XKLĐ “chui” và nỗi ám ảnh kinh hoàng
An ninh bất ổn, công việc không ổn định, nỗi ám ảnh về bệnh sốt rét, xuất huyết,… những vấn đề nóng hổi đã được các lao động Việt tại Angola trao đổi trực tiếp với PV.
“Chưa sốt rét chưa biết Angola!”
Cộng đồng người Việt ở Angola trên facebook quy tụ gần 4.000 thành viên, chủ yếu là các công dân Việt đang sinh sống, làm việc tại quốc gia này.
Đây là diễn đàn chia sẻ những thông tin về tình hình bà con tại Angola, kết nối các lao động Việt Nam xa xứ.
Đây cũng chính là diễn đàn đã kêu gọi người dân Việt Nam tại Angola chung tay quyên góp tiền bạc để giúp đỡ, di chuyển các thi thể lao động xấu số về nước trong thời gian qua.
Phóng viên VietNamNet đã kết nối với Admin của diễn đàn cũng như nhiều thành viên, để cùng trao đổi những vấn đề nóng hổi trong công việc và cuộc sống của lao động Việt tại đây.
Anh Bùi Phi Long (xã Hòa Sơn, Đô Lương, Nghệ An) cho biết anh sang Angola đã được 1 năm, làm nghề xây dựng cho chủ thầu người Việt ở thủ đô Luanda.
“Lao động sang đây chủ yếu làm xây dựng, một số ít kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết đều sống tạm bợ, công trình nước sạch hiếm hoi, vấn đề ăn uống rất khó khăn” – anh Long cho biết.
Còn anh Phạm Ngọc Ánh cho hay: “Tôi qua đây 2 năm rồi, hiện làm ở Luanda. Cuộc sống ở đây rất khó khăn, ăn uống kham khổ, rau xanh không có, thực phẩm toàn đồ đông lạnh như gà Gô Trung Quốc nhưng không phải lúc nào cũng có. Thậm chí 2, 3 ngày anh em không có thức ăn để nấu nướng, phải ăn cơm trắng, cháo trắng để đi làm”.
Thi thể lao động Việt bị cướp giết chết ở Angola – Ảnh: Cộng đồng người Việt ở Angola
Video đang HOT
Điều kiện sống khắc nghiệt nên bệnh tật luôn hoành hành tại Angola. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với lao động Việt Nam là bệnh sốt rét.
Thời tiết Angola chia thành mùa mưa và mùa khô. Anh Lương Ngọc Tuấn (SN 1991, quê Hà Tĩnh) cho biết, hiện tại Angola đang bắt đầu vào mùa khô, bệnh sốt rét rất phổ biến.
“Em qua đây được 3 năm, rất nhiều lần mắc sốt rét. Bọn em ở đây đều nói vui với nhau là “chưa sốt rét chưa biết Angola” – Tuấn cho hay.
“Bệnh sốt rét không phải là ám ảnh mà là nỗi kinh hoàng của người lao động. Số người chết vì sốt rét còn nhiều hơn cả do cướp bóc” – anh Phạm Ngọc Ánh kinh hãi cho biết.
Làm chui lủi, ở tạm bợ
Lao động Việt Nam đến quốc gia này chủ yếu làm các công việc như xây dựng, photocoppy, đánh máy, bán quần áo, sửa chữa xe máy, kẻ móng tay chân.
Đặc biệt gần đây xuất hiện các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam qua Angola bán dâm cho người Việt và cả người bản địa.
Người Việt chủ yếu tập trung ở thủ đô Luanda và một vài thành phố khác. Phần lớn các lao động tập trung vào ngành xây dựng, làm công nhân cho các chủ thầu người Việt.
“Anh em ở đây thường chia làm nhiều nhóm cạnh tranh với nhau, bề ngoài thì vui vẻ nhưng bên trong thì giữ miếng với nhau, nhiều lúc đã xảy ra xô xát, dằn mặt nhau về công việc làm ăn”.
Các lao động Việt Nam qua Angola chủ yếu bằng đường du lịch, bất hợp pháp.
Các lao động Việt Nam qua Angola chủ yếu bằng đường du lịch, bất hợp pháp. Nguồn tin cho biết tại Angola, Cơ quan quản lý người nước ngoài (De Far) thường xuyên truy quét người nhập cư bất hợp pháp, do đó lao động Việt luôn sống, làm việc trong nơm nớp sợ hãi có thể bị bắt và trục xuất bất cứ lúc nào.
“Ở đây mỗi ngày có chừng 10 người Việt Nam bị bắt giữ. Hiện có hơn 500 lao động Việt bị giam giữ tại nhà tù Viana (Luanda) chờ trục xuất về nước. Đối với những người hết hạn Visto, muốn ra khỏi nhà tù phải nộp từ 5.000 – 7.000 USD, những người chưa hết hạn cũng phải đóng khoảng 3.000 USD để được ở lại làm việc.
