Xóa bỏ những hiểu lầm về động cơ Hybrid
Xe Hybrid vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên việc nhiều người chưa hiểu rõ về loại phương tiện thân thiện với môi trường này là điều không quá bất ngờ.
Tại Việt Nam, xe Hybrid chưa thực sự phổ biến vì mới được bán chính hãng từ năm 2020. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều người chưa hiểu rõ về loại phương tiện thân thiện với môi trường này. Thậm chí, xung quanh xe Hybrid còn tồn tại khá nhiều hiểu lầm không đáng có. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn xóa bỏ những hiểu lầm đó về động cơ Hybrid.
Cấu tạo và cơ chế hoạt động của xe Hybrid
Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là xe Hybrid và cấu tạo cũng như cơ chế hoạt động cơ bản của loại phương tiện này. Về bản chất, xe Hybrid là loại phương tiện sử dụng song song cả động cơ xăng và mô-tơ điện. Đó là lý do vì sao xe hybrid còn được gọi là xe lai.
Động cơ Hybrid được chia thành 3 loại theo cấu trúc truyền động, bao gồm nối tiếp, song song và hỗn hợp. Với loại song song, nhiệm vụ truyền động sẽ thuộc về mô-tơ điện trong khi động cơ đốt trong có nhiệm vụ sạc pin. Với loại song song, mô-tơ điện và động cơ đốt trong đều truyền động cho xe trong khi hệ thống phanh tái sinh năng lượng sẽ sạc pin. Trong khi đó, động cơ Hybrid hỗn hợp là sự kết hợp giữa loại nối tiếp và song song. Ở loại này, động cơ đốt trong vừa có thể truyền động cho xe vừa sạc pin.
Cấu tạo của động cơ Hybrid hỗn hợp trên Toyota Corolla Cross 1.8HEV
Những hiểu lầm thường gặp về động cơ Hybrid
Hybrid là công nghệ mới, chưa được chứng thực
Những ưu điểm của động cơ Hybrid như tiết kiệm xăng và giảm phát thải cũng được chứng thực qua những sự kiện trải nghiệm thực tế như “Hành trình xanh cùng Hybrid” do Toyota Việt Nam tổ chức trong tháng 9/2022. Trong hành trình Hà Nội – Ba Khan với cung đường hỗn hợp dài hàng trăm kilomet, những chiếc xe Hybrid của Toyota đã cho thấy khả năng tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn từ 18,5 – 54,7% (tùy từng điều kiện hoạt động) so với xe xăng cùng dung tích. Điều này đồng nghĩa với lượng khí phát thải ra môi trường cũng giảm rõ rệt.
“Hành trình xanh cùng Hybrid” do Toyota Việt Nam tổ chức đã phần nào chứng thực khả năng tiết kiệm xăng của xe Hybrid
Xe Hybrid cần cắm sạc
Video đang HOT
Vì xe Hybrid được trang bị pin để cung cấp năng lượng cho mô-tơ điện nên nhiều người tưởng rằng sẽ phải cắm sạc. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng xe Hybrid không cần phải cắm sạc như ô tô điện mà chỉ cần đổ xăng và đi, việc sạc pin đã có động cơ xăng lo. Cơ chế tự sạc pin này giúp xe Hybrid tiện hơn, ít phiền phức hơn và không thay đổi thói quen sử dụng xe của người lái. Bên cạnh đó, người dùng xe Hybrid còn không phải mất chi phí thuê pin hay sạc pin.
Động cơ Hybrid không giúp ích nhiều cho môi trường
Điều này không đúng vì so với động cơ xăng, dầu truyền thống, xe Hybrid là lựa chọn thân thiện với môi trường hơn. Bí quyết của xe Hybrid nằm ở sự kết hợp giữa mô-tơ điện và động cơ xăng. Xe Hybrid của Toyota có thể vận hành bằng mô-tơ điện, động cơ xăng hoặc kết hợp với nhau. Khi mô-tơ điện thay thế động cơ xăng trong quá trình vận hành hoặc khi xe ở chế độ nghỉ, lượng khí phát thải đều giảm xuống. Theo công bố của Toyota Việt Nam, xe Hybrid giúp giảm mức phát thải khí CO2 từ 1,5 – 2 lần so với xe xăng cùng dung tích động cơ.
Trong 23 năm, kể từ 1997 – 2020, hãng Toyota đã bán được tổng cộng 15 triệu chiếc xe Hybrid cho khách hàng toàn cầu, góp phần giảm 120 triệu tấn khí thải
Động cơ Hybrid chỉ tiết kiệm xăng, không cải thiện hiệu suất vận hành
Nhiều người tưởng rằng sự góp mặt của mô-tơ điện trong xe Hybrid có tác dụng chủ yếu là tiết kiệm xăng. Tuy nhiên, mô-tơ điện thực chất còn cải thiện cả hiệu suất vận hành của xe Hybrid. Khác với xe xăng, dầu thông thường, xe Hybrid có đến 2 nguồn năng lượng, đó là động cơ đốt trong và mô-tơ điện. Sự hỗ trợ của mô-tơ điện sẽ giúp xe Hybrid có thể tăng tốc nhanh hơn, vượt dễ dàng hơn đồng thời giảm tải cho động cơ xăng. Bên cạnh đó, mô-tơ điện còn tạo ra mô-men xoắn cực đại ngay từ khi bắt đầu hoạt động, cho phép xe Hybrid xuất phát nhanh, mượt mà và không tốn nhiên liệu.
