Xôi măng, món ngon độc đáo của người Kon Tum
Chỉ là món xôi nấu từ gạo nếp quen thuộc, kết hợp khéo léo với măng rừng nhưng đã trở thành món điểm tâm sáng thân thuộc với mỗi người dân tại Kon Tum.
Với nhiều người sinh sống và làm việc tại Kon Tum, xôi măng quen thuộc bao nhiêu thì với những khách đường xa lần đầu đặt chân tới, xôi măng lại trở thành món ăn lạ lẫm bấy nhiêu. Có lẽ phần vì đã quen thuộc với những loại xôi truyền thống như xôi ngô, xôi xéo, xôi đậu xanh… nên khi nghe tới xôi măng ai nấy đều cảm thấy tò mò
Xôi măng được nấu từ gạo nếp thơm và măng tươi lấy từ rừng. Thế nên mỗi bát xôi măng nhìn khá đơn giản, chỉ bao gồm xôi đồ chín và măng xào bên trên. Người Kon Tum thích ăn cay nên mỗi bát còn có thêm một quả ớt đỏ, không cầu kỳ nhưng bắt mắt và hấp dẫn. Theo nhiều người dân tại Kon Tum, cả thành phố chỉ có hai hàng xôi, quán của bà mẹ người Huế bán đã được hơn 30 năm nay và quán của người con gái mới mở. Mặc dù không cùng một người chế biến nhưng món xôi măng ở cả hai hàng ngon chẳng kém nhau, khiến ai nấy đều thích thú và hài lòng.
Cách làm xôi măng khá đơn giản và chẳng mấy cầu kỳ. Măng tươi sau khi được đào trên rừng về lột bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Qua công đoạn sơ chế để làm mất mùi ngái, măng được đem xào qua với gia vị để trở nên đậm đà. Gạo nếp chọn loại ngon đem ngâm trong nước muối loãng có pha thêm bột nghệ để lên màu khoảng 8 tiếng thì mang ra đồ chín.
Video đang HOT
Sáng sớm, người bán đặt cạnh mẹt xôi lớn còn nóng nồi măng xào cùng mấy tập lá chuối tươi để gói cho khách có nhu cầu mang đi. Người đến mua chỉ cần bỏ ra 7.000 đồng, ai ăn nhiều thì mua chừng 10.000 đồng là có bữa sáng lót dạ vừa rẻ vừa ngon. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì món xôi măng ở Kon Tum vẫn chưa đủ để hấp dẫn. Bên cạnh măng xào, người bán còn khéo léo chế biến thêm cá kho và cháo măng cho thêm phần đa dạng. Vậy là hàng xôi có thêm thực đơn để khách tha hồ lựa chọn. Người thích ăn chay thì chọn xôi măng, thích thập cẩm thì gọi thêm cá kho cùng măng hay trẻ nhỏ có thể điểm tâm sáng bằng cháo măng cùng bố mẹ.
Vào những ngày rằm hay ngày ăn chay, cá kho được thay thế bằng đậu phụ. Khách đến có thể gọi xôi măng cùng đậu hay cháo đậu để đổi vị cũng ngon và không kém phần hấp dẫn. Nếu như vị giòn giòn của măng quyện cùng vị dẻo của xôi, vị ngậy của cá kho đã đủ để quyến rũ thực khách thì khi thay cá bằng đậu, hương vị ấy lại trở nên lạ lẫm hơn nữa. Chẳng thế mà khoảng 7 giờ sáng hàng ngày, xôi đã hết, chỉ còn lại cháo măng. Và món ngon này cũng chỉ bán thêm chừng một tiếng đồng hồ nữa. Khi ấy ai muốn thử lại phải chờ sang ngày hôm sau.
Mang nét đặc trưng riêng trong vẻ quyến rũ của màu sắc với đôi chút vàng tươi của măng rừng, đặt trên bát xôi nếp màu nghệ, xôi măng hấp dẫn người qua lại bằng cả mùi thơm đặc biệt, khiến biết bao người đều nán lại chỉ để mua cho được gói xôi kịp giờ đi làm. Vô tình món ngon ấy trở thành thứ để níu chân người một lần qua phố núi Tây Nguyên.
Theo TCDL
Xôi sáng Hà Nội...
Quà sáng ở Hà Nội thật đa dạng với nhiều món khác nhau, nhưng có lẽ món xôi xuất hiện suốt 4 mùa trên từng góc phố ta qua.
Xôi là món ăn không quá đắt tiền, phù hợp với mọi lứa tuổi và thành phần. Mỗi món xôi đều có hương vị, nét riêng trong ẩm thực của người Hà Nội.
