Xóa bỏ bất bình đẳng để phục hồi bền vững
Kể từ khi thành lập cách đây 60 năm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế ( OECD) đã đóng vai trò như một diễn đàn hiệu quả để các nền kinh tế phát triển hợp tác cùng nhau và tìm giải pháp cho những thách thức kinh tế cấp bách nhất.
Cảng container ở Hamburg, Đức ngày 14/11/2019. Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN
Năm nay, trong bối cảnh các nước thành viên cũng như cả thế giới đang trong quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19, Hội nghị Hội đồng cấp bộ trưởng (MCM), diễn đàn quản trị cấp cao nhất của OECD, tập trung vào chủ đề “Giá trị chung: Xây dựng tương lai xanh và hòa nhập”.
Tại hội nghị diễn ra trong hai ngày 5-6/10, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp mang lại sự phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, giải quyết các thách thức hậu đại dịch trong trung và dài hạn, trong đó tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải, nhằm giúp xây dựng một tương lai xanh hơn và bao trùm hơn bằng cách thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và tạo ra các cơ hội cho tất cả mọi người. Tham dự hội nghị có khoảng 70 bộ trưởng tài chính, kinh tế, đối ngoại, thương mại… của các nước thành viên và đối tác cũng như đại diện của các tổ chức quốc tế, cùng 180 đại biểu.
OECD nhận định triển vọng phục hồi nền kinh tế thế giới đã được cải thiện, theo đó dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021 là 5,7%, và năm tới là 4,5%. Tuy nhiên, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhấn mạnh sự phục hồi này vẫn không đồng đều, đem đến nguy cơ cho cả các nền kinh tế phát triển và các thị trường mới nổi. Mặc khác, tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 chậm chạp tại một số nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là các nước thu nhập thấp, là một vấn đề toàn cầu. Do đó, tối ưu hóa các nỗ lực cũng như đảm bảo sự đồng đều trong quá trình phục hồi là trọng tâm của tất cả các cuộc thảo luận tại hội nghị.
Video đang HOT
Theo Tổng Thư ký OECD Cormann, các nước đã đạt đồng thuận cao về sự cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, bằng cách hỗ trợ Chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-Accelerator) cùng sáng kiến COVAX.
Ngoài ra, các bộ trưởng đã khẳng định hai công cụ giúp tối ưu hóa sức mạnh và đảm bảo phục hồi hậu COVID-19 đồng đều là bảng chỉ báo phục hồi COVID-19 – cung cấp một bộ chỉ số giúp các quốc gia đo lường liệu sự phục hồi có thực sự mạnh mẽ, bao trùm hay thân thiện với môi trường hay không. Công cụ thứ hai là Chương trình Hành động khí hậu mới ở cấp quốc tế, với những giải pháp định hướng và giám sát mới để theo đuổi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu bật 3 trong số những thách thức quan trọng nhất mà các nước đang phải đối mặt hiện nay gồm: đẩy mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, định hình nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững và giải quyết tận gốc những bất bình đẳng kìm hãm nền dân chủ và kinh tế. Với chủ đề tập trung vào tương lai xanh và bao trùm, các quốc gia thành viên OECD đã chia sẻ các chiến lược đầu tư vào một tương lai xanh và tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Antony Blinken cũng kêu gọi các nước phát triển nhất thế giới nhìn nhận và đối phó với tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Theo ông, các số liệu đã cho thấy một thực tế rõ ràng rằng, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các nước cũng như trong chính các quốc gia, và cần có những hành động để đảo ngược tình trạng này.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng, việc điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu sẽ giúp các chính phủ trên toàn cầu tăng thu ngân sách thêm tới 100-240 tỷ USD mỗi năm, và số tiền này có thể sử dụng để đầu tư vào giáo dục, chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Mỹ có thể tài trợ cho các sáng kiến của OECD nhằm chấm dứt sự phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái cũng như các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương.
Quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ tuyên bố: “Hơn bao giờ hết, trọng tâm của những nỗ lực này là việc công nhận sự giàu có thực sự của mỗi quốc gia không chỉ dựa trên tài nguyên thiên nhiên phong phú, sức mạnh quân đội, quy mô dân số hay địa lý, mà nằm ở con người và khả năng phát huy hết tiềm năng của con người”.
