Xóa bằng được các “điểm đen” thiếu nước
Ngày 23-5, trước tình trạng mất nước sạch sinh hoạt cục bộ ở nhiều địa điểm trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã triệu tập gấp các cơ quan hữu quan để khắc phục ngay, không để người dân phải thiếu nước trong những ngày hè nóng nực.
Nước sạch tậm tịt, người dân phải kiếm từng xô nước về dùng
Nước yếu vì sợ vỡ đường ống
Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo vào thẳng vấn đề: “Người dân nhiều nơi đang phản ánh thiếu nước sạch sinh hoạt. Nếu không có bể chứa, dù chỉ mất nước 1 ngày cũng không thể sống được”. Liệt kê hàng loạt “điểm đen” thiếu nước sạch ở Thanh Xuân, Hoàng Mai… Chủ tịch UBND TP hỏi các đơn vị quản lý và cung cấp nước: “Các điểm mất nước người dân phản ánh đã khắc phục chưa, giải pháp nào? Bao giờ sẽ cấp đủ 100%, không để người dân tiếp tục phàn nàn thiếu nước. Các câu hỏi này phải được trả lời rõ ràng!”.
Điểm lại tình hình cấp nước trên địa bàn TP những ngày qua, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Lê Văn Dục cho biết, tại nội thành, còn khoảng 17 khu vực nước yếu do ở cuối nguồn và có cốt địa hình cao. Hiện nay, ngành nước đang tập trung dùng mọi giải pháp để cấp nước cho các điểm này. Tới sáng 23-5, các điểm này đều đã được khắc phục. “Mở rộng mạng cấp nước ai cũng muốn nhưng không có nguồn thì càng mở ra, áp lực nước càng yếu” – ông Lê Văn Dục trình bày.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên nhân chính dẫn tới thiếu nước cục bộ 2 tuần gần đây là do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch Sông Đà (Viwaco) sợ vỡ đường ống dẫn nước nên đã giảm áp lực cấp nước trên mạng truyền dẫn. “Vì an toàn nên Viwaco mới làm thế. Cộng thêm việc nhu cầu tăng vọt, người dân bơm hút nhiều nên tới cuối nguồn là hết nước” – ông Lê Văn Dục nói.
Giải trình trước lãnh đạo TP, ông Vũ Quý Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vinaconex, đơn vị chủ đầu tư tuyến ống sông Đà không thừa nhận việc giảm áp lực nước do sợ vỡ đường ống. Ông Vũ Quý Hà giải thích: “Áp lực giảm, nước yếu là do đầu nguồn dùng nhiều. Thêm vào đó, nhà máy nước còn bị cắt điện liên tục. Từ đầu tháng 5 tới giờ bị cắt tới 3 lần. Mỗi lần mất điện như thế, phải hơn 10 tiếng sau mới khôi phục được áp lực nước trên hệ thống truyền dẫn”.
Video đang HOT
Không đồng tình với giải trình của Vinaconex, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP lên tiếng: “Tình trạng thiếu nước cuối nguồn đúng như người dân phản ánh. Các điểm thiếu nước này phần lớn thuộc mạng lưới của Viwaco. Sự cố mất điện chỉ là một chuyện, thiếu nước chủ yếu do áp lực từ đầu nguồn đã bị giảm. Nếu vận hành đúng, cuối nguồn sẽ không thiếu nước. Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật”.
Không để người dân thiếu nước sạch
Về giải pháp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trước mắt, cần vận hành hệ thống ở mức tới hạn, tính toán tăng thêm áp lực nước. Vinaconex nên mời các chuyên gia tới để tính toán phương án phù hợp. TP sẽ làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đề nghị cấp điện đều đặn cho nhà máy nước. Tại các khu đô thị, các đơn vị cấp nước phải làm việc với Ban quản lý các toà nhà để có giải pháp cụ thể. Cùng với đó, các đơn vị cấp nước phải đặt biệt lưu ý chất lượng nước. “Nước đã thiếu lại không sạch nữa thì người dân không thể chấp nhận” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Chốt lại vấn đề, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nói, dù lượng nước sạch cung cấp đã tăng mạnh nhưng thực tế, trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều nơi đã xảy ra thiếu nước cục bộ. Chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, Chủ tịch UBND TP nói: “Nguồn nước sạch sông Đà dư thừa nhưng do hệ thống truyền dẫn, chúng ta không thể đưa đủ nước về nội thành, thành ra nơi thừa, nơi thiếu. Thêm vào đó, tỷ lệ thất thoát nước sạch hiện còn rất cao, tới 28-29%. Ngoài ra, còn tình trạng sử dụng nước rất lãng phí. Cuối nguồn không có nước trong khi đầu nguồn có người thiếu ý thức lại dùng nước máy để rửa xe vô tội vạ…”.
Về giải pháp khắc phục, xóa các “điểm đen” thiếu nước sạch, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, việc cải tạo, đấu nối mạng tới những nơi thiếu nước phải làm ngay, kể cả làm ban đêm, không để kéo dài tình trạng người dân kêu thiếu nước. Ở những nơi chưa thể mở rộng mạng, phải có giải pháp cấp nước bằng xe stec. Các đơn vị cấp nước phải vận dụng khoa học kỹ thuật, có giải pháp vận hành hợp lý để cân đối nguồn cấp nước. Yêu cầu các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm trong điều hành, Sở Xây dựng phải siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp dùng nước lãng phí. Cuối cùng, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng nước sạch. Đặc biệt, những nơi người dân phản ánh nước nhiễm Asen phải được kiểm tra ngay.