Động cơ Hybrid bảo dưỡng phức tạp và tốn kém
Trái với nhầm tưởng, việc bảo dưỡng xe Hybrid không khác gì xe xăng, dầu thông thường. Dù được trang bị thêm pin và mô-tơ điện nhưng xe Hybrid lại không có yêu cầu bảo dưỡng đặc biệt nào. Hạng mục bảo dưỡng khác biệt duy nhất của xe Hybrid so với xe xăng, dầu truyền thống là lọc gió bộ làm mát pin nên chi phí bảo dưỡng cũng không chênh lệch nhiều.
Pin xe Hybrid có tuổi thọ ngắn
Nếu được bảo dưỡng đúng cách, pin của xe Hybrid sẽ có tuổi thọ rất cao. Thậm chí, pin Hybrid còn có tuổi thọ tương đương tuổi thọ của xe.
Pin Hybrid của xe Toyota có tuổi thọ cao nhờ các hệ thống quản lý pin. Bên cạnh đó, xe còn có bộ điều khiển sạc chạy bằng máy tính giúp đảm bảo dung lượng pin không quá khoảng 80% hoặc không dưới 20%, giúp cải thiện tuổi thọ pin.
Ngoài ra, pin của xe Hybrid còn được kéo dài tuổi thọ nhờ lọc gió bộ làm mát pin. Khí mát sẽ được hút từ cabin và lọc sạch để giữ pin ở nhiệt độ tối ưu, đảm bảo tuổi thọ của pin.
Khi bị hỏng, pin Hybrid có thể thay thế dễ dàng. Theo Toyota Việt Nam, chi phí thay pin sẽ rơi vào khoảng 90 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với ô tô điện. Bù lại, người dùng xe Hybrid sẽ tiết kiệm được những chi phí khác như nhiên liệu.
Có thể nói, sở hữu xe Hybrid là lựa chọn không thể bỏ qua với những ai cần một phương tiện đi lại hợp túi tiền, thân thiện với môi trường và sử dụng dễ dàng, thuận tiện. Với cơ sở hạ tầng ít trạm sạc, nhiều cây xăng như Việt Nam hiện nay, xe Hybrid càng là lựa chọn hợp lý hơn cả.
Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm xử lý nhanh khi xe bị ngập nước
Xe ôtô khi bị ngập nước có thể sẽ phá hủy nhiều chi tiết tại khoang động cơ, hệ thống điện. Vì vậy để hạn chế tối đa hư hại, tài xế cần nắm rõ các mẹo xử lý sau
Sáng ngày 15/10, sau trận mưa lụt lịch sử với lượng mưa đến 500mm, TP Đà Nẵng ghi nhận cảnh tượng chưa từng thấy. Hàng trăm xe ôtô hư hỏng nằm la liệt trên đường phố gây tắc nghẽn giao thông cục bộ. Nhiều chủ cho biết, vì mưa lớn kèm ngập sâu nên xe không thể di chuyển.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương trước tình trạng xe ôtô bị ngập nước và không thể di chuyển chuyên gia kỹ thuật của Toyota Việt Nam cho biết, xe ôtô khi bị ngập nước có thể sẽ phá hủy nhiều chi tiết tại khoang động cơ, hệ thống điện. Vì vậy để hạn chế tối đa hư hại, tài xế cần nắm rõ các mẹo xử lý nhanh.
Tuyệt đối không đề nổ lại động cơ khi xe chết máy
Theo các chuyên gia kỹ thuật của Toyota Việt Nam, khi buộc phải di chuyển qua đoạn đường ngập nước, tài xế điều khiển xe phải đi đều ga, không dừng lại giữa chừng; nếu xe chết máy hay động cơ hoạt động không bình thường phải gọi ngay cứu hộ, tuyệt đối không đề nổ lại động cơ.
Chuyên gia của Toyota Việt Nam lý giải, khi lái xe ô tô vào đoạn đường ngập, nước bị lọt vào buồng đốt và gây chết máy hoặc động cơ hoạt động không bình thường, nếu vẫn cố khởi động xe hay tiếp tục chạy thì piston sẽ tiếp tục hoạt động và bị lực tác động lớn ngược lại do nước không nén được. Quá trình này làm cong hoặc gãy tay biên gây trầy xước piston, xy-lanh ở một hoặc một vài buồng đốt thậm chí có thể làm vỡ lốc máy. Động cơ bị hư hỏng do nước sục vào, hiện tượng này còn được gọi là thủy kích.
