Xóa bỏ tin đồn khiến nhà đầu tư rũ bỏ tâm lý sợ hãi
Phiên tăng điểm mạnh mẽ của chỉ số Vn-Index ngày 12.7, sau tin đồn về tỉ phú Phạm Nhật Vượng được rũ bỏ, một lần nữa gửi thông điệp tới nhà đầu tư phải tỉnh táo hơn trước các thông tin giả mạo.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12.7, chỉ số VN-Index hồi phục mạnh, đóng cửa trong sắc xanh tại 1.174.82 điểm, tăng 19,53 điểm ( 1,69%). Sự giằng co chỉ xuất hiện 1 tiếng đầu giờ sáng, sau đó VN-Index duy trì trạng thái tích cực trong cả phiên khi chỉ số tăng điểm mạnh mẽ và thành công kết phiên với sắc xanh lan tỏa lên nhiều nhóm ngành. Độ rộng thị trường với bên mua áp đảo với 362 mã xanh (44 mã trần) và chỉ có 97 mã đỏ (0 mã sàn).
Phiên tăng điểm ngày 12.7 mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Thứ nhất, VN-Index đã bật lại mạnh mẽ sau “cú rũ bỏ” tin đồn về ông Phạm Nhật Vượng. Thứ hai, về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index đóng cửa 1.174.82 điểm đã cao hơn đáy tháng 5 và đáy tháng 6.2022 của chỉ số, ngầm ý một “bẫy giảm giá”. Thứ ba, sự lan toả dòng tiền sang nhiều nhóm ngành, nhiều mã bật dậy từ các mức hỗ trợ quan trọng như MA50 ngày đem đến cơ hội giải ngân an toàn cao hơn.
Cổ phiếu ‘họ Vingroup’ giảm đà lao dốc sau khi Bộ Công an bác tin đồn
Song, điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư lúc này chính là tâm lý. Những tin đồn giả mạo, thất thiệt về các doanh nhân đang là tác nhân chủ yếu khiến thị trường lao dốc mạnh.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc của Tập đoàn Gelex, cũng đã bị vướng vào vòng xoáy của tin đồn tràn lan trên mạng. Cổ phiếu GEX của tập đoàn này đã rơi từ mức giá trên 51.900 đồng xuống chỉ còn 21.700 đồng (giảm hơn 58%).
Điều đáng nói, mức giá trên lại không phản ánh đúng giá trị nội tại của doanh nghiệp. Xét về kế hoạch kinh doanh, quý 1/2022, công ty thực hiện được 8.645 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 96% và đạt 24% kế hoạch năm; lãi trước thuế 901 tỉ đồng, tăng 170% và đạt 34% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 694 tỉ đồng, tăng 138%.
Quý 2/2022, Gelex dự báo sẽ có kết quả kinh doanh ấn tượng khi các thành viên của tập đoàn này đã báo lãi tăng rất mạnh. Đặc biệt là Viglacera với lợi nhuận 1.400 tỉ đồng (trước thuế) 6 tháng đầu năm, tăng 77% so với cùng kỳ và đạt 116% kế hoạch.
Tổng giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn cũng từng dính vào tin đồn thất thiệt. Ảnh TN
Cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị
Với VIC của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng không ngoại lệ. VIC gặp một số khó khăn thời gian qua, phải thoái vốn và cơ cấu lại một số ngành nghề kinh doanh để tập trung vào mảng cốt lõi là xe điện, bất động sản.
Song, từ những vụ việc như vậy, những kẻ đầu cơ trục lợi tung tin đồn gây tâm lý hoang mang từ các nhà đầu tư trên khắp các diễn đàn. Giá cổ phiếu VIC hiện đã giảm về gần 70.000 đồng/cổ phiếu, sát mức đáy (60.000 đồng) khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3.2020.
Về hoạt động của Vingroup, tập đoàn này hôm qua đã công bố thông tin VinFast vừa ký kết thỏa thuận thu xếp vốn quốc tế với 2 hệ thống ngân hàng quốc tế là Credit Suisse và Citigroup để huy động tối thiểu 4 tỉ USD cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại thị trường Mỹ.
Về kết quả kinh doanh, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đánh giá, trong quý 1/2022, Vingroup báo cáo 18.200 tỉ đồng doanh thu (giảm 21,7% so với cùng kỳ), nhưng lại ghi nhận 2.500 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 17,2% so với cùng kỳ) chủ yếu từ các khoản lợi nhuận tài chính từ việc bán cổ phần của công ty con.