Các lao động Việt Nam sang đây được hứa hẹn sẽ nhận khoảng 800 – 1.000 USD/1 tháng. Nhưng thực tế không phải như vậy khi tiền lương chủ yếu tính theo ngày làm trong khi công việc và cả chỗ ở cũng không ổn định. Chủ thầu lại không trả lương trong 5 – 7 tháng đầu nên ai nấy đều lâm vào cảnh khốn đốn. Nhiều vụ xung đột giữa lao động và chủ thầu đã xảy ra” – anh Phạm Ngọc Ánh cho biết.
Một nỗi lo lắng thường trực của lao động Việt là nạn cướp bóc. Thủ phạm thường là những người bản địa. Các lao động còn thuật lại những việc kinh hoàng khi bị người bản địa xông vào tận nhà cướp, ban đêm ít ai dám ra đường.
“Sang đây nhiều cái phải sợ: cảnh sát, cướp bóc, bệnh tật, chủ không trả lương, thất nghiệp không có việc làm… Tôi qua 1 năm mà chưa nhận được lương, chán lắm” – anh Thái Duy Chuẩn (quê Nghệ An) cho biết.
“Thư gửi mẹ” từ nửa vòng trái đất
Trong cộng đồng người Việt ở Angola, anh Nguyễn Soạn là lao động khá đặc biệt. Anh từng là chủ của một doanh nghiệp với 30 nhân công.
Tuy nhiên, đam mê kinh doanh sớm thất bại, anh nhập vào dòng người đổ xô sang Angola làm việc kiếm tiền trả nợ.
Sang xứ người chưa được nửa năm, anh chia sẻ: “Cuộc sống ở Angola gần giống với cuộc sống ở những… bãi vàng”.
Trước những áp lực bệnh tật, cướp bóc, bắt bớ xảy ra hàng ngày, người đàn ông “tam thập” này đã viết một bài thơ gửi về cho mẹ khiến cả cộng đồng ở đây xúc động:
“Nợ người cũng lớn chứ không Nghĩ nhiều cũng chẳng nên công trạng gì Đành bay sang xứ châu Phi Trước nhẹ đầu óc, sau vì tương lai …. Khó khăn tủi nhục nổi chìm Gian khó phải chịu cấm tìm rút lui Đêm nằm nhớ mẹ bùi ngùi Nhớ lời cha dạy sụt sùi tiếc thay Giàu ba mươi tuổi chớ hay Khó ba mươi tuổi thì mày đừng lo
Bây giờ chẳng lấy gì so Lời cha mẹ dạy còn to hơn trời Nghĩ về cha mẹ lệ rơi Cầu Phật cha mẹ được vơi nỗi buồn Nơi này con vẫn luôn luôn Thương cha nhớ mẹ buồn nhiều hơn vui Ngày qua đêm lại giật lùi Con luôn cố gắng đẩy lùi khó khăn… “
Và đó âu cũng là tâm trạng của hầu hết lao động Việt trên đất Angola, đang ngày ngày cố gắng “bám trụ”, chui lủi kiếm tiền gửi về trả nợ.
Theo 24h
Đi XKLĐ "chui": Trở về chỉ nắm tro tàn
Chỉ trong vài tháng, lao động quê Nghệ An liên tiếp tử vong tại Angola. Những vùng quê nghèo xao xác. Nỗi đau buốt lòng. Vành tang trắng thêm nặng trĩu bởi nỗi lo nợ nần của thân nhân người quá cố.
Đi trai tráng, về trong quan tài!
Như những thước phim đẫm nước mắt, chiếu chậm tại các làng quê nghèo xứ Nghệ, nhân vật chính là những ông bố, bà mẹ thẫn thờ ngóng con, người vợ trẻ ngơ ngác đợi đón thi thể chồng,... sau khi đau đớn nhận "tin báo tử".
Xin bắt đầu từ gia cảnh người vợ góa Hoàng Thị Hiền (phường Nghi Hòa, TX. Cửa Lò, Nghệ An).
Hơn một năm trước, chồng chị là anh Nguyễn Công Nguyên theo một đường dây "chui" xuất khẩu sang Angola, để lại niềm hi vọng đổi đời của bố mẹ già, vợ trẻ con thơ.
Một năm, mộng ước đổi đời đột ngột sụp đổ trong nước mắt. Gia đình bàng hoàng khi nhận được tin báo từ Angola cho biết anh Nguyên đã tử vong sau khoảng thời gian ngắn chống chọi bệnh sốt xuất huyết.
Đến gia đình anh, thấy bà cố nội gần 90 tuổi khóc cháu trên giường, ông bố lụi hụi dựng tạm bàn thờ cho đứa con trai độc nhất. Chị Hiền ngơ ngác trước bàn thờ, nhìn di ảnh chồng như muốn tự an ủi rằng chồng mình vẫn sống!
"Tội lắm anh ơi! Ở nhà thì khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì. Em đã dặn cố gắng giữ gìn sức khỏe, làm việc vừa sức thôi mà... " - không có tiếng khóc nào xót xa hơn nước mắt của góa phụ trẻ.
