Xin ý kiến xử lý tài sản bất minh: Không phương án nào quá bán
Xử lý tài sản bất minh qua toà án hay thu thuế đều chưa nhận được sự đồng tình của trên 50% đại biểu qua phiếu xin ý kiến…
Một trong những vấn đề ý kiến còn rất trái chiều trong nhiều phiên thảo luận là xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc
Có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 45,93% số đại biểu tham gia cho ý kiến tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
Tổng thư ký Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo đó, tính đến ngày 9/11 đã có 456/485 vị đại biểu Quốc hội thể hiện ý kiến của mình và gửi về Ban Thư ký.
Vẫn ngổn ngang
Một trong những vấn đề ý kiến còn rất trái chiều trong nhiều phiên thảo luận là xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc (điều 52).
Kết quả xin ý kiến có 209/456 đại biểu, chiếm 45,93% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số đại biểu) tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. Theo đó, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị tòa án xem xét, quyết định. Phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ được thu hồi cho Nhà nước.
Có 156/456 ý kiến đại biểu, chiếm 34,21% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 32,16% tổng số) tán thành với phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc theo quy định của pháp luật về thuế.
Ngoài ra, có 40/456 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Theo đó, nếu cơ quan nhà nước chứng minh được tài sản do vi phạm pháp luật, tội phạm mà có thì thu hồi hoặc tịch thu sung công; nếu chứng minh được dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
13 ý kiến tán thành với việc cần thiết phải xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, nhưng còn băn khoăn với các phương án của dự thảo Luật.
1 ý kiến đề nghị giao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tịch thu tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
1 ý kiến đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu xác định tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra để xử lý.
Video đang HOT
2 ý kiến đề nghị ban hành và áp dụng đồng bộ với Luật Đăng ký tài sản, 3 ý kiến đề nghị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để có phương án khả thi trước khi thông qua.
1 ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với từng thời kỳ.
31 vị (chiếm 6,39% tổng số đại biểu) không thể hiện chính kiến của mình.
Cần cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập
Nội dung thứ hai được xin ý kiến là về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì kết quả khá tập trung.
Có 330/456 ý kiến đại biểu, chiếm 72,36% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 68,04% tổng số đại biểu) tán thành với phương án 1 là: giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.
Có 83/456 ý kiến đại biểu, chiếm 18,24% số đại biểu tham gia tán thành với phương án 2. Theo đó, giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức ở cả trung ương và địa phương. Thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.
Ngoài ra, có 7 vị đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành và một số vị có ý kiến khác, trong đó 5 đại biểu đề nghị thành lập cơ quan độc lập thuộc Quốc hội hoặc giao cho Ủy ban Tư pháp thực hiện.
Theo chương trình, sáng 20/11, ngay sát giờ bế mạc, Luật Phòng chống tham nhũng sẽ được Quốc hội bấm nút biểu quyết.
Theo vneconomy
'Truy' tài sản bất minh: Không thể áp dụng quyền công dân thông thường
Nêu giải pháp xử lý tài sản bất minh không giải trình được, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng chủ thể của khối tài sản này là chủ thể đặc thù - người có chức vụ, quyền hạn, do vậy phải chịu trách nhiệm khác với công dân bình thường.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: TTXVN
Thảo luận tại Quốc hội chiều 25.10 về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu vẫn có quan điểm khác nhau về việc xử lý tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Thu thuế hay ra tòa đều không đảm bảo?
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cả hai phương án như dự thảo luật đều không đảm bảo. Nếu khẳng định rằng sử dụng tòa án hành chính thì ở đây không có khái niệm tòa án hành chính, phải sử dụng tố tụng dân sự. Nếu sử dụng khái niệm thu hồi tài sản thì có nghĩa đã khẳng định rằng đó là tài sản không hợp pháp. Vậy, sẽ giải quyết mối quan hệ này như thế nào? Nếu không có cơ sở thì rất nguy hiểm.
"Nếu chuyển cho toà thì đang vô tình "hình sự hoá trá hình" các vụ việc dân sự. Đánh thuế cũng không ổn bởi sẽ gây ra tình trạng thuế chồng thuế. Nếu tài sản trong diện nghi vấn thì dứt khoát phải tiến hành điều tra, nếu điều tra thấy tham nhũng thì cho thu hồi", ông Nhưỡng nói.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh: VPQH
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng không thể nói vì tài sản đó chủ sở hữu không chứng minh được nguồn gốc mà thu hồi hoặc giao cho toà án xử lý.