Theo ANTD
Hà Nội sẽ phạt nguội người vi phạm giao thông
Giám đốc Công an TP.Hà Nội đề nghị thành phố cho phép thí điểm phạt nguội đối với ô tô vi phạm an toàn giao thông và cấm cán bộ, công chức la cà ngoài quán trong giờ làm việc.
Cấm cán bộ công chức la cà trong giờ làm việc
Sáng qua, tại Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị về năm trật tự và văn minh đô thị 2014, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, đề nghị UBND TP cho phép được thí điểm phạt nguội đối với xe vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, sẽ tổ chức lắp đặt camera tại các nút giao thông để ghi lại hình ảnh xe vi phạm rồi chuyển hình ảnh đó đến bộ phận xử lý. Việc nộp phạt sẽ diễn ra khi chủ phương tiện đưa xe đi đăng kiểm theo hạn định.
"Trước mắt vì xe máy quá nhiều nên tôi đề nghị xử lý đối với xe ô tô. Cần phải làm để tạo sức răn đe các đối tượng coi thường luật pháp", ông Chung nói. Theo Giám đốc Công an Hà Nội, điều đầu tiên cần chấn chỉnh là phải cấm cán bộ, công chức la cà ngoài quán trong giờ làm việc để tăng cường kỷ cương hành chính.
Để thực hiện năm văn minh đô thị, Công an TP đã thí điểm cho người dân khai báo và làm hộ chiếu qua mạng, tăng cường kiểm soát an ninh trật tự tại các bến xe, chỉnh trang các phòng tiếp công dân tại trụ sở công an 29 quận, huyện, thị xã...
Ủng hộ chủ trương siết chặt kỷ luật, đại diện lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho hay đã yêu cầu tất cả cán bộ của phường, quận không được ngồi ăn uống tại các quán, hàng vi phạm trật tự đô thị. Quận Hà Đông đã yêu cầu tất cả trường hợp vi phạm phải tháo dỡ lều lán, mái che, mái vẩy vi phạm trước ngày 31/3.
Giám đốc Công an Hà Nội hôm qua đề xuất phạt "nguội" chủ phương tiện vi phạm luật giao thông.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết đã sắp xếp lại hệ thống chợ dân sinh theo hướng quy định giờ họp chợ, chứ không thể cứ họp tràn lan như hiện nay. "Xóa chợ tạm, chợ cóc ngay tại một số nơi cần lộ trình nên phải quy định thời gian để thuận lợi cho cả người mua và người bán", lãnh đạo quận Thanh Xuân nói.
Để xử lý tình trạng quảng cáo rao vặt tràn lan, UBND quận Thanh Xuân đã cho xây dựng tại 11 phường các điểm quảng cáo rao vặt công cộng. Quận Thanh Xuân cũng đề nghị xử lý mạnh đối với trường hợp xả rác ra đường, gây ô nhiễm môi trường cảnh quan.
Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho rằng, hiện nay, riêng tại quận này đã có 9 trạm trộn phục vụ các công trình xây dựng gây bụi và ô nhiễm rất lớn, nên thành phố cần kiểm soát chặt việc cấp phép cho các trạm trộn này.
Không khoan nhượng cán bộ vi phạm
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu cần sớm chấm dứt tình trạng thành phố bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư những con đường hiện đại, nhưng sau đó lại rơi vào nhếch nhác, hai bên đường tràn lan nhà siêu mỏng, siêu méo, biển hiệu quảng cáo. Nhiều tuyến phố cũ chưa được quản lý tốt đã ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường du lịch.
Ông Phạm Quang Nghị yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm, không hợp tác với chính quyền và thanh tra xây dựng. "Việc xử lý công trình sai phép có nơi còn chưa nghiêm. Không thể khoan nhượng với cán bộ vi phạm. Xây dựng đô thị văn minh hiện đại là yêu cầu cấp bách trước mắt và cả lâu dài", ông Nghị nói.
Liên quan nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng trong ngành đường sắt vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lưu ý việc cơ quan của Hà Nội cần nghiêm khắc xem xét các hợp tác, phối hợp trong triển khai các dự án đường sắt, vì đây là những dự án có vốn đầu tư lớn, "hấp dẫn" cán bộ cũng lớn.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao các mô hình phong phú của các quận, huyện trong triển khai năm văn minh và trật tự đô thị. Ông Thảo yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu tại các nơi xảy ra vi phạm trong trật tự đô thị, để xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.
Theo Zing/TPO
Án oan của cử nhân sư phạm vì 'tác động ngoại lực lên vùng kín'? Người đàn ông này đã đi hầu hết các cơ quan công quyền, từ Quảng Ngãi ra đến Hà Nội để kêu oan. Ông cho rằng bản án đã tuyên phạt không đúng người, đúng tội. Đã hơn 3 năm kể từ ngày ông Mai Ngọc Sơn (SN 1958, trú xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) bị kết án 9...