Người mẹ của lao động xấu số Nguyễn Đức Cao khóc òa trước di ảnh con trai
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Sỹ Đại (xóm 7, Nghi Kim, TP. Vinh) cũng chìm trong tang thương, khi người con trai là Nguyễn Đức Cao (SN 1988) tử vong tại Angola vì sốt rét.
Cao vừa sang Angola chưa được 3 tháng, công việc chưa đâu vào đâu. Nỗi đau của gia đình ông Đại càng lớn gấp bội khi trước đó, đứa con trai cả của ông bà cũng tử vong trong khi đi làm thuê ở miền Nam, chưa đoạn khăn tang.
Đến ngày 5/4, thi thể của 2 lao động xấu số này lần lượt được di chuyển về nhà.
Người ra đi, nợ nần ở lại
Ông Nguyễn Công Hợp, bố lao động Nguyễn Công Nguyên cho biết, con trai ông đi xuất khẩu lao động đi Angola theo đường du lịch từ hơn 1 năm trước với chi phí 6.000 USD.
"Nó là con trai duy nhất của tôi. Vừa cưới vợ được mấy tháng thì nó đi xuất khẩu. Nó chết mà chưa một lần được nhìn mặt đứa con đầu" - ông Hợp khóc bên bàn thờ con.
Theo thông tin từ gia đình, anh Nguyên đi Angola theo một đường dây trong xã. Lời hứa ban đầu là sẽ có thu nhập 800 - 1.000 USD/1 tháng.
Tuy nhiên, sau 6 tháng làm việc, anh chỉ được trả 3.000 USD nên chuyển ra làm cho một chủ thầu xây dựng khác.
Dịp Tết vừa rồi, gia đình hoang mang khi có tin từ Angola thông báo anh Nguyên bị sốt xuất huyết nặng phải nhập viện điều trị.
Gia đình tất bật ngược xuôi vay được 6.000 USD gửi sang để trả viện phí với hi vọng anh chóng khỏi để về nước.
Tuy nhiên, đến ngày 9/3, gia đình sững sờ đón nhận hung tin. Anh Nguyên đã không thể qua khỏi.
Đau đớn hơn, thi thể anh sẽ chỉ được đưa khỏi bệnh viện nếu thanh toán đủ số tiền viện phí 153.000 USD (xấp xỉ 3,5 tỷ đồng).
Nhờ sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Angola, sự can thiệp của sứ quán Việt Nam, thi thể anh Nguyên đã được đưa về nước.
Số tiền vay lúc xuất khẩu lao động trở thành món nợ khổng lồ với gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mai và 2 đứa con, cùng người thân đau đớn trước cái chết của anh Phan Văn Sơn
Cùng chung số phận, ngày 12/4, chị Nguyễn Thị Mai (SN 1977, Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) cùng 2 đứa con nhỏ chết lặng khi nhận được hung tin anh Phan Văn Sơn, chồng, cha của 3 mẹ con vừa tử nạn tại Angola.
Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nghi ngút khói hương và những lời khóc than não nề.
Anh Sơn sang Angola được hơn 1 năm với chi phí 6.000 USD vay mượn, số tiền gửi về chưa đủ để vợ con trả nợ. Chị Mai rụng rời khi được biết số tiền để đưa thi thể chồng về lên đến hơn 500 triệu đồng!
Nghệ An kiểm tra, rà soát số lao động đi Angola
Ngày 8/4, ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An đã ký văn bản gửi các phòng LĐTBXH cấp huyện, thị, thành phố trực thuộc, yêu cầu kiểm tra, thống kê tổng số lao động đi Angola bất hợp pháp trên địa bàn.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng có văn bản yêu cầu UBND các cấp quản lý chặt chẽ việc XKLĐ trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng, đường dây tổ chức đưa lao động đi Angola trái phép.
Cơ quan chức năng cho biết, trước nay việc quản lý, khống chế việc xuất khẩu "chui" đi Angola thường là bất khả thi do diễn biến quá phức tạp, người dân nghèo tại các làng quê vốn biết rất ít về thông tin nên dễ dàng gật đầu đi theo các đường dây lừa đảo.
Thông tin từ người Việt tại Angola báo về, vừa đặt chân xuống sân bay nước bạn các lao động đã phải tự xoay sở.
Nhiều người đã bị bắt ngay và trục xuất về nước.
Ước tính, có khoảng 1 vạn lao động Nghệ An đang mưu sinh tại Angola.
Theo 24h
LĐ tử nạn tại Angola: Gia cảnh bần hàn Mơ ước đổi đời đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh bi thương mất con, mất chồng, nợ nần chồng chất... PV đã tìm về gia đình các nạn nhân người Nghệ An là lao động "chui" ở Angola chẳng may tử nạn, để chia sẻ nỗi đau tột cùng của những số phận đang "ngồi trên đống nợ". Đón con...