Xoa bóp, bấm huyệt gan bàn chân phòng chữa bệnh thông thường
Xoa bóp và bấm huyệt gan bàn chân là một trong nhiều phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, là xu hướng được ưa chuộng của thế giới hiện nay.
Ta có thể tự chẩn đoán và chữa trị được một số bệnh thông thường. Có thể dễ dàng thực hiện bất kỳ chỗ nào, lúc nào: lúc nghỉ giải lao, lúc ngồi tàu xe, lúc xem ti vi… chỉ cần 5-10 phút ai cũng làm được.
Ảnh minh họa
Tại sao phải xoa bóp và bấm huyệt gan bàn chân?
Tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người đều có những vùng đại diện ở hai bàn chân. Bàn chân trái ứng với nửa người bên trái (như mắt trái, thận trái, tim, lách, hậu môn, trĩ…), bàn chân phải ứng với nửa người bên phải (như mắt phải, thận phải, gan, mật, ruột thừa…). Trong mỗi người có tới 35km các loại ống ( mạch máu ruột, ống tuyến…) từ lớn nhỏ tới li ti, chạy ngang dọc khắp mọi nơi trong cơ thể. Phần lớn những ống đó là những dây thần kinh và các mạch máu lưu thông với mọi tế bào. Chỉ cần một ống dẫn nhỏ đâu đó bị tắc là ảnh hưởng tới cả một nhánh hay cả một hệ thống. Đôi bàn chân chúng ta là điểm tận cùng của hệ thống thần kinh và là điểm thấp nhất của các đường ống vì phần lớn thời gian con người hoạt động là đứng hay ngồi. Cho nên máu chúng ta có những “cặn bẩn” thường bị tồn đọng và dễ bị ứ tắc tại đây. Việc nắn bóp những điểm có ách tắc vì có những “cặn bẩn” của máu ở hai bàn chân sẽ làm các chất cặn bị tan hay phân tán nhỏ ra khiến máu dễ lưu thông và đào thải ra ngoài.
Sự lưu thông máu ở hai bàn chân không tốt còn do một nguyên nhân khác. Khi các cơ bắp của chúng ta hoạt động yếu toàn bộ khung xương bị chùng xuống. Cả hệ thống các đốt xương chân cũng vậy. Các khớp co hẹp lại có thể làm cho một số dây thần kinh và mạch máu bị kẹt gây ra sự ách tắc lưu thông của máu. Những “cặn bẩn” trong máu dễ bị ứ đọng ở những điểm này.
Nếu những điểm đó có các dây thần kinh và mạch máu có liên quan đến gan, gan hoạt động yếu đi, nếu liên quan đến thận, sẽ làm việc thải các chất acid uric qua đường nước tiểu kém hiệu quả. Chất “cặn bẩn” trong máu tụ lại lâu bị cô đặc thành những tinh thể. Nếu những tinh thể đó tụ tập ở đầu dây thần kinh, sẽ gây cảm giác nhức buốt và ảnh hưởng tới các cơ quan có liên quan. Do đó, trong quá trình xoa bóp, bấm huyệt bàn chân, nhìn nét mặt của bệnh nhân, ta có thể xác định được những điểm đau và suy ra cơ quan nội tạng nào đó trong cơ thể đang bị yếu hay hoạt động không bình thường.
Video đang HOT
Phương pháp xoa bóp
- Dùng lòng bàn tay xát mạnh và xoa tròn khắp bàn chân, chú ý tìm những vùng cảm ứng đau hoặc rất đau.
- Dùng đầu ngón tay cái ấn tìm chính xác những điểm đau nhưng không ấn quá mạnh và lâu vào một điểm.
- Bấm các huyệt đau này 15-30 giây, sau day tròn mỗi huyệt 10 vòng xuôi, 10 vòng ngược, mỗi ngày bấm 1-2 lần làm cho tới khi khỏi bệnh.
Có thể day bấm bằng đầu ngón tay cái (ngón tay thẳng đứng với điểm bấm) hoặc dùng đầu bút chì đầu có tẩy ấn cho êm. Riêng các huyệt ở ngón chân cần thêm động tác bóp các cạnh bên và vê tròn xoay quanh ngón chân.
Dù là bệnh gì cũng nên bấm day thêm 4 huyệt của các tuyến nội tiết là: tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục để 4 tuyến này tiết ra đầy đủ các hormon rất quý, quyết định và duy trì bình ổn mọi hoạt động chức năng của cơ thể để nâng cao sức khỏe chống mệt mỏi, mất ngủ và tránh các rối loạn bất thường.
Ngoài ra không được quên kiểm tra huyệt tác động đến thận, gan, tim, lách… là những nội tạng quan trọng thường dễ bị đau yếu.
Đối chiếu các điểm đau này với hình vẽ các huyệt ở hai bàn chân có kết hợp với các triệu chứng đang xảy ra để suy đoán được cơ quan nội tạng nào có vấn đề. Nếu có bấm day nhầm huyệt cũng không sao. Xoa bóp bấm huyệt gan bàn chân thật đơn giản, an toàn, tiết kiệm mà rất hiệu nghiệm.
BS. Nguyễn Đức Lê
Theo suckhoedoisong
'Thần y' chữa bách bệnh bằng xoa bóp, bấm huyệt?
