XK 10 tỷ USD, nhưng chỉ 5% nhân lực ngành gỗ có trình độ… đại học
Thị trường xuất khẩu (XK) của ngành gỗ Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ khi XK trực tiếp sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng trước nhiều cơ hội và thị trường rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm, nhưng một cản ngại không nhỏ với ngành này là đang thiếu hụt lao động trầm trọng.
Tăng trưởng ngoạn mục
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), thống kê đến tháng 9/2019, cả nước có 5.539 doanh nghiệp (DN), 340 làng nghề sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm gỗ và lâm sản; 398 DN sản xuất các loại ván nhân tạo; 53 DN sản xuất pallet; 23 DN sản xuất viên nén năng lượng và 192 DN sản xuất dăm gỗ.
Trong tổng số 5.539 DN chế biến gỗ, lâm sản có 662 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 4.877 DN nội. Số DN trực tiếp XK lâm sản là 2.372, tăng trên 500 DN so với năm 2018.
Chế biến gỗ vươn lên thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: T.L
Hiện nay đồ gỗ Việt Nam đã XK trực tiếp sang trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch XK đồ gỗ; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu. Nhiều DN có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.
Video đang HOT
Các thị trường XK lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Giá trị XK gỗ và lâm sản có mức tăng trưởng ổn định từ 17 – 19% qua các tháng. Trong đó, gỗ tăng 10,6% và sản phẩm gỗ tăng 19,5% so với cùng kỳ do các đơn hàng từ các thị trường như Mỹ, Nhật Bản và EU tăng cao và ổn định; một số mặt hàng có giá bán XK cao hơn như dăm gỗ đạt trung bình 137 USD/tấn, tăng hơn khoảng 10 USD/tấn so với năm 2018, đã đưa giá trị XK dăm gỗ tăng hơn 26,2% so với cùng kỳ 2018.
“Khát” nhân lực chất lượng cao
Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam” tổ chức tại TP.HCM chiều 27/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công nhận định, nhu cầu thị trường về gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngày càng cao nhưng trong thời gian qua, ngành gỗ vẫn chưa đáp ứng được.
Bước vào giai đoạn công nghiệp hóa nhưng ngành gỗ chỉ có khoảng 5% lao động có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 30%. Không chỉ thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao, ngay cả lao động phổ thông cũng thiếu hụt một số lượng không nhỏ. Một số DN sản xuất tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… thậm chí còn phải thuê nhân lực phổ thông ở nước ngoài về phục vụ sản xuất, chế biến.
Bên cạnh đó, mặc dù kim ngạch XK gỗ những năm vừa qua tăng trưởng cao nhưng chủ yếu nằm ở nhóm hàng gỗ nguyên liệu, đặc biệt là viên nén gỗ, dăm gỗ… trong khi số lượng rừng trồng có chất lượng, có chứng chỉ để đưa vào XK còn hạn chế. Theo ông Cao Chí Công, muốn cải thiện điều này thì phải cải thiện công tác giống. Ngoài ra, nếu muốn mở rộng được quy mô sản xuất, các DN buộc phải học cách thích ứng với các tiêu chuẩn, hiệp định của thế giới và vượt qua các rào cản thương mại.
Về chính sách đầu tư và thu hút đầu tư của ngành chế biến gỗ, lâm sản, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, những chính sách của Nhà nước trong việc thu hút đầu tư ngành chế biến gỗ tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc tiếp cận, thực hiện những chính sách còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do Nhà nước không đủ kinh phí để thực hiện; điều kiện để được hưởng những chính sách này còn phức tạp, chưa hấp dẫn DN… Đặc biệt, Việt Nam có quá ít trung tâm nguyên liệu để phục vụ cho ngành gỗ.
Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của Việt Nam. Thêm vào đó, Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan. Đây đều là những cơ hội rất tốt để các DN gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Trong 10 năm tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, XK sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế với các con số cụ thể là: Kim ngạch XK gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 dự kiến đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 – 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 – 20 tỷ USD; từng bước tăng tỷ trọng XK sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch XK.
Theo Danviet
Chủ tịch mới của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam là ai?
Trong danh sách Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) nhiệm kỳ 2019-2024, bên cạnh các lãnh đạo doanh nghiệp ngành gỗ, điểm đáng chú ý là có ông Cao Chí Công hiện đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).
Ngày 18/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV (2019 - 2024) nhằm tổng kết nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, đồng thời đưa ra phương hướng hoạt động, chương trình, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2019 - 2024).
Theo đó, Ban thường vụ Vifores nhiệm kỳ IV (2019-2024) gồm 21 thành viên. Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội là ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt. Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Vifores là ông Ngô Sỹ Hoài.
Ban thường vụ Vifores nhiệm kỳ mới ra mắt.
Ngoài ra, Vifores gồm 7 Phó chủ tịch khác là các ông: Nguyễn Quốc Khanh, Điền Quang Hiệp, Lê Minh Thiện, Lê Xuân Quân, Huỳnh Quang Thanh, Vũ Hải Bằng, Cao Chí Công.
Đáng chú ý, trong danh sách Phó Chủ tịch Vifores nhiệm kỳ này, bên cạnh các lãnh đạo doanh nghiệp ngành gỗ, có ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).
Thời gian qua, trong quá trình hoạt động, Vifores đã thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng; tham gia ý kiến sửa đổi các bộ luật liên quan đến ngành gỗ và lâm sản; tham vấn nhiều chính sách thiết thực, hỗ trợ tích cực giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp... Tuy nhiên, hoạt động của hiệp hội cũng còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực, kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại...
Chính vì thế, trong thời gian tới Ban chấp hành sẽ thực hiện nhiều hoạt động nhằm sự gắn kết chặt chẽ giữa người trồng rừng, doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gỗ và lâm sản đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài; tập huấn cho các doanh nghiệp về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam; tham gia xây dựng biểu thuế xuất nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)...
Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Vifores sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp triển khai tốt nhiều nội dung, trở thành một trong những địa chỉ đáng tin cậy, thu hút nhiều doanh nghiệp trở thành hội viên hiệp hôi; tham vấn nhiều hơn cho Tổng cục trong xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là chiến lược quy hoạch ngành lâm nghiệp, nhấn mạnh vào khâu chế biến gỗ.
Theo Danviet
Doanh nghiệp gỗ Trung Quốc ồ ạt sang VN: Lo ngại gian lận xuất xứ Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, những cảnh báo về gian lận xuất xứ cho thấy, nếu ngành chức năng không kiểm soát chặt thì thương hiệu, uy tín gỗ Việt có...