Chứng khoán hồi phục mạnh mẽ sau khi tin đồn về tỉ phú Phạm Nhật Vượng được rũ bỏ. Ảnh TN
Đáng chú ý, mảng cho thuê mặt bằng có sự tăng trưởng rõ rệt khi ghi nhận doanh thu đạt 1.500 tỉ đồng (tăng 43,8% so với quý trước). Mảng du lịch cũng có sự cải thiện khi được mở cửa trở lại sau thời gian dài. Doanh thu mảng này đạt 1.300 tỉ đồng (tăng 88% so với quý trước và tăng 44% so với cùng kỳ)…
Đặc biệt, với mảng công nghiệp, Vinfast vừa qua cũng có một quý thành công khi bàn giao hơn 6.700 xe hơi các loại. Vinfast cũng bán hơn 15.000 xe máy điện, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ.
Dù tốc độ doanh thu giảm, tuy nhiên MASVN cho rằng tình hình sẽ cải thiện khi Vinfast bắt đầu bàn giao các mẫu xe điện mới, vốn đã có hơn 60.000 đơn đặt hàng tính đến tháng 4.2022.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp tốt làm thật, ăn thật sẽ luôn mang lại giá trị khác biệt, sức mạnh trong cuộc đua dài hạn. Với các nhà đầu tư, điều quan trọng là cần tìm hiểu rõ về doanh nghiệp mình lựa chọn, kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, hiểu về lãnh đạo, về quản trị, sức khỏe, dòng tiền… để không bị lay động, thay đổi quyết định đầu tư và niềm tin về chính các doanh nghiệp đó.
Xử lý 10 cá nhân có liên quan tin đồn tỉ phú Phạm Nhật Vượng
Trước đó, ngày 11.7, Bộ Công an đã làm rõ ông Tô Vĩ Hoàn (38 tuổi, trú P.Cầu Diễn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hành vi đưa thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Vingroup và tác động xấu đến thị trường chứng khoán.
Bộ Công an đã chuyển hồ sơ trường hợp này sang Sở TT-TT Hà Nội để xử lý theo quy định. Bộ Công an cũng đang xác minh để xử lý 9 cá nhân tại 7 tỉnh, thành đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh.
Cùng ngày, theo Sở TT-TT Hà Nội, ông Tô Vĩ Hoàn đã thừa nhận toàn bộ hành vi đăng tải thông tin sai sự thật của mình. Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội đã xử phạt hành chính đối với ông Tô Vĩ Hoàn số tiền 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Bất ngờ trước danh tính người điều hành 'cỗ máy in tiền' cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Vừa qua, thông tin Vinhomes chính thức "đặt chân" vào lĩnh vực nhà ở xã hội đã được ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Vinhomes, tiết lộ vào ngày 12/5 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của doanh nghiệp này.
Được biết, dự án này mang tên Happy Homes được giới thiệu là những dự án đô thị độc lập, tách biệt khỏi dự án nhà ở thương mại của Vinhomes hoặc là các khu đất nhà ở xã hội trong các đại dự án của doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, Happy Home được triển khai theo dạng "full tiện ích", quy mô từ 50 -60 hecta trở lên và được xây dựng tại vùng ven của các tỉnh, thành phố lớn, nơi đang được các lao động thu nhập thấp đặc biệt quan tâm như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng,...
Với thông tin trên, công chúng không khỏi tò mò với người đứng đầu mới của Vinhomes. Dù mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Vinhomes cách đây vài ngày (11/5) nhưng ông Phạm Thiếu Hoa đã có bước đột phá đầu tiên và chưa từng có tiền lệ trước đây cho doanh nghiệp BĐS này.
Theo đó, ông Phạm Thiếu Hoa là một nhân vật khá kín tiếng trong dàn lãnh đạo của Vingroup, được xem là người nắm vị trí chủ chốt, giúp VinHomes phát triển quỹ đất lên đến 165 triệu m2 - một yếu tố vô cùng quan trọng giúp "cỗ máy in tiền" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hoạt động trơn tru và không bị gián đoạn.
Ông Phạm Thiếu Hoa sinh ngày 6/11/1963, tại Hà Nam, hiện đang thường trú tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản Trị Kinh doanh của trường Đại học Nam California.
Ông cũng có bề dày thành tích sự nghiệp đáng nể. Từ năm 1987 đến năm 2002, ông Phạm Thiếu Hoa phụ trách công tác xuất nhập khẩu tại Công ty Leaprodexim Vietnam. Từ năm 2003 đến năm 2005, ông Hoa đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Technocom, công ty sản xuất mì gói mà ông Phạm Nhật Vượng gây dựng tại Ukraine (tiền thân của Tập đoàn Vingroup ).