Thời gian gần đây, nhiều người trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, và vùng phụ cận đổ về căn nhà ba tầng nằm cuối đường Lương Văn Can, thuộc khu đô thị Phú Lộc III, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, để được một người đàn ông tự xưng là "thần y" chữa bách bệnh bằng hình thức xoa bóp và bấm huyệt.
Đối tượng tự nhận là "thần y" đang thực hiện xoa bóp cho bệnh nhân.
Sáng sớm 10/7, rất đông người đã tới tìm gặp "thần y". Nơi xoa bóp, bấm huyệt là căn phòng khách tầng 1 rộng chừng 30m2 chật cứng người. Bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, giới tính, nhưng chủ yếu là người già và phụ nữ.
Vật vờ ngoài hiên nhà, ông Lê Đình Cường (50 tuổi, nhà ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) bị đau nhức cơ thể, đi lại khó khăn, được người thân dưới thành phố Lạng Sơn thông tin rằng có người chữa được bách bệnh nên nằng nặc đòi con trai đưa tới. Ông Cường cho biết, đã đến đây hai ngày mà chưa được khám vì đông người quá. Hôm nay đến sớm xếp chỗ mong được chữa trị.
Qua quan sát và tìm hiểu, người đàn ông tự nhận là "thần y" này chừng ngoài 50 tuổi; nước da ngăm đen, nói giọng lơ lớ và hầu như không ai biết tên. Vị này chọn chỗ ngồi đối diện với cửa chính để tiện quan sát người ra, vào và chừng 3- 4 giây lại ngước mắt ra cửa một lần như thể đang đề phòng việc gì đó. Người đến khám được "thần y" hỏi sơ qua vài câu rồi bắt đầu tiến hành "phán" bệnh và xoa bóp, bấm huyệt; một liệu trình như vậy chừng 5 - 10 phút.
Trong khi xoa bóp, "thần y" hút thuốc lá liên tục và hỏi thăm một vài người ngồi xung quanh. Khói thuốc lá bủa vây quanh nhà; mùi thuốc lá, mùi dầu gió cộng với hơi người khiến căn phòng nhỏ trở nên ngột ngạt, rất khó chịu.
Mỗi ngày có gần trăm lượt người tới đây để mong được chữa khỏi bệnh. Qua lời kể của một số người, bệnh nào "thần y" cũng có thể chữa được, từ cận thị tới viêm xoang, từ viêm phổi tới bại liệt chân tay hay kể cả hôi mồm, trĩ nặng... Tất cả chỉ cần ngồi im, nằm im cho "thần y" xoa bóp, bấm huyệt (?).
Khi được hỏi tiền khám bệnh, một người đến khám cho biết, "thần y" không thu tiền của từng người mà ai khám xong đều biết ý để lại tiền, nhiều thì 200 nghìn đồng, ít thì 50 nghìn đồng.
Việc xuất hiện điểm khám bệnh, bấm huyệt trên thu hút đông người cũng khiến người dân sống quanh khu vực đường Lương Văn Can không khỏi nghi ngờ. Ông Trần Văn Nghĩa, phường Hoàng văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, thắc mắc: Tổ chức khám chữa bệnh ở nơi vắng vẻ như vậy thì hoặc không có chứng chỉ hành nghề, hoặc có vấn đề gì đó.
Nếu có chứng chỉ thì sao không treo biển quảng cáo; nếu chữa được bệnh hoặc không có vướng mắc gì về pháp lý thì tại sao không khám ở vị trí rộng rãi, dễ tìm hơn để người dân tới khám, thay vì chỗ ít người qua lại như thế?
Trao đổi về thông tin trên, các bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn nhận định, việc làm này hoàn toàn sai với các bước kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, cũng như liệu trình điều trị trong xoa bóp, bấm huyệt được quy định tại Quyết định 792/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Bác sĩ Đinh Quang Vinh, Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Tại bệnh viện, một bệnh nhân được chỉ định xoa bóp, bấm huyệt, phải qua khâu khám để chẩn đoán bệnh. Tùy một số loại bệnh mà tiến hành xét nghiệm cận lâm sàng, chụp phim X-quang... sau đó mới chỉ định bệnh nhân nào có thể được xoa bóp, bấm huyệt."
Các bác sĩ chuyên môn về xoa bóp, bấm huyệt Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nên tới các cơ sở điều trị, các phòng, khoa chuyên môn có chứng nhận, chứng chỉ hành nghề đúng quy định đã được cấp phép. Mọi hình thức bấm huyệt, xoa bóp, nếu không làm các xét nghiệm ban đầu có thể dẫn tới tai biến bất cứ lúc nào.
Tin, ảnh: Nguyễn Quang Duy
Theo TTXVN
Bạn vẫn có thể sống khỏe mà không cần đến các bộ phận cơ thể này Chúng chắc chắn làm cho cuộc sống thuận tiện hơn, nhưng cơ thể bạn vẫn có thể hoạt động mà không cần chúng, theo Reader's Digest. Shutterstock Một lá phổi Bạn cần ít nhất một lá phổi để thở, nhưng cái kia có thể cắt bỏ nếu cần khi phải điều trị ung thư phổi, bệnh lao hoặc các bệnh phổi khác. Một...