Ta có thể bắt gặp hàng xôi ở khắp mọi ngõ ngách, khu dân cư. Những người bán hàng thường đựng xôi trong thúng, đậy bằng "vỉ buồm" để giữ nhiệt cho những hạt xôi luôn được thơm dẻo. Lá gói xôi cũng theo mùa, khi thì lá chuối, lúc lại lá sen nên dường như cùng một món xôi nhưng ở Hà Nội hương vị biến đổi theo mùa thì phải.
Khúc biến tấu của xôi qua năm tháng khiến chúng ta đôi khi quá đỗi ngạc nhiên vì sự hấp dẫn. Nhớ ngày còn nhỏ, mỗi sáng lũ trẻ chúng tôi thường được mẹ cho 5 hào để ăn xôi. Thời đó, chỉ có xôi lạc, xôi gấc, xôi sắn, xôi đậu, xôi xéo, xôi ngô... đã đủ khiến lũ học trò chúng tôi háo hức với mỗi ngày một loại "đổi món" cho đỡ chán. Ấy vậy mà bây giờ, lại có thêm xôi gà nấm, xôi pa tê - xúc xích, xôi thập cẩm, xôi chim... bảo sao thực khách "mê mẩn" món xôi từ sáng tới đêm. Trước đây, xôi thường bán sáng sớm nhưng bây giờ, bạn có thể thưởng thức món xôi từ sáng tới đêm khuya với những địa chỉ được cư dân "sành ăn" rỉ tai nhau.
Mỗi loại xôi được ăn kèm với các loại thức ăn khác nhau. Xôi trắng thường được ăn kèm với ruốc, thịt kho tàu, giò chả, lạp xưởng, thêm chút dưa chuột dầm, hành khô cho đỡ ngán. Xôi xéo là món khá cầu kỳ và hấp dẫn thực khách. Hạt xôi dẻo căng, bóng mịn quyện với màu vàng tươi của đậu xanh giã nhuyễn, nắm thành từng nắm được người bán dùng con dao nhỏ thật sắc, cắt thành lát cùng với hành khô phi vàng rắc lên trên, rưới thêm chút mỡ phi hành. Cứ thế bảo sao, chỉ mới mở gói xôi xéo ra, mùi thơm đã lan tỏa thật hấp dẫn.
Những ngày rằm, mùng một, các hàng xôi thường đóng những đĩa xôi gấc màu đỏ tươi thành khuôn hình bông hoa trông khá đẹp mắt. Xôi gấc thanh khiết, nên mọi người thường dâng cúng tổ tiên rồi "thụ lộc" mà không cần ăn kèm với bất cứ thức ăn gì. Xôi gấc ăn "đúng điệu" thường được nắm bằng tay, người ăn nhẩn nha bỏ từng nắm nho nhỏ vào miệng mà thưởng thức cái vị beo béo, ngòn ngọt của hạt nếp quyện cùng gấc tươi, đường, thoang thoảng mùi thơm của rượu trắng "đánh" gấc.
Những ai đã đi qua mùa đông ở Hà Nội, hẳn sẽ nhớ tới món xôi khúc hay còn gọi là bánh khúc, một món ăn độc đáo tại mảnh đất này. Lá khúc thường được hái vào buổi sớm, khi nhánh lá còn mơn mởn trong màn sương, sau đó rửa sạch, giã nhuyễn, rồi vắt bỏ bớt xơ, trộn với bột gạo nếp làm vỏ xôi. Nhân bánh được làm từ đậu xanh đồ chín tới, giã mịn và viên lại bằng quả trứng gà. Dùng vỏ xôi bọc nhân, điểm thêm mấy miếng thịt ba chỉ thái hạt lựu ướp hạt tiêu thơm nức. Sau khi gói xong, xếp nhẹ nhàng những nắm xôi vào chõ, mỗi lớp bánh, rắc một lượt gạo nếp ngon đã ngâm kỹ làm "áo". Đậy vung thật chặt, đun đều lửa đến khi xôi chín. Bây giờ bánh khúc có quanh năm nhưng ngon nhất là khi bạn thưởng thức vào đúng mùa rau khúc khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch. Những ngày lành lạnh, còn gì tuyệt hơn khi ta cắn miếng bánh khúc nóng hôi hổi, dẻo thơm, chạm tới lớp nhân béo ngậy của đậu xanh, thịt mỡ ướp hạt tiêu... lặng nghe tiếng rao "khúc ơ..." loang dài trên phố.
Món xôi sáng ở Hà Nội bình dị vậy thôi, nhưng dù có đi xa bao lâu ta cũng chẳng thể nào quên...
Theo PLXH
Đến bản Pò Tập dùng xôi "đăm đeng" với vịt quay than Trong lần theo bạn về bản Pò Tập (thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, Cao Bằng) ngoài ấn tượng khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, tôi còn nghiện luôn món xôi "đăm đeng" và vịt quay than. Xôi ngũ sắc Pò Tập là vùng đất nằm ở sát biên giới của Việt Nam, có phong cảnh thiên nhiên hung vĩ và chỉ...