"Điều này liệu có vi phạm Hiến pháp không? Pháp luật đã quy định mọi người có quyền sở hữu tài sản và được pháp luật bảo hộ. Không chứng minh được vi phạm mà tiến hành thu hồi thì không đủ cơ sở để thực thi, dễ gây ra sự chống đối", ông Phương nói và đồng ý với phương án thu thuế.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng thuế thu nhập cá nhân xét về tính chất thì không phải là công cụ trực tiếp trong công tác phòng, chống tham nhũng và cũng không mang ý nghĩa răn đe hay ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Trong khi đó, đối với tài sản có được bởi hành vi tham nhũng, nếu như áp dụng với thuế suất 45% thì lại quá nhẹ. Nhưng nếu như đối với tài sản vì một lý do nào đó mà không chứng minh được nguồn gốc mà áp dụng thuế suất 45% thì lại rất nặng. Hệ lụy trong trường hợp này có thể để lọt tội phạm và không đảm bảo tính công bằng.
Theo bà Mai, nếu cứ xem tài sản thu nhập giải trình chưa hợp lý là đối tượng chịu thuế thì với đặc thù của kinh tế tiền mặt như hiện nay, công cụ để tổ chức thực hiện chưa sẵn sàng, tính khả thi cũng chưa cao.
Cần phải ra cơ quan điều tra
ĐB Võ Đình Tín (Đăk Nông) cho rằng, trách nhiệm của cán bộ, công chức là phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
"Đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tòa án sẽ ra quyết định thu hồi tài sản tăng thêm cho Nhà nước. Song, trước khi chuyển cho tòa án cần phải chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ căn cứ pháp lý để tòa án phán quyết chính xác", ông Tín nói.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), không kê khai tài sản tức là cố tình che giấu, cố tình gian dối. Trường hợp này phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí là tịch thu và xử lý kể cả về mặt hành chính.
Đối với tài sản kê khai không chứng minh được nguồn gốc nhưng cơ quan quản lý thấy có dấu hiệu bất minh thì phải chuyển tài sản đó cho cơ quan điều tra. Còn nếu cơ quan quản lý không phát hiện ra dấu hiệu bất minh thì tài sản này sẽ chuyển qua cơ quan thuế để thu thuế theo phương án 2.
Theo ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) chủ thể của khối tài sản này là chủ thể đặc thù, đó là những công chức, người giữ chức vụ, quyền hạn, do vậy phải chịu trách nhiệm khác với công dân bình thường.
Vì vậy, không thể áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội ở trong trường hợp này. Theo đó, dù phương án 2 hay phương án 1 thì bản chất của việc này là tịch thu tài sản đối với tài sản không giải trình được một cách hợp lý.
"Những tài sản này không chỉ liên quan đến công chức mà còn liên quan đến tài sản chung của cả gia đình, vì vậy, việc kết luận tài sản này không giải trình được một cách hợp lý nên để tòa án và chỉ có tòa án mới đảm bảo sự minh bạch", ông Thành nói.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), cán bộ, công chức nhiều trường hợp không thể sống và lo cho gia đình bằng thu nhập từ lương, cho nên thu nhập ngoài lương là bình thường. Theo đó, nhiều người đã giàu lên nên chuyện cán bộ, công chức giàu không phải là chuyện kỳ thị. Vấn đề là thu nhập ngoài lương và giàu lên này phải hợp pháp.
Ở nhiều quốc gia tư bản, tài sản hợp pháp phải dựa trên thu nhập hợp pháp. Yêu cầu đối với công chức cao hơn với người dân bình thường nên tính minh bạch rất cao, đi vào từng khoản thu nhập nhỏ, siết vấn đề quà cáp rất ghê gớm.
"Không thể dùng quyền tài sản, quyền công dân thông thường để áp dụng một công chức. Đối với nước Đảng cộng sản lãnh đạo chúng ta, những người cộng sản thì không thể đặt ra tiêu chuẩn về hợp pháp và minh bạch thấp hơn nước tư bản được", ông Nghĩa nói.
Do đó, ông Nghĩa đề nghị chia tài sản bất minh ra nhiều loại. Thứ nhất, cán bộ không khai báo trước hết vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức. Nếu đó là tài sản hợp pháp thì không xử lý.
Còn khi tìm hiểu thấy tài sản có vấn đề, có thể là không đóng thuế thì sẽ phải thu thuế thu nhập. Những bất minh dạng này có thể xử ở mức độ hành chính, thậm chí không đưa vào xử lý tài sản. Có trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra. Nếu điều tra ra tài sản đó là hợp pháp thì không tịch thu tài sản, nhưng nếu điều tra xác minh là có tội thì tịch thu tài sản đó.
Lam Thanh
Theo motthegioi
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội: Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình! "Thực tế khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản vừa qua có thể thấy nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không giải trình được nguồn gốc, nhà nước cũng không có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Về phía dư luận thì người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng...