Xóa mù chữ ở làng “lăn tay”
Thay vì ký tên, hầu hết cư dân những làng chài ven phá Tam Giang huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ có thể “ lăn tay” (điểm chỉ) mỗi khi cần xác nhận pháp nhân trên các loại giấy tờ.
Thế rồi gần đây, với quyết tâm không để mù chữ mãi là “đặc trưng nhận dạng” của dân đầm phá, không cam tâm tiếp tục “lăn tay” thay chữ ký, họ rủ nhau lên bờ đi học lớp xóa mù sau thời gian lao động kiếm sống trên con sóng…
“Hạnh ơi, ăn xong chưa, đi học hè”. “Chị Ken ơi, trễ giờ học rồi tề…”.
Sau bữa cơm tối, thôn Vạn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền rộn ràng tiếng í ới gọi nhau đi học chữ. Lớp học đặc biệt được mở tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, là một trong 5 lớp học do Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền tổ chức, dành cho 102 cư dân vạn đò trên địa bàn huyện.
U.40 – U.50 theo học chương trình lớp 2 tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi
Họ là những “học sinh” hết sức đặc biệt, phần lớn đã nên vợ nên chồng, thậm chí đã có hai, ba cháu nội, ngoại, vậy mà họ đang bắt đầu từ điểm bắt đầu nhất của sự học, “a bờ cờ”.
Vỡ lòng U.40
Hôm tôi đến gặp lúc đầu giờ, lớp xóa mù thôn Vạn Hạ Lang đang rôm rả chuyện con tôm, con cá. Từ bàn trên, bà Lê Thị Ken quay xuống hỏi bà Lê Thị Hạnh: “Đêm qua cá mú răng mi?”. Bà Hạnh thở dài: “Không ra chi mi ơi, sáng ni chỉ đủ tiền gạo thôi”.
Cạnh bên, ông Trần Văn Dũng rầu rĩ: “Chiều ni đi ăn kỵ (đám giỗ) xóm trên, chích vô mấy ly rượu giờ người mệt đừ như trúng gió”… Rồi đến chuyện xăng dầu lên giá, chuyện nộp học phí, lệ phí đầu năm học cho con…, chuyện kỳ thi tuyển vô đại học vừa rồi thôn mình có con ai đỗ không… khiến lớp học xôn xao như một cái chợ. Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi thầy giáo Lê Công Thăng gõ nhẹ nhẹ cây thước lên bảng: “Cả lớp vào học thôi”.
Thầy Thăng viết chữ “ca” thật to lên bảng, rồi đánh vần “a, cờ a ca” cho cả lớp nghe và yêu cầu mọi người lặp lại. “Đọc lại lần nữa, chưa đều”, thầy Thăng nhắc.
Cứ thế suốt buổi, thầy trò lớp học vật lộn đến toát mồ hôi với những điều tưởng không gì đơn giản bằng: “a cờ a ca, bê, bờ ê bê…”. Vất vả là thế, nhưng cả thầy và trò ai cũng tỏ ra nghiêm túc, cầu thị, không một tiếng xì xầm, nói chuyện riêng.
Video đang HOT
Sau phần đọc tới đọc lui để học sinh ôn bài, nhớ lâu mặt chữ, thầy Thăng gọi từng người đứng dậy trả bài. Khi 16 học sinh của lớp đã đọc thông “cờ a ca, bờ ê bê”, thầy Thăng đi đến từng người, cầm tay hướng dẫn viết những chữ vừa học… Thầy kể: “Để viết được một chữ cái đôi lúc phải mất hai đến ba buổi học. May mà các chị, các mệ trong lớp ai cũng có chí cầu tiến, không có ai nản vì chữ khó cả”.
Để tổ chức được lớp học tại thôn Vạn Hạ Lang, cán bộ đoàn thể trong thôn cùng với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện đã tiến hành khảo sát, nhiều lần tổ chức họp dân để vận động họ đến lớp. Sách vở, bút được trung tâm phát tận tay. Dự định ban đầu sẽ tổ chức lớp học vào các buổi sáng trong tuần, ý tưởng đó bị phá sản bởi ban ngày là thời gian người dân bận đi phụ thợ nề, đi đánh bắt cá ở hồ thủy điện Hương Điền để kiếm sống.
“Ở đây ai cũng phải lên hồ bắt cá chạy gạo nên chỉ có thể đi học xóa mù vào buổi tối”, bà Lê Thị Ken nói.
Học để hát… karaoke
“Chừng này tuổi rồi còn đi học làm gì?”, tranh thủ giờ giải lao tôi dạm hỏi bà Nguyễn Thị Hạnh. “Học để… hát karaoke với bạn bè cho kịp thời đại”, bà trả lời.
44 tuổi, nhưng bà Lê Thị Hạnh đã có thâm niên hơn 30 năm làm nghề chài lưới. Bà tâm sự: “Ngày xưa, tui cũng thèm được đi học lắm nhưng cái nghiệp cá tôm ai cũng rõ rồi, cá ở mô thì đò phải xuôi theo đó. Cả nhà chạy lo cái ăn, cái mặc xanh mặt, xanh mày rồi thì mần chi có điều kiện chữ với nghĩa được”.
Bà kể bao năm nay, do một chữ bẻ đôi cũng không biết nên cuộc sống của bà gặp rất nhiều phiền toái: “Trong nhà cần viết tờ đơn xin xỏ này nọ gởi cho thôn, cho xã cũng phải đi nhờ hàng xóm. Làm giấy khai sinh cho con cũng không biết đánh vần tên con, rồi ngay cả việc ký vào tờ giấy vay vốn phụ nữ thôi mà cũng không làm được. Có lần cán bộ thôn gọi tui đến, nói ký vô tờ danh sách nhận tiền hỗ trợ bão lụt. Tui cầm cây viết mà tay cứ lóng ngóng, ngó nghiêng không biết mần răng cả.
Cán bộ hỏi chê tiền ít hay răng mà không chịu ký? Sau khi nghe tui trình bày hoàn cảnh, cán bộ phát tiền lấy cây bút bi vừa quẹt mực lên ngón tay tui vừa gắt: Không biết chữ thì nói không biết chữ cho đỡ mất thời gian, rồi cầm ngón tay tui ịn vô tờ giấy, xong mới cho nhận tiền”.
Cũng như bà Hạnh, ông Trần Văn Dũng, 39 tuổi, tự ái tột độ sau những lần bị bắt “lăn tay”, “điểm chỉ”. Có lần đem chuyện “lăn tay” về nhà kể cho vợ nghe, 4 đứa con nghe được, gợi ý mẹ mua vở về để chúng nó dạy cho cha biết viết tên họ đầy đủ và biết ký tên. Nghe “đề xuất” mà ông Dũng giận tím tái mặt mày: “Không biết chữ đúng là quá khổ nhưng ai đời con lại làm thầy dạy chữ cho cha học mô. Trên đời ni làm chi có chuyện ngược ngạo kiểu chó leo bàn thờ rứa?”.
Lớp bình dân học vụ tại thôn Vạn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền
Năm ngoái, ông Dũng tậu một cái điện thoại di động để “a lô” cho bằng anh em bạn bè. Điện thoại mua về, ông loay hoay mãi vẫn không biết gọi điện, nhắn tin. Cuối cùng, hai đứa con ông phải dành đúng một buổi để hướng dẫn cho cha cách nghe, gọi điện thoại di động. Và đến năm nay thì ông Dũng mới biết nhắn tin.
Có những lần nhậu xong bạn nổi hứng rủ đi hát karaoke ông Dũng lẳng lặng trốn về. “Không phải là mình nghèo đến mức không có tiền để góp, cũng không phải là không biết hát mà là không biết chữ. Nhiều lần thử liều đi hát nhưng chữ nghĩa nó chạy trên màn hình mà mình không hiểu mô tê răng rứa chi cả nên trốn về là an toàn nhất”- ông Dũng cười cười xấu hổ.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở lớp học xóa mù thuộc thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi cạnh bên. “Nhưng đó là chuyện của một năm về trước rồi”, thầy Hồ Quang Chính, giáo viên đứng lớp thôn Ngư Mỹ Thạnh nói. “Bây giờ tui đã đỡ cực hơn bởi các o, các chú ở đây đã hoàn thành xong phần cơ bản”.
Lớp xóa mù Ngư Mỹ Thạnh có 40 học sinh thì có 40 hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung quy đều liên quan đến nạn mù chữ. Bà Hồ Thị Thủy, 47 tuổi, có tiếng năng nổ nên nhiều lần được chính quyền địa phương cử đi tham gia các hoạt động đoàn thể xã hội. Đã không ít lần bà muốn bỏ về nửa chừng chỉ vì không biết chữ: “Có lần đi tập huấn, 15 người mà chỉ mình tui không biết chữ. Cán bộ hướng dẫn nói thì còn hiểu, viết lên bảng thì tui chịu chết. Cầm trong tay tập tài liệu cán bộ phát cho để đọc nghiên cứu mà tui ngồi đơ ra, cảm giác mình như ở hành tinh khác xuống rứa, thiệt xấu hổ”, giọng bà Thủy buồn thiu dẫu câu chuyện giờ đã thành “quá khứ”.
Ôn bài trên phá Tam Giang
Đêm trên phá Tam Giang, sau những mẻ lưới, chuỗi lừ, ngư dân lại đem sách vở ra ôn bài cũ. Giọng U.40 – U.50 đánh vần đọc sách tiếng Việt lớp 2 mang lại cho người nghe như tôi nhiều cảm xúc khác nhau: Lạ, vui, buồn cười…
Vợ chồng ông Trần Hoàn, La Thị Lai tủm tỉm: “Chừ thì quen rồi, chứ mấy ngày đầu, khi hai vợ chồng tui đem sách ra tập đọc, đò ngang, ghe dọc chạy qua, nghe tiếng ai cũng tò mò dừng lại coi, xấu hổ chỉ muốn lao đầu xuống phá”.
Bây giờ, khi đã biết đọc, biết viết, những ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh đã cảm thấu sự thú vị của người biết chữ. Ông Nguyễn Phong giờ có thể tự tay thảo tờ đơn, ký giấy tờ. Mỗi lần thấy chữ ở đâu, ông cũng dừng một lúc để đọc: “Đọc để biết cái chi ở trong nớ, đọc cũng để nhớ chữ được lâu hơn. Khi mà đọc được, hiểu được thấy đã cái đời!”.
Ngồi cạnh ông Phong là ông Trần Tai, 53 tuổi, rít một hơi khói thuốc dài rồi cầm sách đọc: “Thôn tôi anh Liến là người chăn nuôi giỏi. Chuồng lợn nhà anh thường xuyên có dăm con lợn thịt, một con lợn nái…”. Đọc xong, ông Tai ngoảnh sang ông Phong, cười toe toét: “Nghe răng?”.
Theo 24h
Chống ngư tặc ở phá Tam Giang
16 hộ dân ở xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tự nguyện lập đội tuần tra ngăn chặn ngư tặc, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sự bình yên cho các đầm nuôi tôm cá trên phá Tam Giang
Đội chống ngư tặc tổ 8 cùng với Công an xã Điền Hải tuần tra trên phá Tam Giang
Trước tình trạng hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị ngư tặc ngang nhiên cướp nghêu, tôm ngay trong hồ, 16 hộ dân ở xã Điền Hải tự nguyện thế chấp tài sản, vay mượn tiền mua thuyền máy công suất lớn rồi thành lập đội chống ngư tặc không lương trên phá Tam Giang.
Vừa cướp phá vừa đánh người
Khi nghe chúng tôi hỏi về nạn ngư tặc trên phá Tam Giang, ông Phan Chín, tổ trưởng tổ 8, xã Điền Hải, ngán ngẩm: "Bọn chúng rất hung hãn, luôn mang theo hung khí, sẵn sàng chống trả mỗi khi bị rượt đuổi, khiến người dân sợ hãi". Ông Chín kể mới đây, lúc trời vừa chạng vạng, anh Nguyễn Tần đi thăm hồ nuôi tôm trên phá Tam Giang thì gặp một nhóm ngư tặc ở xã Điện Hòa đang tràn vào hồ của anh ngang nhiên đánh bắt. Anh Tần cùng hai người dân ở tổ 8 chạy đến xua đuổi liền bị chúng chống lại, một đối tượng dùng thanh sắt đánh anh Tần gãy 2 xương sườn. Không dừng lại ở đó, bọn chúng còn tiếp tục tràn vào ao nuôi cá, tôm của các hộ khác để đánh bắt trộm. Khi công an cùng người dân đến hiện trường, bọn chúng mới chèo thuyền bỏ chạy.
Còn ông Phan Minh cũng cho biết vào một buổi sáng sớm, khi ông chèo thuyền thăm hồ cũng bắt gặp gần 10 ngư tặc đi trên 3 chiếc thuyền ngang nhiên xông vào hồ cá của gia đình ông và dùng xung điện đánh bắt. Khi ông đến nơi xua đuổi liền bị chúng dùng dao rựa tấn công; ông Minh phải bỏ của chạy thoát thân, để lại hồ nuôi cho bọn chúng cướp phá. Khi ông Minh chạy về làng gọi người dân ra ứng cứu thì hồ tôm, cá sắp đến ngày thu hoạch của ông đã gần như bị vét sạch, bao nhiêu vốn liếng, công sức gia đình ông bỏ ra trở thành công cốc.
Nhiều hộ ở xã Điền Hải cũng lắm phen bị ngư tặc ngang nhiên tràn vào cướp thủy sản khiến họ lâm vào cảnh nợ nần. Điều đáng nói, tình trạng này không chỉ xảy ra ở xã Điền Hải mà còn xảy ra ở hầu hết các hồ nuôi trên phá Tam Giang của các xã Quảng An, Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), Lộc Điền (huyện Phú Lộc)..., khiến người dân hết sức phẫn nộ.
Đã có khắc tinh
Không còn cách nào khác, ông Phan Đế, tổ 8, xã Điền Hải, kêu gọi người dân thành lập đội chống ngư tặc tự quản. Mỗi người dân tình nguyện đóng góp tiền để mua thuyền máy động cơ lớn nhằm chống ngư tặc. Tuy nhiên, do tiền quyên góp không đủ nên ông Đế cùng một vài hộ dân trong tổ đứng ra cầm cố đồ dùng có giá trị trong gia đình để vay mượn thêm 16 triệu đồng sắm thuyền máy. Chưa đầy một tháng, chiếc thuyền máy động cơ 26 CV đã hoàn thành và đội chống ngư tặc không lương gồm 16 thành viên ra đời.
Ông Đế cho biết sau khi được thành lập, mỗi ngày, đội chống ngư tặc xuất quân 2 lần để tuần tra. Thời điểm tuần tra là vào lúc 4 giờ và 18 giờ mỗi ngày, bởi đây là lúc bọn ngư tặc thường chọn để bắt trộm thủy sản. Ngay trong lần ra quân đầu tiên, đội đã xua đuổi được 2 thuyền máy của bọn ngư tặc ra khỏi vùng nuôi trồng thủy sản của người dân ở tổ 8, đồng thời bắt giữ một thuyền máy cùng 2 ngư tặc ở xã Điện Hòa, áp giải về bàn giao cho Công an xã Điền Hải xử lý.
Ông Phan Linh, một thành viên đội chống ngư tặc, cho biết trong một lần tuần tra, đội đã phát hiện một chiếc thuyền máy cùng 4 ngư tặc đang dùng xung điện đánh bắt tôm, cá trong hồ nuôi của anh Phan Mười. Thấy đội chống ngư tặc xuất hiện, bọn chúng lên thuyền bỏ chạy về hướng xã Điền Hòa. Ngay lập tức, đội chống ngư tặc tăng tốc rượt theo. Sau gần 1 giờ, đội chống ngư tặc đã đuổi kịp bọn chúng, thu lại hơn 3 bao tôm và nghêu, giao lại cho gia đình anh Phan Mười. "Nếu không có anh em đội chống ngư tặc, gia đình chúng tôi đã trắng tay lâu rồi" - anh Mười bộc bạch.
Không chỉ gia đình anh Mười mà 80 hộ dân làm ngư nghiệp ở tổ 8 cũng đều mang ơn đội chống ngư tặc. Bởi từ khi đội này ra đời, tình trạng ngang nhiên, lộng hành của bọn ngư tặc đã giảm rất nhiều. Ông Cao Huy Tế, Trưởng Công an xã Điền Hải, nhận định: "Đội chống ngư tặc ở tổ 8 đã trở thành khắc tinh của các băng trộm thủy sản trên phá Tam Giang".
Nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải, cho biết từ khi đội chống ngư tặc ở tổ 8 ra đời, nạn trộm cắp thủy sản trên địa bàn xã đã giảm đi rất nhiều và mang lại hiệu quả lớn. Chính vì vậy, lãnh đạo xã đã vận động người dân ở các tổ còn lại trong xã tiếp tục hưởng ứng, nhân rộng mô hình đội chống ngư tặc trên toàn xã để các hộ ngư nghiệp an tâm làm ăn. Đến nay, đã có 5 tổ chống ngư tặc không lương trên địa bàn xã ra đời. Sắp tới, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các nơi còn lại.Theo Người Lao Động
Lay lắt phận nghèo trên phá Tam Giang Nhà đông con, thất học, trong khi cá tôm đang ngày một cạn kiệt, cái ước vọng thoát nghèo của cư dân ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (vùng đầm phá có lớn nhất Đông Nam Á) ngày một chông chênh, bế tắc. Hê đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng ngập nước, nơi ráp gianh giữa sông và...