Từ tháng 12/2005, ông Hoa được bổ nhiệm làm Giám đốc Phát triển dự án CTCP Vincom. Ngoài ra, ông còn là thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển địa ốc Thành phố Hoàng Gia, thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hồ Tây.
Từ tháng 2/2015, ông Phạm Thiếu Hoa được bầu vào vị trí thành viên HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Ngoài ra, ông Hoa còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Phát triển đô thị Nam Hà Nội.
Tháng 2/2018, ông Phạm Thiếu Hoa được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Phát triển dự án Vinhomes. Ngày 18/5/2019, ông Phạm Thiếu Hoa được bổ nhiệm thay thế bà Lưu Thị Ánh Xuân làm Tổng Giám đốc Vinhomes.
Về CTCP Vinhomes có tiền thân là Công ty Cổ phần Đô thị BIDV-PP được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Năm 2018, cổ phiếu VHM giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
Với vai trò là cổ đông lớn của Vinhomes, từ khi thành lập, Vinhomes đã mang về nguồn doanh thu khổng lồ cho Tập đoàn mẹ là Vingroup.
Số liệu của CBRE cho biết, trong giai đoạn 2016-9M2019, Vinhomes chiếm tới 22% thị phần căn hộ đã bán tại HN và TP. HCM. Trong đó, chỉ tính riêng phân khúc cao cấp, Vinhomes chiếm tới 40% thị phần, bỏ xa các doanh nghiệp đứng sau với thị phần xấp xỉ 6%.
Trong quý I/2022, Vinhomes đã cho ra mắt 1.500 căn hộ tại hai tòa P1 và P3 thuộc dự án Vinhomes Ocean Park đạt tỷ lệ hấp thụ 80% và đã bán hết 74 căn biệt thự thương mại dịch vụ thấp tầng tại dự án Vinhomes Grand Park chỉ sau một tuần.
Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển và kinh doanh bất động sản nhà ở, văn phòng và các hạng mục liên quan; Chuẩn bị mặt bằng, lắp đặt trang thiết bị và hoàn thiện công trình xây dựng; Cho thuê máy móc, thiết bị công trình; Kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí.
Là Công ty con trực thuộc Tập đoàn Vingroup, VHM có nhiều thuận lợi trong việc tham gia triển khai các dự án bất động sản, có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác kinh doanh bất động sản của công ty mẹ cũng như hưởng lợi từ lợi thế của hệ sinh thái Vingroup.
Từ 08/07/2020 ông Hoa là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes, đến 11/5/2022 ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinhomes.
Qua đó, với dự án nhà ở Happy Home sẽ được chia làm 3 loại: Loại 1 bán gần 300 triệu đồng, là các căn hộ trong các tòa nhà cao tối đa 7 tầng, diện tích từ 24 m2 sàn và 12 m2 gác xép. Loại 2 là các căn hộ trong các tòa nhà cao 15 - 21 tầng, diện tích từ 30 - 50 m2, với mức giá 400 - 700 triệu đồng. Loại 3 là các căn nhà liền kề 3 tầng, có diện tích từ 50 - 70 m2, giá bán tối đa 950 triệu đồng.
Chủ tịch Vinhomes cho biết, đã nộp đơn xin xây dựng một số dự án nhà ở xã hội tại các quận huyện của Hà Nội và TP HCM; đồng thời cũng chuẩn bị xây dựng phần đất nhà ở xã hội trong các dự án hiện có của mình. Về thời gian, dự án đầu tiên dự kiến được khởi công vào tháng 8 năm nay. Các tòa nhà đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2023.
"Nửa triệu căn nhà ở xã hội là con số rất lớn và tôi khẳng định 100% số căn nhà sẽ đến tay đúng đối tượng! Chúng tôi sẽ tổ chức bán hàng trực tiếp, công khai. Mọi hồ sơ đăng ký sẽ được thẩm định trước khi trình lên các Sở Xây dựng để xin phép nên chúng tôi tin rằng các căn nhà này sẽ đến đúng địa chỉ", ông Phạm Thiếu Hoa chia sẻ với VnExpress.
Thuở hàn vi buôn áo gió, mở nhà hàng, bán mì gói của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Phạm Thu Hương ở Liên Xô Điều đặc biệt ở bà Phạm Thu Hương đó là việc bà trực tiếp tham gia sâu vào công tác điều hành của Vingroup trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển của tập đoàn này. Đây là sự khác biệt lớn của bà so với vợ của nhiều đại gia khác tại Việt Nam. TỪ BẠN HỌC THÀNH BẠN ĐỜI Những...