Khi động cơ xe khi bị thủy kích, cần phải được kỹ thuật tháo ra để kiểm tra mức độ hư hỏng và thay thế chi tiết. "Tùy mức độ hư hỏng, có thể sẽ phải thay tay biên, thay xéc măng hoặc piston cùng một số chi tiết khác như gioăng quy lát, phớt đuôi trục cơ, các loại dầu hoặc nặng hơn là thủng lốc máy, cong trục khuỷu,..." - chuyên gia Toyota Việt Nam cho hay.
Hàng trăm xe ôtô hư hỏng nằm la liệt trên đường phố Đà Nẵng gây tắc nghẽn giao thông cục bộ
Đại diện Toyota Việt Nam cũng cho biết, việc sửa chữa một chiếc xe bị thủy kích thường rất tốn kém, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng với các xe hạng sang. Thêm nữa, nếu xe đã bị thủy kích thì việc bán lại sẽ rất khó khăn hoặc mất giá rất nhiều.
Lưu ý khi lội nước
Nhà sản xuất khuyến cáo không nên lái xe trên đường ngập nước do những rủi ro nói trên. Tuy nhiên nếu buộc phải lái xe trên những đoạn đường này, cần đặc biệt chú ý đến các điều kiện sau:
Thứ nhất, khảo sát địa hình và nắm rõ đặc tính của xe. Nếu đã có các xe khác dẫn đường đi vào vùng ngập nước thì tài xế có thể biết được mực nước sâu đến đâu và băng qua có dễ dàng hay không.
Ngoài việc xác định mức độ nông sâu, lái xe cũng cần hiểu rõ đặc tính của xe, cụ thể là cổ hút gió vào động cơ để lường trước khả năng lội nước. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp mức nước thấp hơn cổ hút rất nhiều tuy nhiên vẫn dẫn đến thủy kích.
"Vì vậy khả năng lội nước phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng lái của tài xế cũng như ảnh hưởng của các điều kiện xung quanh như các xe đang hoạt động xung quanh, gió..." - chuyên gia Toyota Việt Nam nói.
Thứ hai, tài xế cần bình tĩnh xử lý tình huống. Khi đã cảm thấy đủ độ an toàn, tài xế hãy cho xe di chuyển chậm trên đường ngập nước với số thấp (cả với xe số tự động), đi đều ga và cố gắng tránh làm nước sóng mạnh lên, không nên dừng xe/giảm ga đột ngột khi đang đi vì nước có thể tràn vào khoang động cơ. Sau khi đã ra khỏi vùng ngập nước, nên rà phanh vài lần để làm khô phanh.
Trường hợp đi vào đường ngập nước mà có xe khác đi ngược chiều tạo sóng, tài xế cần bình tĩnh giữ đều ga và đi tiếp; không nên đạp phanh hoặc dừng xe vì như vậy nước càng có điều kiện để tràn vào khoang động cơ. Nếu xe bị chết máy hoặc động cơ hoạt động không bình thường, hãy gọi cứu hộ để đưa xe ra khỏi khu vực ngập nước, tuyệt đối không được đề nổ lại máy.
"Nên kiểm tra động cơ và chất lượng dầu/nhớt động cơ, hộp số, vi sai, thước lái, mỡ các ổ bi, các khớp xoay... sau khi đi qua đường ngập nước" - chuyên gia Toyota Việt Nam khuyến cáo.
Thứ ba, phải chủ động dự phòng. Hiện đang là mùa mưa bão, các thành phố lớn những năm qua chứng kiến rất nhiều xe ô tô bị ngập nước, không chỉ khi di chuyển trên đường mà ngay cả khi để trong hầm chung cư, đỗ ở bãi... Vì thế, hãy luôn thật cẩn trọng. Nếu thường xuyên phải di chuyển qua các cung đường ngập nước, tốt nhất là nên sử dụng các loại xe SUV, bán tải vốn có khả năng lội nước tốt hơn xe sedan hay compact.
"Và dù là loại xe nào, chủ xe cũng nên mua bảo hiểm có điều khoản thủy kích để giảm thiểu chi phí khi xảy ra sự cố. Đáng chú ý, một số hãng có gói bồi thường thủy kích hỗ trợ chi phí sửa chữa lên đến 90%" - đại diện Toyota Việt Nam khuyến nghị.
VinFast tham gia Tuyên bố phát triển phương tiện giao thông không phát thải VinFast công bố tham gia Tuyên bố Phát triển phương tiện giao thông không phát thải (Zero Emission Vehicles Declaration - ZEV) về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Theo đó, VinFast cam kết hướng đến mục tiêu bán 100% phương tiện giao thông không phát thải tại các thị trường trọng điểm từ năm 2035, thúc...