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị nhấn mạnh ưu tiên cao nhất hiện nay là phải chấm dứt các cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra và tạo dựng sự phục hồi xanh, toàn diện cho tất cả mọi người. OECD cam kết đánh bại đại dịch COVID-19 thông qua nỗ lực tiêm chủng vaccine công bằng trên phạm vi toàn cầu. Khi thế giới phục hồi, điều cấp thiết là phải xóa bỏ các rào cản kinh tế và xã hội khiến phụ nữ và trẻ em gái, vốn chiếm một nửa dân số toàn cầu, không thể tham gia đầy đủ, đóng góp và hưởng lợi các tăng trưởng kinh tế và thương mại.
Tuyên bố chung cũng hối thúc những nỗ lực đầy tham vọng về một thập niên hành động về khí hậu. OECD quyết tâm đạt được một kết quả thành công tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biên đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Glasgow (Anh). OECD khẳng định cam kết hành động khẩn cấp với mục tiêu đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050, thông qua việc cắt giảm phát thải sâu trong thập niên này để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Trong quá trình phục hồi sau đại dịch, OECD cam kết nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững, công bằng, hòa nhập và linh hoạt hơn, dựa trên các giá trị chung của tổ chức, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi không để lại ai bị bỏ lại phía sau, như khẳng định của Bộ trưởng Ireland phụ trách vấn đề châu Âu Thomas Byrne: “Các nguyên tắc mà chúng tôi tái xác nhận hôm nay sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc để xây dựng một tương lai xanh và bao trùm hơn nhằm giải quyết các bất bình đẳng và đáp ứng những nhu cầu của người dân. Nếu coi đại dịch COVID-19 là một thách thức chưa từng có, thì sự phục hồi bền vững nhất sẽ được xây dựng trên việc chấp nhận các thách thức và cơ hội của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và khí hậu, đảm bảo sự bình đẳng ở mọi tầng lớp trong nền kinh tế và xã hội. Nói cách khác, xóa bỏ bất bình đẳng chính là nền tảng hướng tới phục hồi bền vững để thế giới xây dựng một tương lai xanh và bao trùm hậu đại dịch”.
Mỹ thúc đẩy G20 đồng thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu
Ngày 28/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 tới, Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ đạt được đồng thuận chính trị về một mức sàn chung cho thuế doanh nghiệp áp dụng trên phạm vi toàn cầu, đồng thời không loại trừ khả năng về mức thuế cao hơn 15%.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Washington, DC., ngày 28/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia, Bộ trưởng Yellen cho biết Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đang xem xét mức thuế tối thiểu đối với doanh nghiệp nước ngoài "cao hơn một chút" so với mức 16,5% vốn đã được Ủy ban Tài chính và thuế vụ Hạ viện Mỹ thông qua trước đó. Một khi mức thuế doanh nghiệp này được thông qua, Mỹ sẽ tuân thủ và thúc đẩy đạt được một thỏa thuận chính trị về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 10 tới để các nước sau đó sẽ nhanh chóng thực hiện.
Bộ trưởng Yellen cũng thừa nhận hiện vẫn còn một số ít quốc gia châu Âu không ủng hộ kế hoạch cải cách thuế toàn cầu như Ireland, Estonia hay Hungary. Tuy nhiên, bà bày tỏ tin tưởng những nước này cuối cùng sẽ thay đổi lập trường và sẽ tham gia thỏa thuận thuế của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Vấn đề cải cách hệ thống thuế toàn cầu đã được thống nhất trong các cuộc đàm phán do OECD khởi động tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20. Tại hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra tháng 7 vừa qua, các bộ trưởng đã nhất trí thông qua thỏa thuận về đánh thuế tối thiểu nhằm vào các tập đoàn đa quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Thỏa thuận này sẽ đặt ra một mức thuế chung ít nhất là 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp. Tuy nhiên, một vài điều khoản của thỏa thuận vẫn cần được giải quyết trước hạn chót vào tháng 10 khi các nhà lãnh đạo G20 hội đàm tại Rome (Italy). Hiện vẫn còn một số quốc gia tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận thuế toàn cầu, đặc biệt là Ireland và Hungary, hai nước lâu nay đã duy trì mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp. Cụ thể, Ireland hiện chỉ áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5% và Hungary là 9%.
AI và robot: Cuộc đối thoại giữa khoa học và xã hội Hội thảo đầu tiên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy (robot) vừa kết thúc sau 2 ngày diễn ra tại thành phố cảng Genoa (Italy). Nội dung chính của hội thảo là tăng cường hợp tác giữa các nhà hoạch định...