.
“Mấy bữa nay có dịch, họ không cho đi thăm nữa. Bác sĩ nói nó vẫn khoẻ nhưng làm cha làm mẹ, gặp mới yên tâm được.
Ở xóm này chỉ con Hoà còn nhỏ là được mẹ chăm”, người cha mang trong mình căn bệnh hiểm ác xót xa nói.
Ông Phúc cố nén khóc. Trong xóm, dãy cục u trên tay ông là to, dài nhất. Ở trọ 3 tháng, ông tốn hết 3 triệu.
“Tiền ăn, tiền thuốc, tiền trọ nên mấy bữa nay tốn gấp 3 so với khi chưa có dịch”, ông Phúc nói. Rồi, người đàn ông 60 tuổi lật đật rời khỏi phòng khi chuông đồng hồ báo 5 giờ chiều. “Ổng đi ra chỗ từ thiện xin cơm. Hôm nay có cơm chay phát miễn phí”, chị Hà lại lên tiếng, giải thích.
Hà kể, ở bệnh viện, rất nhiều nhà hảo tâm thương xót các bệnh nhân chạy thận nên ngày nào cũng nhận được các phần cơm, ngày 2 bữa. Bệnh nhân vì thế không tốn tiền ăn. Từ bữa có dịch, người ra vào bệnh viện cũng hạn chế, nhóm bệnh nhân ra ngoài thuê phòng trọ vì thế nhà hảo tâm vì thế cũng dừng việc cho cơm.
“Mấy hôm đầu phải mua cơm hộp về ăn. Tốn kém quá nên xóm góp tiền lại nấu. Vậy mà vẫn tốn lắm. Cả xóm chạy thận này chẳng có ai khá cả chứ chưa nói đến giàu.
Đợt này em lên mạng thấy vì dịch nên nhà hảo tâm phát cơm nhiều. Em lên mạng đọc Facebook, biết chỗ phát mà gần thì xóm lại ra xin về ăn để tiết kiệm”, Hà tâm sự.
Ông Phúc quay trở lại, trên tay là chiếc túi nilon chứa 20 phần cơm chay. Ông lấy ra, xếp gọn lên bàn rồi lấy 1 hộp, mở ăn. Bữa ăn chậm chạp, ông phải nhai từng miếng một vì sợ nghẹn.
“Mấy cô ở đó biết mình là bệnh nhân chạy thận rồi, họ dặn mai ra nhận tiếp vì còn phát. Ăn đi, mai đỡ lo tiền cơm rồi”, ông Phúc nói. Mọi người trong xóm vui mừng, nét mặt hồ hởi.
Tôi ra về để họ ăn cơm tối. Ra đến cổng, “con bé” Hoà, chạy theo, gọi giật lại. “Anh ơi, bao giờ hết dịch vậy ạ. Mẹ con em có 1 triệu đóng trọ nên ở được 1 tháng thôi. Anh biết ai giúp đỡ xóm với, ai cũng cực”, “con bé” nài nỉ, mắt tôi cay cay. “Em á, em muốn được về nhà thăm 2 em. Mấy tháng rồi chưa gặp, nhớ tụi nó kinh khủng”, Hoà nói, đi trở lại phòng. Dáng người nhỏ thó, bước đi chậm chạp, nặng nề.
Đình Thức | TK: Bạch Quả
Hà Nội lập chốt ở xóm chạy thận Bạch Mai
Quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) lập chốt khoanh vùng khu nhà trọ các bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Bạch Mai.
Sáng 30/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Hà Nội, ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết "xóm chạy thận" có 105 người, tập trung thuê trọ tại ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị để tiện hàng ngày ra vào bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Khi phát hiện ca dương tính với nCoV liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, thành phố yêu cầu rà soát, lấy mẫu xét nghiệm một trường hợp ở xóm chạy thận có liên quan đến khoa Tim mạch, cho kết quả âm tính.
"Quận đã lập chốt để bệnh nhân chạy thận hạn chế đi lại, yêu cầu mọi người trong xóm không đi ra ngoài; phối hợp với Bạch Mai để tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân này", ông Phong nói.
Người trong xóm chạy thận ghi thông tin cá nhân khi đi qua các chốt kiểm soát sáng 30/3. Ảnh: Giang Huy.
Chính quyền phường lập lối đi riêng cho các bệnh nhân chạy thận đến viện Bạch Mai. Họ được phát thẻ để tiện quản lý. Bệnh viện sẽ tổ chức đón các bệnh nhân tại cổng, sau đó đưa theo lối riêng đến nơi điều trị. Sau khi điều trị xong, quy trình trở về xóm chạy thận của các bệnh nhân diễn ra như lúc vào viện.
Các bệnh nhân chạy thận đều có hoàn cảnh khó khăn, nên họ vừa điều trị vừa lao động mưu sinh. Do đó trong thời gian các bệnh nhân chạy thận bị hạn chế đi lại, quận Hai Bà Trưng hỗ trợ mỗi người 10 kg gạo, mỗi gia đình một triệu đồng. Quận cũng ký hơp đồng với siêu thị cung cấp hàng hoá thiết yếu hai ngày một lần cho người trong "xóm chạy thận".
Ông Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện Bạch Mai, thông tin thêm, hiện có khoảng 500 bệnh nhân đang chạy thận tại cơ sở y tế này. Sáng 30/3, bệnh viện đã thiết lập lối đi riêng để đón bệnh nhân.
Ông Châu cảm ơn các quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, nơi có nhiều bệnh nhân chạy thận ở trọ đã giám sát, hỗ trợ các bệnh nhân được tiếp tục điều trị ở Bạch Mai. "Nếu chuyển hết họ sang bệnh viện thận Hà Nội sẽ gây nên quá tải", ông Châu nói.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trước nguy cơ lây lan từ ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai, thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm nhanh và có trọng điểm ở nhiều khu vực. Trước mắt, chiều 30/3, thành phố đưa các đội xét nghiệm lưu động lấy mẫu các phường quanh bệnh viện Bạch Mai, trong đó có các trường hợp ở "xóm chạy thận".
Bạch Mai là một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước, quy mô 1.900 giường bệnh. Đến sáng 30/3, Việt Nam ghi nhận 194 bệnh nhân Covid-19, trong đó Hà Nội nhiều nhất với 77 ca. Liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai có 25 ca dương tính, gồm các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người của công ty cung cấp dịch vụ.
Võ Hải
Ba bệnh nhân Covid-19 xuất viện "Bệnh nhân 35" tươi cười vẫy tay chào khi ra viện sáng 27/3, còn hai bệnh nhân người Anh tránh tiếp xúc. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận sức khỏe và giấy chuyển cách ly cho "bệnh nhân 22", "bệnh nhân 23" và "bệnh nhân 35". Để đảm bảo an...